Hiển thị các bài đăng có nhãn Tín ngưỡng thờ Mẫu Nam Bộ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tín ngưỡng thờ Mẫu Nam Bộ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Thủy Long Thánh Mẫu Phú Quốc



Thủy Long Thánh Mẫu hay thần nữ Kim Giao (không rõ năm sinh, năm mất); được xem là người có công khai phá huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.

Tương truyền, bà thuộc dòng dõi vua chúa Cao Miên (Campuchia ngày nay), do bị lật đổ nên bà đã trốn sang đảo Phú Quốc để sống. Tại đây, bà thiết lập một đồng cỏ rộng lớn cho đàn trâu mà bà mang theo, đồng thời tuyển mộ người đi khai khẩn đất đai để trồng trọt. Ngày nay, những cánh đồng trồng lúa ấy vẫn còn vết tích, mà dân địa phương gọi là đồng Bà. Trên đồng còn nhiều cột cây trai, vết tích của những chuồng trâu thuở nọ. Dọc theo sông Cửa Cạn còn một vũng nước sâu gọi là búng Dinh Bà. Cũng theo lời kể, thì đây là nơi bà lập dinh trại ngày xưa.

Có thuyết nói bà chết ở Cửa Cạn (Phú Quốc), sau đó vua Cao Miên cho đem hài cốt về cố quốc. Một thuyết khác lại cho rằng bà chết ở đảo Phú Dự[1]. Lại có thuyết nữa cho rằng, khi dòng họ bà khôi phục lại đế nghiệp, bà trở về Cao Miên. Truyền thuyết cũng kể rằng, bà đã từng cưu mang chúa Nguyễn Phúc Ánh trong những ngày lưu lạc trên đảo.

Người dân Phú Quốc rất tôn kính bà, coi bà như người tiên phong khai phá đảo, tôn bà là Thủy Long Thánh Mẫu. Hằng năm, dân chúng tổ chức lễ cúng tế bà vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch. Hiện nay, huyện đảo Phú Quốc có hai ngôi đền thờ bà, một ở xã Cửa Cạn, gọi là Dinh Bà Trong, một ở thị trấn Dương Đông, gọi là Dinh Bà Ngoài (ảnh).

Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu (gọi tắt là Dinh Bà) tọa lạc trên đường Võ Thị Sáu (gần Dinh Cậu). Không rõ năm dựng, chỉ biết lúc đầu được làm bằng cột trai, mái tranh vách ván. Do thời gian và chiến tranh tàn phá, dinh được trùng tu nhiều lần mới được đẹp đẽ và khang trang như ngày nay

Có thể vị thần này có liên quan đến tục thờ cúng Bà Thủy trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Thủy Đức Thánh Phi hay Thủy Long Nương Nương, Thủy Long Thần Nữ...(gọi tắt là Bà Thủy) là các tên gọi phổ biến của Bà. Trong quan niệm dân gian, Bà là nữ thần giếng, thần sông rạch, thần cù lao, thần hải đảo, tức vị thần cai quản vùng sông nước [2].

Đặc biệt, đối với các nghề liên quan đến sông nước và biển cả ở Nam Bộ, người ta thường vái van Bà Cậu để cầu mong độ trì qua cơn sóng gió. Vì thế mà người ta thường hay gọi dân làm nghề thương hồ hạ bạc là "dân Bà Cậu". Bà Cậu chính là Bà Thủy và hai người con trai: Cậu Tài và Cậu Quý.

Ngoài ra, trong dân gian cũng có quan niệm rằng Bà Thủy chính là hóa thân của Thiên Y A Na (hay là con của vị thần này). Trong văn bia của đại thần Phan Thanh Giản tại Tháp Po Nagar (Nha Trang), có đoạn kể về Thiên Y Ana đã hóa phép nổi sóng gió nhấn chìm thuyền của thái tử Trung Quốc, biến chiếc thuyền này thành tảng đá. Do đó, Thiên Y A Na và 2 người con của Bà (Cậu Tài, Cậu Quý) được xem là vị thần của sông biển, cù lao

Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu hay còn được biết đến với tên gọi khác là Dinh Bà. Nằm tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu
Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu Phú Quốc

Trước đây ngôi chùa chỉ được xây dựng bằng những mái tranh vách ván rộng. Nhưng sau đó bị chiến tranh phá hủy. Kiến trúc hiện tại mà du khách được chiêm ngưỡng là được xây dựng cách đây không lâu. Dinh được thiết kế khang trang hơn, kiến trúc cũng độc đáo hơn, mời bạn tham khảo bài viết Cho Thuê Xe Du Lịch Phú Quốc để thêm hành trang cho chuyến đi sắp tới nhé.

Câu chuyện về Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu Phú Quốc

Khi tham quan chùa, du khách sẽ có cơ hội được người dân kể lại cho nghe truyền thuyết về Thủy Long Thánh Mẫu được truyền từ đời này sang đời khác.

Thủy Long Thánh Mẫu thuộc dòng dõi vui chúa Cao Miên, sau khi vương triều bị lật đổ bà đã thoát thân sang đảo Phú Quốc để sinh sống. Để bắt đầu cuộc sống mới bà đã kiến tạo một đồng cỏ rộng lớn cho đàn trâu mà bà mang theo, sau đó tuyển mộ người để khai hoang đất đai trồng trọt. Du lịch Phú Quốc ngày nay du khách vẫn còn tìm thấy các dấu tích xưa để lại, nên người dân địa phương gọi là đồng Bà.

Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu
Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu Phú Quốc

Cũng có truyền thuyết kể lại rằng bà chết ở Cửa Cạn – Phú Quốc. Sau đó vua Cao Miên cho người mang hài cốt của bà về cố quốc để chôn cất, Một số khác lại cho rằng bà chết ở đảo Phú Dự. Tương truyền kể lại, bà đã từng cưu mang chúa Nguyễn Phúc Ánh trong những ngày sống ẩn dật.

Lễ hội Thủy Long Thánh Mẫu Phú Quốc

Hiện nay trên đảo Ngọc có hai ngôi đền thờ bờ. Một cái nằm ở xã Cửa Cạn gọi là Dinh Bà Trong. Cái còn lại nằm ở thị trấn Dương Đông gọi là Dinh Bà Ngoài.

Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu
Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu Phú Quốc

Cũng như những đền chùa nổi tiếng khác ở Phú Quốc, Dinh Bà cũng là địa chỉ tổ chức nhiều lễ hội truyền thống đậm chất dân gian.  Vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm, người dân lại tổ chức lễ cúng tế. Nếu muốn tìm hiểu văn hóa, truyền thống cũng như hòa mình vào không khí sôi động của lễ hội. Du khách nên lên lịch trình cụ thể để có thể tham gia lễ hội, Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp ở trên du khách sẽ có một chuyến du lịch Phú Quốc trọn vẹn niềm vui.

Bà Thiên Hậu

 Tham quan ngôi chùa Bà Thiên Hậu – Chốn linh thiêng giữa lòng Sài Gòn

Giữa nhịp sống đô thị Sài Gòn hiện đại và sôi nổi vẫn có những màu sắc truyền thống và vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa Bà Thiên Hậu. Ngôi chùa hơn 200 năm tuổi này là một chốn linh thiêng giữa đất Sài Gòn phồn hoa, nhắc nhở người ta tìm về chốn bình yên, thanh bình để cầu phước lành cho gia đình và những người yêu thương.

Xem thêm: Cẩm nang du lịch Sài Gòn từ A đến Z

Khám phá Chùa Bà Thiên Hậu ở Sài Gòn

Chùa Bà Thiên Hậu

(sưu tầm)

Địa chỉ ở 710 Nguyễn Trãi, Q.5, ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ 18 bởi những người Hoa. Đây là một nơi  linh thiêng bậc nhất bạn không thể bỏ lỡ khi đến với Sài Gòn. Mỗi dịp lễ Tết, người dân Sài Gòn thường ghé đến để thắp hương cầu năm mới bình an.

Chùa Bà Thiên Hậu

(sưu tầm)

Tên chính xác của nơi này là Thiên Hậu Miếu, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là miếu thờ bà Thiên Hậu. Tuy nhiên trong cách gọi của dân gian ở miền Nam nước ta, cứ nơi nào linh thiêng thì đều gọi là chùa. Vì thế người ta thường gọi là chùa Bà Thiên Hậu dù cách gọi này cũng không hẳn là đúng cho lắm.

Chùa Bà Thiên Hậu

Người dân đến cầu khấn (sưu tầm)

Người ta nói răng, Chùa Bà Thiên Hậu có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa đang sinh sống ở Sài Gòn.Tồn tại đã 258 năm nhưng nó vẫn giữ được nét đặc trưng cho kiến trúc của người Hoa. Nhiều đường nét trạm trổ, điêu khắc, hiện vật còn giá vị lịch sử và mỹ thuật còn được lưu giữ lại. Chính điều đó đã khiến nơi đây càng thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Chùa Bà Thiên Hậu

Vẻ trầm mặc của ngôi chùa (sưu tầm)

Dù xung quanh có nhiều ngôi miếu, chùa khác nhưng nơi này luôn thu hút đông đảo người dân và du khách từ khắp nơi đổ về làm việc thiện. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm yêu thích của giới chụp ảnh để thực hiện những bộ ảnh Tết với chiếc áo dài truyền thống.

Nét đặc sắc trong kiến trúc của Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

(sưu tầm)

Nếu bạn đang muốn tìm một ngôi chùa có kiến trúc đặc trưng Trung Hoa vưới phong cách kiến trúc Á Đông thuần khiết thì chắc chắn đây sẽ là lựa chọn hàng đầu rồi. Chùa được xây dựng theo lối tam quan cách điệu ở phần cửa chính đi vào và hai bên hông có thêm hai hành lang.

Chùa Bà Thiên Hậu

Cổng chùa (sưu tầm)

Chùa bà Thiên Hậu được chia làm ba nơi chính: Tiền điện, Trung điện và Chính điện với những gian thờ những vị thần linh trong lịch sử Trung Quốc. Chính điện là nơi thờ chính của Thiên Hậu Thánh Mẫu với tượng bà Thiên Mẫu được tạc từ khối gỗ nổi bật giữa không gian vô cùng tĩnh mịch, kì bí và linh thiêng. Tiền điện là nơi đặt miếu thờ của Phúc Đức Chánh thần (thần thổ địa – người cai quản đất đai của nhân dân) và Môn Quan Vương tả (thần giữ cửa). Cuối cùng là Trung điện với bộ lư cổ hơn 130 tuổi lâu đời nhất lịch sử với nhiều nhiều nét điêu khắc tỉ mỉ, tinh xảo.

Chùa Bà Thiên Hậu

Môn Quan Vương Tả (sưu tầm)

Chùa Bà Thiên Hậu

Phúc Đức Chánh Thần (sưu tầm)

Vừa bước vào phía cổng, du khách sẽ bị ấn tượng bởi vẻ trầm mặc của ngôi chùa. Mọi thứ đều được nhuốm màu thơi gian khiến cho không gian càng cô tịnh. Bước qua cánh cổng nhỏ sẽ lạc vào chốn huyền bí vừa bí ẩn nhưng cũng thật thân thuộc. Suốt chiều dọc ngôi chùa là phần kiến trúc chính, là nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng. Ở giữa có một khoảng không như giếng trời vừa để lấy ánh sáng vừa để cho hương nhang theo đó bay lên cao. Hai bên lối đi cùng được phân cách để du khách di chuyển dễ hơn, đặc biệt là vào các ngày rằm.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

(sưu tầm)

Ở giữa chính điện là tượng bà Thiên Hậu đặt ở chính giữa. Xung quanh ánh sáng vàng – đỏ là chủ đạo cùng với bức gỗ màu đen, ánh nến lung linh càng huyễn hoặc người nhìn. Dù chỉ đến một lần, bạn cũng sẽ có ấn tượng sâu đậm không thể diễn tả bằng lời về cái vẻ huyền bí, u tịnh đó.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

(sưu tầm)

Phần mái cũng được trang trí bằng nhiều bức tượng đa dạng hình thù và kích thước. Dù vậy, tất cả đều hài hòa và đẹp mắt đến lạ. Nếu ngắm kỹ từng đường nét, bạn sẽ hiểu được thế nào là tinh tế là kỳ công. Từ đó thêm nể phục hơn tâm huyết và tài năng của họ.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

Phần mái (sưu tầm)

Điểm nhấn của ngôi chùa Bà Thiên Hậu là những chiếc vòng nhan treo trên không độc đáo. Người viếng có thể mua vòng nhan, ghi lại những lời chúc hay tâm nguyện của mình lên giấy. Sau đó bạn treo lên cùng với nhan để cầu xin với bà Thiên Hậu.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

Nhan ghi lời cầu nguyện (sưu tầm)

Thêm một điểm nhấn đặc biệt của ngôi chùa chính là toàn bộ vật liệu đều được nhập từ Trung Quốc. Từ những cây gỗ quý đến bát lưu hương, từ những bức phù điêu đến phần tượng nhỏ,…. Điều đó phần nào cho thấy chùa Bà Thiên Hậu hết sức quan trọng trong cuộc sống của người Hoa ở Sài Gòn.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

(sưu tầm)

Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu

Mỗi dịp Tết đến, các dịp lễ như Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu hoặc vào các ngày mùng 1, ngày rằm hàng tháng, người dân cũng như nhiều du lịch thường nô nức tới chùa Bà Thiên Hậu để cầu mong được phù hộ cho sự an lành, bình yên.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

Lễ hội luôn thu hút người dân và du khách đến tham dự (sưu tầm)

Có người đến cầu lộc, cầu duyên, cầu tài, cũng có người cầu bình an, cho một đời được an nhiên bên gia đình. Vì thế lư hương lúc nào cũng nghi ngút khói nhang. Người làm công quả cũng tất bật chẳng kém để lấy bớt phần nhang đã cháy nhiều, chừa chỗ cho người sau đến viếng. Nhang thơm tan vào hư không, thoảng trong gió, mang theo những ước nguyện từ tận đáy lòng.

Chùa Bà Thiên Hậu

Khói hương nghi ngút (sưu tầm)

Ngoài ra, ngày vía Bà Thiên Hậu được tổ chức vào 23 tháng 3 Âm lịch cũng là một sự kiện lớn được nhiều người dân tham gia. Trong ngày này, tượng Bà Thiên Mẫu được đặt trên một chiếc kiệu và được người dân rước đi xung quanh một vòng chùa. Cùng với nhiều hoạt động múa lân, biểu diễn nghệ thuật,… đã tạo nên một không gian lễ hội vô cùng sôi động vào náo nhiệt.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

(sưu tầm)

Đến chùa Bà Thiên Hậu không chỉ để cầu mà còn là cơ hội để du khách tìm hiểu lịch sử vào kiến trúc và văn hóa của ngôi chùa cổ. Lòng dù chơi vơi ở đâu vẫn tìm được sự cân bằng và thanh thản mỗi khi ghé thăm chùa bà Thiên Hậu.

Huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen

 Núi Bà Đen cao 986 mét so với mực nước biển và được xem là cao nhất Đông Nam bộ. Theo sách “Gia Định Thành Thông Chí”, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi là núi Điện Bà.

Cũng theo các bậc kỳ lão, tên gọi núi gắn liền với những giai thoại ly kỳ của Bà Đen, người được vua Gia Long phong thánh hiệu "Linh Sơn Thánh Mẫu".

Ngày nay, cứ đến dịp rằm tháng giêng (âm lịch) hàng năm, cả triệu lượt khách hành hương khắp nơi tìm về núi Bà Đen để viếng, bái Linh Sơn Thánh Mẫu.

Trèo núi cấm không được kêu… mệt!

