THƯ MỤC

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Đền Sinh - Ngôi đền kỳ lạ - Ngôi đền cầu con

Đền Sinh, hay còn gọi là đền Mẫu Sinh ở thôn An Mô (xã Lê Lợi, Chí Linh, Hải Dương) xưa nay được mệnh danh là nơi "ban con" rất linh thiêng cho những cặp vợ chồng không may vướng phải cảnh hiếm muộn. 

 

 

Cổng Đền Sinh

 

       Cách đó không xa, khoảng 1 km là đền Hóa tạo nên một quần thể di tích linh thiêng Đền Sinh, Đền Hóa đều thờ Thánh Phi Bồng. Đền Sinh là nơi ngài được sinh ra, đền Hóa là nơi ngài về trời.

     Đền Hóa, Đền Sinh là một phần của khu tâm linh Côn Sơn, Hải Dương.

Thần tích Thánh Phi Bồng

       Chuyện kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng hiếm muộn là Chu Thức và Hoàng Thị Ba, đã bước sang tuổi ngũ, lục tuần mà vẫn chưa có mụn con để nối dõi tông đường. Một hôm hai người ngủ tại chùa thì mộng thấy một vị sứ giả đến ứng mộng nói rằng: Ta là Sơn Thần, phụng sắc chỉ Ngọc Hoàng giáng trần báo cho vợ chồng ngươi biết là sau này sẽ có sao xuống đầu thai vào nhà ngươi để giúp dân, cứu nước! Sáng hôm sau, họ ra đến cửa chùa thì bỗng thấy một vết chân người rất lớn. Ông Chu ướm thử không vừa, bà Ba ướm vào thì tự nhiên vết chân biến mất, về nhà một thời gian sau thì bà Ba có thai, sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Hiện, tự Phúc Uy. 

 

Đền Trình trong Đền Sinh

 

       Phúc Uy 15, 16 tuổi đã văn võ song toàn. Năm 19 tuổi thì theo Lý Nam Đế đi dẹp giặc và được phong là Vũ Đại tướng quân và giao cho trấn giữ vùng Hải Dương, ông tử trận trong một trận chiến  và được người dân tôn kính lập đền thờ. Sau này, vua Lý Thái Tông đi qua Hải Dương, nhiều lần được thần Phi Bồng ứng báo, giúp đánh thắng giặc Chiêm nên đã ban sắc phong Yên Mô thành “Phấn Lôi” để tỏ lòng nghi nhớ công lao thần Phi Bồng.

Hậu cung kỳ lạ của đền Sinh - Thần tích về Thánh Mẫu Thạch Bàn

        Ngay trong gian hậu cung của đền Sinh có một phiến đá to được cho là mang hình của người phụ nữ đang lâm bồn, người dân cung kính gọi là Đức Thánh mẫu Thạch Bàn. Vì hình dạng phiến đá khá “tế nhị” nên những năm gần đây, nó được xây nhà bao quanh và che chắn cẩn thận, ít ai được trực tiếp mục sở thị. Nhưng hàng ngày, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết vẫn có rất đông du khách kéo đến đây, và chủ yếu với mục đích “cầu con”, bởi ngôi đền từ lâu được cho là rất linh thiêng trong “ban con” cho những người hiếm muộn.

 

Lối vào Đền Sinh

 

 

        Theo những người trông coi ngôi đền, trước đây phiến đá lộ thiên và những người xin con thì luôn cố gắng sờ vào vào để mong muốn thần phù hộ, nhưng mới đây, do thấy hình thú phiến đá khá “tế nhị” nên Ban quản lý khu di tích đã cho xây một ngôi nhà ba gian bao quanh phiến đá, đồng thời phủ một tấm rèm mỏng để che chắn cẩn thận, vì vậy người thăm viếng ít có dịp chiêm ngưỡng Đức Thánh mẫu Thạch Bàn. Phiến đá cao chừng hơn 3m, rộng khoảng 5m, có hình dáng như người phụ nữ đang nằm ngửa trong lúc lâm bồn. Trên đầu phiến đá có hình tròn tượng trưng cho đầu. Hai khối đá tròn nhỏ phía dưới được xem như là bầu ngực.

