Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Thủy Tổ Đại Hùng Kinh Dương Vương

Kinh Dương Vương

   

 Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. 

Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. 

    Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân (Xét: Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi). 

Thuật ngữ: 
    Thần Nông: theo truyền thuyết Trung Quốc, là một trong 5 vị đế thời thượng cổ, dạy dân biết cày bừa trồng trọt, cũng gọi là Viêm Đế. 

    Nhâm Tuất năm thứ 1: Theo Mục lục kỷ niên của Đại Việt Sử Ký và câu kết của Kỷ Hồng Bàng thị (NK1, 5b) thì từ năm Nhâm Tuất đến năm Quý Mão (258 TCN) cộng 2622 năm. Vậy năm Nhâm Tuất là năm 2879 TCN. Đó chỉ là một niên đại suy đoán trên cơ sở – như trong Phàm lệ đã nói rõ – muốn đặt Kinh Dương Vương ngang với Đế Nghi. 

    Ngũ Lĩnh: có nhiều thuyết khác nhau, đại khái chỉ 5 ngọn ở biên giới phía nam của Trung Quốc. Theo Quảng Châu ký, đó là các núi: Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương, Yết Dương. 

    Nguyên văn: “Thú Động Đình Quân nữ, viết Thần Long”. Theo câu này thì phải hiểu Thần Long là tên người con gái của Động Đình Quân. Nhưng ở đoạn dưới (tờ 2b), soạn giả lại viết: “Kinh Dương Vương lấy con gái của Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân”. Như vậy tên của Động Đình Quân là Thần Long. Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư, 

Huyền Tích Lạc Long Quân

Lạc Long Quân


Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. 

Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. 

Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua. 

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. 

Kinh Dịch nói: “Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh”. Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế. 

Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, 

Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng? 

Thời Kỳ Hồng Bàng

Lịch sử Việt Nam thời kỳ Hồng Bàng, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 [258 TCN] là năm Quý Mão thì hết, tất cả 2.622 năm [2879 – 258 TCN]. 

Viết về Họ Hồng Bàng, quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim có chép: “Cứ theo tục truyền thì Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục.” 

Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. 

Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. 

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Công nguyên?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ”Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.”

Sau đó vẫn theo ‘truyền thuyết’ Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Hùng Vương cai trị nước Văn Lang theo lối cha truyền con nối đến 18 đời, thì bị Thục Phán, từ biên cương phía Bắc, đánh bại. Thục Phán lên ngôi, xưng là An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Đó là năm 258 trước Công Nguyên (TCN).



Giá trị tinh thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ

Là nước nông nghiệp, Việt Nam trong quá trình phát triển đã thể hiện dấu ấn ấy trong đời sống tinh thần, đặc biệt là qua các hình thức tín ngưỡng nữ thần phong phú, đa dạng. Nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu trường hợp đã thực hiện việc phân loại tín ngưỡng[1] theo giới tính và lứa tuổi. 

Một nhận định xác đáng, sâu sắc đã cho rằng: “Việc đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tự nhiên dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực tư duy là lối tư duy tổng hợp; và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tín ngưỡng đa thần.

Tính chất âm tính của văn hóa nông nghiệp dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực quan hệ xã hội là lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tình trạng lan tràn các nữ thần. Và vì cái đích mà người Việt Nam hướng tới là sự phồn thực, cho nên nữ thần của ta không phải là các cô gái trẻ đẹp, mà là các bà Mẹ, các Mẫu”[2]. 

Tuy vậy, tùy từng địa vực cư trú, từng vùng miền khác nhau đã đưa đến sự khác biệt khá rõ nét trong tư duy, thể hiện qua các hình thức thờ nữ thần ở 3 miền có nét đặc thù. Sự khác biệt ấy thể hiện qua các hình thức thờ tự những nữ thần nào? Từ việc thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Nam bộ có gì khác biệt so với ở miền Bắc và Trung bộ ?

Trong phạm vi một bài tham luận, bài viết chỉ giới hạn trong việc nêu lên các hình thức từ thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Nam bộ trong sự so sánh với ở Bắc và Trung bộ, từ đó góp phần nhận diện những giá trị tinh thần trong tín ngưỡng dân gian Nam bộ, nêu lên đặc trưng tín ngưỡng mang yếu tố văn hóa vùng Nam bộ; đồng thời cũng góp phần nhận diện quy luật thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

1. Từ việc thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Nam bộ

Nam bộ là vùng đất mới, trong quá trình khai hoang mở đất của cư dân cũng là quá trình cư dân mang theo hành trang tinh thần của mình từ nhiều vùng, miền khác nhau khi đến tụ cư tại Nam bộ. Tín ngưỡng ở Nam bộ vì vậy càng phong phú, đa dạng. Mặt khác, tín ngưỡng ở Nam bộ còn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng cư dân sống cộng cư và cận cư. 

Vì vậy, có thể thấy các thành tố có trong tín ngưỡng từng tộc người cư trú ở Nam bộ như Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đều có một ảnh hưởng nhất định trong việc định hình thể loại, diện mạo của các tín ngưỡng thờ nữ thần cũng như thờ Mẫu ở Nam bộ.

Khó có thể thống kê hết số cơ sở thờ tự thuộc tín ngưỡng dân gian ở Nam bộ. Ngoài những đình, miếu, đền, điện được phân bố đều khắp có đặt thờ nữ thần, thần nữ còn được đặt thờ phối tự bên trong nhiều ngôi chùa Phật giáo. Không gian tín ngưỡng nữ thần vì vậy khá rộng rãi và mang tính phức hợp.

1.1. Thờ nữ thần

Có thể nêu một số nữ thần được thờ tự phổ biến ở Nam bộ, theo lịch đại cũng như đồng đại. Các nữ thần mang tính cổ xưa, nay ít được nhắc đến, hoặc chỉ còn một số nơi thờ tự như bà Cố Hỷ, bà La Sát, Hà Bá. Các nữ thần mang tính siêu nhiên, thể hiện các yếu tố có trong thiên nhiên như năm bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), được đặt thờ chung trong cùng một trang thờ, hoặc riêng từng vị như miếu thờ bà Thủy Long, bà Hỏa. Ngoài năm bà Ngũ Hành được thờ tự phổ biến ở cả miền Bắc, Trung, tại Nam bộ còn có hình thức tín ngưỡng thờ Bảy Bà. 

Đây là dạng tín ngưỡng đặc biệt ở Nam bộ, cho thấy tư duy tổng hợp. Huỳnh Tịnh Paulus Của đã cho rằng: “đó là dạng kết hợp bà Chúa Tiên, bà Chúa Ngọc, bà Chúa Xứ, bà Chúa Động, bà Cố Hỉ, bà Thủy, bà Hỏa”[3]. Thực ra, Chúa Tiên và Chúa Ngọc chỉ là một, “tên bà Chúa Ngọc có lẽ là từ tên núi Ngọc Trản (chén ngọc) ở Huế (…) bà cũng mang một tên dân gian khác là bà Chúa Tiên, có lẽ là sự ảnh hưởng danh thần Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ ngoài Bắc, vốn gốc là một thiên tiên trên thiên đình”[4]

Thờ nữ thần còn được đặt chung trong tổng thể cặp đôi như ông Bổn - bà Bổn trong tín ngưỡng của người Hoa như ở Phúc Đức cổ miếu (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu); thờ Thái Âm – Thái Dương ở chùa Thuận Thiên (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Bên cạnh các nhiên thần, thì nhân thần vốn là những con người thật, như Hai Bà Trưng, được thờ trong đền, hiện còn ở Tp.HCM; huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; chùa Bửu Lâm (Tiền Giang). Cửu Thiên Huyền Nữ, vừa là vị thần nữ ở cõi Trời (Thiên Phủ) được thờ ở chùa Thiên Phước (Vĩnh Long); chùa Bửu Lâm (Tiền Giang), bà còn là vị nữ thần độ mạng cho phái nữ trong từng gia đình. Mỗi gia đình nông thôn thường đặt trang thờ bà đối xứng với trang thờ ông quan Thánh Đế Quân, vốn được xem là vị độ mạng cho phái nam. 

