THƯ MỤC

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

 Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ 

Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ hay còn gọi là Thái tử Đệ Tam hoặc Đệ Tam Vương Quan, ngài là Quan lớn con trai thứ ba của Vua Cha Bát Hải Động Đình, là người rất được vua cha rất mực yêu quý giao cho cai quản miền Thoải phủ và hầu cận kề bên vua cha. Trong dân gian vẫn thường ca tụng về sự anh linh và sức mạnh cũng như tài phép của Quan Lớn Đệ Tam Thoải phủ như:

Giáp bạc bao phen rực lửa hồng
Xông pha trăm trận cũng như không
Ra tay cứu nước trừ nguy biến
Tiếng để ngàn thu với non sông

Hay nói về tài phép của Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ thì văn dâng ngài có đoạn:

“Hoá tức thì lâu đài điện các
Dâng nước về Thuỷ Quốc một khi
Có phen lấy ngọc lưu ly
Đùng đùng dâng nước phép thì ai đang”

Quan Lớn Đệ Tam là ai ?

Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ hay còn gọi là Thái tử Đệ Tam. Quan lớn vốn là con trai thứ ba của Vua Cha Bát Hải Động Đình, là người rất được vua cha yêu quý nên giao quyền cai quản chốn Long Giai Động Đình, cận bên cạnh phụ vương. Khi Ông hoá đi, về chầu Long Cung, là người cầm cân nảy mực, thông tri Tam Giới, quyền cai các thanh đồng đạo quan (vậy nên có khi người ta còn gọi là Ông Cai Đầu Đồng). Khi thanh nhàn ông truyền ba quân tập hợp thuyền bè, dạo chơi khắp miền, trên sông dưới suối, phù hộ cho ngư dân.

Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

Sự tích Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

Căn cứ tài liệu “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” đang được lưu giữ tại Đền Lảnh Giang thì huyền tích về Quan lớn Đệ tam tóm tắt như sau:

Ngày xưa, ở trang An Cố, huyện Thuỵ Anh, phủ Thái Ninh, trấn Sơn Nam có vợ chồng ông Phạm Túc ăn ở phúc đức, nhưng không có con. Một đêm, vợ ông là bà Trần Thị Ngoạn đang dạo chơi bỗng gặp một người con gái mồ côi đi tha phương cầu thực. Động lòng trắc ẩn, bà Ngoạn liền đón cô về làm con và đặt tên là Quý. Vài năm sau, đột nhiên ông Túc mắc bệnh rồi qua đời. Hai mẹ con đã tìm một nơi đất tốt để an táng cho ông.

Sau ba năm để tang cha, một hôm nàng Quý ra bờ sông tắm gội, ngâm mình dưới nước, bỗng mặt nước nổi sóng, từ phía xa một con thuồng luồng khổng lồ bơi tới quấn lấy nàng, khiến nàng kinh hoàng ngất lịm. Từ hôm đó nàng Quý mang thai. Không chịu được những lời gièm pha khinh thị, nàng đành phải trốn khỏi làng đến xin ngụ cư ở Trang Hoa Giám (nay thuộc thôn Yên Lạc). Rồi đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Tân Tỵ, nàng Quý chuyển dạ, sinh ra một cái bọc. Cho là điểm chẳng lành, nàng liền đem chiếc bọc đó quẳng xuống sông. Chiếc bọc trôi theo dòng nước tới trang Đào Động (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), mắc phải lưới của ông Nguyễn Minh. Sau nhiều lần gỡ bỏ, nhưng bọc vẫn cứ mắc vào lưới. Ông Minh thấy lạ bèn khấn: “Nếu bọc này quả là linh thiêng thì cho tôi lấy dao rạch thử xem sao” Khấn xong ông Minh rạch ra, bỗng thấy ba con rắn từ trong bọc trườn xuống sông. Con thứ nhất theo hướng về cửa sông Đào Động, con thứ hai về Thanh Do, con thứ ba về trang Hoa Giám – nơi nàng Quý đang sinh sống. Nhân dân các trang ấp trông thấy đều sợ hãi, cùng nhau ra bờ sông tế tụng, xin được lập sinh từ để thờ.