 

 

Khung cảnh trong đền Sinh

 

 

      Tiếp xuống là hai khối đá lớn, dài, có hình dáng giống hai chân đang co gập gối. Giữa hai phần đùi có hai khối đá nhỏ tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và một khối đá nhỏ khác được cho là hài nhi đang chui ra từ cửa bát nhã. Hai khối đá mé ngoài là bàn chân. 

 

Thần tích về Thánh Mẫu Thạch Bàn sinh ra Thánh Phi Bồng

     Ngày xưa, có đám trẻ con đang chơi dưới chân núi đền Sinh bây giờ bỗng nghe thấy có tiếng khóc bèn gọi nhau tới xem thì thấy một hài nhi dáng vẻ khôi ngô, thiên tư dĩnh ngộ ngồi ở chỗ hòn đá to bằng hai cái chiếu nứt đôi, tiếng khóc như chuông. Bọn trẻ thấy vậy lấy nón che đầu làm lọng rồi giữ tay nhau làm kiệu rước về làng. 

 

Đường lên miếu thờ Cô Bé Thạch Bàn trong Đền Sinh

 

 

      Đang đi bỗng nhiên mưa gió sấm chớp đùng đùng, cát bay, đá cuộn khắp nơi, hài nhi hét lên một tiếng rồi bay thẳng lên trời, chỉ nghe trên không trung có tiếng vọng lại “Ta là Phi Bồng Hạo Thiên Đại tướng quân giáng hạ”. Người địa phương lấy làm kinh hãi, bèn bảo nhau lập miếu thờ. Từ đó ở trang Yên Mô, trang Chi Ngãi cùng các trang lân cận làm ăn càng ngày càng phát đạt, già trẻ mạnh khoẻ vui tươi, nhiều người mơ thấy thần Phi Bồng hiện về an ủi dân chúng làm ăn. Vì thế người dân mới lập hai ngôi đền: Đền Sinh - nơi sinh ra thần Phi Bồng, cũng là nơi có phiến đá hình sản phụ đang sinh nở (gọi là Đức Thánh mẫu Thạch bàn) và đền Hóa – nơi Thần hóa về trời.

 

Sự linh thiêng trong cầu con ở Đền Sinh

        Cụ Phạm Văn Được là người có thâm niên viết sớ cầu con gần 20 năm tại cửa đền Sinh. Cụ Được cũng có thói quen ghi chép lại tên, tuổi, địa chỉ, thậm chí điện thoại liên hệ của những cặp vợ chồng mà cụ viết sớ cho. Thông thường, theo tục thì những cặp vợ chồng đến đây lễ xin con, nếu được thì sẽ phải quay lại làm lễ tạ và cụ cũng ghi chép lại thông tin về những người đến làm lễ tạ. Nhiều trường hợp khách ở xa, khi đậu thai chưa có điều kiện đến làm lễ còn gọi điện nhờ cụ làm lễ tạ giúp, khi nào có điều kiện sẽ tự đến tạ sau. Cũng nhờ việc ghi chép cẩn thận, cụ Được cho rằng đó chính là cơ sở để thống kê số ca “xin” được con. Cụ cho biết, bình quân mỗi năm có khoảng 70% số cặp vợ chồng đến xin con quay lại làm lễ tạ, có nhưng năm đột biến con số lên đến gần 100%. Như năm Quý Mùi (2003) có 365 trường hợp đến xin con thì có 325 trường hợp quay lại làm lễ tạ…

Miếu thờ Quan Sơn thần trong Đền Sinh

 

