THƯ MỤC

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Đế Minh, Đế Nghi, Kinh Dương Vương

Dịch lại Ngọc phả Hùng Vương, đoạn đầu tiên về ba vị Đế Minh thái tổ, Đế Nghi đế bá, Kinh Dương Vương hoàng phụ.


Xưa kia từ thời Hoàng Đế, cháu ba đời của Viêm Đế là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi tuần du phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh. Đế Minh gặp được con gái của Vụ Tiên nương, mà sinh ra Kinh Dương Vương, húy là Lộc Tục. Vua ở ngôi hai trăm năm mươi năm, thọ hai trăm năm mưới bảy năm. Hóa tiên về biển cùng với con gái Động Đình Quân là Ngọc Dung.

Vua có dung mạo đoan chính, thông minh thánh trí, vượt trội hơn tầm của Đế Nghi. Đế Minh thấy có trí tuệ kỳ lạ, có ý lập kế tự, muốn truyền ngôi báu cai quản muôn nước. Nhưng Dương Vương cố nhường cho anh. Thế là Đế Minh lập Đế Nghi nối ngôi, cai trị phương Bắc, còn phong cho Kinh Dương Vương cai trị thiên hạ ở mặt Nam, xưa là quận Giao Chỉ. Kinh Dương Vương đổi thành động Xích Quỷ, tên là nước Xích.

Xưa Dương Vương vào ngày mồng năm tháng hai năm Nhâm Tuất, vâng lệnh đem quân lính dời đến núi Nam Miên, trấn giữ và cai trị đất nước. Trên đường Vua ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa, có đại cuộc chân long quý mạch, để lập đô ấp, trấn trị thiên hạ. Qua đất Hoan Châu (xưa là Hoan Châu, nay là Nghệ An) Vua ngắm xem hình thế, thấy được một vùng có quý cuộc phong cảnh tươi đẹp, như lâu đài muôn nhẫn, gọi là Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 núi, xưa gọi là Cựu Đô Ngàn Hống. Vùng đất này non biển đúc linh, núi sông khe hồ hội chầu, tụ họp ở cửa Hội Thống ven giáp biển, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành cung điện lâu đài cửa ngọc, làm nơi cho bốn phương triều cống.

Bấy giờ khí xuân ấm áp, vô vàn cảnh sắc. Vua bản tính thích phong thuỷ bèn lên thuyền ngự tuần du ngoài biển, đi xem núi sông, trải xem hình đất, lạc ra ngoài biển. Bất giác thấy thuyền rồng đã thẳng đến xứ hồ Động Đình, núi xanh nước biếc. Vua sai dừng thuyền, đứng lên xem, chợt thấy một người con gái lưng eo xinh đẹp, dung nhan tuyệt sắc, từ dưới đáy nước đi đến. Thật là một cuộc hội ngộ hiếm có xưa nay. Vua bèn sai chèo thuyền đến gần. Vua nói:
– Tiên nữ đẹp quá, từ đâu đến đây?
Thiếu nữ đáp:
– Thiếp tên là Thần Long, chính là con gái Động Đình Quân, ở trong thâm cung cửa ngọc, từ lâu đợi bậc anh hùng, nay trời cho được gặp gỡ, nguyện được theo phụng hầu khăn túi.
Vua vui mừng đẹp ý, bèn dắt vào trong thuyền rồng. Vua cùng người con gái quay giá trở về thành đô, lập Thần Long làm chính cung.
Ngày sau Vua lại đi tuần thú, rong ruổi xem khắp các nơi sông núi, đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa hình trùng điệp, sông đẹp núi lạ. Vua bèn thân ngự giá lên núi, tìm mạch đất, nhận thấy khí mạch từ núi Côn Lôn xuất ra, theo từ động núi Ngũ Lĩnh Vân Nam của cả nước, tiếp gặp Ải Môn Ngưỡng Đức nước lớn, như hình chữ Bát. Xuyên núi thấu mạch dẫn tới Cao Bình, Lạng Sơn, Càn Hải chín châu. Các núi cao vút, bỗng nổi lên thành ba ngọn núi [Tam Đảo], rồng trắng giáng khí ở châu Thái Nguyên, chợ trời bàn đá [Thiên Thị Thạch Bàn], nước chảy khe trên, ngược núi ngược sông, mạch dẫn liên miên.