Lạ thay, vào một đêm trăng sáng, trời bỗng nổi cơn giông, ngoài cửa sông sấm sét nổi lên dữ dội. Đến gần sáng, gió mưa ngớt dần, mọi người đều thấy dưới sông có tiếng người ngâm vịnh:

“Sinh là tướng, hóa là thần

Tiếng thơm còn ở trong dân muôi đời

Khi nào giặc dã khắp nơi

Bọn ta mới trở thành người thế gian”

Tương truyền ba vị tướng thời Hùng là con của Bát Hải Long Vương và Nàng Quý. Nàng Quý là con nuôi của vợ chồng ông Phạm Túc. Do vậy về sau nhân dân ghép họ Phạm cho các ông.

Bấy giờ Thục Phán có ý định cướp ngôi vua Hùng Duệ Vương. Thục Phán cầu viện binh phương Bắc đánh vào kinh đô. Duệ Vương bèn lập đàn cầu đảo. Đêm ấy nhà vua chiêm bao thấy có người sứ giả mặc áo xanh từ trên trời bước xuống sân rồng, truyền rằng: “Nhà vua nên triệu ba vị thuỷ thần sinh ở đạo Sơn Nam, hiện còn là hình con rắn thì tất sẽ dẹp xong được giặc”. Tỉnh dậy Duệ Vương liền cho sứ giả theo đường chỉ dẫn trong giấc mộng tìm về đạo Sơn Nam. Sứ giả vừa đến trang Đào Động (nay thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bỗng nhiên trời đổ mưa to, sấm sét nổi lên dữ dội ở cửa sông. Một người mặt rồng mình cá chép, cao tám thước đứng trước sứ giả xưng tên là Phạm Vĩnh, xin được đi dẹp giặc. Sau đó, ông Phạm Vĩnh gọi hai em đến bái yết thân mẫu, rồi cùng nhau đi yết kiến Duệ Vương. Hai em và các tướng hợp lại, dưới sự chỉ huy của ông, quân Thục đều bị tiêu diệt. Vì có công lớn nên nhà vua lại phong cho ông là “Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần” nhưng ông không nhận, chỉ xin cho dân Đào Động hàng năm không phải chịu sưu dịch. Được vua Hùng đồng ý, ông Phạm Vĩnh cùng hai em về quê hương bái yết thân mẫu và khao thưởng gia thần, dân chúng. 

Ngày 25 tháng 8 năm Bính Dần, trong lúc ông đang ngự tại cung thất của mình, bỗng dưng giữa ban ngày trời đất tối sầm, mưa gió ầm ào đổ xuống. Khi trời quang mây tạnh, dân làng không nhìn thấy ông đâu nữa. Cho là điều kỳ lạ, nhân dân trang Đào Động làm biểu tâu với triều đình. Được tin ông Phạm Vĩnh về trời, nhà vua liền gia phong cho ông là “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ưng Thái Thượng Đẳng Thần”, đồng thời đặt lệ quốc lễ, ban sắc chỉ cùng 400 quan tiền cho dân Đào Động rước thần hiệu, tu sửa đền miếu để phụng thờ. Các triều đại sau đó cũng có sắc phong cho ông (hiện trong đền còn giữ 12 sắc phong. Sắc sớm nhất là đời Lê Cảnh Hưng, sắc muộn nhất vào triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 7.

Nhưng lại có truyền thuyết khác kể lại thì Quan Lớn Đệ Tam trong một trận đánh, ông đã thác trận, xác phàm của ông bị chém làm đôi rồi ném trôi sông, phần đầu trôi dạt vào bãi sông thuộc làng Xích Đằng (phường Lam Sơn, Thành phố Hưng Yên), dân làng đã lập đền thờ tưởng nhớ ông ở đây. Còn phần thân dạt vào ven sông thuộc thôn Yên Lạc (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), cũng được dân làng nơi đây chôn cất và lập đền thờ tưởng nhớ, đó là đền Lảnh Giang.

Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

>>> Xem thêm: Cộng đồng Thoải Phủ

 

Hầu giá Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

Hầu như những người đã ra hầu Tứ Phủ, khi hầu hàng Quan Lớn, ai cũng phải hầu về Quan Đệ Tam. Có thể coi ông là vị Quan Lớn tài danh hàng đầu.

Khi ngự đồng, ông mặc áo trắng thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp và ông múa đôi song kiếm. Khi có đại tiệc khai đàn mở phủ, người ta thỉnh quan về chứng đàn Thoải Phủ (gồm có long chu phượng mã, lốt tam đầu cửu vĩ…: tất cả đều màu trắng).

Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ loan giá ngự đồng

Đền thờ Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

Đền thờ Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ được lập ở Lạng Sơn, Hưng Yên, Lảnh Giang Linh Từ (Nam Hà) và các cửa sông. Đền ngài còn ở Thái Bình ngay đằng sau đền Đồng Bằng phía QL 10 đi Hải Phòng.

Đền Lảnh Giang (nhân dân thường gọi là Đền Lảnh) nằm trong địa phận thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Theo Thần Phả, Đền này thờ Tam vị danh thần họ Phạm đời Hùng Vương thứ 18, Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử.

Bản văn Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

Trịnh giang biên giành ngân lai láng

Đôi vầng hồng soi rạng nam minh

Con vua thủy quốc Động Đình

Đệ tam thái tử giáng sinh đền Rồng

Dọc:

Đức gồm vẹn thung dung hòa mặc

Bẩm sinh thành tư chất long nhan

Thỉnh mời thái tử thái tử vương quan

Phi phương diện mạo dung nhan khác thường

 

Hằng tấu đối thiên đường thủy phủ

Trấn nam minh quy đủ bốn phương

Ra uy chấp chính kỉ cương

Cầm cân nảy mực sửa sang cõi đời

 

Chốn long giai cầm quyền thay chúa

Phép màu quan tối tú tối linh

Lệnh truyền thủy bộ chư dinh

Sửa sang đai giáp chơi miền trần gian

 

Dâng một triền nhang lòng thành dâng một triền nhang

Tấu về thủy phủ các ban các tòa thiên đình cho tới diêm la  

Thiên đình cho tới diêm la tấu vè thoải phủ vua cha động đình

Chốn ấy là chốn thủy cung

Phú:

Nhanh dâng một chuyện tâu thỉnh đức vương quan

Đệ tử con tiến văn đàn

Dâng sự tích đệ tam hoàng thái tử

 

Sơn xuyên dục tú “hà hải chung linh”(2)

Người con vua thoải quốc động đình

Sắc phong tặng vương quan hoàng thái tử

 

Văn thần cẩm tú võ tổng lược thao

Bẩm dung y diện mạo hồng hào

Ngôn trung chính tài cao quán cổ

Thơ:

Giáp bạc bao phen nhuộm đỏ hồng

Xông pha trăm trận dạ như không

Ra tay cứu nước trừ nguy biến

Tiếng để ngàn thu với núi sông

Xá lửng:

Chiếc thuyền lam nổi dòng Xích Bích

Đưa quân chèo du lịch bốn phương

Có phen tuần thú sông Thương

Trở ra tỉnh Bắc , Quế Dương, Lục Đầu

 

Có phen ngự sông Dâu sông Hát

Khi lên ghềnh xuống thác vui chơi

Có phen vào lạch ra khơi

Sai quân lấy gỗ xoan đào chò hoa

 

Có phen chơi ngã ba Bạch Hạc

Bạn tiên ngồi đàn hát vui chơi

Dạo xem phong cảnh mọi nơi

Qua hang Anh Vũ sang chơi nước người

 

Có phen chơi cửa đài cửa bích

Khi ra khơi vào lạch thảnh thơi

Thuyền rồng trăm chiếc chèo bơi

Dọc ngang Tuần Lảnh là nơi đi về

 

Trải giang khê lên ngàn xuống bể

Lảnh Giang từ quý địa danh lam

Đền thờ quan tam tía kiệu vàng

Long môn hổ bàn thạch bàn uy nghi

 

Hóa tức thì lâu đài điện các

Dâng nước về thủy quốc một khi

Có phen lấy ngọc lưu ly

Đùng đùng dâng nước phép thì ai đang

 

Khắp sông Thương , sông Thao , sông Cả

Kéo quân về đóng ngã ba Tranh

Xướng ca đàn hát tập tành

Thi ngâm phú đọc đàn tranh chơi bời

 

Có phen lại về nơi thủy phủ

Đóng cân đai áo mũ vào tâu

Dăm ba đồng tử theo hầu

Vào tâu Vương phụ ra chầu Mẫu vương

 

Cũng có khi phi thường biến hóa

Qua Nghệ An thượng hạ đại giang

Thuyền rồng chèo quế buồm lan

Khi chơi Tô Lịch khi sang sông Cầu

 

Có phen ngự Nam lâu Bắc điện

Trở ra về đến huyện Thiên Tôn

Dạo miền thác cái thác con

Khi chơi sông Hát khi sang sông Bờ

 

Dạo thẩn thơ Tản Viên Tam Đảo

Truyền chư quân đôi đạo tiên phong

Chuông kêu cờ phất trống dong

Bè sau thuyền trước giữa dòng lênh đênh

 

Trống cầm canh chiêng vang anh ỏi

Lốt xanh vàng chìm nổi dư muôn

Triều thần văn vũ bách quan

Sai lên đón rước vương quan về chầu

 

Trên các lầu thơ ngâm phú đọc

Ngoài sân rồng ca chúc chén tiên

Vua cha giá ngự ngai vàng

Phán đòi thái tử vương quan vào chầu

 

Ngự giờ lâu phán lời nhân thứ

Sai ông lên cứu trợ trần gian

Một tay thái tử vương quan

Cứu sinh cũng lắm đọ oan cũng nhiều

 

Nay ông đã về chầu nhân đức

Độ nhân gian vạn ức siêu sinh

Nay ông về chốn thủy đình

Cuông phù đệ tử khang ninh thọ trường.

 

Khánh tiệc Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

Ngày 24 tháng 6 là ngày chính tiệc Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

 

Văn khấn Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

(Nội dung tham khảo)

Nam mô A di đà phật !
Nam mô A di đà phật !
Nam mô A di đà phật !
Hương tử chúng con thành tâm

Kính lạy: Tam tòa Đức Thánh Mẫu
Kính lạy: Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ, cộng đồng các quan.
Hôm nay là ngày …. nhằm tiết xuân/hạ/thu/đông thiên cát nhật
Tín chủ con là ………..
Ngụ tại:……………………………

Cùng toàn thể gia đình nhất tâm nhất lễ đến trước cửa Quan Lớn Đệ Tam cùng cộng đồng các quan,nhất tâm một lòng một dạ chấp tay kính lễ khấu đầu vọng bái. Nhất tâm nhất lễ kính dâng lên Quan Lớn Đệ Tam cúi xin ngài xét thương cứu độ cho gia chung chúng con già được mạnh khỏe, trẻ được bình an, cầu tài được tài, cầu lộc được lộc, cầu bình an được bình an. Cúi xin quan lớn che chở cho bốn mùa được bình an tứ thời được thanh tâm an lạc.

Nam mô a di đà phật! (3 lần)

Quan Hoàng Bơ Thoải

Quan Hoàng Bơ Thoải hay còn gọi là Ông Bơ Thoải là vị thánh hoàng thứ ba trong hàng Thập vị Quan Hoàng của hệ thống Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Ngài thường ngự dưới Thoải Cung, được vua cha giao quyền trông coi Đền Vàng Thủy Phủ.

Quan Hoàng Bơ là ai ?

Quan Hoàng Bơ là con trai thứ ba vua  Bát Hải Động Đình, ngài thường ngự dưới Thoải Cung, trông coi Đền Vàng Thủy Phủ. Sự tích về Quan Hoàng Bơ Thoải vẫn còn lưu truyền rằng, ngài thường hiện lên thành vị Hoàng Tử dung mạo hơn người, cưỡi cá chép vàng biến trên mặt nước. Đôi khi, ngài lại biến hiện để ngao du thiên hạ, cùng các bạn tiên uống rượu, đánh cờ,… hưởng thử các thú vui của bậc cao nhân. Theo những điển tích còn truyền miệng, ngài là người em thân cận của Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ, khi rảnh rỗi ngài thường rong chơi khắp chốn trên thuyền rồng. Nhưng thấy cảnh dân chúng còn nghèo khổ lầm than, ông đã nhận lệnh Vua Cha lên làm khâm sai cõi phàm trần, mở hội Phúc Duyên, giáng phúc cho dân buôn bán làm ăn thuận buồm xuôi gió, người có học đỗ đạt thành tài, xã hội bình an yên ấm. Sắc phong tước hiệu: Thượng Đẳng Thần.