         Cụ Được cho biết mỗi người nhờ cụ viết sớ là một hoàn cảnh khác nhau, đa phần trong số họ là những cặp vợ chồng hiếm muộn, có những người có hoàn cảnh vô cùng éo le. Công việc viết sớ ở đền mang lại cho cụ thu nhập, nhưng đó cũng là niềm vui, cụ nói đùa rằng, nhờ viết sớ ở chân đền Sinh mà đến giờ cụ đã có người thân ở khắp mọi nơi. Có những cặp vợ chồng lấy nhau đã gần chục năm, suýt bỏ nhau vì chưa có con, thế mà đến đây lễ, ít lâu sau lại đến nhờ cụ viết sớ tạ. Có người xin một lần thì lần sau đã đến tạ, nhưng cũng có những người phải 4-5 lần mới được…


Đền Mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu  Đồng Đăng nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4 km.  Đền Mẫu Đồng Đăng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Đền còn gọi là "Đồng Đăng Linh Từ". Đây là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử.

Cổng Đền Mẫu Đồng Đăng

 

      Nơi đây, theo tương truyền là nơi gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, sau khi ông đi sứ Trung Quốc về.

 

       Không gian thờ của Đền Mẫu Đồng Đăng

 

       Đến đền Mẫu Đồng Đăng, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ kính và linh thiêng này, mà còn là cơ hội để du khách tách mình ra khỏi phố xá ồn ào, cuộc sống bon chen để tận hưởng những giây phút thư thái, thoải mái. Bên cạnh đó, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng hòa lẫn sự hùng vĩ nơi đây cũng sẽ đem cho du khách những cảm nhận tuyệt vời và ấn tượng khó phai.

 

Mặt trước Đền Mẫu Đồng Đăng

 

        Đền Mẫu Đồng Đăng có một Tam Quan vào hạng Tam Quan đẹp và hoành trang nhất các đền phủ ở Việt Nam. Đền Mẫu Đồng Đăng gồm có 5 gian thờ chính:

 

  • Phía trong cùng là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm.

  • Kế tiếp phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, nơi thờ Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ;

  • Tiếp theo là gian thờ Sơn trang gồm Chúa Thượng ngàn ở giữa, hai bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín;

  • Gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục;

  • Gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu….

 

Thần tích về Đền Mẫu Đồng Đăng

  

      Đền Mẫu Đồng Đăng là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Ngoài ra, nơi đây còn lưu truyền câu chuyện gặp gỡ cảm động giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan, khi ông vừa đi sứ Trung Quốc trở về.

 

Đền Mẫu Đồng Đăng ngày lễ đầu xuân

    Tục truyền rằng Liễu Hạnh khi giáng sinh lần thứ hai ở đất Phủ Dày, làm con ông bà Lê Thái Công và Trần Thị Phúc, có tên là Lê Giáng Tiên. Lê Giáng Tiên kết duyên với Trần Đào Lang và có hai con. Năm 1577, Giáng Tiên hóa, khi 21 tuổi.

     Giáng Tiên về trời đúng hạn định theo lệnh của Ngọc Hoàng. Nhưng khi nàng đã ở trên trời thì lòng trần lại canh cánh, ngày đêm da diết trong lòng nỗi nhớ cha mẹ, chồng con nên nàng muốn xuống trần gian lần nữa. Cứ như thế, thỉnh thoảng nàng lại hiện về, làm xong các việc rồi lại biến đi. Ròng rã hàng chục năm sau, cho đến khi con cái khôn lớn và Đào Lang công thành danh toại, nàng mới từ biệt để đi chu du thiên hạ.