Đưa tới các châu Bảo Lạc, Bằng Du, Thu Vật, Lục Yên, đầu nguồn nước từ Hoàng Hà, Hán Giang, Lô Giang, Càn Thủy, mà chảy dẫn mạch giáng khí, gặp nước ròng mạch nhỏ Ải Môn, rồng dẫn đi xa, tới núi Nam Miên là đất Tuyên Quang, thế rõ từ núi Tụ Long, liền tới châu Thu Vật, biến ra toà Kim tinh cao muôn nhẫn.

Mạch đất chảy ở giữa chia trái phải. Sông Hán, sông Hoàng, sông Bảo hai bên dẫn mạch. Chảy tới Lâm Thao, Đoan Hùng, Hạ Hoa, Thanh Ba, Sơn Vi, Tây Lan, Phù Khang, đến chùa Long Hoa, thôn Việt Trì ở ngã ba sông Bạch Hạc. Núi lạ sông đẹp, ngọc tụ nước ngưng, chân đá giáp nước, trái phải cùng đổ về, là chính đường của vạn nhánh, hội tụ chính khí. Bên ngoài chia các huyện Nam Giang, Bắc Giang, Thiên Lịch Giang, Tô Lịch, Tam Dương. Bỗng dựng lập núi Tam Đảo. Cung bên trái là rồng xanh, nghìn núi vạn sông chảy ra ở Lập Thạch, Bạch Nê, Châu Diên. Núi xanh nước biếc, đất sáng như mở ngọc bội, các núi giúp chuyển, tới xứ Kinh Bắc các núi Chu, Sóc, Trà, Từ, Mộc Hoàn, Tích An, An Lão phục chầu. Dẫn đến xứ Hải Dương các núi Đông Triều, Hoa Phong, Yên Tử, thoát ra biển tám xã Đồ Sơn, là đầu rồng chầu án.

Bên phải đất từ Ba Thục, Hán Giang, Hoàng Giang, Thao Giang, núi dẫn sông theo, tới mười sáu châu Tuyên Quang, Hưng Hóa, châu Đà Bắc, Thanh Nguyên, Bạn Hà, Đà Hà, đến huyện Bất Bạt thì nổi lên núi Tản Viên. Cung bên phải là hổ trắng. Núi chầu vạn nhánh, nổi lên ở Mỹ Lương, Minh Nghĩa, Phúc Lộc, Viễn Sơn Thạch Thất, An Sơn, Tây Sơn, Sài Sơn, Tử Trầm, Hữu Bật đến xứ Sơn Nam Chương Đức, Đại Yên, núi Hương Tích sơn, núi Thạch Na, Nam Công, núi Vũ Phượng, núi Đội Điệp, núi Nghi Dương, chầu vào mà thoát, đến cửa biển Thần Phù ỏ núi Chính Đại thuộc Ái Châu, thoát đến Chích Trợ sơn, cửa Vạn Lý, làm đầu hổ chầu án. Lấy sông Bạch Hạc làm Nội minh đường. Lấy Ngã Ba Lãnh, Đại Giang, huyện Nam Giang làm Trung minh đường. Mặt nước như ấn ngọc trông phù vàng. Tiền Hải, Cổ Yếm, Tượng Sơn làm Ngoại minh đường. Nghìn non cúi phục, vạn thuỷ chầu nguồn, đều hướng về núi tổ Nghĩa Lĩnh.

Nhìn thấy tất cả hình thế ấy, Vua nhận ra thế cục của đất Bắc quý đẹp hơn đô thành cũ Hoan Châu, bèn lập điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Vua thường ngự giá đến đất bên nơi ngoại này, lập dựng đô thành Phong Châu, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Rồi vua ngự giá về cựu đô ở Hoan Châu. Việc dựng đô thành của vua, trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại định đô ấp, vị trí của chính điện, thành trời ao vàng, ở núi Nghĩa Lĩnh, làm đô ấp của họ Việt Thường xưa tại đó.
Bấy giờ vua đi tuần thú trở về cung điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Cung phi con gái đế quân là Thần Long cùng với Vua sống ở núi Kỷ Lĩnh, điềm rồng khí chính, thụy thánh có mang. Mang thai mười lăm tháng mười ngày. Đến kỳ mây rồng năm sắc giáng xuống chính điện. Vua sinh hạ Lạc Long quân, tên huý là Sùng Tục. Trước Long Quân có tỏ điềm rồng ứng tốt, ánh sáng đầy nhà, trong trướng tỏa hương thơm. Qua tuần sinh hạ Lạc Long Quân, tư chất phi thường, tự có khí tượng đế vương. Vua mới lập làm hoàng thái tử. Thái tử trưởng thành, tài năng hơn người, thông minh nhanh nhẹn, tài thần trí thánh, anh hùng hiểu biết. Năm tháng tăng thêm, Đế lệnh với triều đường trăm quan rằng: Ta thừa mệnh trời mà trị vạn dân, giữ yên cơ đồ, sắc lệnh cho Thái tử khâm sai cùng với trăm quan cử hành lễ đi tuần thú lãnh thổ, chính là để xem núi sông, những nơi biển non kỳ lạ. Vua khiến Thái tử điều trăm viên tướng mạnh, ba vạn binh tinh đi tuần thú nước nhà, xem xét bốn bể, địa thế núi sông.

