THƯ MỤC

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Động Đình Hồ và Bách Việt


Nguyễn Xuân Quang

Hồ Động Đình được nhắc tới nhiều trong truyền thuyết, cổ sử và văn hóa của Đại Tộc Việt.

HỔ ĐỘNG ĐÌNH và TRUYỂN THUYẾT VIỆT.

Kì Dương Vương Lấy Công Chúa Của Long Vương Động Đình Quân.

    Theo Lĩnh Nam chích quái thì Kì Dương Vương ”có nhiều phép lạ, có thể đi lại trên trời và dưới nước được”, cũng vì “có tài đi dưới thủy phủ” nên Kì Dương Vương xuống cõi nước lấy Thần Long con gái Long Vương Động Đình Quân ở hồ Động Đình.

    Truyền thuyết khác cho biết Kì Dương Vương là vua đầu tiên của nước Xích Quỉ của Đại Tộc Việt.

    Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt và trong nhiều bài viết khác, ta đã biết Kì Dương Vương là người đầu tiên của thế gian và cũng là vua đầu tiên của nước Xích Quỉ, Người Mặt Trời, có nhũ danh là Lộc Tục (con Hươu Đục, Hươu Nọc) có cốt là con hươu sủa mang gạc (barking deer, munjac) và kì dương là Mã Lai ngữ kijang, hươu sủa. Kì Dương Vương vua thế gian nên có một khuôn mặt là Núi Thế Gian, Núi Trụ Trời, NúiTrụ Chống Trời trong có Trục Thế Giới thông thương ba cõi. Ta thấy các nhân vật và các địa danh Việt như ông Trụ Chống Trời, Bàn Cổ, núi Thạch Môn, núi Không Lộ, Núi Kình Thiên Trụ ở Sơn Tây, núi Nam Giới (núi hình cây Cọc của phái nam) ở Hà Tĩnh… cũng như những tháp, đống, tháp có tầng, thạch trụ, đại thạch bi, cột, trụ, nọc, núi nổng, cây Chiên đàn, cây Si, cây “Chu đồng bông thau lá thiếc” của Mường Việt cổ, Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) mang hình ảnh và ý nghĩa liên hệ với Kì Dương Vương. Núi Kì trong cổ sử là một thứ Núi Trụ Thế Gian liên hệ với Kì Dương Vương. Núi Trụ Chống Trời, Trục Vũ Trụ, Trục Thế Giới tại trung tâm quả đất đầu trên đụng tới nóc trời ở thiên đỉnh (zenith), đầu dưới xuống tận rốn cõi nước, cõi âm (nadir). Đây là trục “xa lộ” nối liền ba cõi tam thế.

    Kì Dương Vương ở cõi thế gian đội lốt thần mặt trời Viêm Đế ở cõi tạo hóa, đội lốt Đế Minh ở cõi trời thế gian là vua mặt trời thiên đỉnh, chính ngọ trên đỉnh Trục Thế Giới. Vì thế Kì Dương Vương có thể đi lại, cai quản cả ba cõi qua Trục Thế Giới. Điểm này giải thích câu nói trong truyền thuyết là Kì Dương Vương ”có nhiều phép lạ, có thể đi lại trên trời và dưới nước được”.

    Như thế Kì Dương Vương dĩ nhiên có thể đi xuống cõi nước, xuống thủy cung của Long Vương Động Đình Quân để cưới Thần Long.

    Tại sao Kì Dương Vương lại chọn Long nữ Thần Long làm vợ? Xin thưa Kì Dương Vương có Kì là kẻ, là cây, là Nọc, Dương có nghĩa ngược với âm và có một nghĩa là Nọc mặt trời. Kì Dương là nọc lửa, vật nhọn như rìu, dương, mặt trời thiên đỉnh, chim nọc, hươu nọc, rắn nọc (lửa), bộ phận sinh dục nam… thuộc ngành Nọc, mặt trời Viêm Đế, Đế Minh. Trong khi Thần Long con của Long Vương ở thủy cung có Thần là Nước, Long là rồng thuộc ngành Nòng âm, nước, rắn nước, không gian Thần Nông, Lạc Long Quân. Đây là sự hôn phối lưỡng hợp nòng nọc, âm dương, giữa Kì Dương Vương Li, Lửa đất với Thần Long, Nước Trời Khảm. Sự hôn phối này hợp với luật giao hòa nòng nọc, âm dương của vũ trụ, càn khôn của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, của Dịch. Ta thấy rất rõ cốt lõi của văn hóa Việt là Vũ Trụ giáo dựa trên nguyên lý lưỡng hợp nòng nọc, âm dương.

Sự hôn phối này xẩy ra ở hồ Động Đình.

Tại Sao Lại Là Hồ Động Đình?

Hồ Động Đình Thuộc Về Bách Việt.


    Trước hết, dĩ nhiên hồ Động Đình phải là của Đại Tộc Việt nên mới có thể chọn làm nơi nguồn cội của Bách Việt. Nhiều chứng tích cho thấy hồ Động Đình là của Bách Việt. Xin chỉ nêu ra một vài điểm chính:

Biên cương Văn Lang.

Theo Lĩnh Nam chích quái thì:
Biên cương nước Văn Lang.
Phía Bắc tới hồ Động Đình,
Tới tận dòng Trường Giang,
Phia Tây giáp Tứ Xuyên Ba Thục,
Phía Đông giáp Nam Hải,
Phía Nam xuống mãi Hồ Tôn Chiêm Thành.

(thơ Nguyễn Xuân Quang, xem Hồ Động Đình phần 2).

Hồ Động Đình thuộc Sở Việt.


    Trong bài thơ ở đình Ông Tiên Say Ba Lần có câu cho thấy tiên ông Lã Đồng Tân đã “sáng du Bắc Việt chiều Thương Ngô”, (朝游北越暮蒼梧, Triêu Du Bắc Việt Mộ Thương Ngô). Thương Ngô-蒼梧 là một tên gọi khác của nước Sở, đó là “địa danh” ở phía Nam của Bắc Việt và câu Lãng Ngâm phi quá Động Đình Hồ. / Lãng Ngâm bay qua Động Đình Hồ.

Đây là một chứng tích của cổ sử Đại Tộc Việt cho thấy rõ ràng “Sở” là “Việt.

    Khuất Nguyên người nước Sở đã trầm mình ở sông Mịch La (Miluo), gần Nhạc Dương bên hồ Động Đình và được dân địa phương thờ phượng hàng năm vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, tết Đoan Ngọ (xem dưới). dân vùng hồ Động Đình có những tộc thuộc Sở Việt nói riêng và Bách Việt nói chung.

Hồ Động Đình liên hệ với Lạc Việt.

    Tỉnh Hồ Nam là châu thổ sông Tương chẩy vào hồ Động Đình nên Hồ Nam có khi gọi tắt là Tương theo tên con sông nổi tiếng này.

    Tương Giang bắt nguồn từ huyện Lâm Quý của khu tự trị của tộc Tráng (Zhuang), ở Quảng Tây. Tộc Tráng là một chi tộc Lạc Việt (Loyue). Như thế dòng văn hóa Lạc Việt bắt buộc phải xuôi nguồn chẩy vào hồ Động Đình. Nói một cách khác sông Tương đầu nguồn ngày nay còn có Lạc Việt Tráng tồn tại thì tất nhiên vùng hồ Động Đình ngày xưa bắt buộc phải là phần đất có Lạc Việt. Ta thấy rõ điểm này qua sự kiện truyền thuyết Việt nói rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau ở cánh đồng Tương….

Hồ Động Đình và các tộc khác của Bách Việt


    Theo Thái Văn Kiểm “Động Đình Hồ, nơi qui tụ rất đông người Bộc Việt và Lão Việt” (xem dưới).

    Triệu Đà đất Nam Việt vì sợ nhà Hán đánh chiếm mình nên đã tiến đánh chiếm trước một phần đất tỉnh Hồ Nam, dưới hồ Động Đình.

    Cổ sử cũng ghi lại rằng một phần đất của Hồ Nam thời nhà Tần thuộc về Tượng Quận.

Hồ Động Đình và Đại Hàn


    Khi nghe chúng tôi nói Long Vương Động Đình Quân là ông ngoại của Lạc Long Quân Lạc Việt, người hướng dẫn viên rất ngạc nhiên. Chị cho biết một số du khách Đại Hàn đến đây cũng bảo là Long Vương liên hệ với vua tổ của họ. Đúng vậy, Việt Nam và một vài tộc Đại Hàn có một tổ chung. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt tôi đã chứng minh rõ điểm này. Xin tóm lược vài điểm chính ở đây. “Đời Tây Chu các sử gia nhà Chu gọi người Korea là Lai Di. Sử ấy cũng cho biết Lai Di là rợ Tam Hàn trước kia” (Bình Nguyên Lộc, sđd). Ở chỗ khác Bình Nguyên Lộc viết “Sử đời Chu cho biết rợ Tam Hàn vốn là dân Lạc viết với bộ trãi, tức là dân Đông Di, gốc ở cực đông bắc Trung Hoa thời thượng cổ”. Ta thấy dân Đại Hàn có chi Lạc viết với bộ trãi y hệt chữ Lạc trong tên Lạc Long Quân cũng viết với bộ trãi. Trãi là con sâu không có chân tức thuộc dòng rắn. Theo tr=d (tràn = dàn) ta có trãi = dải, con vật giống như dải dây là con rắn. Cổ sử Đại Hàn và cổ sử của chúng ta cũng gặp nhau ở cái bọc Trứng Thế Gian. Các tộc phía nam của Tam Hàn cũng có huyền thoại cho rằng vua tổ của họ do trứng nở ra y hệt truyện Âu Cơ đẻ ra một bọc trứng nở ra các vua tổ Hùng vương. Cổ sử Đại Hàn có nói tới vị vua huyền sử đầu tiên là Tankun hay Thankun đẻ ra vị vua đầu tiên là Ki-ja, vị tổ lập quốc của triều đại thứ nhất. Không có tài liệu nào nói rõ về thời vua huyền sử (legendary king) Tankun hoặc ngay cả giai đoạn Kija sau đó. Korea chỉ còn các tài liệu về ngôn ngữ trong và sau thời đại Samhan (Three Han States, Tam Hàn). Ta thấy -kun liên hệ với Mường ngữ cun. kun, khun, cổ ngữ Việt khuấn và với Mông Cổ ngữ khan (Gengis Khan), Anh ngữ king… có nghĩa là người cầm đầu, người số một, vua. Tankun, Thankun là vua Tan, vua Than. Theo chuyển hóa t=s, th=s (thẹo = sẹo), ta có Tan, Than = San, Sáng. Vị vua tổ huyền sử của Đại Hàn là Tankun, Thankun là Cun Sáng, vua Sáng tương đương với Đế Minh. Ta có thể thấy rõ điều này qua cái tên Triều Tiên có nghĩa là ánh Chiêu Dương đầu tiên của ngày, tức ánh bình minh. Ngày nay người Đại Hàn dịch chữ Triều Tiên ra Anh ngữ là “Morning Calm” cho thấy còn mang dấu tích vua tổ của họ là vua Sáng Tankun liên hệ với Vua Ánh Sáng Đế Minh. Bình Nguyên Lộc cũng đã nhận ra sự liên hệ này: ”Nhưng người Tầu đã sai lầm mà phân biệt Đông Di và Nam Man vì cứ theo lời họ tả thì Đông Di giống hệt Nam Man cũng xâm mình và nhuộm răng đen và ta sẽ thấy… rằng rợ Đông Di, đích thị là Việt” (Bình Nguyên Lộc, sđd, tr.136).

