7 Sự tích Quan Hoàng Bảy vị thánh hoàng lừng danh đất Bảo Hà
Quan Hoàng Bảy là vị thánh hoàng nổi tiếng lừng lẫy đất Bảo Hà, Vậy Quan Hoàng Bảy là ai ? sự tích Quan Hoàng Bảy như thế nào và đền chính thờ Quan Hoàng Bảy ở đâu ? hy vọng qua bài viết này giúp bạn đọc có thể tự trả lời cho các câu hỏi được quan tâm này.
Hoàng Nhắn ai lên đất bảo Hà
Nếm mùi phong nguyệt ấy là thần tiên
Cõi Bắc địa còn truyền cổ tích
Hoàng Bảy Bải Hà thực đích trung quân
Sinh thời làm tướng trung thần
Mán nùng sơn trại muôn dân quy đầu
Điện chính thờ Quan Hoàng Bảy trên Đền Bảo Hà
Quan Hoàng Bảy là một nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam, còn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, ông là một trong những vị thánh được người trong và ngoài đạo nhắc đến nhiều nhất. Trong Tứ phủ thánh Hoàng, ngài đứng thứ bảy sau Quan Hoàng Lục An Biên và đứng trước Quan Hoàng Tám Bát Nùng. Ngài là một trong mười vị Quan Hoàng trong Tứ phủ Quan Hoàng được nhân dân tôn kính phụng thờ hầu khắp các đền điện phủ trong hệ thống thờ Mẫu đều có ban thờ Ngài.
- Tên húy của ngài: Nguyễn Hoàng Bảy.
- Sắc phong tước hiệu: Thượng Đẳng Thần.
Sự tích Quan Hoàng Bảy
Sự tích Quan Hoàng Bảy Bảo Hà có khá nhiều dị bản khác nhau. Tuy nhiên, theo các tài liệu có sự đáng tin thì sự tích về Quan Hoàng Bảy được kể lại như sau:
Quan Hoàng Bảy hay thường gọi là Ông Bảy Bảo Hà. Ông là con Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh vua, ông giáng hạ phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, vào cuối thời Lê. Vào triều Lê Cảnh Hưng (1740- 1786), tại vùng Bảo Hà và biên cương phía Bắc, có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá. Triều đình bèn cử viên tướng thứ bảy họ Nguyễn chính là Quan Hoàng Bảy lên trấn thủ vùng Quy Hoá. Danh tướng họ Nguyễn đưa đội quân tiến dọc sông Thao đánh đuổi bọn giặc cỏ, giải phóng Khảu Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn, cũng vì lý do này dân gian gọi ông là Quan Hoàng Bảy Bảo Hà.
Đối với giặc ngoại xâm, tướng Nguyễn Hoàng Bảy đánh đâu thắng đó, phá tan thế giặc ngoại xâm. Đối với nội bộ, tướng Nguyễn Hoàng Bảy đã có công thống nhất các thổ ti, tù trưởng, thổ hào quanh vùng đoàn kết quanh ông thanh một khối đoàn kết thống nhất. Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hoá (Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Tại đây ông đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… và trấn giữ vùng biên ải nơi Bảo Hà, Lào Cai. Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp.
Sau này trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, quyết không đầu hàng, cuối cùng, không làm gì được, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông Hồng. Kì lạ thay, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại. Còn một điều kì lạ nữa là khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội.
Sau này khi hiển linh ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một Ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn hết mực hộ quốc an dân, ông luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc_ Quan Hoàng Bảy Bảo Hà”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng, hóa thánh vào hệ thống Thánh Hoàng trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu.
Đền thờ Quan Hoàng Bảy ở đâu ?
Đền chính thờ Quan Hoàng Bảy là ngôi đền Bảo Hà được lập tại nơi năm xưa di hài của ông lưu lại, nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Năm 1977, đền Bảo Hà được chứng nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Cổng đền Quan Hoàng Bảy Bảo Hà
Ngôi đền cách thành phố Lào Cai 60km và cách ga xe lửa Bảo Hà 900m, hiện đã được tu sửa để thuận tiện cho du khách hành hương. Phong cảnh nơi đây vô cùng thơ mộng, bình yên, rừng núi bao quanh xanh một màu. Đối diện với dòng sông Hồng, lưng tựa vào núi, ngôi đền này được cho là mang phong thái ung dung đĩnh đạc của quan Hoàng Bảy. Cũng là di sản chứng minh cho sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc văn hóa truyền thống với quan cảnh thiên nhiên vĩ đại.