Thái tử đi đến Nam Bang, thế đất theo núi sông dẫn mạch mà đến, lên núi tìm theo mạch rồng, tựu ở xứ Tuyên Quang, châu Thu Vật, Tụ Long, nhìn thấy mạch đất rồng chạy đến, Nghĩa Lĩnh đúc thiêng,  gặp qua thượng lưu sông Hoàng Hà, Nhị Hà, Đầu Giang, Hán Lô Giang, đầu nguồn một nhánh chảy ra, nuôi dưỡng che chở nước Nam, từ Tây rồng đến, từ châu Bảo Lạc núi Côn Lôn trên dưới hai bờ, cho đến cửa ải, nước lớn từ Ngũ Lĩnh, Thái tổ Côn Lôn của đất nước, đất tổ Linh Sơn Phong Thứu. Trăm vạn đầu núi dựa Đông Tây Nam Bắc, làm được như bầy con. Lấy Côn Lôn Ngũ Nhạc đại tổ quốc làm Thái tổ, cha mẹ, cùng vạn nước đầu núi góc biển, một mối quy đồng. Thái tử trí thánh thông minh, tài anh mưu lớn, là vị vua có chí trị, danh hiền Việt cổ.

Thái tử có tâm với các bậc tổ, quay về nước lớn thăm hỏi tổ là Đế Minh, bác là Đế Nghi. Thái tử là người có hiếu đễ lớn, trung tín khiêm nhường, có tam cương ngũ thường, là bậc có đức cả. Thái tổ mới đặt quốc thư phong cho Kinh Dương Vương là Thái Tổ Cao Hoàng Đế nước Nam, phong cho Lạc Long Quân là Hiền Vương nước Nam, cai trị Nam Bang. Vạn dân trong thiên hạ đều hân hoan, trăm họ yên vui. Đế tổ, Đế bá coi Thái tử như cốt nhục, xem như tinh túy đất trời, quý như châu ngọc vàng báu, vật quý cũng không bằng.

Đế tổ sắc phong tặng thêm cho Thái tử sách vàng, thẻ bài rồng, lụa ngọc, xe sách một mối, áo mũ chầu trời, áo bào cổn rồng, thắt lưng ngọc, giày vàng, cờ lọng quạt, ô vàng chiêng trống, xe loan giá rồng, voi ngựa tướng binh, lại ban cho đồ thần lụa vàng (vật quý lớn của trời Nam), ngọc châu mã não, quý lạ các vật, lại ban cho xe giá có chuông. Thái tử hồi giá khải hoàn về Nam Man, phụng giúp vua cha cai quản vạn dân.

Thời Thái tổ Đế Minh trong triều có vị Thiên sư biết thông trời đất người, xem thấy hết quỷ thần, chức vị ở Bắc triều là quan tướng, văn võ đều toàn. Nay theo lệnh Đế tổ sai Thiên sư giúp nước cho Thái tử cai quản Nam Bang, xem phong thủy, tìm đất lập nước định kinh đô, xây dựng thành trì, sửa sang chính điện, tạo nên cung thất, lãnh thổ đất đai, đặt tên sông núi, lập định ấp đô, địa đồ đất nước, sắp quan xếp tướng, đặt lệnh trấn các xứ, phủ, huyện, xã, châu, trang, động. Trên rừng dưới biển, nước có Thiên sư phụ giúp Vua cai trị bốn biển. Trăm họ nhân dân thiên hạ cùng hưởng phúc thái bình. Các chư hầu Bách Man đều xưng thần phụ thuộc.