    Đại Hàn có một gốc chung với Việt Nam chúng ta. Tên nước Triều Tiên, ánh Chiêu dương gần cận với Hừng rạng. Họ cũng có Kinh Dương vương. Tankun tương đương với Đế Minh sinh ra vị vua đầu tiên là Ki-ja, vị tổ lập quốc của triều đại thứ nhất. Ki-ja chính là Ki-jang, Kì Dương! Kinh Dương vương, vua đầu tiên của Việt Nam và Ki-ja là vua đầu tiên của Đại Hàn. Như thế Tam Hàn Lạc bộ trãi và Lạc Việt Lạc Long Quân có Lạc bộ trãi có cùng vua Ánh Sáng Tankun-Đế Minh, cùng vua Ki-Ja, Kì Dương, có cùng bọc Trứng Thế Gian sinh ra các vua tổ Đại Hàn-Hùng Vương thì cùng có gốc tổ ở hồ Động Đình là chuyện tất nhiên. Đại Hàn có các tộc có gốc Bách Việt.

    Điểm này là điểm hết sức quan trọng vì nó chứng thực, xác quyết là nguồn cội của Bách Việt là ở hồ Động Đình không phải chỉ có trong truyền thuyết Việt mà còn thấy ở Đại Hàn.

……

Hồ Động Đình Là Đất Thần Kỳ, Kỳ Bí, Thần Tiên


    Hồ Động Đình được chọn làm nơi cội nguồn của Bách Việt vì hồ Động Đình là đất thần kỳ, kỳ bí, thần tiên mang hình ảnh cõi tạo sinh, tạo hóa như đã thấy qua bài viết tổng quát về hồ Động Đình.

    Về địa hình hồ Động Đình mênh mông như biển Vũ Trụ và núi Động Đình như Núi Trụ Chống Trời chạm tới chín từng mây. Hồ và núi mang hình ảnh Cây Tam Thế (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống) trong có Trục Thế Giới. Núi Động Đình (Quân Sơn) là núi Trụ Trời thế gian Trung Thế trong có hang động có thể thông thương với cõi trên Thượng Thế và Cõi âm Hạ Thế. Thượng Thế là cõi trên, cõi trời, cõi thần tiên. Như đã biết hồ Động Đình được coi là có tiên xuất hiện như đã biết thi tửu tiên Lã Đồng Tân đã say sưa ba lần ở lầu Nhạc Dương bên hồ Động Đình. Trung Thế là cõi nhân gian. Hồ Động Đình là nơi cư ngụ của các tiên nhân, nơi ẩn dật của các Đạo sĩ, các thi nhân, vương giả, vua chúa… Hạ Thế là cõi nước, cõi âm có thủy phủ của Long Vương Động Đình Quân. Như thế hồ Động Đình có đủ cả Tam Thế.

    Nếu nhìn dười lăng kính Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo dựa trên nguyên lý lưỡng hợp nòng nọc, âm dương thì hồ nước là nòng, âm, cái bọc âm, (Vũ trong vũ trụ) ứng với không gian và núi đảo Quân Sơn Trụ Trời là Nọc, dương, nọc chấm hay nọc que (Trụ trong vũ trụ) ứng với mặt trời. Hồ Động Đình và núi quân Sơn là hình ảnh của nòng nọc, âm dương, vũ trụ, không gian-mặt trời, Trứng Vũ Trụ, Thái Cực hay Lưỡng Nghi. Đây chính là nơi sinh tạo, tạo hóa ra vũ trụ trời đất muôn sinh, loài người. Và đây chính là nơi xẩy ra sự giao hòa nòng nọc, âm dương Thần Long-Kì Dương Vương của chúng ta.

    Con người đầu tiên ở cõi giữa thế gian là Kì Dương Vương. Lộc Tục Kì Dương Vương chính là con hươu Keh và cũng là con người đầu tiên của loài người của James Churchwards (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).


Hươu Keh, con người thế gian đầu tiên (James Churchwards).

    Lưu ý con Hươu Keh chính là con hươu Kẻ, hươu Kì, hươu cọc, Lộc Tục (Hươu Đục, Hươu Đọc, Hươu Nọc) Kì Dương Vương là con người đầu tiên trên đất thế gian (vì thế mới vẽ đứng trên hai chân trên mặt đất). Chữ T trong hình là hình ảnh Trụ Chống Trời, Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) nhô lên từ biển nước vũ trụ. Ta thấy rõ Trụ Chống Trời T và biển nước tương đương với núi Quân Sơn và hồ Động Đình. Hươu Kì Lộc Tục tương ứng với Hươu Kẻ là thần tổ loài người sinh ra từ Trứng Vũ Trụ là hồ Động Đình và núi Quân Sơn. Do đó Kì Dương Vương có thể dùng Trục Thế Giới chữ T này xuống thủy phủ lấy Long Nữ. Như thế rõ như “con cua tám cẳng hai càng, một mai hai mắt rõ ràng con cua” là Hươu Nọc Lộc Tục Kì Dương Vương (tương với hươu Keh) liên hệ với Núi Trụ thế gian, Trụ Chống Trời, Trục Thế Giới, Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).

    Do đó Kì Dương Vương có mặt ở hồ Động Đình và xuống thủy cung lấy Thần Long quá đúng.

Nếu còn nghi ngờ ta có thể kiểm chứng lại với các tộc khác của thế giới.

    Ta thấy không phải chỉ Đại Tộc Việt có truyền thuyết sáng thế, tạo sinh từ hồ nước và gò núi trong hồ mang hình ảnh Trứng Vũ Trụ, Thái Cực, Trục Thế Giới mà còn có những tộc khác (ngoài các tộc Đông Á cổ thấy qua hình trên của James Churchwards) như Ai Cập cổ như Inca. Thật vậy, tôi đã khám phá ra cốt lõi văn hóa Ai Cập cổ và Inca (cùng có đạo thờ mặt trời như chúng ta) là Vũ Trụ giáo dựa trên Vũ Trụ Tạo Sinh, có căn bản là nguyên lý lưỡng hợp nòng nọc, âm dương giống như truyền thuyết và cổ sử Việt. Như thế, sự tương đồng giữa văn hóa cổ Việt với cổ Ai Cập và Inca là một chuyện hiển nhiên, không có gì là nghịch lý cả.

    Theo truyền thuyết sáng thế của Ai Cập cổ thì khởi thủy là Biển Vũ Trụ Nun (Ai Cập cổ thuộc ngành nòng âm nên hư vô cực hóa trước tiên biến thành Biển Vũ Trụ). Thượng đế hay hóa công nhô lên từ Biển Vũ Trụ cùng lúc với gò núi nổi lên gọi là “đồi nguyên khởi” (primeval hill’) hay “gò nguyên khởi” (‘primeval mound’). Ta thấy rõ đây là hình ảnh của hồ Động Đình và đảo Quân Sơn.

    Một truyền thuyết sáng thế của Inca cũng kể rằng hai vị thần tổ Manco Capac và Mama 0cllo trồi lên từ hồ Titicaca trên đảo Mặt Trời

    (Isla del Sol) để tạo dựng lên Đế Quốc Inca. Ta thấy rất rõ hồ Titicca là Biển Không Gian và đảo Mặt Trời mang hình ảnh Trứng Vũ Trụ, Thái Cực giống như hồ Động Đình.

    Như thế về siêu hình học, hồ Động Đình là đất kỳ bí, huyền bí, thần tiên, đất của siêu phàm, thích hợp với huyền sử, huyền thoại nên truyền thuyết về nguồn cội của Đại Tộc Việt ở đây thật quá tuyệt vời và rất hợp lý.

Truyền Thuyết Được Hiện Thực Hóa Bằng Các Đền Đài 

Điều cần đáng nói nhất là truyền thuyết về nguồn cội của Đại Tộc Việt không phải chỉ là truyền thuyết xuông nhưng nó đã được hiện thực hóa bằng những cấu trúc thờ phượng cụ thể ở hồ Động Đình.


1. Đền Động Đình


Đền Động Đình (ảnh của tác giả).


    Tại đảo Quân Sơn trong hồ Động Đình có một ngôi đền gọi Đền Động Đình. Đền thờ vị Thần ở hồ Động Đình. Đền bị phá hủy vào thời chiến tranh Nhật-Hoa và được xây cất lại vào năm 1997.