Bản văn Quan Hoàng Bảy
Văn Quan Hoàng Bảy
Gió nam thoảng đưa hương bay ngào ngạt
Bóng ác tà đã gác non tây
Trăng in mặt nước vơi đầy
Bảo Hà có tích xưa nay còn truyền
Quan Hoàng Bảy trần miền Băc địa
Hợp binh hùng lục thuỷ Thao Giang
Quân cơ mưu lược luận bàn
Doang trung thường có hai hoàng vào ra
Quan Hoàng Bẩy Bảo Hà chính vị
Cùng tướng công đệ nhị Hoàng Hai
Can qua dâu bể biến dời
Anh hùng xưa đã ra người cung tiên
Nhớ công đức lập đền phụng sự
Thổ, Mán, Nùng tiên nữ dâng hoa
Thú vui điếu khách bàn trà
Phong lưu thuốc cống Bảo Hà dâng ông
Hoàng hoa tửu khăn hồng gối xếp
Ngự tính tình phong nguyệt hoạ ca
Nhắn ai lên đất Bảo Hà
Nếm mùi phong nguyệt ấy là thần tiên
Cõi Bắc địa còn truyền cổ tích
Quan Bảo Hà thực đích trung quân
Sinh thời làm tướng trung thần
Tấc lòng yêu nước thương dân hãy còn
Dẫu bể cạn non mòn cũng quyết
Thử ra tài cho biết oai danh
Bao phen lẫm liệt tung hoành
Định an xã tắc đề binh cõi ngoài
Đất Lào Cai là nơi dụng võ
Quyết ra tay đội ngũ tiến công
Biên cương súng nổ đùng đùng
Sa trường sương núi máu sông chẳng nề
Đem quân về Thất Khê phòng thủ
Đền Bảo Hà lạc thú huê viên
Mãn tuần chiếu hạc hồi thiên
Tấm thân thoát lánh nghiệp duyên cõi trần
Bỗng một trận sầu vân ám kết
Hiện chân hình dạo Bắc hết Nam
Vui cùng nước biếc trăng ngàn
Tốt tươi quả lạ trăng vàng đìu hiu
Độ dân xã ngày Nghiêu tháng Thuấn
Cõi Việt Nam Bắc trấn oai danh
Từ bi cải dữ làm lành
Chọn ngươi nữ tú nam thanh chấm đồng
Kẻ xuôi ngược dưới sông trên bộ
Ai khẩn cầu tế độ thì qua
Hoàng về trắc giáng điện toà
Hộ trì đệ tử vinh hoa thọ trường.
Bài văn phú về Quan Hàng Bảy
Trần ai tri kỷ
Khách tài tình hồ dễ mấy ai hay
Cõi nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày
Say cũng luỵ không say thời cũng tục
Khoảng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Trái càn khôn hun đúc vững bền tay
Kho vô tận không xoay mà vẫn đủ
Giáo trăm trận xông pha ngoài huyệt hổ
Khách tài tình còn nợ thú phong lưu
Bóng hoa đăng soi tỏ mặt anh hào
Dẫu khanh tướng cũng siêu siêu mùi thế vị
Ai đã biết trần ai tri kỉ
Có hay lòng tráng sĩ lúc đêm xuân
Sáo vi vu gió đục mây vần
Cho bõ lúc tang bồng non với nước
Gió xuân thổi hương bay ngào ngạt
Vẳng cung đàn khúc hát gợi hồn xuân
Tài tình hỡi khách thi nhân
Vậy có thơ rằng:
Trù hoạch quân cơ tạm đắc nhàn
Nung gan thành sắt luyện tiên đan
Vi vu sáo trúc trời mây khói
Kỳ cục thâu canh đất nổi hoàng
Tuệ nhật sáng soi lòng dũng kiệt
Cương thường nặng gánh dạ sắt son
Ấy mùi phong nguyệt là thế thế
Giục ả phù dung Cuốc gọi hồn
Nẩy kiều:
Đượm mùi phong nguyệt nước non non
Đê mê quốc tuý quốc hồn xưa nay
Phù dung hồn hiện đau đây
Dường như ngọn cỏ cành cây la đà
Hay còn đắm nguyệt say hoa
Mau ra tiêm thuốc pha trà Quan Hoàng Bảy xơi
Ông bảy là:
Con Vua Thượng Đế Đức Vua cha
Giáng tại sơn lâm trấn Bảo Hà
Diện mạo hồng hào tươi vẻ ngọc
Dung nghi tươi tốt khác nào hoa
Khi vui cung kiếm khi đàn hát
Nhã thú nhã yên lúc ẩm trà
Say thơ say phú say câu hát
Say nợ tang bồng tỉnh lại say
Say tình non nước câu kim cổ
Say với non sông chuyện tháng ngày
Khách trần hồ dễ ai hay
Tang bồng hồ thỉ hẹn ngày vinh hoa
Tuyết trắng trăng trong ,hoa thơm gió mát
Mượn cung đàn câu hát,diễn hồn thơ
Man mác không gian ,hương đưa khói toả
Chí tang bồng muôn ngả khắp mọi nơi
Trong vũ trụ rộng không thế giới
Giấc mơ màng cõi ấy bồng lai