 

Ngôi đền mẫu Đồng Đăng nhìn từ Tam Quan

    Trong những dịp hay ngao du sơn thủy đến các thắng cảnh của nhiều vùng. Đến Lạng Sơn, thấy bên núi có ngôi chùa phong cảnh hữu tình với những rặng thông xanh cao vút, những khóm nhược lan tươi đẹp nhưng lại bị cỏ lấp dấu chân, bia phủ rêu xanh, tượng Phật bụi mờ ít người qua lại vãn cảnh, Liễu Hạnh không vui. Nàng ngồi tựa gốc cây thông gẩy đàn, cất tiếng hát, ca ngợi thú sơn lâm và đón đợi Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, khi ông vừa đi sứ bên Trung Quốc về. Mượn chuyện văn thơ, đối đáp chữ nghĩa, nàng đã nhắc khéo ông Trạng Nguyên cho tu bổ lại ngôi chùa đẹp nhưng bị bỏ hoang nơi vùng biên ải này. Ngay sau cuộc hội ngộ, Phùng Khắc Khoan liền gọi các phụ lão ở nơi sơn trang đó, giao cho một khoản tiền để tu sửa lại ngôi chùa và đề một câu thơ ở hành lang bên tả rồi ra đi. Câu thơ ấy là: “Tùng lâm tịch mịch phất nhân gia”, nghĩa là rừng rậm yên tĩnh có nhà Phật.

 

Một cung thờ Tại Đền Mẫu Đồng Đăng

      Theo “Nam Hải Dị Nhân” của Phan Kế Bính thì Tiên Chúa Liễu Hạnh vân du đến miền xứ Lạng. Lúc Phùng Khắc Khoan đi sứ từ Trung quốc về đến Lạng Sơn ông thấy một cô gái xinh đẹp ngồi dưới ba cây thông trước sân chùa, vừa đàn vừa hát. Ông bèn lên tiếng ghẹo:  

Tam mộc sâm đình, tọa trước hảo hề nữ tử".

      Người con gái nghe vậy, đối ngay:  

"Trùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân".

      Phùng Khắc Khoan hết sức kinh ngạc vì không biết tại sao nàng lại biết mình đi xứ về, bèn ra vế đối tiếp: 

 Sơn nhân bàng nhất kỷ, mạc phi tiên nữ tâm phàm. 

      Có nghĩa:  Cô sơn nữ ngồi ở ghế, phải chăng là tiên nữ giáng trần.

      Cô gái đáp ngay: 

       Văn tử đới trường cân, tất thị học sinh thị trướng.   

       Có nghĩa: Ông nhà văn chít khăn dài, đích thị học sinh nhòm trướng.

      Phùng Khắc Khoan vô cùng khâm phục cô gái. Ông cúi đầu làm lễ, lúc ngẩng đầu thì cô gái đã lẩn mất. Chỉ thấy trên thân cây gỗ viết bốn chữ: "Mão khẩu công chúa" và kế bên tấm biển cũng có bốn chữ: "Băng mã dĩ tẩu". Phùng Khắc Khoan giật mình mới biết đó là Liễu Hạnh Công Chúa và có ý dặn Phùng Khắc Khoan phải tu sửa lại ngôi chùa.

 

Tam Quan nhìn từ trong đền nhìn ra

    Đền Mẫu Đồng Đăng có sự tích là như thế. Phung Khắc Khoan còn gặp lại Liễu Hạnh Công chúa lần thứ hai ở Tây Hồ. Phủ Tây Hồ hiện nay là nơi Phùng Khắc Khoan gặp gỡ Thánh Mẫu.

        Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng

         Hàng năm, lễ hội Đền Đồng Đăng vào ngày mùng 10 tháng giêng. Trước đây, lễ hội này còn gọi là lễ hội Lồng Tồng tức lễ hội xuống đồng của ba con vùng xứ Lạng.

 

Đền Mẫu Đồng Đăng ngày lễ hội

        Ngoài phần lễ thì phần hội có các trò chơi như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao. Đến với nơi đây, du khách còn được đắm mình trong văn hóa tâm linh, thắp hương cầu mong sức khoẻ, cầu tài, cầu một năm phát lộc, cầu cho quốc thái dân an.