Đền thờ Kinh Dương Vương

 Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương - Điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh Đồng bằng sông Hồng

Hàng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, hàng ngàn vạn “con Hồng cháu Lạc” từ khắp mọi miền lại tìm về khu di tích Đền thờ và Lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành – Bắc Ninh để tri ân và thờ phụng những bậc thủy tổ dân tộc đã có công khai mở đất nước.

Á Lữ là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Đuống, nơi duy nhất có lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ. Lăng Kinh Dương Vương nằm ở trên bãi bồi cao rộng thoáng sát bờ Nam sông Đuống và sầm uất bởi rừng cây cổ thụ bao quanh. Trước kia, hai ngôi đền cổ ở phía Tây làng Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ), có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Về phía Đông lăng Kinh Dương Vương xưa còn có một ngôi chùa có tên chữ là “Đông Linh Bát Nhã tự” thờ các đức “Thánh mẫu thủy tổ” là Vụ Tiên, Thần Long và Âu Cơ.

Ông Biện Xuân Phẩm (65 tuổi), người trông nom Đền thờ Kinh Dương Vương cho biết “Năm 1949-1952, giặc Pháp kéo đến thôn Á Lữ, đóng đồn bốt ở đây, phá hoại đền, đình chùa, dân làng đã kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý như: ngai, kiệu, sắc phong… của đền và đình. Đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã tôn tạo khu Lăng mộ Kinh Dương Vương. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống”.

Trải qua bước thăng trầm của thời gian, hiện nay khu quần thể Lăng và Đền Kinh Dương Vương còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội. Tại lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840). Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ như: “ Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam ), “ Nam tổ miếu” (Miếu tổ nước Nam )… Đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, với các niên đại khác nhau.

Trưởng Thôn Á Lữ Biện Xuân Sáng cho biết: Hiểu được giá trị của di tích văn hóa Khu quần thể Lăng và Đền Kinh Dương Vương, người dân trong thôn đã tích cực tham gia công tác bảo vệ di tích và hàng năm làm tốt công tác chuẩn bị cho Lễ hội để đón du khách thập phương về dâng hương, tưởng nhớ.

Để lo việc đình đám, ngay từ trong năm làng phân công việc cho quan đám và các giáp. Vào hội, ngay từ ngày 12 tháng Giêng, đền và đình được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Đến ngày 16, làng tổ chức rước nước từ sông Đuống về đình đền để tế lễ quanh năm. Ngày 17, làng tổ chức rước kiệu từ đình xuống đền Thượng và đền Hạ để xin rước các bậc thủy tổ dân tộc về đình để tế lễ và mở hội. Từ ngày 18 đến 24, mỗi ngày một tuần tế. Lễ vật có lợn cả con, bánh trưng, bánh dày. Đến ngày 25, tế giã đám tại đền Thượng và đền Hạ bằng cá gỏi.

Nói về giá trị văn hóa của Di tích lịch sử Quốc gia Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương - Trưởng phòng Văn hóa thể thao huyện Thuận Thành Lê Xuân Bắc cho biết: Quần thể di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương là một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu, hàng năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước hướng về cội nguồn. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Hiện di tích còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Khu di tích nằm trong không gian thoáng rộng nhưng khá hiu quạnh, nên việc khai thác các giá trị văn hóa lịch sử gắn với quần thể di tích chưa được quan tâm đúng tầm. Đặc biệt, khu di tích chưa gắn kết với hệ thống các di tích lịch sử và các điểm tham quan du lịch khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được coi là quê hương của đền, chùa, miếu mạo. Do đó, việc quy hoạch và lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích rất cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Phong – Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Bắc Ninh cho biết: Năm 2011, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương và công bố quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia này với tổng mức đầu tư hơn 491 tỷ đồng.

Dự án chia làm 4 hạng mục xây dựng chính gồm: Không gian bảo tồn di tích, tập trung tu bổ, tôn tạo di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, sân đền, vườn khu lăng mộ; không gian giá trị di tích gồm: Tượng đài thủy tổ, quảng trường văn hóa lễ hội, nhà trưng bày văn hóa... và các dịch vụ phụ trợ để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thu hút du khách và hạ tầng kỹ thuật, san nền, đường giao thông, đường điện... Theo đó, từ nay đến năm 2019, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động./

PhuthoPortal (Nguồn Website ĐCSVN)