Cảnh u nhàn tùng cúc trúc mai
Nơi tĩnh mịch thú riêng người biết thú
Nâng chén rượu ngâm câu thơ cổ
Phải chăng hồn Lý, Đỗ còn đây
Rượu bồ đào,nhấp cạn chưa say
Trà long tỉnh ,hương bay thoang thoảng
Hát nhịp một:
Nhắn ai lên đất Bảo Hà
Nếm mùi phong nguyệt đó là cảnh tiên (Xáng u xáng u lưu phàn)
Hỏi rằng mói gặp đào nguyên
Yên hà mới gặp cảnh tiên nơi phàm trần (Xáng u xáng u lưu phàn)
Cỏ cây hoa lá tần ngần
Hoa đào năm ngoái mười phần kém xa (Xáng u xáng u lưu phàn)
Phàm trần phút gặp người tiên
Lạ thay Lưu,Nguyễn cũng duyên tình cờ (Xáng u xáng u lưu phàn)
Cung trăng ai hẹn bao giờ
Vì đường đi hái thuốc tình cờ gặp tiên (Xáng u xáng u lưu phàn)
Lâng lâng rũ sạch ba nghìn
Một ngày đệ tử cũng duyên nợ nhiều (Xáng u xáng u lưu phàn)
Giang tay mở khoá động đào
Rẽ mây cho tỏ lối vào Bảo Hà Sơn (Xáng u xáng u lưu phàn)
Non xanh ai đúc nên bầu
Trần gian ai dễ được hầu mà theo (Xáng u xáng u lưu phàn)
Xanh xanh toà đá phủ rêu
Ai người có phúc được theo Ông Bảy Bảo Hà (Xáng u xáng u lưu phàn)
Văn Thập nhị tiên nàng hầu Quan Hoàng Bảy
Lệnh sai thập nhị tiên nàng
Cô nào việc ấy sửa sang ra hầu
Cô Cả pha nước trà tàu
Sơn lâm vừa ý gật đầu ban khen
Cô Đôi dâng bộ khay đèn
Xe ngà tẩu sứ móc tiêm nạm vàng
Cô Ba dâng hộp thuốc ngang
Thế là vừa ý ông Hoàng sơn lâm
Cô Tư đốt đỉnh nhang trầm
Ngọn đèn khêu tỏ tay cầm móc tiêm
Cô Năm dâng hộp bánh nguyên
Kẹo lạc thuốc cống, cảnh tiên ai bì
Cô Sáu tính nết nhu mì
Dâng con tuấn mã, Hoàng đi chấm đồng
Cô Bảy nảy khúc đàn thông
Miệng ca tay múa năm cung nõn nà
Cô Tám dâng chiếc lược ngà
Hai tay chải chuốt thật là khéo thay
Cô Chín yểu điệu ai tày
Ngày ngày dâng một đôi giày hầu ông
Cô Mười thắt đáy lưng ong
Canh ba giờ tí lồng đèn bước ra
Cô Mười Một quạt nước pha trà
Ấm tiên bình ngọc,tay ngà dâng lên
Cô Mười Hai múa lượn sênh tiền
Mười hai tố nữ đôi bên rõ ràng về trắc giáng bản đền
Khuông phù đệ tử thiên niên thọ trường
Tiệc Quan Hoàng Bảy
Ngày tiệc chính của Quan Hoàng Bảy là ngày 17/7 âm lịch. Vào ngày này và nhất là dịp tháng 7 âm lịch, ở đền Bảo Hà luôn tập nập du khách thập phương đến dâng hương để lễ Quan Hoàng Bảy Bảo Hà cầu tài cầu lộc.
Hầu giá Quan Hoàng Bảy
Quan Hoàng Bảy là vị thánh hoàng thường hay ngự về đồng nhất trong Thập vị Quan Hoàng, cũng bởi vì trong hàng Tứ Phủ Quan Hoàng Bảy được Mẫu giao chấm lính nhận đồng.
Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo lam hoặc tím chàm (thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, cưỡi ngựa đi chấm đồng.
Đến giá Quan Bảy về ngự, nếu ông ném cây hèo vào người nào thì coi như ông đã chấm đồng người đó. Lúc ông giá ngự, thường dâng ông ba tuần trà tàu rồi mời thuốc lá nghe văn, ban tài phát lộc cho thanh đồng đệ tử rồi xe giá hồi cung.
Sự thật về tiếng oan Quan Hoàng Bảy ăn chơi
Ngay nay có nhiều người xin lô đề trong giá ông Hoàng Bảy, thậm chí đến đền Bảo Hà cúng lễ để xin số đề, hay dâng cả thuốc phiện đèn bàn trong lễ ông. Điều này là hoàn toàn sai trái, thế nhân hãy thanh tỉnh nhớ lấy lời dặn của Ông:
Chữ cương thường treo cao giá ngọc
Chữ công dung tứ đức khuyên di
Hay:
Ai mất chữ Tâm thời tội phải mang
Lưới trời ở khắp bốn phương
Hại nhân nhân hại khôn đường thoát thân
Mời bạn đọc xem thêm bài viết: Hãy trả lại sự linh thiêng cho Quan Hoàng Bảy Bảo Hà để hiểu rõ về vấn đề này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét