Hiển thị các bài đăng có nhãn Đền cô. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đền cô. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Đền Bồng Lai Ninh Bình thờ Cô Đôi Thượng Ngàn

Cô Đôi Thượng Ngàn là thánh cô nổi tiếng trong Tứ Phủ Thánh Cô. Đền thờ Cô ở mọi miền đất nước, nhưng nổi lên trên cả là hai ngôi đền cùng có tên Bồng Lai gắn với truyền thuyết sinh hóa của Cô.

 

Tượng Cô Đôi Thượng Ngàn tại đền Bồng Lai Ninh Bình

 

       Đền Bồng Lai thứ nhất tọa lạc thôn Bồng Lai, xã Văn Phương, Nho Quan, Ninh Bình  gắn với sự tích giáng sinh của Cô. Ngôi đền này có tên cổ là: Đền Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ. Đền Bồng Lai ở Cao Phong, Hòa Bình (Còn gọi là Đền Bồng Lai Thượng Cao Phong) là nơi gắn với sự tích Cô hóa và hiển thánh. 

 

Cảnh đền Cô Đôi Thượng Ngàn Nho Quan, Ninh Bình

Thăng trầm của Đền Cô Đôi Thượng Ngàn Ninh Bình

 

        Đền Bồng Lai Ninh Bình được xây dựng từ thời Trần và được trùng tu nhiều lần với nhiều thăng trầm.  Trước đây, nơi thờ Cô là một ngôi đền nhỏ, nhưng rất khang trang. Sau khi, đất nước được giải phóng khỏi ách thực dân Pháp, trong phòng trào chống mê tín dị đoan, đền đã bị phá dỡ, nay chỉ còn giữ lại được một lư hương và một sắc phong. Các đồ tế tự và các sắc phong khác đều bị đốt, thất lạc. Sau sự kiện đó, nhân dân đã bí mật dựng lên một ngôi miếu nhỏ để tiếp tục thờ phụng Cô bằng lô hương còn giữ được. Nhưng, ngôi miếu một lần nữa lại tiếp tục bị chính quyền cho đốt, cho ủi để phá bỏ nhưng không được. Cho đến tận 2006, khi nhà nước cởi mở về tôn giáo, Hội người cao tuổi của làng đã họp và quyết định mời thầy về để chủ trì tôn tạo. Dưới sự góp sức của bà con trong làng và thập phương cùng thầy chủ trì đến tận 2010, ngôi đền như ngày nay mới được hình thành. Năm 2015 cổng Tam quan mới được chính thức xây dựng.

      Đây là một ngôi đền thiêng, nên đã được nhiều triều đại phong kiến có sắc phong. Tuy nhiên, hiện nay sau nhiều biến cố ngôi đền chỉ còn giữ lại được một sắc phong. Đó là sắc phong của Vua Khải Định.

 

Tam Quan đền Bồng Lai Ninh Bình

Những câu chuyện ly kỳ về sự linh thiêng của Đền Cô Bồng Lai Ninh Bình

 

       Đây là một ngôi đền thiêng với nhiều câu chuyện kỳ bí. Nhiều câu chuyện cổ về sự linh thiêng của thời xưa cũng nhiều mà thời nay cũng lắm. Chuyện ngày xưa thì nhiều nhưng chỉ là chuyện truyền nhau nên tạm gác lại. Chúng ta chỉ điểm lại vài chuyện gần đây:

       Trong phong trào chống tín dị đoan vào những năm 60 của thế kỷ hai mươi, sau khi ngôi đền bị phá, có một gia đình có 11 người con, trong đó chỉ có 1 cậu con trai là út, đã vô tình chặt một cây duối to lâu đời ở phía sau ngôi đền để định làm củi đun. Khi chặt xong chưa kịp kéo về nhà thì cậu con trai khi đó mới bốn tuổi đã tự nhiên trúng gió. Gia đình vội vàng đưa đi bệnh viện nhưng không qua khỏi trước khi đến bệnh viện. Không biết đó có phải sự báo ứng của Cô hay không, hay chỉ là sự trùng hợp, nhưng từ đó đến nay hai cụ của cậu con trai đó đã gần 90 tuổi và các con vẫn thường xuyên đến lễ Cô như một sự hối hận.  Hiện nay hai cụ vẫn khỏe mạnh, các con đều trưởng thành ăn gia làm nên. Người ta bảo, có lỗi thì Cô trách, có tâm cô lại chứng.

