Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị Chầu Bà thứ hai trong hàng Tứ Phủ Thánh Chầu, sau Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên, trước Chầu Đệ Tam Thoải Phủ. Bà là người hầu cận Mẫu Thượng Ngàn, hoặc thường được xem là hóa thân của Mẫu.
Thần tích
Tương truyền Chầu là con vua Đế Thích trên thiên đình, cai quản sơn lâm thượng ngàn, quyền hành khắp 81 cửa ngàn đất Việt.
Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, Chầu là vị có quyền hành tối cao của tòa Sơn Trang. Có thể nói gần như là vị có quyền cao nhất hàng Chầu, chỉ sau Chầu Đệ Nhất. Bà là hình mẫu của dân ta trên cõi thượng ngàn. Quyền của Chầu cai quản 36 động Sơn trang. Đất được sắc phong là Đông Cuông, Tuần Quán, Bảo Lạc, Hà Giang, Tuyên Quang[1].
Chầu Đệ Nhị được xem là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn, nên có rất nhiều thần tích của Chầu đều đồng nhất với thần tích về Mẫu.
Theo Bách Thần Lục[2]
Theo Bách Thần Lục, thần tích của Chầu Đệ Nhị đồng nhất với thần tích của Mẫu Thượng Ngàn ở vùng Bắc Lệ, Lạng Sơn. Đó chính là La Bình Công Chúa, con gái của Sơn Tinh, cai quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao.
Theo Bách Thần Lục[2]
Theo Bách Thần Lục, thần tích của Chầu Đệ Nhị đồng nhất với thần tích của Mẫu Thượng Ngàn ở vùng Bắc Lệ, Lạng Sơn. Đó chính là La Bình Công Chúa, con gái của Sơn Tinh, cai quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao.
Thần tích của dòng mo họ Hà[3]
"Thần tích của dòng mo họ Hà coi việc giữ đền và tế tự chép: Đông Quang Công Chúa (Chầu Đệ Nhị), tên húy là Lê thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bống (trại chủ Quy Hóa) hy sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên.
Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông. Bà giúp dân lập ấp, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh cứu đời. Khi tạ thế bà thường hiển linh giúp dân và những người thuyền chài lái buôn ngược xuôi sông Thao gặp hoạn nạn.
Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu."
Ghi chép của Lê Quý Đôn[4]
"Trong Kiến Văn Tiểu Lục, quyển X, mục "Linh tích" thời Hậu Lê, cụ Lê Quý Đôn viết:
"Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao - Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền Công CHúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp, huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao). Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: "Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để Đại vương biết." Nói xong liền biến mất. Đường thủy mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm mà đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm). Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi.""
Nghi thức hầu đồng
Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị chầu hay giáng đồng nhất trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà. Từ đồng tân đến đồng cựu ai cũng thỉnh chầu về ngự, để ban tài tiếp lộc Sơn lâm, Sơn trang.
Khi ngự về, Chầu "khai quang và làm lễ bằng quạt múa song đăng, múa mồi, chứng vàng thoi núi, múa tay tiên... Ngài ngự đồng hiến thanh thủy hoặc chứng hoa quả lương thực lễ vật và ban phát cho bách gia."
Chầu Đệ Nhị thường hay ngự về trong các đàn mở phủ để chứng đàn Sơn Trang (kể cả với người không mở đủ bốn tòa sơn trang mà chỉ mở một tòa xanh). Ngoài ra khi đồng tân lính mới vào hầu, cũng thường thỉnh Chầu về để sang khăn cho đồng mới.
Đặc biệt, khi Chầu Đệ Nhị ngự đồng vào dịp lễ tiệc (đặc biệt là lễ Thượng Nguyên) trong năm, thì thường có nghi thức gọi là “trình giầu” (tức "trình trầu").
Khi Chầu về ngự đồng, những con nhang đệ tử nào có căn số, đã lập bát hương bản mệnh, sẽ ngồi giữa chiếu ngự, phủ khăn đỏ và trên đầu đội mâm giầu trình (gồm cau, lá trầu, vỏ thuốc, thuốc lào, thuốc lá…). Khi đó người ngồi đội giầu phải đặt lên mâm giầu trình 13.000 (thông thường là thế, có nơi thì là 15.000) dâng lên Chúa Sơn Trang và 12 cô tiên nàng hầu cận. Lúc đó Chầu sẽ cầm bó mồi (hoặc hương đã đốt cháy) khai cuông, chứng mâm giầu rồi xin tiền đài. Nếu được nhất âm nhất dương (có một đồng tiền sấp, một đồng tiền ngửa) nghĩa là Phật Thánh đã chứng cho người ngồi đội trầu đó. Rồi người đội giầu lễ tạ và đi ra để cho người khác vào tiếp tục.[5]
Trang phục và phụ kiện
- Áo người dân tộc màu xanh (xanh lam hay xanh lá cây)
- Đầu đội khăn buồm màu xanh
- Cổ đeo kiềng bạc, hoa tai
- Đai thắt màu xanh, dao quay, túi vóc