Tại các miếu của người Hoa như miếu Thiên Hậu – hội quán Quảng Triệu (quận 1, Tp.HCM) cũng có trang thờ bà. Trong miếu Hoa, ta cũng thấy phổ biến đặt thờ Mẹ Thai Sinh, còn gọi Kim Huê nương nương, là vị nữ thần hỗ trợ cho việc sinh nở, chăm sóc cho trẻ con.

Niềm tin vào việc được ban phúc cho “mẹ tròn, con vuông” cũng đưa đến tín ngưỡng Mười Hai Mụ Bà, khá phổ biến ở Tp.HCM như tại chùa Phước Hải (quận 1, Tp.HCM); hay chùa Minh Hương (Tp.Vĩnh Long). Long Mẫu nương nương, thường được đặt phối tự với tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu và Kim Huê nương nương, như trường hợp ở Miếu Thiên Hậu - Tuệ Thành hội quán (quận 5, Tp.HCM).

1.2. Thờ Mẫu

Thờ Mẫu có quan hệ mật thiết với thờ nữ thần. Ngô Đức Thịnh đã từng nhấn mạnh: “Mẫu đều là nữ thần nhưng không phải tất cả nữ thần đều là Mẫu thần, mà chỉ một số nữ thần được tôn vinh là Mẫu thần (..) đạo Mẫu gắn liền với tục thờ Mẫu dân gian, nhưng như thế không có nghĩa mọi Mẫu thần đều thuộc điện thần của đạo Mẫu”[5].

“Mẫu có gốc từ Hán Việt, tiếng Việt là Mẹ. Nghĩa ban đầu, Mẫu hay Mẹ đều để chỉ một người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó, là tiếng xưng hô của con đối với người sinh ra mình. Ngoài ý nghĩa xưng hô thông thường, từ Mẫu và Mẹ còn bao hàm ý nghĩa tôn xưng, tôn vinh, chẳng hạn như Mẹ Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu nghi thiên hạ (..) là các vị thần linh gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên, vũ trụ được người đời gán cho chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người. Đó là trời, đất, sông nước, rừng núi”[6].

Hai ngọn núi cao ở Nam bộ là nơi đặt thờ Linh Sơn Thánh Mẫu (núi Bà Đen) và Chúa Xứ Thánh Mẫu (núi Sam). Chúa Xứ Thánh Mẫu được đặt thờ không chỉ trên sườn núi Sam (phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc), mà còn trong những ngôi miếu riêng biệt tại nhiều vùng miền ở Nam bộ; trong sân chùa; trong điện thờ của Đạo Minh Sư như Nam Nhã Phật Đường (Tp.Cần Thơ)[7]. Ở Quang Nam Phật Đường (Tp.HCM), cũng thuộc đạo Minh Sư, trong chính điện còn đặt thờ Diêu Trì Kim Mẫu và Địa Mẫu tại vị trí trung tâm.

Người dân còn đặt tên cho các cơ sở thờ Bà ở nhiều nơi khác là Miếu Bà Chúa Xứ 2, Miếu Bà Chúa Xứ 3, như trường hợp ở Thủ Thiêm, ở Bình Dương để chỉ “mạng lưới” thờ tự Bà xuống khắp các địa phương, nhưng đồng thời cũng cho thấy tính thống nhất về một mối của ngôi miếu thờ mang tính trung tâm của các miếu khác, là ở núi Sam Châu Đốc. Người dân đến cúng bái đều cho là bà Chúa Xứ 2, 3 là em của chị cả Chúa Xứ ở Châu Đốc!

Cách thờ tự tại miếu bà Chúa Xứ núi Sam đã thể hiện nhiều lớp văn hóa được hình thành trong quá trình giao lưu từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước và đọng lại qua hình thức thờ tự tại đây. Ngô Đức Thịnh đã dày công nghiên cứu và có nhận xét rằng:

“Nhìn vào các lớp văn hóa tạo nên biểu tượng tâm linh bà Chúa Xứ, chúng ta đều thấy thấp thoáng hình bóng bà Mẹ Xứ Sở - Pô Inư Nưgar của người Chăm, Thánh Mẫu Thiên Yana của người Việt, nữ thần Neang Khmau (Bà Đen), tục thờ Neak Tà của người Khơme và xa xưa hơn, nhưng cũng hiển hiện hơn là tất cả các biểu tượng trên đều được quy tụ trong linh tượng Shivalinga và Sakti của Shiva là nữ thần Uma của Bà la môn giáo, mà truyền thuyết bức tượng bà Chúa Xứ An Giang đã mách bảo chúng ta những điều như vậy, cho dù bề ngoài bức tượng đó cũng đã được cải trang dưới hình dáng Thánh mẫu của người Việt”[8]
 
Trong cộng đồng người Hoa cũng thờ phổ biến Thiên Hậu Thánh Mẫu. Mỗi triều đại ở Trung Quốc, Bà đều được vua phong tặng[9]: đời Tống (Tống Cao Trung) phong tước vị đầu tiên là Phu Nhân Linh Huệ kèm theo vinh hiệu là Thiên Ân vào năm 1156. Đời Nguyên, Bà được phong tặng Thiên Phi; đời Thanh Khang Hy 1682 Bà được gia phong Thiên Hậu Thánh mẫu.

Tổng cộng qua các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Bà được phong tặng 28 lần mỹ hiệu, tước hiệu[10]. Ngoài tước hiệu và danh vị chính thức, người Hoa còn tôn xưng Bà bằng nhiều tên gọi khác nhau. Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là Đại Mẫu. Người Quảng Đông gọi là Đức Bà. Ngôi miếu thờ Bà, người Quảng Đông gọi Phò Miếu.

Ở miền Bắc, tín ngưỡng thờ Mẫu với hình thức từ Tam Phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu) đến Tứ Phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu, Mẫu Thượng Ngàn) cho thấy hình thức tín ngưỡng nữ thần đã được phát triển, nâng cao địa vị các nữ thần, đặc biệt là những thần nữ có liên quan đến 4 yếu tố: Trời, Đất, Nước, Rừng, là 4 yếu tố chiếm vị trí quan trọng trong đời sống con người, trong sản xuất cũng như đời sống tâm linh, đã trở thành đạo Mẫu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu theo di dân đi dần vào Trung bộ. Ở đây, tín ngưỡng thờ Mẹ Xứ Sở của người Chăm là Bà Pô Inư Nưgar, còn được người Chăm gọi là Pô Nư Cành, đã được kết hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt, hình thành một dạng thức thờ tự mới, với cơ sở nổi tiếng là Điện Hòn Chén, nơi đặt thờ Bà Thiên Yana Ngọc Diễn Phi. 

Ngô Đức Thịnh đã nhận xét rằng: “vị nữ thần Chăm này là sự kết hợp giữa nữ thần Chăm bản địa và nữ thần Uma, vợ của Shiva. Bà là vị thần cao nhất của Vương quốc Chămpa, được tôn xưng là Mẹ Xứ Sở [11]. Nếu như ý thức tôn vinh Thiên Phủ đã có trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc thì khi vào miền Trung và Nam bộ đã được chuyển hóa. Thời vua Khải Định, tín ngưỡng này được tôn thành Thiên Tiên Thánh mẫu (Bà Mẹ Trời, Tiên, Thánh).

“Ở Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu nơi đây đã phân lập khái niệm thiên phủ ra hai cõi: thượng thiên và trung thiên. Khái niệm Địa phủ lại được chuyển hóa thành khái niệm Thượng ngàn. Trung thiên được hiểu là cõi trời trung gian giữa cõi trời thượng thiên và thế gian”.[12] 

Ngoài cơ sở thờ tự dành cho Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen, còn khá nhiều ngôi chùa, trong sân cũng đặt miếu thờ Bà như chùa Giác Lâm (quận Tân Bình, Tp.HCM); hay trong chùa cũng giành một trang thờ Bà riêng biệt trong chính điện (chùa Phụng Sơn, quận 11, Tp.HCM). Bà Chúa Xứ cũng được thờ tự trong ngôi miếu ở nhiều sân chùa. 

Tại chính điện chùa Tây An (tỉnh An Giang), hai bên Chúa Xứ Thánh mẫu còn có Bà Chúa Tiên, Chúa Ngọc chầu hầu. Hình tượng Địa Mẫu với tư thế đứng trên trái đất, mình khoác áo choàng màu đen, lại được đặt trước cửa vào điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen. Gần cửa vào điện thờ này ta cũng thấy có ngôi miếu nhỏ thờ Neak Tà, một dạng Thổ thần của người Khmer. 

Có thể thấy trong ngôi chùa Bửu Sơn (thị xã Sóc Trăng) của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ngoài các thần linh thể hiện đậm nét mối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa qua việc thờ Thiên Phụ, Địa Mẫu trên bàn lộ thiên đặt giữa sân như hầu hết các miếu của người Hoa, còn có bàn thờ riêng dành cho Phật Mẫu Diêu Trì.

Trên điện thờ của nhóm theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, một đạo giáo do thầy Tây An khai sáng ở Nam bộ, tại Ngọc Liên Hoa tịnh thất ở Tp.Hồ Chí Minh (quận 7, Tp.HCM), cũng đặt tượng Diêu Trì Kim Mẫu trên chính điện, phối tự với Ngọc Hoàng Thượng Đế và Mẫu Mẹ[13].

Trong đạo Cao Đài, vốn là tôn giáo bản địa, xuất hiện ở Nam bộ vào năm 1926, đã thể hiện ý thức thờ tự cặp đôi, đối sánh Âm - Dương, Trời - Đất qua việc đặt thờ vị trí tối cao dành cho Ngọc Hoàng Thượng Đế (Cha Trời) và Diêu Trì Kim Mẫu (Mẹ Đất).

Đạo Cao Đài quan niệm Phật Mẫu được nhân loại tôn xưng bằng nhiều danh hiệu khác nhau, tùy theo tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc và địa phương, bao gồm các danh xưng: Phật Mẫu; Diêu Trì Kim Mẫu; Kim Bàn Phật Mẫu; Cửu Thiên Huyền Nữ; Đại Từ Mẫu; Tây Vương Mẫu; Địa Mẫu; Mẹ Sanh. 

Mỗi một thánh thất của đạo Cao Đài thuộc hệ phái Tây Ninh đều có thêm một điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu và được gọi tên là Điện thờ Phật Mẫu, được xây dựng cách thánh thất khoảng 10 đến 20 mét. Diêu Trì Kim Mẫu cũng được đặt thờ trong miếu, chùa của người Hoa như ở chùa Thiên Ý (quận 6, Tp.HCM).

Tại Huế, “từ người con gái trưởng thành cho đến người phụ nữ 60 tuổi, trước khi ra lão đều thờ Tây Cung Vương Mẫu, hay còn gọi là Đoài Cung Thánh Mẫu, một vị nữ thần hộ mệnh của mình. Nơi thờ là trang Bà, đặt ở vị trí cao của gian tả trong nhà, trông về hướng Tây”[14]

2. Giá trị tinh thần truyền thống trong thờ Mẫu ở Nam bộ

Như vậy, có thể thấy ở Nam bộ, hình tượng thờ Mẫu khá khác biệt so với miền Bắc và miền Trung. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ có kế thừa, tiếp thu và sáng tạo, đã chuyển hóa từ Linga - Yoni sang Ban Cô - Ban Cậu, được thờ phối tự với Chúa Xứ Thánh Mẫu (Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam)

Tín ngưỡng thờ Mẫu Nam bộ thể hiện mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa Việt - Khmer (Miếu ông Tà trong sân miếu bà Chúa Xứ núi Sam, hay trên núi Bà Đen), hay giữa Việt - Hoa (chùa Hải Phước An tự ở Sóc Trăng của người Việt có thờ Thiên Hậu Thánh mẫu) tạo ra một quần thể tín ngưỡng hay một điện thờ đa văn hóa. Ta thấy “có hiện tượng tích hợp nhiều lớp văn hóa - tín ngưỡng khác nhau: lớp văn hóa Phù Nam, lớp văn hóa cổ truyền Khmer, lớp văn hóa Chăm và lớp văn hóa Việt[15].

Một nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng: “Khi những tôn giáo đã không còn đủ sức thu hút và niềm tin cứu đời, thì Thánh mẫu xuất hiện”[16]. Từ đó có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà hai vị Thánh mẫu quan trọng nhất ở Nam bộ được đặt ở vị trí chiến lược, trên hai ngọn núi cao nhất Nam bộ, là vùng tiếp giáp biên giới. 

Chính tâm thức của người dân có nhu cầu, khát vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc đã đưa đến việc đặt để vị trí thờ tự trên. Khát vọng chính đáng ấy nói lên tư duy sáng tạo, xuất phát từ bối cảnh địa - chính trị, địa - lịch sử và địa - văn hóa của Nam bộ.

Tín ngưỡng Mẹ Xứ Sở đã được tôn vinh thành Thánh Mẫu ở miền Trung với Thiên Yana Ngọc Diễn Phi, một lần nữa lại tích hợp vừa là Địa Mẫu (Địa Phủ), vừa là Mẫu Thượng Thiên (Thiên Phủ) của đất Bắc. Chức năng tổng hợp dành cho các Thánh Mẫu ở Nam bộ nói lên nhu cầu cần thiết được bảo vệ, được che chở tại một vùng đất phải đối đầu với quá nhiều cuộc chiến tranh xâm lược trực tiếp, cần thiết phải bảo vệ biên cương lãnh thổ. 

Huyền năng của các bà, các nữ thần đã được tôn vinh thành Thánh Mẫu ở Nam bộ đã nói lên tinh thần yêu nước, khát vọng thanh bình, hạnh phúc hơn nơi nào hết của cư dân vùng đất mới! Đồng thời với những huyền thoại, truyền thuyết do người dân nêu lên đã phản ánh một bức tranh đa dân tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa của Nam bộ.

Nghi thức cúng tế trong các miếu, điện thờ Mẫu cũng giống với nghi cúng đình vào dịp lễ Kỳ Yên ở Nam bộ. Tuy nhiên ở Đình không diễn ra múa bóng rỗi, mà chỉ có ở miếu.

Không gian thờ Mẫu ở Nam bộ khá rộng lớn, không chỉ là một cơ sở thờ tự riêng biệt mang tính cộng đồng là miếu, mà còn phối tự trong miếu, chùa, vườn chùa, hoặc ngay tại chính điện. Tuy vậy, thờ Mẫu ở Nam bộ ít thấy mang tính chất gia đình như hiện tượng thờ Tây Cung Vương Mẫu ở Huế, trừ trường hợp một số gia đình người Hoa tỉnh Sóc Trăng có thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu tại gia đình. Tính cộng đồng vẫn chiếm vị trí chủ đạo, vẫn là niềm tin và sự kỳ vọng chung của cư dân Nam bộ đối với các Thánh Mẫu.

Nơi thờ tự các Mẫu ở Nam bộ có tên gọi khác với ở Bắc và Trung bộ. Nếu ở miền Bắc, thờ Mẫu được đặt trong những phủ, đền, hay những quán của đạo Lão, hay một phần trong các chùa chiền, thì ở Nam bộ, Mẫu thường thấy phổ biến ở các đình làng, trong miếu, vốn là những nơi thờ tự phổ biến tín ngưỡng của cộng đồng cư dân tại đây.

Khảo sát danh xưng các Mẫu ở Nam bộ cho thấy những nữ thần được tôn vinh Mẫu đều được gọi qua danh xưng Thánh mẫu. Điều này khá khác biệt so với tên gọi Mẫu ở phía Bắc (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu). 

Nếu như Mẫu chính là những nữ thần đã được tôn vinh, được đưa lên vị trí tột đỉnh, có liên hệ đến 4 yếu tố Trời, Đất, Nước, Rừng, thì khi vào miền Trung và Nam bộ, các yếu tố ấy vẫn được lưu giữ, nhưng cũng đưa đến hiện tượng đặt nặng yếu tố này hơn yếu tố khác, hoặc sáng tạo thêm một số yếu tố mới, như cõi Trung thiên ở miền Trung, hay kết hợp nữ thần với Thánh mẫu để hình thành một thần điện mới (thờ Bảy Bà). 

Điều này được quy định từ tính chất địa - văn hóa của vùng miền. Khung cảnh thiên nhiên khác biệt, xa dần vùng rừng núi, tiếp cận với đồng bằng Nam bộ, nên Mẫu Thượng Ngàn đã trở nên mờ nhạt. Thiên Phủ đã được chuyển hóa, từ nhiên thần đến nhân thần (Thiên Phủ -> Liễu Hạnh) rồi lại từ nhân thần đến nhiên thần (Liễu Hạnh -> Cửu Thiên Huyền Nữ).

Địa Phủ, Thủy phủ được tôn thờ, được giữ lại qua các lớp văn hóa mới bao phủ, được gọi theo một danh xưng mới, nhưng về chất thì vẫn không thay đổi. Vì vậy, ta vẫn thấy về Địa Phủ còn lại tên gọi Địa Mẫu, nhưng đã hình thành những “Mẫu mới”, được thánh hóa thành Chúa Xứ Thánh Mẫu, thành Linh Sơn Thánh Mẫu, cai quản một vùng đất rộng lớn, là hình tượng của Mẹ Xứ Sở, một Pô Inư Nưgar ở góc trời Nam.

Những truyền thuyết khác nhau về hai vị Thánh mẫu này chính là những cốt lõi, định hình cho cuộc thánh hóa này, để đưa những vị Mẫu này, tuy ở vị trí tối cao nhưng có thể gần gũi hơn với con người, bởi vì họ cũng là người, được nhân dân gắn vào truyền thuyết nên có họ, có tên (Lý Thị Thiên Hương, Nàng Đênh,...)

Từ đó có thể thấy, thờ Mẫu ở Nam bộ đã bộc lộ được một giá trị tinh thần phong phú của cư dân vùng đất mới. Ý thức lưu giữ, nhớ lại cội nguồn qua việc thờ Tam Phủ, Tứ Phủ vẫn đang còn tiếp tục hoạt động tại Tp.HCM qua đền Sòng Sơn Thánh Mẫu (quận 3), đền Mẫu Tuyên, đền Mẫu Thiên Hoàng, đền thờ Hai Bà Trưng và Thánh Mẫu Phủ Giầy; dù rằng về kiến trúc, bày trí tượng thờ đã có một ít khác biệt. 

Tiếp tục tôn thờ triết lý âm dương, ngũ hành nhưng có sáng tạo, tích hợp những yếu tố mới do quá trình giao lưu văn hóa ở miền Trung (chúa Tiên, chúa Ngọc) để hình thành tín ngưỡng Bảy Bà ở Nam bộ. Đó là kết quả của tư duy tổng hợp giữa các nữ thần (bà Chúa Động, bà Cố Hỉ, bà Thủy, bà Hỏa và Thánh mẫu (Chúa Tiên, Chúa Ngọc, bà Chúa Xứ).

Cũng dễ dàng nhận thấy yếu tố sông nước được đặt lên vị trí tối cao của Mẫu Thoải, vì Nam bộ là vùng sông nước. Nhưng vào miền Nam, do quá trình cộng cư với người Hoa, nên tín ngưỡng Thiên Hậu Thánh Mẫu, vốn có nguồn gốc từ vị nữ thần của biển cả, bảo vệ người đi lại trên sông nước, đã được người Hoa tín ngưỡng phổ biến rộng rãi, đã chiếm đa số, có mặt hầu hết các vùng miền. 

Ở đồng bằng sông Cửu Long, khá nhiều ngôi miếu thờ Bà đã được xây dựng cách nay hơn một trăm năm. Người Hoa ở Cà Mau, Bạc Liêu còn gọi Bà là Bà Mã Châu, phiên âm của tên gọi Mazou, có từ Trung Quốc[17]. Tại Thiên Hậu Thánh miếu (xã Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc, An Giang) có cặp đối treo trước cửa vào miếu, ca ngợi Bà, với 4 chữ đầu của hai cặp này, đọc theo hàng dọc thành Thiên Hậu Thánh Mẫu:

Thiên đức cao minh bảo hộ thôn hương hỷ lạc
Hậu cung phổ chiếu phù trì xã ngọc vĩnh khang
Thánh tích uy linh lê dân lạc nghiệp
Mẫu nghi chiếu diệu bổn hội an hòa.

Miếu thờ Bà tại quận 3, Tp.HCM còn xác nhận sự tôn vinh này qua bảng ghi trước cổng 5 chữ Hán “Thiên Hậu Thánh mẫu miếu”.

Trong nhiều gia đình người Hoa ở Nam Bộ, đặc biệt là ở huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, Bà còn được thờ tự ở gian trước, với bài vị màu đỏ, trang trọng ghi 4 chữ Hán nhũ vàng: “Thiên Hậu Thánh mẫu”.

Quá trình người Hoa sống cộng cư với người Việt và người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã đưa đến hiện tượng giao lưu văn hóa thú vị: trong ngôi chùa của người Việt cũng đặt tượng thờ Bà (Hải Phước An Tự, ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).

Cũng lưu ý rằng, tên gọi Thánh mẫu là danh xưng gia phong cho bà Lâm Mặc, thời nhà Thanh (Khang Hy) 1682, còn các đời trước, chưa phong tặng Thánh mẫu[18]. Phải chăng do ảnh hưởng gia phong danh xưng Thiên Hậu Thánh Mẫu dưới thời Thanh mà từ thế kỷ 17 về sau, ở Nam bộ, các Mẫu được gọi phổ biến là Thánh mẫu?

Ảnh hưởng giao lưu văn hóa qua danh xưng từ đời nhà Thanh có điều kiện du nhập và lưu giữ ở Trung và Nam bộ rõ nét hơn Bắc bộ, nhất là từ sau sự kiện phân chia đàng Trong và đàng Ngoài, di dân và tín ngưỡng - tôn giáo từ Trung Quốc đã có điều kiện đi thẳng vào Trung và Nam bộ.

Trong đạo Cao Đài, một tôn giáo mang yếu tố dân tộc khá rõ nét, đã nêu chủ trương nổi bật trong giáo lý mang tính tổng hợp của đạo là “Quy nguyên tam giáo, ngũ chi phục nhất”. Phương châm hành đạo ấy cho thấy một nhân sinh quan, một nếp sống đạo vừa mang tính tổng hợp, vừa thể hiện quá trình tâm linh trong việc tu chứng. 