Quan Hoàng Bơ Thoải

 

>>> Xem thêm:

Sự tích Quan Hoàng Bơ

Sự tích Quan Hoàng Bơ kể rằng, ngài là thái tử con vua Nam Tống, mang tên húy là Tống Khắc Bính. Sau khi triều đại nhà Nam Tống bị diệt vong bởi nhà Bắc Tống, ngài đã dong thuyền ra biển Đông sau đó thác hóa tại đây. Di quan của Ngài trôi đến cửa Cờn tại Quỳnh Lưu, Nghệ An và được ông Hoàng Chín lúc bấy giờ đang tu ở đó vớt lên chôn cất. Sau khi ông Hoàng Chín quy hóa, nhân dân đã phối hương linh vị Quan Hoàng Bơ, QuanHoàng Chín cùng Tứ vị Vua Bà thờ chung tại đền Cờn. Tuy nhiên về thần tích này cũng cần được xem xét lại do ngày nay, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm Năng Con người xác định đền Cờn là nơi thờ Quan Hoàng Chín chứ không phải là thờ Quan Hoàng Bơ.

Một dị bản khác ghi chép rằng, Thái Bà nằm mộng thấy một người con gái mặc xiêm y trắng, tay ôm đứa bé trai tuấn tú kháu khỉnh tới và nói vì cảm tạ tấm lòng từ bi công đức của bà, sẽ cho Hoàng Thái tử Long cung đầu thai làm con để báo hiếu và lập công cho đất nước. Quả đúng như vậy, sau giấc đó Thái Bà sinh hạ một bé trai khôi ngô nhanh nhẹn, mắt sáng tinh anh, bèn đặt tên là Trần Minh Đức. Giống như lời chiêm bao khi xưa, cậu bé tám tháng đã biết nói, chín tháng biết đi, năm tuổi đã đọc thông sách vở. Đến năm hai hai tuổi, Minh Đức đã ngày đêm nghiên cứu Phật Pháp tại thảo am, không màng hôn nhân phu phụ. Sau khi cha mẹ về tiên, thì ông cũng đi đâu không ai hay biết. Ngôi đền và thảo am cũng dần nhang lạnh khói tàn. Rồi một đêm, dân làng ai ai cũng đều mơ thấy có một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú, đầu đội kim khôi, mình mặc áo trắng lưng giắt kiếm bạc, cưỡi trên đôi bạch xà. Người báo mộng rằng mình là Hoàng Tử Long Cung, giáng sinh xuống trần làm con Thái Ông Thái Bà nay đã hết hạn phải về Thủy Cung. Hoàng Tử nói khi dân gặp nạn ắt sẽ đến cứu, về sau cũng sẽ âm phù cho dân sống ấm no, không quên dạy dân thờ phụng Thánh Mẫu Thủy Cung cho nghiêm cẩn. Sáng dậy, ai cũng thuật lại cho nhau giấc mơ y hệt, bèn cung kính lập thêm long ngai bài vị Minh Đức Hoàng Bơ Thoải tại đền Thánh Mẫu Thoải Phủ. Sau này, khi đê Ngự Hàm vị bỡ, dân chúng trở tay không kịp bèn lập đàn cầu đảo. Hoàng Thái Tử Long Cung đã hóa thành bạch xà xuất hiện hàn long. Sau khi đê được hàn xong thì Bạch xà cũng biến mất lúc nào không hay. Dân làng đều biết là Minh Đức hoàng tử cứu giúp bèn về đền lễ tạ, sau này xây một ngôi đền ngay chỗ vỡ đê để thờ Thánh Hoàng Bơ Thoải, thuộc Đông Long, Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Tiệc Quan Hoàng Bơ vào ngày nào ?

Ngày tiệc Quan Hoàng Bơ là ngày 26 tháng 6 Âm lịch.