    Đền thờ một vị thần mặt sắt đen xì (tiếc rằng bị cấm chụp ảnh trong đền nên không có ảnh vị thần mặt đen này. Hồ Động Đình chưa phải là điểm du lịch nóng bỏng, các du khách ngoại quốc ít người tới đây. Chỉ có chúng tôi là hai người ngoại quốc tới thăm hồ Động Đình hôm nay. Vì thế nên chưa có bưu ảnh và sách vở bằng Anh ngữ viết về hồ Động Đình).

    Khi chúng tôi hỏi, người hướng dẫn viên cho biết đền có thờ Long Vương. Nhưng theo truyện dân gian ở đây thì đền này ngày nay cho là thờ một nho sĩ tên là Liễu Nghị (Liuyi), đời nhà Đường trở thành vị Thần hồ Động Đình. Đây là vị thần bảo mệnh của dân chài sống ở vùng hồ Động Đình.

    Truyện thần hồ Động Đình chính là câu chuyện dân gian của Li Zhaowei viết từ một truyền thuyết của hồ Động Đình và đã được phổ biến rộng dãi trong dân gian, trở thành một trong sáu câu chuyện dân gian nổi tiếng của Trung Hoa (như truyện Ngưu Lang Chức Nữ, Chuyện Nàng Meng khóc làm sụp lở Vạn Lý Trường Thành, chuyện Nguyệt Lão Xe Tơ…).

    Theo truyện dân gian này thì Liễu Nghị, một sĩ tử trên đường đi thi từ kinh đô về gặp một người con gái đang chăn cừu rất xinh đẹp nhưng trông rất khổ sở. Hỏi ra mới biết nàng là con gái Long Vương ở hồ Động Đình. Nàng được gả cho một vị hà bá nhưng bị chồng ngược đãi bắt phải đi chăn cừu. Nàng nhờ chàng đem thư về cho Long Vương báo cho Long Vương biết. Liễu Nghị ưng thuận giúp. Nàng trao cho chàng một dải dây đeo lưng bảo chàng tìm đến một cây Cam cổ thụ ở đảo Quân Sơn, đeo dây vào người rồi gõ vào cây cam thì sẽ có người dẫn chàng xuống gặp Long Vương ở dưới thủy phủ. Liễu Nghị làm đúng theo lời dặn. Bỗng dưng cái giếng nước bên gốc cây cam mở ra thành một đường dẫn xuống lòng nước. Một người hiện lên đưa chàng xuống thủy phủ. Sau này cái giếng vốn gọi là Giếng Cây Cam được gọi là Giếng Liễu Nghị, tức là đường xuống thủy cung (xem hình ở bài Hồ Động Đình 1). Long Vương sai em mình đi giải cứu con gái. Em Long Vương sau đó đề nghị gả cháu gái mình cho Liễu Nghị nhưng chàng từ chối cho rằng chàng giúp người vì thấy việc đó cần phải làm mà thôi. Liễu Nghị trở lại sống đời người trên mặt đất. Chàng lấy vợ hai lần nhưng hai người vợ đầu chết sớm. Liễu Nghị buồn bỏ đi xa. Ở đây, qua mối mai chàng gặp một góa phụ, chàng yêu ngay và lấy bà làm vợ. Một năm sau, vợ sinh được một đứa con trai. Nhân ngày lễ thôi nôi, vợ chàng hiện ra là công chúa con Long Vương ở hồ Động Đình. Sau đó, hai người trở lại sống ở hồ Động Đình và Liễu Nghị trở thành vị vua cai trị hồ Động Đình.

Tuy nhiên, Liễu Nghị vốn là một bạch diện thư sinh, nho nhã nên không đủ oai quyền để cai trị nổi các loài thủy quái ở hồ. Long Vương làm một cái mặt nạ đen xì cho Liễu Nghị đeo vào mỗi khi đi làm phận sự. Tối về nhà phải bỏ mặt nạ ra cho vợ con nhận ra mình. Một hôm đi kinh lý về khuya, Liễu Nghị mệt quá quên bỏ mặt nạ ra, ngủ thiếp đi. Sáng trở dậy chiếc mặt nạ dính sát vào da mặt không lột ra được nữa nên trở thành một vị vua thế gian mặt đen. Vua hồ Động Đình mặt đen này phù trợ giúp đỡ dân chài quanh hồ rất nhiều vì thế mà sau này được dân vùng này lập đền thờ.

    Đó là chuyện dân gian ngày nay lưu truyền tại vùng hồ Động Đình, phần đất cũ của Đại Tộc Việt. Truyện này còn nhiều dấu tích của Long Vương trong truyền thuyết Việt.

Thực sự ra ngôi đền hiện này mang hình ảnh chính là ngôi đền thờ Long Vương.

    Thật vậy, khi nhìn thấy mặt tiền của đền là ta có ấn tượng ngay đây là một ngôi đền thờ liên hệ với Long Vương Động Đình Quân, vị vua Rồng sống dưới đáy hồ.

    Cổng tam quan có 9 con rồng (cửu long). Rõ ràng đây là đền thờ Vua Rồng. Vua rồng thật ra theo Vũ Trụ giáo có ba khuôn mặt ở cả Tam Thế. Nhưng khuôn mặt chính là ở cõi nước, cõi âm, Hạ Thế. Ở cõi thế gian lúc đầu chính mình chăm lo cai quản sông ngòi hồ biển, vùng đất âm có nước nhưng khi về già thường cho con (hay con rể) thay mình. Ở cõi trời lo việc mây, mưa, sấm chớp… Lạc Long Quân của chúng ta là cháu ngoại của Long Vương hồ Động Đình Quân nên có tất cả những khuôn mặt này. Long Vương Động Đình Quân đã nhờ con rể Liễu Nghị cai trị thế gian khi về già.

    Số 9 là số Chấn thế gian có mang một nghĩa nước-lửa, sấm mưa, mặt trời nước, nước dương chuyển động (biển, sông…), bản thể của Lạc Long Quân. Lưu ý mái cổng tam quan hình gợn sóng, mái cổng chính hình vòm (vòm vũ trụ, không gian, vòm trời), cột tròn, đầu cột có hình cầu tròn (nòng) mang âm tính thuộc ngành nòng, âm, nước, không gian, Thần Nông đối ngược với mái, các trụ và đầu trụ có góc cạnh, nhọn mang dương tính nọc, dương, lửa, mặt trời, Viêm Đế.

    Tượng vị thần mặt đen được cho là vua hồ Động Đình đất thế gian Liễu Nghị thật ra là đội lốt Long Vương Động Đình Quân. Long Vương làm ra chiếc mặt nạ đen xì cho Liễu Nghị đeo. Chiếc mặt nạ đen này chính là một khuôn mặt mình, khuôn mặt của vị vua Rồng ở cõi âm. Khuôn mặt đen này của Long Vương đã được các loài thủy quái kiêng nể, kính sợ. Mầu đen là mầu nước, mầu ngành nòng âm, mầu thái âm, mầu cõi âm (để tang mầu đen), mầu của khuôn mặt cõi âm của Long Vương. Điều này còn thấy rõ trong văn hóa Lạc Việt. Người Lạc Việt thuộc dòng nước, Lạc Long Quân có tục nhuộm răng đen, đội khăn vuông mỏ quạ mầu đen, một chi tộc Lạc Việt Tráng (Zhuang) mặc đồ mầu đen ở quận Napo gọi là Tráng đen Nung/Dam… Các vị thần, vua, lãnh tụ của ngành nòng âm, nước, mặt trời nước, mặt trời hoàng hôn, không gian âm, cõi âm được gọi là Quân có nghĩa liên hệ với mầu đen như Thái Thượng Lão Quân, Động Đình Quân, Lạc Long Quân, Quân Sơn… Ví dụ như vua các nước Tây Âu (dòng Nòng, Nước, không gian âm) gọi là quân chứ không gọi là vương như “Tây Âu Quân là vua nước Tây Âu” (Bình Nguyên Lộc, tr.234). Vua Lạc Long gọi là Lạc Long Quân chứ không gọi là Lạc Long Vương. Ta thấy rõ Lạc Long Quân mang di thể (gene) Quân từ ông ngoại Long Vương Động Đình Quân. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt tôi đã giải thích Quân liên hệ với nước, mầu đen, mầu tím đen, hoàng hôn. Xin tóm tắt lại vài điểm chính ở đây.

    Quân cùng vần với quan. Quan biến âm với Oan. Ta có thể kiểm chứng lại qua qui luật q=0 (q câm) như queo = ueo = oeo = eo (cong): quan = uan, oan. Oan hàm nghĩa nước, oan ương là le le vịt nước. Anh ngữ swan (thiên nga) có -wan = uan = oan, cùng giống với oan ương. Điều này cũng thấy rõ nơi nguồn gốc của người Sumerian ở Lưỡng Hà. Theo truyền thuyết của người Sumer thì tổ tiên của họ là Nhân ngư Oannes, nửa cá nửa người. Oannes có Oan-. Nhân ngư Oannes Sumerian chính là ‘người ở nước’, Giao nhân, long nhân của chúng ta. Như thế Quân có nghĩa là vua, tổ, thủ lãnh dòng nước, mặt trời lặn, cõi âm. Quân biến âm với cổ ngữ Việt ‘khuấn’ chỉ ông tổ. Theo q=kh như quấy = khuấy, ta có quân = khuấn. “Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung còn cho biết, ngày trước ở Sơn Tây, trẻ con chửi nhau có câu ‘tiên sư ông Khuấn nhà mày’. Khuấn coi như ông tổ, người cầm đầu một gia tộc, như ‘khuntz’ của người ‘Mun-da’” (Trần Quốc Vượng). Sơn Tây là đất tổ của Lạc Long Quân. Khuấn là thần tổ Lạc Long Quân. Khuấn biến âm với Muờng ngữ Cun, lãnh tụ, tộc trưởng như “Cun lang bú chó, Cun vó bú trâu” [Cun tộc lang sói bú chó, cun tộc có vó (chân có móng như vó ngựa) thì bú trâu].