Ngày nay, con đường bộ lên núi được đầu tư xây dựng một cầu thang dựng đứng, đi vòng vèo quanh những tảng đá từ chân núi lên đến chùa. Chỉ cần mất 1 giờ để leo đến Điện Bà. Trước năm 1975, khách thập phương muốn lên chùa phải leo trèo qua những tảng đá dưới những tán rừng đầy thú dữ suốt nửa ngày mới đến nơi. Thuở đó, việc đi viếng Bà là cả một chuyến phiêu lưu, mạo hiểm đúng cả nghĩa bóng lần nghĩa đen. Dù vậy, danh tiếng linh thiêng, cứ đến rằm tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, khách thập phương vẫn lũ lượt leo núi viếng Bà.

Một góc chùa ngày thường.

Hồi đó, có một giao ước bất thành văn rằng: Khi leo núi cấm thốt tiếng "mệt". Những đoàn người hì hục leo núi, thỉnh thoảng hỏi nhau: "Mệt không?" Cả đoàn người phải đồng thanh hô lớn: "Khỏe!", mặc dù ai cũng thở ra đằng tai. Tiếng hô "khỏe" lan truyền từ người mới đến chân núi lan dài đến người leo đến gần Điện Bà thành một thứ âm thanh vang dội núi rừng.

Cho đến tận ngày nay giao ước này vẫn tồn tại. Họ tin rằng, đi viếng mà than thở mệt nhọc, sẽ không được Bà ban điều khấn xin, thậm chí còn gặp nguy hiểm khi leo núi?

Bà Hai Đông, 82 tuổi, là cựu giáo viên thời Pháp, cư ngụ ở Tân Trung, ven Tỉnh lộ 793 dưới chân núi, giải thích: "Hồi kháng Pháp, đường lên núi không chỉ cheo leo hiểm trở, tăm tối mà còn đầy cọp, beo, rắn, rết. Người hành hương không dám đi lẻ một mình mà phải kết thành từng đoàn. Hồi còn thiếu nữ, chính tôi từng đi xem xác người bị cọp núi Bà vồ. Muốn đi vía Bà, đoàn người hành hương phải đi từ sáng tinh mơ mới kịp trở về chân núi trước khi trời tối.

Việc hô "khỏe" của các đoàn hành hương có nhiều lợi ích. Thứ nhất, họ tự khích lệ quyết tâm vượt qua cơn mệt nhọc và nỗi sợ hãi để đi đến nơi về thật sớm. Thứ hai, các thành viên của đoàn sẽ không lạc nhau. Thứ ba, việc hô to như vậy sẽ xua đuổi thú dữ. Lâu dần, việc hô như vậy thành lệ, truyền sang đời sau và biến thành niềm tin tâm linh là Bà cấm than mệt khi đi viếng Bà?"

Bà Hai Đông còn cho biết, ngày xưa Bà Đen nổi tiếng linh thiêng chỉ 2 phép: Phát duyên và phát vận. Căn cứ vào đó, hầu hết người đi viếng Bà chỉ cầu xin được tình duyên và gặp vận may. Các phép khác, Bà không ban.

Truyền thuyết về Bà Đen

Có đến 3 truyền thuyết về Bà Đen.

Truyền thuyết thứ nhất cho rằng, ngày xưa, chủ vùng núi này là người phụ nữ Phù Nam có tên là Rê Đeng. Do người đời sau đọc trại thành Đen.

Truyền thuyết thứ hai cho rằng, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp.

Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, được một nhà sư nuôi dạy từ nhỏ, văn hay võ giỏi.

Lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn.

Khi Lê Sỹ Triệt tòng quân, ở nhà Lý Thị Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt, toan hãm hiếp. Giữ lòng trung trinh, nàng Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi chết, nàng Lý Thị Thiên Hương hiển thánh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết. Trong mộng, nàng Hương xuất hiện trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa? Vị sư bèn đi tìm thi thể nàng đem về mai táng. Vì vậy, vị sư gọi nàng là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.

Truyền thuyết thứ ba có ghi trong quyển "Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh" rằng: Thuở mới khai hoang vùng đất, một viên quan trấn thủ vùng chân núi Một có 2 người con. Người con trai tên là Thạch Biên. Người con gái là Thạch Nương, có tên thường gọi là Đênh.

Khi nàng Đênh 13 tuổi, có một nhà sư tên là Trung Vân Danh, đạo hiệu Trừng Thanh tìm đến lưng chừng núi Một dựng chùa, thờ Phật và hoằng pháp độ sanh.

Mộ đạo, nàng Đênh đã xin theo nhà sư Trừng Thanh học đạo. Thấy nàng Đênh xinh đẹp, quan trấn thủ Trảng Bàng cho người mai mối xin cưới cho con trai. Khi hai gia đình chuẩn bị lễ vật cho lễ cưới thì bất ngờ nàng mất tích. Gia đình hai bên cho người tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Mọi người đồn đoán rằng nàng Đênh đã bị cọp vồ. Gia đình mai táng khúc chân và lập mộ cho nàng dưới chân núi.

Từ đó, người ta gọi ngọn núi Một là núi Bà Đênh, đọc trại dần thành Bà Đen?

Khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Thiếu lương thực, từ vua đến lính đều đói lả. Nghe dân cư đồn về sự linh thiêng của bà Đen, trong cơn tuyệt vọng, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin phò trợ. Đêm đó, bà Đênh xuất hiện trong mộng của chúa Nguyễn Ánh. Bà cho biết Nguyễn Ánh đang nằm ngủ dưới gốc một loại cây cho trái có thể cứu đói binh sĩ.

Khi thức giấc chúa Nguyễn Ánh trông thấy trên cành cây mình đang nằm ngủ có nhiều quả nhỏ chi chít. Hái xuống ăn thử thì có vị rất ngon. Ông truyền cho binh sĩ hái loại quả ấy ăn lót dạ. Ông đã đặt tên cho loại quả ấy là "tùng quân".

Năm 1790, Nguyễn Ánh đưa binh lính quay lại núi đúc tượng, cất lại điện thờ. Sau đó phong sắc Linh Sơn Điện và phong Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu.

Từ thuở khai hoang

Ngày nay, sau nhiều lần trùng tu, xây mới, trên nền xưa của Linh Sơn Tự hiện diện một ngôi chùa khang trang có tên gọi là Linh Sơn Tiên Thạch Tự vừa thờ Phật vừa thờ Bà Đen. Sự giao thoa tín ngưỡng mặc nhiên đó đã được người dân chấp nhận.

Căn cứ vào các nguồn sử liệu của Quốc Sử quán triều Nguyễn thì Vua Gia Long phong sắc cho Bà Đen. Điều đó có nghĩa là truyền thuyết về Bà Đen có trước khi Nguyễn Ánh vào núi lánh nạn Tây Sơn.

Và cũng có nghĩa là điện thờ Bà Đen có tên gọi chính thức là Linh Sơn Điện. Như vậy, Linh Sơn Điện là vị trí của ngôi chùa Thượng. Còn một hang đá do các vị sư chi phái Liễu Quán (thuộc phái Lâm Tế Chánh Tông) làm nơi ẩn cư niệm Phật, được gọi là Linh Sơn Thạch Động Tự hoặc chùa Hang.

Điện thờ Bà mang tín ngưỡng thờ Mẫu. Còn ngôi chùa là tín ngưỡng Phật giáo ẩn cư của chi phái Liễu Quán (Lâm Tế).

Trở lại lịch sử, vào thế kỷ thứ XVIII, khi các chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam thì một số cao tăng thuộc Thiền phái Liễu Quán cũng theo làn sóng di cư xuôi Nam đi tìm chốn non hoang, động vắng tu pháp.

Năm 1763, Thiền sư Ðạo Trung Thiện Hiếu là đệ tử của Thiền sư Ðại Cơ và thuộc đời thứ tư của chi phái Liễu Quán tìm đến hang đá hoang vu trên núi Bà làm nơi định thiền. Đó chính là chùa Hang.

Lúc đó Thiền sư Đạo Trung đã nhặt được một số tượng đồng cổ. Trong đó có một tượng thánh nữ bằng đồng màu đen. Vị sư đã cất miếu hương khói cho bức tượng này.

Thuở đó đã có cư dân Việt và Cao Miên sinh sống dưới chân núi. Họ gọi Thiền sư Đạo Trung là "sư Bưng Đĩa" (Vì quan sát thấy Thiền sư thường nâng đĩa đựng hoa quả cúng tổ). Sau khi ẩn tu ở hang đá suốt 30 năm, Thiền sư Đạo Trung giao thạch điện cho đệ tử là Thiền sư Tính Thiện (tức Tánh Thiện Thanh Thanh). Thiền sư Đạo Trung về Thủ Dầu Một (Bình Dương) khai môn chùa Long Hưng. Kế nghiệp Thiền sư Tính Thiện là Thiền sư Hải Hiệp Từ Tạng.

Năm 1784, Nguyễn Ánh vào núi lánh nạn Tây Sơn. Năm 1790, Nguyễn Ánh sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu. Năm 1820, Vua Minh Mạng cử Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ 2. Và một lần nữa, Vua Minh Mạng ban sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu cho Bà Đen. Vua Minh Mạng còn ban chỉ cho Lê Văn Duyệt xây cất ngôi Linh Sơn Điện khang trang hơn.

Sau khi xây cất linh điện xong, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã giao cho Thiền sư Hải Hiệp gìn giữ. Tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật hợp nhất trong một ngôi điện thờ.

Năm 1857, Thiền sư Tánh Thọ Phước Chí từ chùa Phước Lâm, Tây Ninh lên núi thăm viếng thì phát hiện Thiền sư Hải Hiệp viên tịch từ lúc nào, thân xác đã hóa thổ. Điều lạ là, ngón tay út bàn tay trái của Thiền sư Hải Hiệp vẫn còn nguyên vẹn?

Thiền sư Tánh Thọ đã đem ngón tay út của Thiền sư Hải Hiệp chôn dưới đáy chùa Hang để lập bia mộ. Gần 100 năm sau, mộ của Thiền sư Hải Hiệp được tín đồ cải táng ra ngoài xây tháp. Khi đào lên, ngón tay út vẫn còn nguyên và được cải táng?

Sau khi chôn cất ngón tay cho sư phụ, Thiền sư Tánh Thọ tiếp tục tu hành tại Linh Sơn Điện.

Sau năm 1940, quân Pháp và quân Nhật lần lượt chiếm đóng núi Bà Đen và phá hủy hoàn toàn Linh Sơn Điện. Tượng Bà bằng đồng, màu đen bị chúng cướp và thất lạc.

Mãi đến năm 1956, một nhà giáo có uy tín ở địa phương, tên là Nguyễn Văn Hảo được một người phụ nữ đen đúa báo mộng cho biết, bà chính là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà bảo ông Hảo đến chùa Phước Lâm sẽ gặp bà? Ông Hảo bán tín bán nghi nhưng vẫn đến chùa Phước Lâm gặp vị sư trụ trì. Ông Hảo vừa kể xong câu chuyện nằm mơ thì vị sư trụ trì chùa Phước Lâm thất kinh xác nhận: "Một người lính Nhật đã bí mật giao cho tôi bức tượng trước khi về nước. Không ai biết chuyện này?" Câu chuyện này, được một nữ nhà giáo - con gái ruột của ông Nguyễn Văn Hảo - kể cho người viết nghe từ năm 1980.

Ngay sau khi phát hiện bức tượng đồng Bà Đen được cất giấu ở chùa Phước Lâm, nhà sư Nguyên Chất - Trụ trì chùa Phước Lâm - cùng nhà giáo Nguyễn Văn Hảo và bạn bè lên núi xây cất lại nơi thờ Bà. Lần xây cất này, công trình được đặt tên là Linh Sơn Tự. Vào khoảng 1970, quân đội Mỹ xây dựng 1 trạm ra đa tình báo đặt trên đỉnh núi để kiểm soát địa bàn Tây Ninh và dòm vào căn cứ Trung ương Cục. Trước khi đưa quân lên núi, giặc Mỹ đã ném hàng tấn bom đạn và hơi cay các loại vào những nơi chúng nghi ngờ có quân ta trú đóng. Do giao tranh ác liệt, ngôi chùa bị cháy bởi bom napal Mỹ. Bức tượng Bà lại thất lạc lần nữa.

Năm 1975, ni sư Diệu Nghĩa, đệ tử đời sau của sư Nguyên Chất đã xây lại chùa. Lần này, ngôi chùa có tên là Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Năm 1992, ni sư Diệu Nghĩa đã cùng tín đồ tái thiết ngôi chùa suốt 3 năm. Ngày nay, ngôi chùa thật khang trang và rộng rãi, sẵn sàng cung nghinh khách hành hương viếng Bà, lễ Phật.

Nông Huyền Sơn

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Giá trị tinh thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ

Là nước nông nghiệp, Việt Nam trong quá trình phát triển đã thể hiện dấu ấn ấy trong đời sống tinh thần, đặc biệt là qua các hình thức tín ngưỡng nữ thần phong phú, đa dạng. Nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu trường hợp đã thực hiện việc phân loại tín ngưỡng[1] theo giới tính và lứa tuổi. 

Một nhận định xác đáng, sâu sắc đã cho rằng: “Việc đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tự nhiên dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực tư duy là lối tư duy tổng hợp; và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tín ngưỡng đa thần.

Tính chất âm tính của văn hóa nông nghiệp dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực quan hệ xã hội là lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tình trạng lan tràn các nữ thần. Và vì cái đích mà người Việt Nam hướng tới là sự phồn thực, cho nên nữ thần của ta không phải là các cô gái trẻ đẹp, mà là các bà Mẹ, các Mẫu”[2]. 

Tuy vậy, tùy từng địa vực cư trú, từng vùng miền khác nhau đã đưa đến sự khác biệt khá rõ nét trong tư duy, thể hiện qua các hình thức thờ nữ thần ở 3 miền có nét đặc thù. Sự khác biệt ấy thể hiện qua các hình thức thờ tự những nữ thần nào? Từ việc thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Nam bộ có gì khác biệt so với ở miền Bắc và Trung bộ ?

Trong phạm vi một bài tham luận, bài viết chỉ giới hạn trong việc nêu lên các hình thức từ thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Nam bộ trong sự so sánh với ở Bắc và Trung bộ, từ đó góp phần nhận diện những giá trị tinh thần trong tín ngưỡng dân gian Nam bộ, nêu lên đặc trưng tín ngưỡng mang yếu tố văn hóa vùng Nam bộ; đồng thời cũng góp phần nhận diện quy luật thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

1. Từ việc thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Nam bộ

Nam bộ là vùng đất mới, trong quá trình khai hoang mở đất của cư dân cũng là quá trình cư dân mang theo hành trang tinh thần của mình từ nhiều vùng, miền khác nhau khi đến tụ cư tại Nam bộ. Tín ngưỡng ở Nam bộ vì vậy càng phong phú, đa dạng. Mặt khác, tín ngưỡng ở Nam bộ còn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng cư dân sống cộng cư và cận cư. 

Vì vậy, có thể thấy các thành tố có trong tín ngưỡng từng tộc người cư trú ở Nam bộ như Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đều có một ảnh hưởng nhất định trong việc định hình thể loại, diện mạo của các tín ngưỡng thờ nữ thần cũng như thờ Mẫu ở Nam bộ.

Khó có thể thống kê hết số cơ sở thờ tự thuộc tín ngưỡng dân gian ở Nam bộ. Ngoài những đình, miếu, đền, điện được phân bố đều khắp có đặt thờ nữ thần, thần nữ còn được đặt thờ phối tự bên trong nhiều ngôi chùa Phật giáo. Không gian tín ngưỡng nữ thần vì vậy khá rộng rãi và mang tính phức hợp.

1.1. Thờ nữ thần

Có thể nêu một số nữ thần được thờ tự phổ biến ở Nam bộ, theo lịch đại cũng như đồng đại. Các nữ thần mang tính cổ xưa, nay ít được nhắc đến, hoặc chỉ còn một số nơi thờ tự như bà Cố Hỷ, bà La Sát, Hà Bá. Các nữ thần mang tính siêu nhiên, thể hiện các yếu tố có trong thiên nhiên như năm bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), được đặt thờ chung trong cùng một trang thờ, hoặc riêng từng vị như miếu thờ bà Thủy Long, bà Hỏa. Ngoài năm bà Ngũ Hành được thờ tự phổ biến ở cả miền Bắc, Trung, tại Nam bộ còn có hình thức tín ngưỡng thờ Bảy Bà. 

Đây là dạng tín ngưỡng đặc biệt ở Nam bộ, cho thấy tư duy tổng hợp. Huỳnh Tịnh Paulus Của đã cho rằng: “đó là dạng kết hợp bà Chúa Tiên, bà Chúa Ngọc, bà Chúa Xứ, bà Chúa Động, bà Cố Hỉ, bà Thủy, bà Hỏa”[3]. Thực ra, Chúa Tiên và Chúa Ngọc chỉ là một, “tên bà Chúa Ngọc có lẽ là từ tên núi Ngọc Trản (chén ngọc) ở Huế (…) bà cũng mang một tên dân gian khác là bà Chúa Tiên, có lẽ là sự ảnh hưởng danh thần Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ ngoài Bắc, vốn gốc là một thiên tiên trên thiên đình”[4]

Thờ nữ thần còn được đặt chung trong tổng thể cặp đôi như ông Bổn - bà Bổn trong tín ngưỡng của người Hoa như ở Phúc Đức cổ miếu (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu); thờ Thái Âm – Thái Dương ở chùa Thuận Thiên (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Bên cạnh các nhiên thần, thì nhân thần vốn là những con người thật, như Hai Bà Trưng, được thờ trong đền, hiện còn ở Tp.HCM; huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; chùa Bửu Lâm (Tiền Giang). Cửu Thiên Huyền Nữ, vừa là vị thần nữ ở cõi Trời (Thiên Phủ) được thờ ở chùa Thiên Phước (Vĩnh Long); chùa Bửu Lâm (Tiền Giang), bà còn là vị nữ thần độ mạng cho phái nữ trong từng gia đình. Mỗi gia đình nông thôn thường đặt trang thờ bà đối xứng với trang thờ ông quan Thánh Đế Quân, vốn được xem là vị độ mạng cho phái nam. 

Tại các miếu của người Hoa như miếu Thiên Hậu – hội quán Quảng Triệu (quận 1, Tp.HCM) cũng có trang thờ bà. Trong miếu Hoa, ta cũng thấy phổ biến đặt thờ Mẹ Thai Sinh, còn gọi Kim Huê nương nương, là vị nữ thần hỗ trợ cho việc sinh nở, chăm sóc cho trẻ con.

Niềm tin vào việc được ban phúc cho “mẹ tròn, con vuông” cũng đưa đến tín ngưỡng Mười Hai Mụ Bà, khá phổ biến ở Tp.HCM như tại chùa Phước Hải (quận 1, Tp.HCM); hay chùa Minh Hương (Tp.Vĩnh Long). Long Mẫu nương nương, thường được đặt phối tự với tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu và Kim Huê nương nương, như trường hợp ở Miếu Thiên Hậu - Tuệ Thành hội quán (quận 5, Tp.HCM).

1.2. Thờ Mẫu

Thờ Mẫu có quan hệ mật thiết với thờ nữ thần. Ngô Đức Thịnh đã từng nhấn mạnh: “Mẫu đều là nữ thần nhưng không phải tất cả nữ thần đều là Mẫu thần, mà chỉ một số nữ thần được tôn vinh là Mẫu thần (..) đạo Mẫu gắn liền với tục thờ Mẫu dân gian, nhưng như thế không có nghĩa mọi Mẫu thần đều thuộc điện thần của đạo Mẫu”[5].

“Mẫu có gốc từ Hán Việt, tiếng Việt là Mẹ. Nghĩa ban đầu, Mẫu hay Mẹ đều để chỉ một người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó, là tiếng xưng hô của con đối với người sinh ra mình. Ngoài ý nghĩa xưng hô thông thường, từ Mẫu và Mẹ còn bao hàm ý nghĩa tôn xưng, tôn vinh, chẳng hạn như Mẹ Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu nghi thiên hạ (..) là các vị thần linh gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên, vũ trụ được người đời gán cho chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người. Đó là trời, đất, sông nước, rừng núi”[6].

Hai ngọn núi cao ở Nam bộ là nơi đặt thờ Linh Sơn Thánh Mẫu (núi Bà Đen) và Chúa Xứ Thánh Mẫu (núi Sam). Chúa Xứ Thánh Mẫu được đặt thờ không chỉ trên sườn núi Sam (phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc), mà còn trong những ngôi miếu riêng biệt tại nhiều vùng miền ở Nam bộ; trong sân chùa; trong điện thờ của Đạo Minh Sư như Nam Nhã Phật Đường (Tp.Cần Thơ)[7]. Ở Quang Nam Phật Đường (Tp.HCM), cũng thuộc đạo Minh Sư, trong chính điện còn đặt thờ Diêu Trì Kim Mẫu và Địa Mẫu tại vị trí trung tâm.

Người dân còn đặt tên cho các cơ sở thờ Bà ở nhiều nơi khác là Miếu Bà Chúa Xứ 2, Miếu Bà Chúa Xứ 3, như trường hợp ở Thủ Thiêm, ở Bình Dương để chỉ “mạng lưới” thờ tự Bà xuống khắp các địa phương, nhưng đồng thời cũng cho thấy tính thống nhất về một mối của ngôi miếu thờ mang tính trung tâm của các miếu khác, là ở núi Sam Châu Đốc. Người dân đến cúng bái đều cho là bà Chúa Xứ 2, 3 là em của chị cả Chúa Xứ ở Châu Đốc!

Cách thờ tự tại miếu bà Chúa Xứ núi Sam đã thể hiện nhiều lớp văn hóa được hình thành trong quá trình giao lưu từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước và đọng lại qua hình thức thờ tự tại đây. Ngô Đức Thịnh đã dày công nghiên cứu và có nhận xét rằng:

“Nhìn vào các lớp văn hóa tạo nên biểu tượng tâm linh bà Chúa Xứ, chúng ta đều thấy thấp thoáng hình bóng bà Mẹ Xứ Sở - Pô Inư Nưgar của người Chăm, Thánh Mẫu Thiên Yana của người Việt, nữ thần Neang Khmau (Bà Đen), tục thờ Neak Tà của người Khơme và xa xưa hơn, nhưng cũng hiển hiện hơn là tất cả các biểu tượng trên đều được quy tụ trong linh tượng Shivalinga và Sakti của Shiva là nữ thần Uma của Bà la môn giáo, mà truyền thuyết bức tượng bà Chúa Xứ An Giang đã mách bảo chúng ta những điều như vậy, cho dù bề ngoài bức tượng đó cũng đã được cải trang dưới hình dáng Thánh mẫu của người Việt”[8]
 
Trong cộng đồng người Hoa cũng thờ phổ biến Thiên Hậu Thánh Mẫu. Mỗi triều đại ở Trung Quốc, Bà đều được vua phong tặng[9]: đời Tống (Tống Cao Trung) phong tước vị đầu tiên là Phu Nhân Linh Huệ kèm theo vinh hiệu là Thiên Ân vào năm 1156. Đời Nguyên, Bà được phong tặng Thiên Phi; đời Thanh Khang Hy 1682 Bà được gia phong Thiên Hậu Thánh mẫu.

Tổng cộng qua các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Bà được phong tặng 28 lần mỹ hiệu, tước hiệu[10]. Ngoài tước hiệu và danh vị chính thức, người Hoa còn tôn xưng Bà bằng nhiều tên gọi khác nhau. Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là Đại Mẫu. Người Quảng Đông gọi là Đức Bà. Ngôi miếu thờ Bà, người Quảng Đông gọi Phò Miếu.

Ở miền Bắc, tín ngưỡng thờ Mẫu với hình thức từ Tam Phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu) đến Tứ Phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu, Mẫu Thượng Ngàn) cho thấy hình thức tín ngưỡng nữ thần đã được phát triển, nâng cao địa vị các nữ thần, đặc biệt là những thần nữ có liên quan đến 4 yếu tố: Trời, Đất, Nước, Rừng, là 4 yếu tố chiếm vị trí quan trọng trong đời sống con người, trong sản xuất cũng như đời sống tâm linh, đã trở thành đạo Mẫu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu theo di dân đi dần vào Trung bộ. Ở đây, tín ngưỡng thờ Mẹ Xứ Sở của người Chăm là Bà Pô Inư Nưgar, còn được người Chăm gọi là Pô Nư Cành, đã được kết hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt, hình thành một dạng thức thờ tự mới, với cơ sở nổi tiếng là Điện Hòn Chén, nơi đặt thờ Bà Thiên Yana Ngọc Diễn Phi. 

Ngô Đức Thịnh đã nhận xét rằng: “vị nữ thần Chăm này là sự kết hợp giữa nữ thần Chăm bản địa và nữ thần Uma, vợ của Shiva. Bà là vị thần cao nhất của Vương quốc Chămpa, được tôn xưng là Mẹ Xứ Sở [11]. Nếu như ý thức tôn vinh Thiên Phủ đã có trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc thì khi vào miền Trung và Nam bộ đã được chuyển hóa. Thời vua Khải Định, tín ngưỡng này được tôn thành Thiên Tiên Thánh mẫu (Bà Mẹ Trời, Tiên, Thánh).

“Ở Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu nơi đây đã phân lập khái niệm thiên phủ ra hai cõi: thượng thiên và trung thiên. Khái niệm Địa phủ lại được chuyển hóa thành khái niệm Thượng ngàn. Trung thiên được hiểu là cõi trời trung gian giữa cõi trời thượng thiên và thế gian”.[12] 

Ngoài cơ sở thờ tự dành cho Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen, còn khá nhiều ngôi chùa, trong sân cũng đặt miếu thờ Bà như chùa Giác Lâm (quận Tân Bình, Tp.HCM); hay trong chùa cũng giành một trang thờ Bà riêng biệt trong chính điện (chùa Phụng Sơn, quận 11, Tp.HCM). Bà Chúa Xứ cũng được thờ tự trong ngôi miếu ở nhiều sân chùa. 

Tại chính điện chùa Tây An (tỉnh An Giang), hai bên Chúa Xứ Thánh mẫu còn có Bà Chúa Tiên, Chúa Ngọc chầu hầu. Hình tượng Địa Mẫu với tư thế đứng trên trái đất, mình khoác áo choàng màu đen, lại được đặt trước cửa vào điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen. Gần cửa vào điện thờ này ta cũng thấy có ngôi miếu nhỏ thờ Neak Tà, một dạng Thổ thần của người Khmer. 

Có thể thấy trong ngôi chùa Bửu Sơn (thị xã Sóc Trăng) của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ngoài các thần linh thể hiện đậm nét mối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa qua việc thờ Thiên Phụ, Địa Mẫu trên bàn lộ thiên đặt giữa sân như hầu hết các miếu của người Hoa, còn có bàn thờ riêng dành cho Phật Mẫu Diêu Trì.

Trên điện thờ của nhóm theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, một đạo giáo do thầy Tây An khai sáng ở Nam bộ, tại Ngọc Liên Hoa tịnh thất ở Tp.Hồ Chí Minh (quận 7, Tp.HCM), cũng đặt tượng Diêu Trì Kim Mẫu trên chính điện, phối tự với Ngọc Hoàng Thượng Đế và Mẫu Mẹ[13].

Trong đạo Cao Đài, vốn là tôn giáo bản địa, xuất hiện ở Nam bộ vào năm 1926, đã thể hiện ý thức thờ tự cặp đôi, đối sánh Âm - Dương, Trời - Đất qua việc đặt thờ vị trí tối cao dành cho Ngọc Hoàng Thượng Đế (Cha Trời) và Diêu Trì Kim Mẫu (Mẹ Đất).

Đạo Cao Đài quan niệm Phật Mẫu được nhân loại tôn xưng bằng nhiều danh hiệu khác nhau, tùy theo tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc và địa phương, bao gồm các danh xưng: Phật Mẫu; Diêu Trì Kim Mẫu; Kim Bàn Phật Mẫu; Cửu Thiên Huyền Nữ; Đại Từ Mẫu; Tây Vương Mẫu; Địa Mẫu; Mẹ Sanh. 

Mỗi một thánh thất của đạo Cao Đài thuộc hệ phái Tây Ninh đều có thêm một điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu và được gọi tên là Điện thờ Phật Mẫu, được xây dựng cách thánh thất khoảng 10 đến 20 mét. Diêu Trì Kim Mẫu cũng được đặt thờ trong miếu, chùa của người Hoa như ở chùa Thiên Ý (quận 6, Tp.HCM).

Tại Huế, “từ người con gái trưởng thành cho đến người phụ nữ 60 tuổi, trước khi ra lão đều thờ Tây Cung Vương Mẫu, hay còn gọi là Đoài Cung Thánh Mẫu, một vị nữ thần hộ mệnh của mình. Nơi thờ là trang Bà, đặt ở vị trí cao của gian tả trong nhà, trông về hướng Tây”[14]

2. Giá trị tinh thần truyền thống trong thờ Mẫu ở Nam bộ

Như vậy, có thể thấy ở Nam bộ, hình tượng thờ Mẫu khá khác biệt so với miền Bắc và miền Trung. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ có kế thừa, tiếp thu và sáng tạo, đã chuyển hóa từ Linga - Yoni sang Ban Cô - Ban Cậu, được thờ phối tự với Chúa Xứ Thánh Mẫu (Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam)

Tín ngưỡng thờ Mẫu Nam bộ thể hiện mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa Việt - Khmer (Miếu ông Tà trong sân miếu bà Chúa Xứ núi Sam, hay trên núi Bà Đen), hay giữa Việt - Hoa (chùa Hải Phước An tự ở Sóc Trăng của người Việt có thờ Thiên Hậu Thánh mẫu) tạo ra một quần thể tín ngưỡng hay một điện thờ đa văn hóa. Ta thấy “có hiện tượng tích hợp nhiều lớp văn hóa - tín ngưỡng khác nhau: lớp văn hóa Phù Nam, lớp văn hóa cổ truyền Khmer, lớp văn hóa Chăm và lớp văn hóa Việt[15].

Một nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng: “Khi những tôn giáo đã không còn đủ sức thu hút và niềm tin cứu đời, thì Thánh mẫu xuất hiện”[16]. Từ đó có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà hai vị Thánh mẫu quan trọng nhất ở Nam bộ được đặt ở vị trí chiến lược, trên hai ngọn núi cao nhất Nam bộ, là vùng tiếp giáp biên giới. 

Chính tâm thức của người dân có nhu cầu, khát vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc đã đưa đến việc đặt để vị trí thờ tự trên. Khát vọng chính đáng ấy nói lên tư duy sáng tạo, xuất phát từ bối cảnh địa - chính trị, địa - lịch sử và địa - văn hóa của Nam bộ.

Tín ngưỡng Mẹ Xứ Sở đã được tôn vinh thành Thánh Mẫu ở miền Trung với Thiên Yana Ngọc Diễn Phi, một lần nữa lại tích hợp vừa là Địa Mẫu (Địa Phủ), vừa là Mẫu Thượng Thiên (Thiên Phủ) của đất Bắc. Chức năng tổng hợp dành cho các Thánh Mẫu ở Nam bộ nói lên nhu cầu cần thiết được bảo vệ, được che chở tại một vùng đất phải đối đầu với quá nhiều cuộc chiến tranh xâm lược trực tiếp, cần thiết phải bảo vệ biên cương lãnh thổ. 

Huyền năng của các bà, các nữ thần đã được tôn vinh thành Thánh Mẫu ở Nam bộ đã nói lên tinh thần yêu nước, khát vọng thanh bình, hạnh phúc hơn nơi nào hết của cư dân vùng đất mới! Đồng thời với những huyền thoại, truyền thuyết do người dân nêu lên đã phản ánh một bức tranh đa dân tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa của Nam bộ.

Nghi thức cúng tế trong các miếu, điện thờ Mẫu cũng giống với nghi cúng đình vào dịp lễ Kỳ Yên ở Nam bộ. Tuy nhiên ở Đình không diễn ra múa bóng rỗi, mà chỉ có ở miếu.

Không gian thờ Mẫu ở Nam bộ khá rộng lớn, không chỉ là một cơ sở thờ tự riêng biệt mang tính cộng đồng là miếu, mà còn phối tự trong miếu, chùa, vườn chùa, hoặc ngay tại chính điện. Tuy vậy, thờ Mẫu ở Nam bộ ít thấy mang tính chất gia đình như hiện tượng thờ Tây Cung Vương Mẫu ở Huế, trừ trường hợp một số gia đình người Hoa tỉnh Sóc Trăng có thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu tại gia đình. Tính cộng đồng vẫn chiếm vị trí chủ đạo, vẫn là niềm tin và sự kỳ vọng chung của cư dân Nam bộ đối với các Thánh Mẫu.

Nơi thờ tự các Mẫu ở Nam bộ có tên gọi khác với ở Bắc và Trung bộ. Nếu ở miền Bắc, thờ Mẫu được đặt trong những phủ, đền, hay những quán của đạo Lão, hay một phần trong các chùa chiền, thì ở Nam bộ, Mẫu thường thấy phổ biến ở các đình làng, trong miếu, vốn là những nơi thờ tự phổ biến tín ngưỡng của cộng đồng cư dân tại đây.

Khảo sát danh xưng các Mẫu ở Nam bộ cho thấy những nữ thần được tôn vinh Mẫu đều được gọi qua danh xưng Thánh mẫu. Điều này khá khác biệt so với tên gọi Mẫu ở phía Bắc (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu). 

Nếu như Mẫu chính là những nữ thần đã được tôn vinh, được đưa lên vị trí tột đỉnh, có liên hệ đến 4 yếu tố Trời, Đất, Nước, Rừng, thì khi vào miền Trung và Nam bộ, các yếu tố ấy vẫn được lưu giữ, nhưng cũng đưa đến hiện tượng đặt nặng yếu tố này hơn yếu tố khác, hoặc sáng tạo thêm một số yếu tố mới, như cõi Trung thiên ở miền Trung, hay kết hợp nữ thần với Thánh mẫu để hình thành một thần điện mới (thờ Bảy Bà). 

Điều này được quy định từ tính chất địa - văn hóa của vùng miền. Khung cảnh thiên nhiên khác biệt, xa dần vùng rừng núi, tiếp cận với đồng bằng Nam bộ, nên Mẫu Thượng Ngàn đã trở nên mờ nhạt. Thiên Phủ đã được chuyển hóa, từ nhiên thần đến nhân thần (Thiên Phủ -> Liễu Hạnh) rồi lại từ nhân thần đến nhiên thần (Liễu Hạnh -> Cửu Thiên Huyền Nữ).

Địa Phủ, Thủy phủ được tôn thờ, được giữ lại qua các lớp văn hóa mới bao phủ, được gọi theo một danh xưng mới, nhưng về chất thì vẫn không thay đổi. Vì vậy, ta vẫn thấy về Địa Phủ còn lại tên gọi Địa Mẫu, nhưng đã hình thành những “Mẫu mới”, được thánh hóa thành Chúa Xứ Thánh Mẫu, thành Linh Sơn Thánh Mẫu, cai quản một vùng đất rộng lớn, là hình tượng của Mẹ Xứ Sở, một Pô Inư Nưgar ở góc trời Nam.

Những truyền thuyết khác nhau về hai vị Thánh mẫu này chính là những cốt lõi, định hình cho cuộc thánh hóa này, để đưa những vị Mẫu này, tuy ở vị trí tối cao nhưng có thể gần gũi hơn với con người, bởi vì họ cũng là người, được nhân dân gắn vào truyền thuyết nên có họ, có tên (Lý Thị Thiên Hương, Nàng Đênh,...)

Từ đó có thể thấy, thờ Mẫu ở Nam bộ đã bộc lộ được một giá trị tinh thần phong phú của cư dân vùng đất mới. Ý thức lưu giữ, nhớ lại cội nguồn qua việc thờ Tam Phủ, Tứ Phủ vẫn đang còn tiếp tục hoạt động tại Tp.HCM qua đền Sòng Sơn Thánh Mẫu (quận 3), đền Mẫu Tuyên, đền Mẫu Thiên Hoàng, đền thờ Hai Bà Trưng và Thánh Mẫu Phủ Giầy; dù rằng về kiến trúc, bày trí tượng thờ đã có một ít khác biệt. 

Tiếp tục tôn thờ triết lý âm dương, ngũ hành nhưng có sáng tạo, tích hợp những yếu tố mới do quá trình giao lưu văn hóa ở miền Trung (chúa Tiên, chúa Ngọc) để hình thành tín ngưỡng Bảy Bà ở Nam bộ. Đó là kết quả của tư duy tổng hợp giữa các nữ thần (bà Chúa Động, bà Cố Hỉ, bà Thủy, bà Hỏa và Thánh mẫu (Chúa Tiên, Chúa Ngọc, bà Chúa Xứ).

Cũng dễ dàng nhận thấy yếu tố sông nước được đặt lên vị trí tối cao của Mẫu Thoải, vì Nam bộ là vùng sông nước. Nhưng vào miền Nam, do quá trình cộng cư với người Hoa, nên tín ngưỡng Thiên Hậu Thánh Mẫu, vốn có nguồn gốc từ vị nữ thần của biển cả, bảo vệ người đi lại trên sông nước, đã được người Hoa tín ngưỡng phổ biến rộng rãi, đã chiếm đa số, có mặt hầu hết các vùng miền. 

Ở đồng bằng sông Cửu Long, khá nhiều ngôi miếu thờ Bà đã được xây dựng cách nay hơn một trăm năm. Người Hoa ở Cà Mau, Bạc Liêu còn gọi Bà là Bà Mã Châu, phiên âm của tên gọi Mazou, có từ Trung Quốc[17]. Tại Thiên Hậu Thánh miếu (xã Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc, An Giang) có cặp đối treo trước cửa vào miếu, ca ngợi Bà, với 4 chữ đầu của hai cặp này, đọc theo hàng dọc thành Thiên Hậu Thánh Mẫu:

Thiên đức cao minh bảo hộ thôn hương hỷ lạc
Hậu cung phổ chiếu phù trì xã ngọc vĩnh khang
Thánh tích uy linh lê dân lạc nghiệp
Mẫu nghi chiếu diệu bổn hội an hòa.

Miếu thờ Bà tại quận 3, Tp.HCM còn xác nhận sự tôn vinh này qua bảng ghi trước cổng 5 chữ Hán “Thiên Hậu Thánh mẫu miếu”.

Trong nhiều gia đình người Hoa ở Nam Bộ, đặc biệt là ở huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, Bà còn được thờ tự ở gian trước, với bài vị màu đỏ, trang trọng ghi 4 chữ Hán nhũ vàng: “Thiên Hậu Thánh mẫu”.

Quá trình người Hoa sống cộng cư với người Việt và người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã đưa đến hiện tượng giao lưu văn hóa thú vị: trong ngôi chùa của người Việt cũng đặt tượng thờ Bà (Hải Phước An Tự, ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).

Cũng lưu ý rằng, tên gọi Thánh mẫu là danh xưng gia phong cho bà Lâm Mặc, thời nhà Thanh (Khang Hy) 1682, còn các đời trước, chưa phong tặng Thánh mẫu[18]. Phải chăng do ảnh hưởng gia phong danh xưng Thiên Hậu Thánh Mẫu dưới thời Thanh mà từ thế kỷ 17 về sau, ở Nam bộ, các Mẫu được gọi phổ biến là Thánh mẫu?

Ảnh hưởng giao lưu văn hóa qua danh xưng từ đời nhà Thanh có điều kiện du nhập và lưu giữ ở Trung và Nam bộ rõ nét hơn Bắc bộ, nhất là từ sau sự kiện phân chia đàng Trong và đàng Ngoài, di dân và tín ngưỡng - tôn giáo từ Trung Quốc đã có điều kiện đi thẳng vào Trung và Nam bộ.

Trong đạo Cao Đài, một tôn giáo mang yếu tố dân tộc khá rõ nét, đã nêu chủ trương nổi bật trong giáo lý mang tính tổng hợp của đạo là “Quy nguyên tam giáo, ngũ chi phục nhất”. Phương châm hành đạo ấy cho thấy một nhân sinh quan, một nếp sống đạo vừa mang tính tổng hợp, vừa thể hiện quá trình tâm linh trong việc tu chứng. 

Theo đạo Cao Đài, quá trình tiến tu ấy phải tiến lên 5 bậc, đi từ Nhân đạo đến Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Khi hình tượng, thiêng hóa các Mẫu, đưa lên vị trí tôn vinh các Mẫu ở Nam bộ, ta thấy có danh xưng Thánh mẫu (Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Thiên Hậu Thánh Mẫu), còn vị trí tối thượng, cao nhất trong 5 bậc, được nâng lên hàng Phật, tương xứng với Phật Mẫu dành cho Diêu Trì Kim Mẫu, vì trong đạo Cao Đài chủ trương “tam giáo quy nguyên” trong đó có Phật giáo. 

Như vậy, ngoài danh xưng Thánh mẫu phổ biến cho các mẫu, thì cũng thấy có Phật Mẫu. Do đó, từ tín ngưỡng nữ thần, qua quá trình dung hợp văn hóa, từ địa bàn chuyển cư miền Bắc vào Nam, Nam bộ là vùng đất cuối cùng của tổ quốc, đã tích hợp, dung chứa trong nó bức tranh khá toàn cảnh về quá trình phát triển tâm thức về Mẫu, đã thể hiện 5 bậc thang tiến hóa, hướng thượng, giành cho một số nữ thần ở Nam bộ, có liên quan đến các yếu tố Trời, Đất, Nước được tôn vinh, được đưa lên vị trí cao hơn nữ thần, để trở thành Thánh Mẫu, Phật Mẫu.

Từ yếu tố này đã bộc lộ trong tín ngưỡng thờ Mẫu một tư duy hướng thượng và hướng thiện. Tâm thức phiếm thần của cư dân Việt dung chứa trong nó tư duy hướng thiện sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà Lý Thị Thiên Hương (hay nàng Đênh) lại được ngưỡng vọng và tôn kính đến nhường ấy. 

Huyền thoại về cái chết của cô gái trung trinh Lý Thị Thiên Hương, mượn cái chết để bảo toàn phẩm giá, là bài học lớn về việc giáo dục nhân cách cho người phụ nữ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Bà Thiên Hậu lại được du nhập vào điện thờ Phật giáo, được đặt thờ phổ biến trong chùa Việt, trong miếu của người Hoa. 

Lòng hiếu thuận và tinh thần vô úy, xả thân vì mọi người như Bà đáng được làm tấm gương soi cho nhiều thế hệ phụ nữ đời sau, và lại cũng gần gũi với tinh thần vô úy (không sợ hãi); với cái “dũng”, một trong ba yếu tố cơ bản của người theo đạo Phật phải có là Bi, Trí, Dũng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu nếu như đã góp phần mang lại nhiều ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, thì một mặt khác, cũng chính xuất phát từ những điều kiện và các yếu tố ấy lại làm cho dạng thức tín ngưỡng này nhuốm màu sắc mê tín, nặng tính thần quyền, đưa đến một số suy nghĩ có thể sai lệch. 

Các bàn thờ Mẫu, thờ Cô (cô Hồng, cô Hạnh), thờ Chúa (Chúa Hòn) bên trong chính điện đã “góp phần” đưa vào đây nhiều nghi lễ liên quan đến việc cầu cúng, xin xâm, bói quẻ, xin keo. Hình ảnh, tên gọi Phật mẫu, vô hình chung đã đưa lại trong tư duy một số phật tử về một đạo Phật ngưỡng vọng Thượng đế, tin rằng Thượng đế ngự trị, ban phúc giáng họa, có quyền năng chi phối cuộc sống con người[19]. 

Những pho tượng thờ Thần, Thánh, đã làm mờ nhạt đi quan niệm và vai trò tự lực của con người. Tha lực của Phật, Bồ tát chỉ góp phần hỗ trợ, vì Phật Thích Ca đã chẳng từng khuyên nhủ các đệ tử của mình: “ Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

Các hình thức cúng tế như múa bóng, lên đồng, đâu phải lúc nào tự nó cũng đủ sức thuyết phục về một sự tích hợp các giá trị văn hóa - nghệ thuật. Từ các công trình nghiên cứu về hát văn, múa bóng, về đạo Mẫu Việt Nam[20] quả đã mang lại một giá trị khoa học, một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần làm rõ, đi đến việc thừa nhận những giá trị văn hóa - nghệ thuật mà trong suốt tiến trình đi về phương Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam đã được tích hợp.

Như vậy, có thể thấy, thờ Mẫu ở Nam bộ không mang tính khuôn mẫu như ở Bắc bộ, không trở thành một đạo Mẫu, vì trong quá trình du nhập và phát triển ở Nam bộ, do giao lưu văn hóa với nhiều vùng miền khác nhau, thờ Mẫu ở Nam bộ đã mang tính thoáng, mở, đã tích hợp nhiều loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu khác nhau. 

Từ nữ thần, một số Bà đã được nâng lên vị trí mới, phổ biến với tên gọi Thánh mẫu, có liên quan đến Đất, Nước, Trời. Trong thờ Mẫu ở Nam bộ vẫn còn đọng lại những hình thức thờ tự của đạo Mẫu Bắc bộ. Thờ Mẫu ở Nam bộ vừa mang tính chung nhất vừa thể hiện nét đặc thù. Vì vậy, có thể nói rằng, thờ Mẫu ở Nam bộ đã góp phần minh chứng cho quy luật thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Hồng Liên - Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ

Báo cáo tại Hội thảo khoa học: “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập” do Đề tài KX. 03.14/06-10 (Chương trình KX.03/06-10) và khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) tổ chức ngày 17/09/2009 tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Tài liệu tham khảo:
-
1. Đặng Việt Bích 2005. Thờ mẫu - Tín ngưỡng truyền thống bản địa Việt Nam. T/c Dân tộc học số 1/2005.
2. Keith Stevens 1997. Chinese Gods. Collins & Brown.
3. Liêu Địch Sinh 1996. Hương Cảng Thiên Hậu sùng bái. Tam Liên thư điếm. Hương Cảng. Bản chữ Hán.
4. Nguyễn Đức Lữ (chủ biên) 2005. Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb Tôn giáo.
5. Ngô Đức Thịnh 2009 đạo Mẫu Việt Nam. Tập I. Nxb Tôn giáo. Hà Nội
6. Tạ Chí Đại Trường 2006. Thần, người và đất Việt. Hà Nội: Nxb Văn hoá Thông tin.
7. Trần Đại Vinh. Tín ngưỡng dân gian Huế 1995: Nxb Thuận hoá

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...