Hầu giá Quan Hoàng Bơ

Quan Hoàng Bơ là một trong ba vị Thánh Hoàng hay giá ngự về đồng nhất trong Thập vị Thánh Hoàng, cùng với Quan Hoàng Bảy và Quan Hoàng Mười. Khi giá ngự đồng, ông mặc áo trắng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), thắt đai vàng, đầu đội khăn xếp có thắt lét trắng, cài chiếc kim lệch màu trắng bạc. Có khi ông ngự về tấu hương, khai quang rồi một tay cầm mái chèo, một tay cầm quạt thong thả bẻ lái dạo chơi, cũng có khi ông cầm đôi hèo hoa, rong ruổi cưỡi ngựa đi ngao du khắp sơn thủy.
“Trên Thượng Thiên mây bay năm vẻ
Dưới Thủy Tề nước rẽ làm đôi
Ông Bơ lịch sự tốt tươi
Biến trên mặt nước cưỡi đôi chép vàng”.

Quan Hoàng Bơ ThoảiQuan Hoàng Bơ Thoải khi loan giá ngự đồng

Quan Hoàng Bơ là một vị quan hoàng dung mạo tốt tươi, có tài văn võ kiếm cung. Khi nói về tài mạo song toàn của ông, văn hát rằng:

“Biến lên mặt nước lạ lùng
Ông Hoàng Bơ Thoải chân dung khác thường
Ông Bơ Thoải đường đường dong mạo
Mặt nhường gương tiết tháo oai phong
Thanh xuân một đấng anh hùng
Toàn tài văn võ làu thông mọi đường
Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi
Bầu rượu tiên thơ túi xênh xang
Khăn thêu, áo trắng, đai vàng
Võ hài chân bước, vai mang đôi hèo”

Hay khi ông thong thả ngự đồng nghe văn, cùng bầu rượu tiên, thả hồn cùng với gió trăng:

“Ngồi bên khe suối nảy cung đàn
Bồi hồi nhớ tới bạn chi loan
Tâm thơ Đỗ Phủ hồn theo gió
Gửi khách Tương Như khúc Phượng Hoàng”

Đền thờ Quan Hoàng Bơ ở đâu ?

Do có nhiều thần tích về Quan Hoàng Bơ nên khó xác định đâu là đền thờ chính của Quan Hoàng Bơ. Tuy nhiên, có lẽ có 4 nơi thờ ông Hoàng Bơ chính mà chúng ta có thể quan tâm:

  • Đền Quan Hoàng Ba – Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hóa;
  • Đền Hưng Long tại Thái Bình là hai nơi có thần tích.
  • Một ngôi đền nữa thờ Quan Hoàng Bơ đó là đền Vạn Ngang – Đồ Sơn – Hải Phòng nơi ghi nhận sự hiển linh của Ngài.
  • Đền Cờn (nay là đền Quan Hoàng Chín) trước đây có người cho là đền chính của Ngài.

Ngoài ra, Quan Hoàng Bơ được hầu hết phối thờ trong các đền trong cung Tứ Phủ Quan Hoàng hoặc ban thờ riêng. Trong cung Tứ phủ Thánh Hoàng, Quan Hoàng Bơ thường phối thờ với Quan Hoàng Bảy và Quan Hoàng Mười.

Hát văn Quan Hoàng Bơ

Bản 1

Trên Thượng Thiên mây bay năm vẻ

Dưới Thủy Tề nước rẽ làm đôi

Ông Bơ lịch sự tốt tươi

Biến trên mặt nước cưỡi đôi chép vàng”

Hay nói về tài mạo song toàn của ông, văn hát rằng:

“Biến lên mặt nước lạ lùng

Ông Hoàng Bơ Thoải chân dung khác thường

Ông Bơ Thoải đường đường dong mạo

Mặt nhường gương tiết tháo oai phong

Thanh xuân một đấng anh hùng

Toàn tài văn võ làu thông mọi đường

Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi

Bầu rượu tiên thơ túi xênh xang

Khăn thêu, áo trắng, đai vàng

Võ hài chân bước, vai mang đôi hèo”

Hay khi ông thong thả ngự đồng nghe văn, thả hồn cùng gió trăng:

“Ngồi bên khe suối nảy cung đàn

Bồi hồi nhớ tới bạn chi loan

Tâm thơ Đỗ Phủ hồn theo gió

Gửi khách Tương Như khúc Phượng Hoàng”

Văn khấn Ông Hoàng Bơ

Trên điện ngọc rồng bay năm sắc

Dưới Động Đình ghềnh thác nguy nga

Mênh mông một dải giang hà

Ầm ầm sóng vỗ xa xa bạc đầu

Loài thuỷ tộc đâu đâu tìm đến

Vượt vũ môn xuất hiện thần long

Biến lên mặt nước lạ lùng

Ông Hoàng Bơ Thoải chân dung khác thường

Ông Bơ Thoải đường đường dung mạo

Mặt nhường gương tiết tháo oai phong

Thanh xuân một đấng anh hùng

Toàn tài văn võ lầu thông mọi đường

Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi

Bầu rượu tiên thơ túi xênh xang

Khăn thêu áo trắng đai vàng

Võ hài chân dận vai mang đôi hèo

Cưỡi ngựa bạch vai đeo cung tiễn

Tay kiếm vàng trước điện bước ra

Thương dân trên cõi Sa Bà

Lòng tham chìm đắm đức hoà khó lên

Trước bệ ngọc Hoàng liền tấu đối

Lên cõi trần mở hội phúc duyên

Khâm sai Hoàng kíp băng miền

Phong lôi một trận nổi lên cõi phàm

Bạn tiên nữ xếp hàng rong ruổi

Cá kình nghê thẳng lối tiễn đưa

Sai quân dưỡng trực lên bờ

Trống dong cờ mở thực là nghiêm trang

Sắp hai hàng càng vàng tán tía

Kiệu vàng son nghi vệ bát âm

Tuần vương nghỉ gót dừng chân

Hoạ thơ Lý Đỗ ca ngâm đọ cờ

Tiệc xong lại chèo đua bẻ lái

Truyền chèo về Bát Hải dong chơi

Quỳnh Côi,Phượng Dực mấy nơi

Sông Thao,sông Cả qua chơi Lục Đầu

Chơi khắp hết sông Cầu sông Mã

Truyền ba quân các ngả thi đua

Lên rừng lấy gỗ chò hoa

Đem về dâng tiến vua cha Động Đình

Ngự Bắc kinh,Thăng Long quý địa

Phủ Tây Hồ tú khí danh lam

Dừng thuyền bái yết Mẫu Vương

Mẫu ban chấp chính cầm quyền vào ra

Cho coi sóc các toà cung nội

Riêng một bầu phượng ruổi loan ca

Đông Cuông, Tuần Quán các tòa

Cây cao bóng mát rườm rà tốt tươi

Đàn cá lội rõ mười không khác

Kết thành lầu dàn dặt đêm thanh

Trăng soi đáy nước thuỷ đình

Có thoi Hoàng thoải xinh xinh khác thường

Thoi sáng ánh kim cương lấp lánh

Biết bao người mến cảnh say sưa

Trách ai vô ý không ngờ

Qua không bái yết thực là khó van

Ai biết phép gia ban tài lộc

Độ cho người văn học thông minh

Hoàng về trắc giáng điện đình

Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường

Bản 2

Động Đình tây hồ thu nguyệt huy

Tiêu Tương giang bắc tảo hồng phi

Túy khách mãn thuyền ca Bạch trữ

Bất tri sương lộ nhập thu y.

Mực in vách phấn đề thơ

Hồ Tây sóng nước bây giờ là đây

Gió trăng chở một thuyền đầy

Của kho vô tận, biết ngày nào vơi

Phú nói :

Thuyền nan nhè nhẹ một con chèo

Thuyền Hoàng Bơ Thoải dạo Hồ Tây

Sóng dập dờn sắc nước trời mây

Bát ngát nhẽ ghẹo người du lãm

Yên thuỷ mang mang vô hạn cảm

Ngư long tịch tịch thục đồng tâm

Rượu lưng bầu mong mỏi bạn tri âm

Xuân vắng vẻ biết cùng ai ngâm họa

Gió hây hẩy không nức mùi nhang xạ

Nhác trông lên vách phấn đã đề bài

Thơ ai, xin họa một vài

(Trích Tỳ Bà Hành)