    Về màu sắc thì theo h=q như hóa phụ = quả phụ ta có quân = huân, hôn. Quân là màu huân, màu hôn, màu hoàng hôn. Hoàng hôn là màu đỏ mặt trời pha với màu đêm đen, tức màu đỏ-đen, màu tím đỏ, màu chiều tím. Hán ngữ huân là ‘khói lửa bốc lên’ như thế huân là màu lửa pha màu khói đen. Rõ hơn nữa ta thấy màu ‘quân’ trong tên quả hồng quân hay mồng quân (Flacourtia cataphracta, Roxb.) Huỳnh Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị ghi: “mồng quân, thứ cây có nhiều gai, có trái tròn mà nhỏ, người ta hay ăn, trái nó chín đỏ đen như màu huân cho nên cũng kêu là hồng huân…”, ở nơi từ huân ghi: ”huyền huân, màu đen tím”.

    Vậy quân là màu tím đỏ màu mặt trời đêm, mặt trời hoàng hôn. Lạc Long được gọi là quân vì là vua Mặt Trời màu ‘quân’, màu tím đỏ, có một khuôn mặt của Mặt trời lặn…

    Như thế hiển nhiên tượng thần mặt đen trong đền chính là hình bóng của Long Vương. Đây là đền thờ Long Vương. Một bằng chứng cho thấy rõ và rất thuyết phục là không phải chỉ có một tượng vị thần mặt đen liên hệ với Long Vương mà thôi, các chi tiết khác của đền đều liên hệ với Long Vương. Các cờ phướn ở đây cũng đều viền mầu đen, viết chữ đen, mầu âm của Long Vương, không có mầu đỏ là mầu dương.


Cờ phướn ở đền Động Đình đều viền mầu đen, viết chữ đen mầu âm của Long Vương, không có mầu đỏ là mầu dương (ảnh của tác giả).

Đỉnh hương có hình mặt trời nước, mặt trời hoàng hôn, mặt trời lặn hay mặt trăng (một thứ mặt trời đêm) hình đĩa tròn không có tia sáng.



    Đỉnh hương có hình mặt trời nước, mặt trời hoàng hôn, mặt trời lặn hay mặt trăng (một thứ mặt trời đêm) hình đĩa tròn không có tia sáng (ảnh của tác giả).

    Sau đỉnh hương có hình lưỡng long chầu nguyệt hiển nhiên liên hệ với Long Vương. Và như đã nói tiêu biểu nhất là cổng tam quan hình sóng nước với chín con rồng.

    Như thế trăm phần trăm đền mang sắc thái thờ Long Vương. Vị thần mặt đen nếu cho đó là vị vua đất thế gian của hồ Động Đình Liễu Nghị thì vị này cũng chỉ là ông con rể đội lốt cha vợ Long Vương mà thôi.

    Đây là một chứng tích cho thấy văn hóa Đại Tộc Việt đã bị Hán hóa, tác giả viết truyện nhân gian về hồ Động Đình đã tiểu thuyết hóa.

2. Truyền Thuyết Vua Thuấn và Hai Bà Vương Phi


    Như đã biết ở Quân Sơn có Đền Tưởng Niệm Tương Phi ngày xưa gọi là Đền Tương Sơn. Đền được xây cất đầu tiên vào thời Chiến Quốc để thờ vị thần ở Quân Sơn và sông Tương. Theo truyền thuyết kể lại thì vua Thuấn (Shun,舜) đi tuần thú đất Thương Ngô và bị bệnh chết ở đây, rồi hai nàng ái phi là Nga Hoàng- 娥皇và Nữ Anh-女英 đi tìm và cũng chết nơi đây và được chôn cất nơi này. Sau nầy Khuất Nguyên- 屈原 làm thơ gọi là Tương Quân (Xiangjun 湘君) và Tương Phu Nhân- (Xiang Furen, 湘夫人). Tương Quân lại được cho là “thần sông” của Sông Tương. Vì vậy nên từ đời nhà Đường đền được đổi tên là Đền Tưởng Niệm Tương Phi. Tại Quân Sơn cũng có mộ Hai Bà Vương Phi và vườn tre đốm hình giọt nước mắt do hai bà khóc Vua Thuấn nước mắt nhỏ xuống thân tre biến thành những đốm giọt nước mắt. Tre đốm này gọi là Tương Phi trúc hay Tương trúc (xem Hồ Động Đình 1). Vì thế giọt nước mắt vì tình cũng được gọi là “giọt Tương” hay “mạch Tương” như thấy trong Kiều của Nguyễn Du:.


Giọt châu lã chã khôn cầm,
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương!

(Thúc Sinh khóc).

Hay

Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương.

(Kiều khóc).

    Đế Thuấn là một vị trong truyền thuyết Trung Hoa nằm trong Ngũ Đế. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Đế Thuấn lại chọn hồ Động Đình làm nơi an nghỉ nghìn thu? Như thế ông phải thuộc về ngành nòng âm Thần Nông liên hệ với ngành Long Vương. Theo Khuất Nguyên thì Đế Thuấn tương đương với thần sông Tương. Hai bà vương phi cũng chết ở vùng sông Tương và được coi là thần nữ của đảo Quân Sơn. Ta cũng thấy Đế Thuấn nghiêng về ngành nòng, âm, nước khi ông dùng Hạ Vũ trị thủy, sau đó lại truyền ngôi cho Hạ Vũ chứ không truyên ngôi cho con là Thương Quân. Rõ ràng con của Đế Thuấn có di thể Quân của dòng âm nước Thần Nông như Lạc Long Quân. Một điểm nữa, Đế Thuấn lấy một lúc hai người con gái của Đế Nghiêu. Điểm này làm ta liên tưởng tới hai ngành nòng nọc, âm dương. Mỗi bà sinh ra một dòng con ứng với lưỡng hợp nòng nọc, âm dương như hai ngành Viêm Đế và Thần Nông của Viêm Đế-Thần Nông nhất thể, của các Lang Hùng, Hùng Vương. Như thế Đế Thuấn thuộc ngành nòng Thần Nông. Điều này giải thích tại sao ông là người hiền hòa rất đạo đức và đời Nghiêu Thuấn được cho là thời thái bình thịnh tri. Hiểu như thế ta sẽ hiểu tại sao ông trở về quê quán là hồ Động Đình để qui tiên. Nhìn xa thêm nữa, Đế Thuấn liên hệ với hồ Động Đình tức liên hệ với với Đại Tộc Việt. Trước đây tôi có đọc ở đâu đó có tác giả cho rằng các vị vua trong truyền thuyết cổ Trung Hoa có liên hệ với Đại Tộc Việt hay vay mượn từ Đại Tộc Việt. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt tôi đã chứng minh Viêm Đế-Thần Nông, Bàn Cổ, Phục Hy, Nữ Oa là liên hệ với hay của Đại Tộc Việt. Triết gia Kim Định cũng đã chứng minh như thế nhưng ở dưới một lăng kính khác.

Ta thấy Đế Thuấn là một trong Ngũ Đế và ta thường nghe nói tới Tam Vương Ngũ Đế trong truyền thuyết sáng thế được cho là của Trung Hoa. Nhưng đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt ta cũng thấy Ngũ Đế Tam Vương có trong truyền thuyết và cổ sử Việt. Thật vậy, trên cùng ta có Thần Nông-Viêm Đế (ở dạng nhất thể, một người) rối tới bốn vị đế ứng với tứ tượng, trong đó có Đế Minh, vị chi là Ngũ Đế (các vị Đế Nghi, Đế Lai, Đế Du Vong có thể nắm trong nhóm Đế này). Rối tới Tam Vương là Kì Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương (với khuôn mặt sinh tạo).

Truyền thuyết Đế Nghi và hai bà Vương Phi chết ở hồ Động Đình cho thấy hồ Động Đình là đất của ngành nòng âm, nước, Khôn, Thần Nông trong đó có Lạc Việt.

MỘT VÀI NÉT VĂN HÓA NỔI TRỘI KHÁC VÙNG HỒ ĐỘNG ĐÌNH VÀ BÁCH VIỆT
Chắc chắn ngoài những điểm nêu trên vùng hồ Động Đình còn lại rất nhiều di sản văn hóa Bách Việt. Những di tích này một là còn bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian, hai là đã bị Hán hóa đã biến dạng. Một phần di sản văn hóa này đã được ghi lại trong các tác phẩm của nhà thơ Khuất Nguyên (Qu Yuan). Ông là một người hoàng tộc nước Sở làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Về sau ông bị thất sủng vì đám nịnh thần và bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đầy ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử. Vì buồn phiền, sau đó ông nhẩy xuống sông Mịch La, gần Nhạc Dương hồ Động Đình tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch.

Theo Thái Văn Kiểm “Động Đình Hồ, nơi qui tụ rất đông người Bộc Việt và Lão Việt. Khuất Nguyên đã quan sát địa lý nhân văn và ghi chép những phong dao của người địa phương, kể cả những bài chầu văn, lên đồng, chèo ghe, bơi trải trên Động Đình Hồ, các vũ điệu Thờ Mặt Trời như đã khắc chạm trên mặt những trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ xa xưa… Tất cả những thơ ca của dân gian thu góp trong thời biệt trích nơi Động Đình Hồ và Sông Tương, thi bá Khuất Nguyên đã san định thành Sở Từ Cửu Ca và Trường Ca Ly tao…

Chúng tôi xin trích từ Ly tao, mấy câu thơ trong đó ông có nhắc hai sắc hoa mà ông rất ưa thích là: Mộc Lan (Nerium coronarium)… và giống cây yểu điệu gọi là Túc Mãng tức là Rau Muống…:



Cốt dư nhược tương bất cập hề,
Khủng niên tuế chi bất ngô dữ
Chiêu khiến phê chi Mộc Lan hề,
Tịch Lãm châu chi Túc Mãng.
Bản dịch của Vũ Khánh:
Ta như kẻ trên đường hoảng hốt,
Sợ tháng năm hun hút mau trôi,
Mộc Lan sớm cắt trên đồi,
Chiều tà Túc Mãng hái nơi cạnh giòng”


(Y Học Thường Thức).