      Sau khi ngôi đền cổ bị phá dỡ, các vật dụng, đòn tay, ngói... bị nhiều người lấy về nhà. Nhiều gia đình đó sau này lục đục, có người điên dại, có người chó dại cắn, có người lâm bệnh. Chuyện này có thể chỉ là ngẫu nhiên, không đáng nói. Nhưng có chuyện khó lý giải: Khi ngôi đền bị phá, bà con có dựng lại một ngôi miếu nhỏ. Ngôi miếu được lợp bằng cỏ gianh, chính quyền lại cho người đến đốt bỏ. Nhưng kỳ lạ thay lớp cỏ gianh là loại cỏ rất dễ cháy thế mà chỉ cháy một ít ở lớp dưới rồi tắt lịm.  Thời gian sau, hợp tác xã lại cho máy ủi đến để ủi phá ngôi miếu để mở rộng đất canh tác, nhưng gần chục lần máy ủi bị chết máy nên cũng đành phải bỏ cuộc. Người thì bảo đó là do máy ủi cũ mới thế, có người bảo chắc là Cô ngăn cản. Nhưng sự thực là vì thế mà ngôi miếu nhỏ không bị phá.

     Khi nhà nước cởi mở hoạt động tín ngưỡng, hội người cao tuổi đã họp để bàn về việc cải tạo lại  ngôi miếu. Hầu hết mọi người đều có nguyện vọng mời một thầy tâm đức làm thủ nhang để thuận lợi chủ trì công việc tôn tạo. Tuy nhiên, người thầy được đề xuất không phải là dân gốc địa phương. Vì thế, cuộc tranh luận đã trở nên gay gắt. Ngay chiều tối hôm đó, cụ có ý kiến gay gắt nhất là không muốn người không phải gốc của làng làm thủ nhang mà ủng hộ để hội  người cao tuổi tự tổ chức đã đột ngột từ giã cõi trần. Chiều hôm đó sau khi họp xong cụ đã ra vườn của nhà vô tình đưa chân vào dây điện sử dụng làm bẫy chống chuột bảo vệ thóc mới gieo để làm mạ và đã bị điện giật. Cũng có thể đây là chuyện ngẫu nhiên, nhưng mọi người bảo hay là cụ đã chống lại lệnh Cô để điều người Cô đã chọn về làm thủ nhang. Sau này, cũng chính nhờ người thầy tâm đức này, chúng ta mới được chiêm ngưỡng một ngôi đền đẹp như ngày nay.

 

Ban thờ Hội Đồng Tứ Phủ

Kiến trúc đền Bồng Lai Ninh Bình hiện nay

 

      Đền Cô hiện nay có kiến trúc theo kiểu chữ Nhất gồm 3 gian mái phẳng lợp ngói vảy. Phía trước tiền bái có ban thờ Quan Giám Sát, tiền bái thờ Hội đồng Tứ Phủ, hai bên thờ Đức Thánh Trần Triều, Chúa Sơn Trang. Gian thượng bái thờ Cô Bản Đền và Chúa Thượng Ngàn

     Trong cung cấm thờ tượng Cô Đôi Thượng Ngàn và thờ Nàng Ân, Nàng Ái là hai hầu cận của Cô. Phía sau cô là Tam Tòa Thánh Mẫu và Chầu Quỳnh, Chầu Quế hầu cận của các Thánh Mẫu.

     Ngôi đền tuy nhỏ, nằm cạnh một cánh đồng bát ngát, phía sau là một dãy núi trùng điệp của rừng quốc gia Cúc Phương. Nơi đây, thời xưa cụ Tả Oai - Một nhà phong thủy lỗi lạc đã đánh giá là một nơi địa linh. Cùng với 3 đền, chùa, miếu quanh vùng tạo thành một tứ trấn cho vùng đất linh thiêng này.

     Đền Bồng Lai Ninh Bình tuy không thực sự nguy nga đồ sộ nhưng đến đây chúng ta có một cảm giác có gì rất ấm cúng của không gian trong lành đầy năng lượng tâm linh. Ngôi đền tuy mới được xây dựng lại nhưng kiến trúc và bài trí vẫn theo lối kiến trúc cổ, tạo nên một sự gần gũi với sức mạnh cuốn hút kỳ lạ.  Đây là một chốn bồng lai tiên cảnh linh thiêng còn ít người biết đến. Có phải chăng chỉ những người tâm thành và có duyên với Cô, Cô mới cho đến nơi đây, dù rằng đường đến đền cô hiện nay cũng rất dễ đi, ô tô chạy thẳng vào tận sân đền.

 

        

Thần tích sự sinh hóa của Cô Đôi Thượng Ngàn

 

        Cô Đôi Thượng Ngàn vốn là Sơn Tinh Công Chúa con Vua Đế Thích trên Thiên Cung. Sau cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái một quan lang họ Hà, chúa đất người Mường ở vùng rừng núi Nho Quan. 

Ban thờ Quan Giám Sát

 

        Chuyện kể rằng: Vị quan lang họ Hà người Mường, ông nổi tiếng khắp vùng về nhân đức, phát tâm thiện nguyện, cứu giúp dân nghèo. Hai ông bà đã vào trạc ngũ tuần, nhưng vẫn chưa có một mụn con nào. Hai ông bà bèn lập đàn tế trời, cầu khẩn. Ngọc Hoàng trên thiên giới cảm kích tấm tình ông bà mới sai cô xuống hạ giới, đầu thai làm con ông bà để thưởng cho cái đức độ, tiết tháo của ông. 

        Năm cô lên bốn tuổi, gia định vị quan lang chuyển tới làm quan ở Huyện Cao Phong, châu Mai Đà, tỉnh Hưng Hóa.  Năm Cô mười hai tuổi đã xinh đẹp tuyệt trần da trắng, tóc mượt, mặt tròn, lưng ong thon thả. Khi Mẫu Thượng Ngàn thử lòng người trần gian, bèn hóa thành một bà lão đói khát, bệnh tật nằm lả ở gốc cây đa dưới chân núi Rồng. Bà nằm đó kêu rên từng tiếng khó nhọc, cầu mong sự giúp đỡ của mọi người qua lại, thế nhưng chẳng ai chịu ra tay cứu giúp bà. Đúng vừa lúc cô ra suối gánh nước thấy bà lão đáng thương, cô động lòng thương cảm bèn quỳ xuống vực bà ngồi dậy, cho bà uống nước. Bất chợt tự nhiên trời đất tối sầm, mây đen kéo tới, gió bụi cuốn lên mù mịt bà lão hiện thành Tiên Chúa Thượng Ngàn và nói với cô: "Ta là đức Diệu Tín Thiền Sư Lê Mại Đại Vương (tức Mẫu Thượng), thấy con là người ngoan ngoãn, hiền lành, đức độ. Kiếp trước con là tiên nữ trên tiên giới, nghe lệnh Ngọc Hoàng mà hạ phàm báo ân cha mẹ. Nay ta độ cho con thành tiên trở về bên hầu cận bên cạnh ta, để cứu giúp nhân gian". Đoạn Thánh Mẫu rút cây gậy khắc đầu rồng bên mình ra trao cho cô. Cô nhận cây gậy rồi trở về nhà, bốn ngày sau thì hóa.

 

Cung thờ Cô Bản Đền

 

      Sau này cô được Mẫu Thượng Ngàn cho học đạo phép để giúp dân. Rồi khi về thiên, cô được Mẫu Thượng Ngàn truyền cho vạn phép để cứu độ muôn dân. Tương truyền rằng Cô còn độ cho nhiều triều đại chống giặc ngoại xâm. 

      Lúc thanh nhàn cô về ngự cảnh sơn lâm núi rừng ở đất Ninh Bình quê nhà, trong ba gian đền mát, cô cùng các bạn tiên nữ ca hát vui thú trên dốc Sườn Bò (nay thuộc xã Văn Phương, Nho Quan). Có khi cô biến hiện ra người thiếu nữ xinh đẹp, luận đàm văn thơ cùng các bậc danh sĩ, tương truyền cô cũng rất giỏi văn thơ, làm biết bao kẻ phải mến phục. Cô Đôi cũng là tiên cô cai quản kho lộc Sơn Lâm Sơn Trang, người trần gian ai nhất tâm thì thường được Cô Đôi ban thưởng.

 

Vị trí hai Đền Bồng Lai trong tục thờ Cô đôi Thượng Ngàn

 

    Cô Đôi Thượng Ngàn được thờ ở nhiều nơi, và được phối thờ ở nhiều đền phủ, nhưng chỉ có hai nơi thờ chính cung cô là Đền Bồng Lai, Nho Quan, Ninh Bình và Đền Bồng Lai, Cao Phong Hòa Bình. Đền Bồng Lai Ninh Bình là nơi Cô được sinh thành. Đền Bồng Lai, Cao Phong, Hòa Bình là nơi cô hóa và hiển thánh.  

 

Đôi nét về Đền Bồng Lai Cao Phong

 

        Đền Bồng Lai Cao Phong cổ đã có từ lâu đời, trải qua thăng trầm của thời gian chỉ còn phế tích tại khu đất nơi xưa.Tháng 12 năm 2013 thanh đồng Thủ Nhang Trần Văn Hải cùng các con nhang đệ tử cùng tín chủ gần xa đã phát tâm công đức xây lại. Hiện đền còn giữ được một chiếc chuông cổ từ đời Vua Thành Thái. Đền còn giữ được hai đạo sắc phong của các đời vua. Đây là ngôi đền được tỉnh Hòa Bình quan tâm đặc biệt.

     Đền Bồng Lai Hòa Bình quả thực là một trong các ngôi đền thiêng, đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Đây còn là một nơi du lịch tâm linh tuyệt vời giữa núi rừng Cao Phong đầy linh khí.


Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Đền Đôi Cô Tuyên Quang

 

      Đền Đôi Cô Tuyên Quang thuộc phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Đền Đôi Cô Tuyên Quang thờ Cô Đôi Thượng Ngàn và Cô Bơ Thoải Cung. Đó là hai thánh cô nổi tiếng trong Tứ Phủ Thánh Cô.

 

     Đền Đôi Cô được dựng trên một gò đất  ngay đầu cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô luôn trong xanh. Đền Đôi Cô được xây dựng từ rất xa xưa, nhưng từ bao giờ thì không ai còn rõ. Thần phả, thánh tích về ngôi đền, do thăng trầm của lịch sử, nay cũng không còn, chỉ biết đây là một ngôi đền đã tồn tại từ lâu ở vùng đất ven sông Lô của Thành Phố Tuyên Quang. Đền Đôi Cô là một điểm tham quan tâm linh của một số tua du lịch tâm linh tỉnh Tuyên Quang.

 

Đền Đôi Cô Tuyên Quang

Lịch sử Đền Đôi Cô Tuyên Quang

     Trước đây,  Đền Đôi Cô chỉ có một cung nhỏ rộng vẹn vẹn chỉ khoảng chục mét vuông và rất ít người biết đến. Năm 1990, ngôi đền mới được tu sửa và mở rộng ngôi đền. Toàn bộ kinh phí xây dựng đền là tiền công đức của nhà đền và của khách thập phương. 

Kiến trúc Đền Đôi Cô Tuyên Quang

      Đền Đôi Cô sau khi được trùng tu, tu bổ đã khang trang, tố hảo hơn rất nhiều so với trước đây. Hiện Đền Đôi Cô được xây dựng với ba gian thờ, ứng với ba cung.

       Cung chính thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và Đôi Cô. Bộ tượng Tam toà Thánh Mẫu được đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng.  Chính giữa khám là tượng Mẫu Thượng Thiên; bên phải khám là tượng Mẫu Thoải; bên trái khám là tượng Mẫu Thượng Ngàn. Bộ tượng Đôi Cô được đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, ngay bên dưới khám thờ Tam tòa Thánh Mẫu. 

      Cung bên trái thờ Bà Chúa Sơn trang. 

      Cung bên phải thờ đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

     Ngoài các cung trong đền chính ra, Đền Đôi Cô còn có Am thờ Sơn Thần và Lầu Cô thờ Tứ Phủ Thánh Cô.  Lầu Cô có thờ tượng ba vị Thánh Cô: Cô Chín, cô Tư, cô Bảy.

     Cũng lưu ý rằng, tại Tuyên Quang còn có một đền Đôi Cô khác nằm tại Phường Hưng Thành có tên là Đề trình Đôi Cô hay Đền trình Đôi Cô. Đền này còn có tên là Đền Móc Giằng. 



Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Đền Cô Chín Tây Thiên

       Đền Cô Chín Tây Thiên nằm ở khu du lich tâm linh Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Khu du lịch tâm linh này được xếp hạnh lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991.

 

Đền Cô Chín Tây Thiên

 

     Đền Cô Chín Tây Thiên được xây dựng bằng hương nhang của Đền Cô Chín Sòng Sơn và hương nhang bát hương ban Cô trong Đền Thượng trước đây.

        Đền Cô Chín Tây Thiên nằm trên lưng chừng ngọn núi cùng với Chùa Thượng, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên, đền Mẫu địa, đền Thần núi, Miếu Sơn thần.. tạo thành một quần thể tâm linh đặc sắc chìm mình trong ngút ngàn rừng già, một chốn bồng lai tiên cảnh sơn thủy hữu tình. Đền Cô Chín Tây Thiên mới được xây dựng trong thời gian gần đây, khi nhà nước có chủ trương mở rộng khu du lịch tâm linh này.

         Đền Cô Chín Tây Thiên được xây dựng to, đẹp nhưng bài trí thờ lại khá đơn giản. Có lẽ nơi đây đã có đền thờ Mẫu Tây Thiên, Tam Tòa Thánh Mẫu với đủ các quan, chầu, cô, cậu nên tại đền Cô Chín thờ đơn giản như vậy. Đền chỉ có tiền cung và hậu cung. Tiền cung chỉ bài trí chính giữa là Ban Công Đồng, hai bên là Ban Cô Bé và Ban Cậu Bé.

 

Ban Công đồng Đền Cô Chín Tây Thiên

      Phía sau Ban Công Đồng là hậu cung với Ban Cô Chín Tây Thiên. Ban Cô Chín thờ tượng Cô Chín. Đây là một ngôi tượng lớn, đẹp, uy nghi và có thần thái. Đứng trước Cô, chúng ta cảm nhận một linh khí ào ạt tràn vào người. Một cảm giác lâng lâng giữa chốn sơn linh.

       Đứng trên đền Cô chúng ta có thể phóng tầm mắt về phía trước là một loạt các ngôi đền, chùa tạo nên một không gian tâm linh khoáng đạt. Một bức tranh hữu tình của núi non, cây lá và sương mờ găng phủ.

 

Tượng Cô Chín tại Đền Cô Chín Tây Thiên

    Cô Chín Tây Thiên cũng được coi là Cô Chín Thượng Ngàn. Đây được coi là nơi thờ vọng của Cô Chín Sòng Sơn. Như vậy, Cô Chín Tây Thiên và Cô Chín Sòng Sơn chỉ là một.

       Ngoài ra, Cô Chín còn được thờ tại Đền Cô Chín Thượng Bắc Giang, Đền Cô Chín Suối Rồng Đồ Sơn, Đền Cô Chín Đồng Mỏ ở Đồng Mỏ Lạng Sơn, đền Cô Chín Đồng Hỷ Thái Nguyên .... Tất nhiên, đền thờ chính của Cô Chín vẫn là Đền Cô Chín Sòng Sơn, còn các đền cô chín khác được coi là nơi thờ vọng của Cô.

 

Không gian tâm linh trước của đền Cô Chín Tây Thiên

 

   Mời các bạn tìm hiểu thêm: Tứ Phủ Thánh Cô, Tứ phủ quan Hoàng, Văn Khấn Tứ Phủ, Tứ Phủ Thánh Cậu, Tam Tòa Thánh Mẫu, Văn khấn Tứ Phủ, Các Ngày Tiệc, Khu du lịch tâm linh....bằng cách click vào các đường link đã cài ở các danh từ trên.



NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...