    Túc Mãng là rau muống mọc bên bờ nước, một thứ rau của các tộc Bách Việt sống bên bờ nước, ngày nay vẫn là thứ rau quốc hồn quốc túy của người Việt Nam (bữa ăn trưa ở Nhạc Dương, chúng tôi cũng được ăn thứ rau muống mọc ở hồ Động Đình, một thứ rau muống có từ huyển sử Việt. Đĩa rau muống xào ớt tỏi cay xé miệng đặc thù của món ăn Hồ Nam, cay hơn cả đĩa rau muống xào với ớt hiểm Thái Lan chúng tôi đã ăn ở Chiêng Mai, Thái Lan).

Như đã thấy Khuất Nguyên cũng đã viết về truyền thuyết vua Thuấn và hai bà Vương Phi…

Một nét văn hóa được coi là nổi bật nhất của hồ Động Đình hiện nay là Lễ Hội Đua Thuyền Rồng vào ngày tết Đoan Ngọ (Duanwu Jie) mồng 5 tháng 6 âm lịch.

    Như đã nói là truyền thuyết của dân địa phương (đã bị Hán hóa) ngày nay cho rằng Lễ Hội Đua Thuyền Rồng trong tết Đoan Ngọ có nguồn gốc ở hồ Động Đình nhưng lại cho nó liên hệ Khuất Nguyên tự tử chết vào ngày 5 tháng 5 âm lịch tại sông Mịch La (Miluo) gần Nhạc Dương tỉnh Hồ Nam ngày nay. Khi nghe Khuất Nguyên tự tử, dân vùng hồ Động Đình tìm cách cứu vớt ông. Họ dùng chèo khuấy nước xua đuổi cá, làm bánh ú (zhongzi) đem thả xuống hồ để cho cá ăn để khỏi ăn thịt Khuất Nguyên. Kể từ đó, mỗi năm cứ đến ngày mồng năm tháng năm, nhân dân vùng hồ Động Đình tổ chức lễ Đoan Ngọ, Duanwu mồng 5 tháng 5 đi kèm với lễ hội Đua Thuyền Rồng.

    Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại tổ chức Lể Đua Thuyền Rồng cùng ngày tưởng niệm Khuất Nguyên? Khuất Nguyên là người nước Sở một tộc Bách Việt và Long Vương, ông ngoại của Lạc Long Quân là thủy tổ của ngành nòng nước của Bách Việt như thế dù gì thì Đua Thuyền Rồng nhìn chung cũng là lễ hội nước của Bách Việt trong đó có ngành nước Lạc Việt, Thần Nông.

    Thật ra lễ Hội Đua Thuyết Rồng ở hồ Động Đình vào ngày lễ Đoan Ngọ chỉ là một sự phối hợp mà thôi. Thật sự lễ Đua Thuyền đã có trước thời Khuất Nguyên như tác giả Thái Văn Kiểm ở trên đã cho biết Khuất Nguyên đã mô tả lễ nước với chèo ghe, bơi trải trên Động Đình Hồ. Theo cái nhìn đơn giản thì Lễ Đua Thuyền Rồng ở hồ Động Đình có Long Vương Động Đình Quân ở dưới đáy hồ, cai trị vùng hồ thì phải liên hệ với Long Vương, vua Động Đình Hồ.

    Xa hơn ta thấy lễ Hội Nước có đua thuyền đầu rắn nước đã thấy trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Xin nhắc lại văn hóa rắn có trước văn hóa rồng. Đua thuyền Rắn là tiền thân của Đua Thuyền Rồng.

    Lễ Duanwu cũng còn thấy ở nhiều tộc ở Đông Nam Á như Việt Nam gọi là Đoan Ngọ, Đại Hàn là Dano, Nhật Bản là Tango… nhưng ở mỗi nơi một khác và không nhắc tới Khuất Nguyên. Tại Việt Nam tết Đoan Ngọ chúng ta ăn bánh ú tro, cổ tay đeo chỉ ngũ sắc, giết sâu bọ, ăn cơm rượu nếp, đi lên rừng lên núi hái thuốc…

    Ở Đại Hàn, lễ này gọi là Dano-je (Dano biến âm với Hán ngữ phiên âm Duanwu, Việt ngữ Đoan Ngọ và je với jie, với lễ). Lễ này tổ chức ở một tỉnh duyên hải Gangneung ở địa hạt Gangwon, Nam Hàn. Lễ cũng được tổ chức vào dịp mồng 5 tháng 5 âm lịch nhưng kéo dài năm ngày, hoặc trước hay sau ngày mồng 5. Đại Hàn cho rằng lễ này họ có hàng ngàn năm rồi nhưng nghi thức hiện nay mới thành hình trong thế kỷ qua. Năm 1967, lễ Dano được xếp vào hàng lễ hội văn hóa bản địa (indigenous culture) hạng thứ 13. Kể từ đó, nhất là trong thập niên qua, lễ được phát huy và phát triển để thu hút khách du lịch tới vùng Gangneung này.

    Đại Hàn đã thành công xin được UNESCO thừa nhận ghi lễ Dano vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tháng 11 năm 2005.

    Khi loan ra, tin này đã làm Trung Quốc phẫn nộ. Họ cho rằng Dano-je lấy từ Duanwu-jie của Trung Quốc. Cả tỉ rưỡi người bị khích động bởi mọi phương tiện của truyền thông Trung Quốc. Đối diện với sự cuồng nộ này, UNESCO và giới di sản văn hóa Đại Hàn viện lý do cho rằng lễ Đoan Ngọ có khắp Đông Nam Á và ở Trung Quốc nhưng ở mỗi nơi mỗi khác, đã mang mầu sắc đặc biệt của văn hóa địa phương. Họ cho rằng Lễ Dano của họ có mang thêm yếu tố lễ hội mặt nạ tuồng cổ và tế lễ của các pháp sư chữa bệnh, có thể kéo dài cả tháng và ở Đại Hàn còn tôn vinh thần núi và các vị thần phù trợ dương và âm qua các nghi thức tế lễ của pháp sư gồm có cả nấu rượu thánh trên đỉnh núi Daegwallyeong ở bên ngoài thành phố Gangneung. Lễ này cũng có thêm lễ hội dân ca Odokddegi, lễ hội mặt nạ tuồng cổ, ngâm thơ, nhiều trò chơi ngoài trời khác, các chợ tiểu công nghệ…

    Trong khi đó lễ Duanwu của Trung Quốc chỉ được cho là liên hệ với Khuất Nguyên. Trong thời kỳ cộng sản “chưa mở cửa” lễ này với hội Đua Thuyền Rồng coi như bị chìm xuồng xuống đáy hồ Động Đình. Gần đây sau khi lễ Dano của Đại Hàn được UNESCO nhận là di sản văn hóa thế giới. Trung Quốc mới cố gắng biến hồ Động Đình trở thành một nơi có văn hóa du lịch.

    Ai đúng ai sai? Câu trả lời của tôi là Lễ Đoan Ngọ là của Đại Tộc Việt. Vì sao? Tiện thể tôi cũng xin biện minh giúp cho Đại Hàn và UNESCO trả lời Trung Quốc.

Thật vậy! Trước hết hãy xét về phía Trung Quốc.


Lễ Duanwu ở hồ Động Đình, nơi cội nguồn của Đại Tộc Việt, nơi đất Bách Việt cũ, vậy lễ này liên hệ với hay của Đại Tộc Việt.

Lễ Duanwu kết hợp với Đua Thuyền Rồng ở hồ Động Đình được cho là liên hệ với Khuất Nguyên. Khuất Nguyên là người nước Sở, một tộc của Bách Việt. Hiển nhiên lễ này của Đại Tộc Việt.

    Đua Thuyền Rồng được cho là có nguồn gốc ở hồ Động Đình nghĩa là liên hệ với Long Vương. Hiển nhiên là của Đại Tộc Việt. Như đã nói trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn đã có cảnh đua thuyền có hình đầu rắn bắt đầu thần thoại hóa tiến tới hình đầu rồng về sau (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Văn hóa rắn có trước văn hóa rồng. Theo cái nhìn của người trần mắt thịt thì thuyền rồng phải liện hệ với Long Vương, ông ngoại Lạc Long Quân. Như thế đua thuyền rồng ở hồ Động Đình phải liên hệ với Đại Tộc Việt, phải có nguồn gốc từ ngành Lạc Long, tức lạc bộ trãi của Bách Việt. Vậy lễ Duanwu của Đại Tộc Việt.

…..

Bây giờ xét về phía Đại Hàn.


    Lễ Dano ở tỉnh Gangneung, hạt Gangwon, một vùng hẻo lánh ở bờ biển phía đông của Đại Hàn. Tên Hán của Gangneung là Jiangling (Giang Lăng) trùng tên với quận Giang Lăng ở Hồ Bắc trên hồ Động Đình. Theo anh Đỗ Ngọc Thành, Gangneung của Đại Hàn đọc hơi giống như tiếng Mân Việt/ Triều Châu là Gang-leng! Ở Gangwon cũng có nhiều địa danh liên hệ với các vùng ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc như tên Dungjungchuwal là hồ Động Đình… Điểm này các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng người Đại Hàn ở đây đã lấy từ các tên Hán của Trung Quốc. Tôi nghĩ ngược lại, đây cũng có thể là những tên có gốc từ ngôn ngữ Bách Việt mà tộc Đại Hàn có gốc Lạc bộ trãi này còn giữ lại được. Đây là một bằng chứng Hán ngữ cũng lấy các từ Bách Việt rồi Hán hóa đi trong dòng giao lưu hai chìều (tôi tin chắc rằng anh Đỗ Ngọc Thành nay mai sẽ đưa ra ánh sáng nguồn gốc tên của các địa danh, lễ lạc… ở vùng hồ Động Đình là phát xuất từ chữ nôm cổ Bách Việt). Như thế lễ Dano của Gangneung phải có liên hệ với lễ Đoan Ngọ của Bách Việt. Điều này giải thích tại sao một số du khách Đại Hàn tìm về thăm hồ Động Đình và cho rằng Long Vương là thần tổ của họ như người hướng dẫn viên đã nói với tôi.

    Ở trên, ta đã biết Đại Hàn có các tộc có gốc Bách Việt. Lễ Dano ở tỉnh Gangneung địa hạt Gangwon này có lẽ là của tộc Tam Hàn Lạc viết với bộ trãi như từ Lạc trong tên Lạc Long Quân. Thật vậy, như thấy ở trên, lễ Dano này năm 1967 được xếp vào hàng lễ hội văn hóa bản địa, thổ dân (indigenous culture) hạng thứ 13. Thổ dân này gốc Tam Hàn Lạc bộ trãi.

Vậy lễ Dano này liên hệ với văn hóa Đại Tộc Việt.


    Người Đại Hàn có lễ hội Đua Thuyền Rồng trong lễ Dano nhưng họ không giải thích tại sao. Hiển nhiên họ đã lấy từ đâu đó lâu đời quá rồi nên không còn nhớ. Tộc Đại Hàn này là Lạc bộ trãi con cháu của Rồng nên có lễ hội đua thuyền rồng. Cũng có thể họ mang theo họ trên đường di tản từ hồ Động Đình nơi có Long Vương. Hãy nhìn những chiếc thuyền rồng của họ trong lễ hội này.



Đua thuyền rồng trong lễ Dano (nguốn: winkai.blog.gtvod.com)



    Ta thấy rất rõ thuyền rồng có mầu xanh trắng là những con rồng mang âm tính khác với các thuyền rồng vàng mang dương tính ta thường thấy. Đây là rồng nước, rồng âm của dòng Long Vương.

    Lễ Dano có kèm theo lễ hội tế lễ của các pháp sư chữa bệnh Shaman. Có học giả Trung Quốc cho rằng các ma thuật Shaman này lấy từ tộc Miêu thời nhà Chu sống ở vùng hồ Động Đình. Ta đã biết Tam Miêu liên hệ với hay nằm trong Đại Tộc Việt. Tục thầy pháp chữa bệnh này giống tục giết sâu bọ và lên rừng lên núi hái cây cỏ làm thuốc chữa bệnh trong ngày lễ Đoan Ngọ của Việt Nam.

    Ngày Dano họ nấu rượu thánh trên đỉnh núi Daegwallyeong ở bên ngoài thành phố Gangneung. Chúng ta nấu rượu nếp cúng lễ rồi ăn cơm rượu nếp.

    Người Đại Hàn cho rằng ngày Dano 5 tháng 5 âm lịch là thời điểm trong năm độ cương cường, dũng mãnh của yếu tố dương trong thiên nhiên lên tới tột độ. Tại sao họ lại cho như thế? Không thấy họ giải thích. Nếu có giải thích thì tôi đoán họ cũng chỉ hiểu theo một góc cạnh duy tục mà thôi. Theo tôi thì phải nhìn dưới con mắt của nòng nọc, âm dương, của Dịch lý. Theo Dịch số 5 là số Li, Lửa, tức dương. Số năm là số trục dương. Theo chiều đường thẳng số 5 nằm ở giữa 9 con số từ 1 tới 9. Theo chiều mặt bằng, số 5 nằm ở tâm hình vuông có cạnh là những con số còn lại của 9 con số. Hình vuông này gọi là ma phương. Ma phương 5/15 (có số trục ở tâm là số 5 và tổng số các con số ở các chi là 15). Ma phương trục này thường thấy nhất và đi với Dịch. Trong ngũ hành của Trung Hoa nếu xếp theo hình vuông thì hành Thổ ở tâm hình vuông tức ứng với núi Trụ Thế Gian, Trục Thế Giới tức số 5 Li. Số 5 Li là số biểu của Kì Dương Vương có biểu tượng là Núi Trụ Thế Gian, Trục Thế Giới … là vua mặt chính ngọ ở thiên đỉnh, trên đỉnh Trục Thế Giới tức là vị vua mặt trời nóng bỏng, chói sáng nhất, rạng ngời nhất trong ngày. Do đó Xích Quỉ là Người Mặt Trời chói chang, tổ của Người Việt Mặt Trời Rạng Ngời. Ngày là mặt trời, là nhật, dương, ngày số trục 5 là ngày dương cực đại. Tháng là trăng là nguyệt, là âm, tháng 5 là tháng dương cực đại. Vì thế mà ngày Đoan Ngọ 5 tháng 5 là ngày thiên nhiên có dương tính cực đại. Điều này ta cũng thấy ở các nước có liên hệ với hay có nguồn gốc Bách Việt ví dụ như Nhật Bản. Người Nhật coi tháng 5 âm lịch là tháng có dương tính nhất nên họ có ngày lễ Con Trai (Boy’s Day) vào tháng 5. Ngày Lễ Con Trai này thường được biểu tượng bằng những cờ phướn hình cá chép mầu, cá Koi. Cá chép hóa rồng biểu tượng cho sự thành đạt của con trai, phái nam…

    Ở Việt Nam ta cũng thấy ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày giết sâu bọ. Vì sao? Vì sâu bọ là loài mang âm tính nguy hại gây ra bệnh tật. Ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày thiên nhiên có dương tính, dương khí cực đại nên là lúc thuận tiện giết sâu bọ trong người và ngoài thiên nhiên. Loài vật mang âm tính trong thời gian này cũng rất sợ hãi như thấy qua câu “then lét như rắn mồng năm” (rắn là nước là âm nên sợ lửa, dương) và đây cũng là thời điểm cây cỏ trong thiên nhiên được cho là thấm nhuần dương khí của trời đất nhiều nhất nên có tác dụng hữu hiệu nhất. Do đó mới có tục đi hái thuốc trị bịnh vào lễ Đoan Ngọ ở Việt Nam… Đây là nguyên lý nòng nọc, âm dương trong cách trị bệnh. Điểm này giống như thấy ở trên, trong lễ Dano của Đại Hàn, các pháp sư tế lễ triệu thỉnh các vị thần phù trợ âm và dương về chữa bệnh.

    Như thế ta thấy rất rõ Lễ Đoan Ngọ kết hợp với Đua Thuyền Rồng thấy ở hồ Động Đình là của Đại Tộc Việt vì đất hồ Động Đình là đất của Đại Tộc Việt, là nơi nguồn cội của Đại Tộc Việt, nơi có Long Vương Động Đình Quân, ông ngoại của Lạc Long Quân, nơi đất Sở Việt và nhiều tộc Việt khác. Lễ Dano và Đua Thuyề Rồng ở Gangneung, Đại Hàn là của một tộc Tam Hàn Lạc bộ trãi liên hệ với Lạc Việt Lạc Long Quân, có thể họ bị đẩy đi từ vùng hồ Động Đình. Cũng như đã biết con sông Tương đồ vào hồ Động Đình bắt nguồn từ huyện Lâm Quý của khu tự trị của tộc Tráng (Zhuang), ở Quảng Tây ngày nay. Tộc Tráng là một chi tộc Lạc Việt. Người Tráng cũng cho họ là con cháu của Vua Rồng. Họ có trống đồng như chúng ta. Văn hóa ngày xưa đi xuôi ngược như con thuyền theo một dòng sông. Lạc Việt ngày xưa có mặt ở hồ Động Đình là một chuyện tự nhiên.

    Đáng lẽ Việt Nam phải xin UNESCO thừa nhận lễ Đoan Ngọ là di sản văn hóa của nhân loại là của Việt Nam vì chúng ta là tộc Việt duy nhất còn lại của Bách Việt. Buồn thay!

Vũ Trụ giáo và hồ Động Đình.


    Ta đã thấy rõ triết truyết Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo cốt lõi của văn hóa Đại Tộc Việt bàng bạc trong địa hình địa vật thần kỳ, kỳ bí của hồ Động Đình, trong truyền thuyết Kì Dương Vương xuống thủy phủ của Long Vương lấy công chúa Thần Long của Long Vương. Hồ Động Đình là đất thần tiên của Đạo giáo theo Vũ Trụ Tạo Sinh Vũ Trụ giáo. Tại một ngôi mộ cổ thời Tây Hán ở Đồi Mã Vương ở Hồ Nam trong đó có thi hài của bà Tân Truy (辛 追) được ướp vẫn còn trong tình trạng tốt, cũng tìm thấy trong một phiên bản sớm nhất của Đạo Đức Kinh do Lão Tử viết. Trong Đạo Đức Kinh có nói tới các tộc ở đây có chữ viết nòng nọc khoa đẩu (Chữ Nòng Nọc Trên Trống Đồng). Ở thư viện này cũng có một bộ Dịch tre không giống các loại Dịch khác. Hồ Động Đình ngày xưa một thời là đất nhà Chu, cổ thư đã chép Việt Thường đem tặng Chu Thành Vương Lịch Rùa trên có khắc chữ khoa đẩu ghi lại mọi chuyện kể từ khi “mở ra trời đất” (tức quá trình Vũ Trụ Tạo Sinh). Trước đây tại vùng phía dưới sông Dương Tử (tức vùng hồ Động Đình của Bách Việt), người ta cũng đào được những trụ cột hình lục giác có ghi khắc hình mang hình ảnh của một trụ Dịch (Trần Ngọc Ninh, Tuyết Sơn)…

    Những điều này cho thấy Đại Tộc Việt có một thứ Dịch nòng nọc. Thứ Dịch này còn ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn.

    Trong phạm vi bài viết chỉ xin nói tới một vài nét văn hóa tiêu biểu như trên còn những điểm khác ước mong được các tác giả khác đào tìm ví dụ như về ngôn ngữ chẳng hạn chắc chắn tên các địa danh vùng hồ Động Đình phải có gốc từ ngôn ngữ của Bách Việt, của Việt Nam. Từ trước tới nay, tôi đã dùng mặt chữ quốc ngữ ABC, Ấn-Âu ngữ, Phạn ngữ chuyển một số từ Hán Việt qua Việt ngữ (như ở trên đã thấy qua từ Quân: Quân = Việt ngữ cổ Khuấn = Kun = Mường ngữ Cun = Mông Cổ ngữ Khan = Anh ngữ King…). Về chữ Hán thì đây là sở trường của anh Nhạn Nam Phi Đỗ Ngọc Thành. Hy vọng anh sẽ phổ biến sớm những “khai quật” không những trong địa hạt ngôn ngữ mà cả các di tích văn hóa khác của vùng hồ Động Đình nói riêng và của Bách Việt nói chung. Về ngôn ngữ học, tôi và anh Thành đi theo hai ngả nhưng cùng hướng về một chủ điểm.


Kết Luận


Hồ Động Đình là phần đất của Văn Lang của Đại Tộc Việt. Hồ Động Đình là nơi cội nguồn của Đại Tộc Việt. Những di tích của truyền thuyết Kì Dương Vương lấy con gái Long Vương hồ Động Đình Quân hiện còn thấy ở hồ Động Đình. Long Vương, ông ngoại Lạc Long Quân “có thật” còn thấy qua các di sản văn hóa ở hồ Động Đình như đền Động Đình, Đua Thuyền Rồng, các truyền thuyết khác… Lễ Dano ở Gangneung Đại Hàn với hội Đua Thuyền Rồng và họ nhận hồ Động Đình là đất tổ, Long Vương là thần tổ cho thấy họ có một tộc Lạc bộ trãi như Lạc Việt. Điểm này củng cố thêm, xác quyết thêm cho thấy hồ Động Đình là của Đại Tộc Việt, nguồn cội của Bách Việt.

Hồ Động Đình là chốn thần kỳ nơi cội nguồn của Đại Tộc Việt.


Tài Liệu Tham Khảo:



.Các tác phẩm của Nguyễn Xuân Quang.

.Bình Nguyên Lộc, Nguồn Gốc Mãi Lai Của Dân Tộc Việt Nam.

.Thái Văn Kiểm, Thế Giới Rau Muống, Y Học Thường Thức số 16, tháng 7, 1996, tr.7-8.

.Trần Quốc Vượng, Hùng Vương Dựng Nước, NXB KHXH, HN, 1972 t III, tr.354.

.chinaheitagenewsletter.org, Duanwu: The Sino-korean Dragon Boat Races

NHỮNG DẤU HIỆU CHO BIẾT NGƯỜI CĂN CAO SỐ NẶNG HẦU ĐỒNG

 

NHỮNG DẤU HIỆU CHO BIẾT NGƯỜI CĂN CAO SỐ NẶNG HẦU ĐỒNG

Nếu những thắc mắc đó của bạn chưa tìm được lời giải đáp, hãy đồng hành cùng bài viết này để cùng tìm hiểu sâu hơn về người căn cao số nặng bạn nhé!

Căn số là gì?

Căn là gì?

Căn là căn cơ, chính là gốc rễ của một con người.

Số là gì?

Số là số mệnh của một con người.

+ Theo quan niệm dân gian, số được trời định sẵn, là con đường mà mỗi người đều phải đi qua trong kiếp làm người. Trời cho sang giàu thì mới được sang giàu, còn nếu trời bắt phải chịu cảnh bần hàn thì suốt đời sẽ phải sống trong nghèo khó.

+ Theo quan niệm của Phật giáo, số mệnh con người được định đoạt bằng luật nhân quả tam kiếp, tức là kiếp trước, kiếp này và kiếp sau. Người ăn ở hiền lành và có nhiều công đức từ kiếp trước thì kiếp này sẽ được hưởng phúc và nếu tiếp tục tu thân tích đức ở kiếp này thì kiếp sau sẽ được giàu sang, cứ thế sẽ có ngày tu thành chính quả.

Còn nếu người nào kiếp trước ăn ở thất đức, làm nhiều điều xấu xa thì cả kiếp này và kiếp sau sẽ bị đày đọa khổ ải để trả nợ cho nghiệp ở kiếp trước. Và như vậy, Phật giáo quan niệm số là do ăn ở mà thành.

+ Thực tế trong cuộc sống, người Việt tin cả hai quan niệm trên, và cho rằng, số mệnh đã được định sẵn nhưng có thể thay đổi theo cả chiều hướng tốt và xấu phụ thuộc vào việc ăn ở hiền hay ác của mỗi con người.

Có các loại căn số nào?

Những học thuyết tôn giáo khác nhau lại đưa ra những loại căn số khác nhau. Theo đó:

+ Phật giáo có căn nhà Phật, tức là những người có duyên với cửa Phật, cần phải tu hành để có được cuộc sống bình yên.

+ Đạo giáo có căn Đạo, tức là chỉ những người hữu đạo, có số mệnh định sẵn phải xuất gia theo Đạo giáo và phải vào tu hành trong các đạo quán.

+ Tuy nhiên phổ biến hơn tất cả, người Việt tin vào căn đồng số lính và luôn quan tâm tìm hiểu về loại căn số này. Theo đó, người có căn đồng số linh là người có duyên với Thánh, mang dòng máu Đế Đình và số đã định sẵn kiếp này sinh ra là để thờ phụng Thánh.

Căn đồng số lính là gì?

Căn đồng số lính là những người có duyên với các Thánh, số mệnh của họ ở kiếp này được trời định là mở phủ hầu hạ các Thánh.

Theo tín ngưỡng dân gian, căn đồng số lính của mỗi người xuất phát từ kiếp trước của họ. Có thể trong kiếp trước, họ ăn ở không phúc đức, thường xuyên báng bổ thần thánh và do đó mắc phải tội nghiệt sâu nặng, vì thế mà kiếp này họ bắt buộc phải theo hầu các Thánh để trả giá cho những tội nghiệt đó.

Cũng có những người đã có duyên với Thánh từ kiếp trước và mối duyên đó còn dở dang nên ở kiếp này, số mệnh tiếp tục gắn họ với các Thánh, cho họ làm căn đồng số lính để tiếp tục đi theo hầu hạ thánh.

Các cấp độ của căn đồng số lính

Người có căn đồng số lính, tùy vào duyên kiếp trước với nhà Thánh mà bắt buộc phải làm những việc khác nhau để hầu thánh. Theo đó, người có căn đồng số lính được chia ra làm 4 cấp độ như sau:

  • Cấp nhẹ nhất, người có căn phải đội bát hương, trình trầu.
  • Cấp độ thứ 2, người có căn đồng số lính phải tiến căn.
  • Cấp độ cao hơn, người có căn đồng số lính phải mở phủ, 1 năm hầu đồng vài ba lần.
  • Ở cấp độ cao nhất, tức là những người có căn đồng số lính nặng nhất, họ phải thờ Thánh tại nhà hoặc lên ở hẳn trên đền, trên phủ để đèn nhang hầu Thánh.

Cách nhận biết người có căn cao số nặng

Trong thực tế cuộc sống, không phải người nào cũng có căn cao số nặng. Để nhận biết một người có căn cao số nặng hay không, ta dựa vào những dấu hiệu sau:

+ Hay có những giấc mơ kỳ lạ: bản thân người có căn cao số nặng thường được các Thánh báo mộng. Theo đó, họ thường xuyên mơ thấy mình gặp thánh thần và trong những giấc mơ đó, họ sẽ có cảm giác rất chân thực, nâng nâng.

+ Bị ốp đồng khi tham gia hầu đồng: những người có căn cao số nặng khi tham gia hầu đồng thường có cảm giác nâng nâng. Trong tiếng đàn tiếng nhạc, họ dần dần mất kiểm soát, cười nói linh tinh không còn ý thức được bản thân mình đang nói gì, làm gì và cuối cùng là bị thánh nhập.

+ Bị Thánh hành: những người có căn cao số nặng thường bị thánh hành, ốm đau bệnh tật không rõ nguyên nhân và chạy chữa tứ phương không khỏi. Họ thường bị mất hết công danh sự nghiệp, thân bại danh liệt và có đường tình duyên, hôn nhân vô cùng lận đận, long đong.

 

LỜI KẾT: Đó là tất cả những gì cơ bản nhất bạn cần biết về một người căn cao số nặng. Nếu bạn hay một người thân nào đó trong gia đình đang có nghi vấn rằng mình có căn cao số nặng, đừng quá lo lắng bởi sắp tới, bạn sẽ là những người được hưởng lộc từ Thánh.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Chúa Cà Phê – Chúa Bói

Chúa Cà Phê còn có tên gọi khác là Chúa Bói, bà được thờ tại Đền Chúa Cà Phê nằm ở Phố Vị, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.


Chúa Cà Phê không hay về ngự đồng như Tam Vị Chúa Mường, nhưng nếu có đại tiệc mở đàn Chúa Bói thì người ta cũng hay thỉnh Chúa Bà về. Khi giáng đồng chúa thường mặc áo đen (có nơi hầu Chúa lại mặc áo xanh hoặc áo vàng, tuy nhiên khá ít người hầu chúa mặc màu áo như vậy), chúa về đồng cũng múa mồi”.

Hiện nay, đường đến Đền Chúa Cà Phê rất dễ dàng, xe ô tô đi rất tốt không như trước đây. Ngôi đền vẫn giữ được dáng cổ và khá uy nghi.

Thần tích về Chúa Cà Phê

“Chúa Cà Phê là bà chúa bói người Nùng từ thời thượng cổ (chưa có tài liệu nào ghi chính xác là Chúa Cà Phê giáng hạ dưới thời nào), chỉ biết rằng trong các vị Chúa Bói trên ngàn, bà là người có nhiều quyền phép nhất (có một số quan niệm cho rằng Bà Chúa Cà Phê là Bà Tổ Chúa Bói, tức là bà chúa bói đầu tiên của nước Việt ta), tuy nhiên bà lại sống ẩn dật trong núi, không xuất thế vậy nên ít người biết tới bà, vậy nên bà vẫn phải thỉnh sau Tam Vị Chúa Mường”.




Theo văn hầu của Chúa Cà Phê thì theo tích từ thời Lê Thái Tổ có ghi về sự kiện Chúa Cà Phê đã giáng sinh:

Trong tích cũ Lê triều thái tổ
Một thôn nghèo mán đỏ trên nương
Lam chiều khói tỏa màn sương
Chim kêu vượn hót ven đường hoa chen
Ngày thiêng sổ chọn một giờ
Trời sai tiên nữ cầm cờ giáng sinh
Đêm thanh giờ tý hiện ra điện tiền
Khắp một vùng yên lặng màn đêm
Sao sa sáng tỏ ở bên thềm
Chợt nghe giáng hạ tiên nàng thánh linh.



Cũng theo văn hầu này thì Chúa Cà Phê đã được Thái Thượng Lão Quân luyện phép:

“Dáng phong tư hoa kỳ đua thắm
Luyện phép tiên thái thượng lão quân”
Chính vì vậy mà chúa xem tử vi, xem tướng cứ như thần:
“Tử vi xem tướng như thần
Bói trong gia sự mười phân vẹn mười
Đoán thần tướng thương dân chính đạo
Giải hạn tai chỉ bảo căn ro.”



Chúng ta nên coi Chúa Cà Phê là một trong các chúa bói lâu đời nhất Việt Nam thì đúng hơn bởi Chúa Nguyệt Hồ cũng được coi là chúa bói, trong khi Chúa Nguyệt Hồ có từ thời Hùng Vương và ngoài ra còn một số chúa bói khác được thờ ở nhiều nơi khác. Coi Chúa Cà Phê là Bà Tổ Chúa Bói là còn thiếu cơ sơ. Tuy vậy, ta vẫn phải công nhận Đền Chúa Cà Phê là một ngôi đền thiêng.

Tại sao Chúa lại có tên là Chúa Cà Phê?


Cà Phê là tên loài cây do người Pháp đưa vào trong thời gian người Pháp xâm lược Việt Nam. Như vậy tên Cà Phê mới có cách đây chừng 200 năm. Vậy tên đền là Cà Phê không phải là tên cổ xưa.

Có ý kiến cho rằng: Trước đây, người Pháp cho trồng thử cây Cà Phê ở vùng này. Cà phê mọc không nổi còn công nhân thì ốm đau, tai họa liên miên. Lo sợ không biết vì sao, công nhân đã đến kêu lễ tại một miếu nhỏ vô danh trong khu rừng cà phê. Do cầu đâu được đó, thấy miếu linh thiêng nên công nhân đã góp tiền của xây dựng miếu thành đền. Kể từ đó, đền được gọi là đền Chúa Cà Phê.

Có ý kiến cho rằng ngôi miếu nhỏ này chính là mộ của một cô gái trẻ bị người Pháp ở đồn điền trồng thử cà phê này hiếp chết. Từ ngôi miếu thiêng này từ đó phát triển thành đền chúa Cà Phê. Theo truyền thuyết này thì chúa Cà Phê chính là oan hồn của thiếu nữ oan khuất hiển thánh.

Tại sao Chúa Cà Phê được gọi là Chúa Bói?


Chúa Cà Phê được coi là chúa bói thì cũng thực sự chưa có tài liệu nào xác nhận chính xác mà chỉ là tương truyền. Có ý kiến cho rằng nơi xưa, tại đền Chúa cà Phê có một người xem bói rất giỏi và người đó nói rằng được ăn lộc của Chúa Cà Phê nên mọi người gọi Chúa Cà Phê là Chúa Bói.

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo

 

        Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của du lịch Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài Đền Bà Chúa Thượng Ngàn nơi đây còn có đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, chùa Vàng tạo thành một cụm tâm linh Phật - Thánh đầy linh thiêng giữa chốn núi rừng đầy mộng mơ, quanh năm sương trắng. Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo còn gọi là Đền Mẫu Thượng Tam Đảo

 

 

        Để đến được cụm tâm linh Phật - Thánh linh thiêng này, ngay dưới chân núi Tam Đảo, km18, chúng ta còn được chiêm bái ngôi đền thờ Nhị Vị Vương Cô Nhà Trần. Trước khi đến thị trấn Tam Đảo mù sương chừng 2 cây số, chúng ta có thể vào dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Đạo.

        Thần tích đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo

        Vào những năm khoảng đầu thế kỉ 20, chính quyền Pháp đã quyết định cho xây dựng Tam Đảo trở thành một trong những điểm nghỉ mát dành cho những vị quan chức Pháp ở Việt Nam. Bên cạnh việc xây lên những căn biệt thự lộng lẫy, Pháp cũng cho làm những con đường để đi lại được dễ dàng hơn. Vào khoảng thời gian ấy, có một nhà thầu phụ là người Việt Nam đã bỏ tiền của ra để xây dựng lên ngôi đền này. Trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, thời gian ngôi đền hiện nay đã tố hảo, tráng lệ giữa bạt ngàn rừng xanh.

 

Đường lên đền Bà Chúa Thượng Ngàn

 

       Nơi đây, Bà Chúa Thượng Ngàn được coi là con gái đầu của Quốc  Mẫu Âu Cơ. Đây là một dị biệt về thân thế Mẫu Thượng Ngàn.

        Vài nét về Đền Bà Chúa Thượng Ngàn,  Đền Mẫu Âu Cơ và  Chùa Vàng.

        Sau khi du ngoạn cảnh đẹp của núi rừng Tam Đảo, chúng ta sẽ bước thêm 300 bậc lên lưng chừng đỉnh núi Thiên Thị cao chót vót nơi tọa lạc của cụm du lịch tâm linh. Lối đi có hai hàng tay vịn bê tông cốt thép uốn lượn với những bậc đá quanh co giữa cánh rừng trúc thẳng cao bạt ngàn, thơ mộng, phủ trùm bóng mát khiến ta như lạc vào một cõi thần tiên.

 

 

      Đền Bà Chúa Thượng Ngàn có kiến trúc phương Đông ước lệ, mái lợp ngói miểng Thổ Hà, phía trên ngay cửa chánh điện có đắp phù điêu cặp rồng xanh đang giương nanh múa vuốt (lưỡng long tranh chầu). Các cột trụ vuông bốn mặt giả đăng đỉnh (trụ đèn), dọc cột có những hàng chữ Nho.

        Phía sau đền Bà Chúa Thượng Ngàn là đền Quốc Mẫu Âu Cơ. Trước đây, đền Mẫu Âu Cơ nằm ở Phố Đình, trung tâm thị trấn, bị nhà nước phá, một số người dân đem tượng Bà giấu trong đền Chúa. Năm 1992, một bà thương gia giàu có mua mảnh đất nầy, xây đền, đưa tượng Bà qua thờ. Từ đó, với sự phù hộ linh thiêng của Mẫu Âu Cơ người phụ nữ giàu tâm đức ấy ngày càng thêm phát đạt. Đây là câu chuyện tóm tắt về bà thương gia: Bà vốn ở số nhà 11 Hàng Ngang, năm cải tạo bị nhà nước thu gần hết của cải, nhà cửa. Thế rồi một hôm bà nằm mộng thấy Thánh hiện về sai đi tìm lại đền cũ. Khăn gói bí mật bà ra đi một mình, cứ theo mộng mà đi.  Thế nào loanh quanh mò lên tận đất Tam Đảo. Đến 1992 thì bà mua được khu đất này vốn là nền cũ của đền. Bà đã bỏ tiền đứng ra xây dựng lại ngôi đền".

 

 

       Đền Quốc Mẫu có bàn thờ vị Đệ nhất vương cô – Đệ nhị vương cô, là hai hầu cận của Bà khi xưa. Bên phải thờ Ngũ vị Tôn Ông. Bên trái thờ Tứ Phủ Thánh Bà, là những người trông coi núi vàng của đất nước. Hậu cung thờ Quốc Mẫu Vua Bà. 

      Giữa sân đền có một cây cột vuông màu trắng cao vút, một mặt khắc dòng chữ: “Nguyện xin hòa bình đến với toàn thể nhân loại trên thế giới”. Ba mặt kia khắc các dòng chữ Nhật, Anh và Pháp cùng một nội dung. Cột này do vợ chồng một người Ấn Độ xây tạ ơn Bà đã cho họ một đứa con hằng mong mỏi. Từ đó người ta đồn rằng đền Quốc Mẫu Vua Bà linh thiêng, là nơi cầu xin tình duyên và con cái. Hiện nay, với sự cúng hiến tiền của người hảo tâm, đền đang được xây dựng thêm, khang trang hơn.

     Phía sau đền Quốc Mẫu Vua Bà là Chùa Vàng. Nơi đây có một khoảng sân rộng, nơi trang trọng đặt rất nhiều pho tượng phật đá trắng. Mỗi vị đứng hoặc tọa thiền trong một tư thế khác nhau, vị vui vẻ hiền từ, vị trầm tư ưu sầu cho nhân loại… 

 

     

       Từ đây có một cầu thang dài 121 bậc đá xanh, hai hàng tay vịn cũng bằng đá xanh chạm khắc hoa văn đẹp mắt dẫn lên. Bốn góc chùa là bốn mái hình đao cong vút, được xây mới vào năm 2010. Đáng chú ý là pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng cả tấn, đội mão dát vàng, tĩnh tọa trên đài sen bằng bạc. Do khúc xạ của ánh sáng nên khách hành hương thấy tượng phật lúc màu vàng, khi màu tím, rồi màu xanh thẫm… 

       Du lịch Tam Đảo

       Quả thực nếu hành hương về Tam Đảo với chốn tâm linh kỳ diệu mà chúng ta không có đôi chút khám phá thiên nhiên, cảnh vật kỳ vĩ nơi đây thì thật là đáng tiếc. 

 

 

        Nơi đây có nhà thờ cổ Tam Đảo bằng đá từ thời Pháp hết sức cổ kính mang dáng kiến trúc Gothic nổi tiếng;

 

 

        Nơi đây, còn có Thác Bạc mộng mơ luôn tung bọt trắng xóa; tháp truyền hình chót vót trên đỉnh Thiên Thị.