Theo đạo Cao Đài, quá trình tiến tu ấy phải tiến lên 5 bậc, đi từ Nhân đạo đến Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Khi hình tượng, thiêng hóa các Mẫu, đưa lên vị trí tôn vinh các Mẫu ở Nam bộ, ta thấy có danh xưng Thánh mẫu (Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Thiên Hậu Thánh Mẫu), còn vị trí tối thượng, cao nhất trong 5 bậc, được nâng lên hàng Phật, tương xứng với Phật Mẫu dành cho Diêu Trì Kim Mẫu, vì trong đạo Cao Đài chủ trương “tam giáo quy nguyên” trong đó có Phật giáo. 

Như vậy, ngoài danh xưng Thánh mẫu phổ biến cho các mẫu, thì cũng thấy có Phật Mẫu. Do đó, từ tín ngưỡng nữ thần, qua quá trình dung hợp văn hóa, từ địa bàn chuyển cư miền Bắc vào Nam, Nam bộ là vùng đất cuối cùng của tổ quốc, đã tích hợp, dung chứa trong nó bức tranh khá toàn cảnh về quá trình phát triển tâm thức về Mẫu, đã thể hiện 5 bậc thang tiến hóa, hướng thượng, giành cho một số nữ thần ở Nam bộ, có liên quan đến các yếu tố Trời, Đất, Nước được tôn vinh, được đưa lên vị trí cao hơn nữ thần, để trở thành Thánh Mẫu, Phật Mẫu.

Từ yếu tố này đã bộc lộ trong tín ngưỡng thờ Mẫu một tư duy hướng thượng và hướng thiện. Tâm thức phiếm thần của cư dân Việt dung chứa trong nó tư duy hướng thiện sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà Lý Thị Thiên Hương (hay nàng Đênh) lại được ngưỡng vọng và tôn kính đến nhường ấy. 

Huyền thoại về cái chết của cô gái trung trinh Lý Thị Thiên Hương, mượn cái chết để bảo toàn phẩm giá, là bài học lớn về việc giáo dục nhân cách cho người phụ nữ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Bà Thiên Hậu lại được du nhập vào điện thờ Phật giáo, được đặt thờ phổ biến trong chùa Việt, trong miếu của người Hoa. 

Lòng hiếu thuận và tinh thần vô úy, xả thân vì mọi người như Bà đáng được làm tấm gương soi cho nhiều thế hệ phụ nữ đời sau, và lại cũng gần gũi với tinh thần vô úy (không sợ hãi); với cái “dũng”, một trong ba yếu tố cơ bản của người theo đạo Phật phải có là Bi, Trí, Dũng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu nếu như đã góp phần mang lại nhiều ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, thì một mặt khác, cũng chính xuất phát từ những điều kiện và các yếu tố ấy lại làm cho dạng thức tín ngưỡng này nhuốm màu sắc mê tín, nặng tính thần quyền, đưa đến một số suy nghĩ có thể sai lệch. 

Các bàn thờ Mẫu, thờ Cô (cô Hồng, cô Hạnh), thờ Chúa (Chúa Hòn) bên trong chính điện đã “góp phần” đưa vào đây nhiều nghi lễ liên quan đến việc cầu cúng, xin xâm, bói quẻ, xin keo. Hình ảnh, tên gọi Phật mẫu, vô hình chung đã đưa lại trong tư duy một số phật tử về một đạo Phật ngưỡng vọng Thượng đế, tin rằng Thượng đế ngự trị, ban phúc giáng họa, có quyền năng chi phối cuộc sống con người[19]. 

Những pho tượng thờ Thần, Thánh, đã làm mờ nhạt đi quan niệm và vai trò tự lực của con người. Tha lực của Phật, Bồ tát chỉ góp phần hỗ trợ, vì Phật Thích Ca đã chẳng từng khuyên nhủ các đệ tử của mình: “ Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

Các hình thức cúng tế như múa bóng, lên đồng, đâu phải lúc nào tự nó cũng đủ sức thuyết phục về một sự tích hợp các giá trị văn hóa - nghệ thuật. Từ các công trình nghiên cứu về hát văn, múa bóng, về đạo Mẫu Việt Nam[20] quả đã mang lại một giá trị khoa học, một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần làm rõ, đi đến việc thừa nhận những giá trị văn hóa - nghệ thuật mà trong suốt tiến trình đi về phương Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam đã được tích hợp.

Như vậy, có thể thấy, thờ Mẫu ở Nam bộ không mang tính khuôn mẫu như ở Bắc bộ, không trở thành một đạo Mẫu, vì trong quá trình du nhập và phát triển ở Nam bộ, do giao lưu văn hóa với nhiều vùng miền khác nhau, thờ Mẫu ở Nam bộ đã mang tính thoáng, mở, đã tích hợp nhiều loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu khác nhau. 

Từ nữ thần, một số Bà đã được nâng lên vị trí mới, phổ biến với tên gọi Thánh mẫu, có liên quan đến Đất, Nước, Trời. Trong thờ Mẫu ở Nam bộ vẫn còn đọng lại những hình thức thờ tự của đạo Mẫu Bắc bộ. Thờ Mẫu ở Nam bộ vừa mang tính chung nhất vừa thể hiện nét đặc thù. Vì vậy, có thể nói rằng, thờ Mẫu ở Nam bộ đã góp phần minh chứng cho quy luật thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Hồng Liên - Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ

Báo cáo tại Hội thảo khoa học: “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập” do Đề tài KX. 03.14/06-10 (Chương trình KX.03/06-10) và khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) tổ chức ngày 17/09/2009 tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Tài liệu tham khảo:
-
1. Đặng Việt Bích 2005. Thờ mẫu - Tín ngưỡng truyền thống bản địa Việt Nam. T/c Dân tộc học số 1/2005.
2. Keith Stevens 1997. Chinese Gods. Collins & Brown.
3. Liêu Địch Sinh 1996. Hương Cảng Thiên Hậu sùng bái. Tam Liên thư điếm. Hương Cảng. Bản chữ Hán.
4. Nguyễn Đức Lữ (chủ biên) 2005. Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb Tôn giáo.
5. Ngô Đức Thịnh 2009 đạo Mẫu Việt Nam. Tập I. Nxb Tôn giáo. Hà Nội
6. Tạ Chí Đại Trường 2006. Thần, người và đất Việt. Hà Nội: Nxb Văn hoá Thông tin.
7. Trần Đại Vinh. Tín ngưỡng dân gian Huế 1995: Nxb Thuận hoá

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM Ở VÙNG CHÂU ĐỐC AN GIANG

Châu Đốc, An Giang trước đây có tên là “vùng Thất Sơn”. Đây là địa danh ẩn chứa nhiều điều kỳ bí. Nhắc đến Châu Đốc thì không thể không nhắc đến chùa Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng khắp cả nước. Án ngữ ngay cửa ngõ vào vùng Thất Sơn, từ nhiều năm qua, miếu bà chúa Xứ Núi Sam luôn giữ kỷ lục về lượng khách tham quan chiêm bái với hơn 4 triệu lượt người mỗi năm. Người ta đến viếng Bà với lòng tôn kính, sùng bái trước bao truyền thuyết về tượng Bà Chúa Xứ. 

1. Nguồn gốc tượng bà Chúa Xứ chứa nhiều giai thoại

Theo truyền thuyết, tượng phật bà Chúa Xứ là một pho tượng cổ rất thiêng nằm trên đỉnh núi Sam từ rất lâu. Lịch sử về nguồn gốc pho tượng bà Chúa Xứ có nhiều giả thuyết chứa đựng nhiều điều bí ẩn còn lưu truyền đến ngày nay.

Giả thuyết 1: Vào năm 1941, nhà khảo cổ người Pháp đã đến miếu bà chúa Xứ Núi Sam khảo sát rất tỉ mỉ và kết luận tượng bà thuộc loại tượng thần Vishnu, nguồn gốc từ Ấn Độ. Tượng bà chúa làm bằng chất liệu đá Sa Thạch có giá trị nghệ thuật cao, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6.

Giả thuyết 2: Trong chương trình khảo cổ học nét xưa, cố nhà văn Sơn Nam lại đưa ra khẳng định, tượng Bà là pho tượng phật đàn ông của người Khơ Me bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Sau này, người Việt đưa tượng vào miếu điểm tô lại với nước sơn mới trở thành tượng phật đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền.


Nguồn gốc tượng bà Chúa Xứ với nhiều giả thuyết kỳ bí

Ông Trần văn Dũng tác giả của công trình khoa học “Khai phá vùng đất Châu Đốc” cũng khẳng định, tượng bà Chúa Xứ thật ra là tượng nam ngồi ở tư thế vương giả, phần đầu của tượng hiện thờ tại miếu không phải là nguyên gốc được chế tác sau làm bằng chất liệu khác với phần thân tượng.

2. Ly kỳ việc di chuyển tượng Bà xuống núi

Miếu Bà Chúa Xứ hiện tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang nhưng tượng bà Chúa Xứ trước đây nằm trên đỉnh núi. Sau này, người dân mới cung thỉnh bà xuống chân núi tiện việc nhang khói, chăm sóc tượng bà. Việc di chuyển tượng bà xuống núi cũng có những câu chuyện ly kỳ không thể lý giải được.

Trước đây, khi chưa được xây miếu thì người Việt mình lên núi vô tình nhìn thấy pho tượng bỏ quên từ lâu. Người dân ta không biết đó là vị thần, vị thánh hay tín ngưỡng nào hết chỉ là theo phong tục có thờ có thiêng nên đã đặt lư hương để nhang khói tín ngưỡng tâm linh. Nhưng điều đặc biệt là bà chúa Xứ lúc đó rất linh hiển, khiến cho người dân đặc biệt tin tưởng, sùng bái bà.


Lễ rước tượng bà Chúa Xứ mô phỏng trong lễ hội Vía bà

Với mong muốn được thờ cúng Bà được thuận tiện và trang nghiêm hơn, các bậc cao niên trong làng thời đó đã hội họp bàn bạc đưa tượng Bà xuống núi dựng miếu thờ Bà. Chín thanh niên trai tráng, lực lưỡng được giao nhiệm vụ khiêng tượng bà xuống núi. Nhưng kỳ lạ là dù làm thế nào thì tượng bà cũng không hề nhúc nhíc. Đúng lúc đó, có một cô gái được Bà nhập xác báo mộng phải cử chín cô gái đồng trinh, tắm gội sạch sẽ lên làm lễ rước Bà xuống. Điều kỳ tích xảy ra sau khi làm theo thì chín cô gái đã khiêng tượng Bà xuống một cách nhẹ nhàng.

Khi rước tượng Bà đến chỗ lập miếu thờ bà bây giờ, bỗng nhiên tượng Bà nặng trĩu không thể đi tiếp được nữa. Các bậc trưởng lão mới khẳng định rằng, bà đã chọn nơi này nên đã đặt tượng bà xuống tựa lưng vào vách núi, nhìn ra ngoài cánh đồng, nơi dân làng sinh sống để lập miếu.

2. Ly kỳ việc di chuyển tượng Bà xuống núi

Miếu Bà Chúa Xứ hiện tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang nhưng tượng bà Chúa Xứ trước đây nằm trên đỉnh núi. Sau này, người dân mới cung thỉnh bà xuống chân núi tiện việc nhang khói, chăm sóc tượng bà. Việc di chuyển tượng bà xuống núi cũng có những câu chuyện ly kỳ không thể lý giải được.

Trước đây, khi chưa được xây miếu thì người Việt mình lên núi vô tình nhìn thấy pho tượng bỏ quên từ lâu. Người dân ta không biết đó là vị thần, vị thánh hay tín ngưỡng nào hết chỉ là theo phong tục có thờ có thiêng nên đã đặt lư hương để nhang khói tín ngưỡng tâm linh. Nhưng điều đặc biệt là bà chúa Xứ lúc đó rất linh hiển, khiến cho người dân đặc biệt tin tưởng, sùng bái bà.


Lễ rước tượng bà Chúa Xứ mô phỏng trong lễ hội Vía bà

Với mong muốn được thờ cúng Bà được thuận tiện và trang nghiêm hơn, các bậc cao niên trong làng thời đó đã hội họp bàn bạc đưa tượng Bà xuống núi dựng miếu thờ Bà. Chín thanh niên trai tráng, lực lưỡng được giao nhiệm vụ khiêng tượng bà xuống núi. Nhưng kỳ lạ là dù làm thế nào thì tượng bà cũng không hề nhúc nhíc. Đúng lúc đó, có một cô gái được Bà nhập xác báo mộng phải cử chín cô gái đồng trinh, tắm gội sạch sẽ lên làm lễ rước Bà xuống. Điều kỳ tích xảy ra sau khi làm theo thì chín cô gái đã khiêng tượng Bà xuống một cách nhẹ nhàng.

Khi rước tượng Bà đến chỗ lập miếu thờ bà bây giờ, bỗng nhiên tượng Bà nặng trĩu không thể đi tiếp được nữa. Các bậc trưởng lão mới khẳng định rằng, bà đã chọn nơi này nên đã đặt tượng bà xuống tựa lưng vào vách núi, nhìn ra ngoài cánh đồng, nơi dân làng sinh sống để lập miếu.

3. Bà Chúa Xứ hiển linh bảo vệ dân làng, chống giặc ngoại xâm

Thời bấy giờ, người Việt sinh sống tại vùng đất này hay bị người Xiêm (Thái Lan) tràn sang cướp bóc, xâm chiếm. Khi đã phát hiện ra tượng Bà trên đỉnh núi và đặt lư hương cúng bái tâm linh, người dân thường chạy trốn lên núi vì đặt niềm tin vào bà chúa Xứ. Và quả thật, mỗi lần lên thắp hương cầu khấn xin bà bảo vệ thì đều được an toàn. Vì vậy, người dân ở đây ngày càng đặt niềm tin mãnh liệt vào bà chúa Xứ.


Tượng bà Chúa Xứ trong miếu trang nghiêm ngày nay

Có một giai thoại kể lại rằng, có khoảng mấy chục tên giặc Xiêm rượt đuổi người dân theo lên núi thấy pho tượng của bà to, đẹp, bọn chúng muốn mang tượng bà về nước. Khi họ dùng dây thừng và cây đòn xỏ qua pho tượng để khiêng về, dù là mấy chục binh lính tráng sĩ khiêng nhưng chỉ đi được vài bước thì pho tượng nặng trịch, không thể đi được nữa. Tên tướng cầm đầu tức giận quá lấy binh khí ra đập bể một cánh tay của bà. Và lập tức, bà trừng phạt tên này chết ngay tại chỗ, những tên còn lại hoảng loạn bỏ chạy. Từ đó quân Xiêm kính sợ, không dám sách nhiễu dân làng ở vùng đó nữa. Dân làng cũng từ đấy tôn kính gọi Bà là Bà Chúa Xứ. Bởi vậy mà ngày nay, chính điện của miếu Bà chúng ta sẽ thấy câu đối:

“Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị

Xiêm khả kinh, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lượng”

Có nghĩa là: Cầu bà tất được, ban thì tất linh, báo điềm trong mộng

Người Xiêm khiếp sợ, người Thanh kính nể, không thể tưởng tượng được.


4. Ly kỳ những câu chuyện linh ứng của bà Chúa xứ

Đầu thế kỷ 19, ông Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) tên thật là Nguyễn Văn Thoại, người Quảng Nam thừa lệnh vua Gia Long đã vào trấn thủ vùng Tây Nam Bộ. Ông đã tham mưu và được triều đình giao cho việc đào kênh Vĩnh Tế. Con kênh này dài 100km, rộng 50m nối Châu Đốc với Hà Tiên. Đây là công trình vĩ đại nhằm thoát lũ, xả phèn cho đồng bằng sông Cửu Long và rút ngắn con đường giao thương, đường thủy phía Tây vùng đồng bằng.

Mặc dù 8 vạn nhân công được huy động, song khi bắt đầu vào cuộc thì liên tiếp gặp trục trặc, nhiều người chết vì tai nạn, bệnh tật, thú dữ tấn công. Trước khó khăn đó, bà Châu Thị Tế vợ ông Thoại đã nghe lời dân làng lên núi Sam khấn vái pho tượng thiêng. Quả nhiên sau khi hành lễ, việc xây dựng công trình diễn ra suôn sẻ, làm đâu được đó. Từ đó, ông đặt niềm tin tuyệt đối vào bà chúa Xứ, quyết định trùng tu, xây dựng miếu bà chúa Xứ trang nghiêm và nguy nga, để nhân dân thờ cúng bà được chu đáo và thành tâm hơn.


Bệ đá Sa Thạch trên đỉnh Núi Sam – nơi ngự của tượng bà ngày xưa

Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện kể về sự linh thiêng của bà Chúa Xứ trong việc ban phước lành cho nhân dân, trừng trị kẻ ác cũng được người dân Châu Đốc truyền tai nhau từ đời này qua đời khác. Các câu chuyện linh ứng không chỉ là truyền thuyết mà ngày nay, người dân đi chùa bà Chúa Xứ kêu cầu cũng được bà giúp đỡ. Điều đó đã chứng minh cho sức mạnh tâm linh của người dân nơi đây và du khách thập phương khi đến với chùa bà Chúa Xứ.

Các câu chuyện xoay quanh pho tượng bà Chúa Xứ nổi tiếng khắp cả nước, thu hút cả triệu người đến chiêm bái mỗi năm. Quả thực, còn nhiều bí ẩn, ly kỳ sự tích về bà Chúa Xứ. Dù pho tượng là đàn ông hay đàn bà và nguồn gốc đến từ đâu đi chăng nữa thì trong tâm thức người dân miền tây Nam Bộ, bà Chúa xứ là điểm tựa tâm linh cho rất nhiều người. Những giai thoại về bà Chúa Xứ vẫn tiếp tục lưu truyền cho thế hệ mai sau về một nét đẹp văn hóa của dân tộc.


Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở NAM BỘ

 

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẦN ĐƯỢC PHÁT HUY


Trong suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta, nền văn hóa Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ, phát huy cao độ giá trị tinh thần và sức sống mãnh liệt. Trong đó, tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành mạch nguồn không thể thiếu trong tổng thể nền văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa ở Nam bộ nói riêng.

Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, Mẫu vừa là người mẹ có công lao vô cùng to lớn đối với sự hoài thai một hình hài, nhân cách con người; vừa là khát vọng, mong muốn về cuộc sống ấm no hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, thoát khỏi thiên tai... Tín ngưỡng thờ Mẫu không ngoài mục đích là bày tỏ lòng biết ơn đối với thần linh mà còn cầu mong các vị thần chở che, bảo vệ con người.

Nam bộ là vùng đất mới nên trong quá trình khai hoang mở đất cũng là quá trình cư dân mang theo hành trang tinh thần của mình từ nhiều vùng, miền khác nhau khi đến sinh sống tại Nam Bộ. Tín ngưỡng ở Nam Bộ vì vậy càng trở nên phong phú, đa dạng hơn. Mặt khác, tín ngưỡng ở Nam Bộ còn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng cư dân. Vì vậy, có thể thấy các thành tố có trong tín ngưỡng từng tộc người cư trú ở Nam Bộ như: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đều có một ảnh hưởng nhất định trong việc định hình thể loại, diện mạo của các tín ngưỡng thờ Nữ thần cũng như thờ Mẫu ở Nam bộ.

    Có hai dạng nữ thần, đó là nhiên thần và nhân thần. Các nữ thần mang tính siêu nhiên, thể hiện các yếu tố trong tính thiên nhiên như: thần mặt trăng, thần mặt trời, thần Đậu, thần Dâu, Năm bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)... Bên cạnh các nhiên thần, thì nhân thần vốn là những con người thật như các vị tướng khởi nghĩa ( Hai Bà Trưng), những người phụ nữ có công giúp dân dựng làng, lập ấp, lập chợ hay truyền thụ kiến thức, dạy nghề...

    Ở Nam bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu có ít nhiều thay đổi so với tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc. Tục thờ Mẫu Liễu ở miền Bắc khi vào đến miền Nam dần biến đổi thành tục thờ các vị nữ thần gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân miền Nam như: bà Đen, bà Chúa Xứ, bà Ngũ Hành... Nếu như ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định thì ở Nam Bộ ít có sự phân biệt hơn. Có thể thấy, thờ mẫu ở Nam bộ, không mang tính khuôn mẫu như ở Bắc Bộ, mang tính thông thoáng cởi mở, đã tích hợp nhiều loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu khác nhau. Từ nữ thần một số bà đã nâng lên, phổ biến với tên gọi Thánh Mẫu, có liên quan đến các yếu tố đất, nước, trời.

    Người Kinh chúng ta lấy việc thờ cúng tổ tiên làm trọng và thờ cúng tổ tiên ba đời. Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, người Kinh còn thờ bà Đen, bà Chúa Xứ, bà Ngũ Hành, bà Chúa Ngọc, các vị Thánh Mẫu... Và do có sự giao lưu văn hóa cộng đồng nên các vị nữ thần hầu như được thờ phụng. Nếu như người Chăm thờ Bà Po Inư Nưgar thì sang đến người Kinh đã trở thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu với nhân dạng thân thế và thần tích phù hợp trong tâm thức người dân Việt.
Khi người Kinh vào khai phá vùng đất Nam bộ, tín ngưỡng thờ mẫu có nguồn cội từ quê cha đất tổ được các lưu dân mang vào Nam bộ vẫn tiếp tục một dòng chảy sâu rộng. Hầu khắp các tỉnh Nam bộ, nơi nào cũng có điện thờ Mẫu hoặc gian thờ Mẫu. Rất nhiều nguồn tài liệu cho biết việc thờ Mẫu ở Nam bộ có mặt ở khắp mọi nơi. Nhưng nổi bật trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Nam bộ là hiện tượng tôn thờ bà Chúa Xứ. Đặc biệt, thờ bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc là trung tâm của tín ngưỡng này. Hằng năm, nơi đây thu hút khách từ khắp mọi nơi đến đây cúng Bà, xin Bà ban lộc, cầu cho được nhiều may mắn, bình an. Truyền thuyết về Bà được kể như sau: “...
    Ngày nọ, một số người vào núi đốn củi, tình cờ phát hiện một pho tượng phụ nữ ở giữa rừng bèn về báo với dân làng. Sau đó, bà con cùng nhau đưa tượng Bà về và lập miễu thờ.Truyền thuyết khác kể thêm rằng có một vị thần linh tự xưng là bà Chúa Xứ Châu Đốc, báo mộng cho dân làng: hãy chọn chín cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam đưa tượng ta về lập miếu thờ, ta sẽ phù hộ cho dân an lành và làm ăn phát đạt. Sau đó, chín cô gái được chọn cử lên đỉnh núi để tìm tượng và quả nhiên họ tìm thấy một bức tượng tạc hình một người đàn bà trong tư thế ngồi, khuôn mặt phúc hậu, mắt nhìn thẳng về phía trước, đưa về rửa sạch sẽ và lập miếu thờ. Từ đó, hằng năm dân làng lấy ngày tượng bà được “an vị” tại miễu làm ngày lễ Vía Bà.

    Truyền thuyết gắn ngày lễ Vía Bà với tập quán sản xuất nông nghiệp ở địa phương, cho rằng tháng Tư là thời vụ bà con chuẩn bị xuống giống làm mùa. Họ làm lễ cúng tạ ơn Bà, hy vọng được Bà phù hộ, mùa màng sẽ bội thu. Chuyện kể rằng dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu đảm nhận trọng trách trấn giữ biên cương phía Tây, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần nghe tin giặc kéo vào quấy phá, vợ Thoại Ngọc Hầu thường đến miếu bà Chúa Xứ khấn vái, mong chồng mình được bà phù hộ đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Và những lời khấn cầu được ứng nghiệm. Để tạ ơn, vợ Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại miếu to lớn và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong ba ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng cúng Vía Bà vào những ngày nói trên.”

    Nơi thờ mẫu khác khá nổi tiếng ở Nam bộ là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu cũng có nhiều dị bản khác nhau, phổ biến là truyền thuyết sau đây:
“Bà tên Lý Thị Thiên Hương, còn có tên khác là cô Đen, võ nghệ cao cường, nhan sắc mặn mà. Thiên Hương là người mộ đạo, mỗi dịp Nguyên Tiêu, nàng thường vượt đường xa lên núi lễ Phật. Một ngày kia, trên đường lên núi viếng chùa, nàng bị bọn cướp chặn đường uy hiếp. Thiên Hương chống trả rất quyết liệt, nhưng vì thân gái thế cô, nàng đành lao mình xuống vực quyên sinh, quyết không chịu hoen ố thanh danh trong tay bọn chúng. Sau khi chết, Thiên Hương thường hiển linh, luôn ban phước lành cho chúng sinh, thiện tín mười phương, nên dân gian mới kính trọng gọi Thiên Hương là Bà, và để cho gần gũi người ta gọi là Bà Đen. Người ta lập đền thờ Bà trên núi, núi này cũng được gọi là núi Bà Đen”. Lễ hội Vía Bà chia làm 2 thời điểm: mùa xuân vào tháng Giêng và mùa hạ vào tháng 5. Lễ hội mùa xuân diễn ra vào ngày 18 và 19 tháng Giêng hàng năm. Nhưng trong suốt tháng Giêng và sang cả tháng 2, núi Bà Đen vẫn đón tiếp hàng triệu lượt khách đến hành hương cầu mong bình an cho gia đình. Và vào tháng 5 với nhiều quy cách tiến hành lễ cầu kỳ, bên cạnh đó là phần Hội được nhiều du khách thập phương tham gia hưởng ứng.

Đối với người Chăm, vai trò của Nữ thần Po Inư Nưgar đặc biệt quan trọng, Bà dạy người Chăm biết cách trồng lúa, dệt vải, là vị thần đầy quyền năng sáng tạo. Bà đã nâng đỡ người Chăm đi những bước đầu trong tiến trình lập quốc của mình. Hình ảnh Po Inư Nưgar là Bà mẹ nhiệm màu đã xóa đi mọi ngăn cách tôn giáo. Vậy nên dù là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào thì Bà cũng có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Bà được tôn thờ một cách độc lập và trở thành một biểu tượng thiêng liêng. Chính vì thế mà trong hầu hết các nghi lễ, nữ thần Po Inư Nưgar luôn được người Chăm cầu xin ban phước và bảo vệ. Trong suốt mười mấy thế kỷ cho đến nay, người Chăm vẫn luôn tôn thờ một Bà mẹ xứ sở của từng thôn làng họ. Đặc biệt vào tháng 3 âm lịch hằng năm, từ Bắc tới Nam đều tiến hành “giỗ Mẹ”. Ở người Việt là lễ vía Thánh Mẫu Thiên Y A Na, còn người Chăm là lễ vía Thần nữ Po Inư Nưgar. Vào dịp này khách thập phương có thể chiêm ngưỡng sắc màu lễ hội, tạo nên không khí náo nhiệt trên khắp cả nước.

Còn đối với cộng đồng người Hoa, tín ngưỡng thờ Thiên Hậu là một trong những hạt nhân phản ánh bản sắc văn hóa Hoa tộc trong đại gia đình văn hóa Nam Bộ. Nhắc đến người Hoa, người ta nhắc đến Bà Thiên Hậu, ngược lại khi nhắc đến Bà Thiên Hậu người ta nói đến người Hoa.

Tương truyền, từ khi sinh ra đến lúc đầy tháng người ta chẳng hề nghe thấy tiếng Bà khóc, vì vậy bà có tên là “Mặc nương”. Lúc lên bốn, năm tuổi, Bà rất thông minh đỉnh ngộ. Lớn lên, Bà quyết chí không lập gia đình, ở vậy và làm việc thiện giúp người, cứu đời. Năm 16 tuổi, Thiên Hậu nhặt được Thiên thư từ một giếng cạn và sau đó biết được mọi thần thông biến hóa và Thiên Hậu trở thành người cứu nhân độ thế, giúp nhiều người tai qua nạn khỏi. Sau khi mất, hồn bà vẫn linh hiển. Đặc biệt, sự hiển linh của bà Thiên Hậu đã cứu giúp nhiều ghe thuyền gặp nạn trên biển. Những người đi biển và dân cư vùng ven biển đều thỉnh hình Bà để thờ cúng, cầu xin Bà phù hộ được bình an, làm ăn thuận lợi trên hải trình. Người Hoa xem Bà Thiên Hậu là đấng linh thiêng, phù hộ độ trì, cứu giúp họ thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hằng năm lễ hội vía Bà Thiên Hậu vào ngày sinh Bà (23 tháng 3 âm lịch), được tổ chức chu đáo: Tế heo sống nguyên con làm sạch lông và tổ chức hát quảng... Vào dịp này không chỉ người Hoa, mà người Kinh ở nhiều vùng lân cận cũng đổ về chùa Bà Thiên Hậu cúng bái để cầu tài lộc. Lễ hội vía Bà Thiên Hậu mang đậm màu sắc dân tộc. Qua lễ hội này, thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái: Kinh - Hoa trong khối đoàn kết đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Về phương diện nghi lễ, ở Nam Bộ, nếu nơi nào có tục thờ Nữ thần và Mẫu thần thì thường có diễn xướng múa bóng, còn nơi có đền phủ thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thì có diễn xuớng hầu bóng (lên đồng). Đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các thần linh vào thân xác các ông, bà đồng nhằm cầu sức khoẻ, tài lộc, một dạng thức của shaman giáo tồn tại ở nhiều nước trên thế giới. Để thực hiện nghi thức mang tính shaman này, các hiện tượng văn hóa nghệ thuật như hát văn và nhạc chầu văn, múa thiêng... đã được sản sinh và tích hợp tạo nên một thứ sân khấu tâm linh, tượng trưng cho sự tái sinh và hiện diện của thần linh Tam phủ, Tứ phủ thông qua thân xác các ông đồng, bà đồng. Bên cạnh đó, thường thì tín ngưỡng dân gian gắn liền với lễ hội. Chúng ta có thể nhận diện được những hình thức tín ngưỡng thông qua các lễ hội như: lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương, Tây Ninh, lễ hội Bà Thu Bồn ở Duy Xuyên-Quảng Nam, lễ hội Kỳ Yên ở các đình làng ….

Ngày nay, tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Nam cần được quan tâm và phát huy theo đúng vai trò và đặc tính riêng của nó. Có một thực tế cần thừa nhận, một số người đang lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi. Các “thầy đồng, thầy bói, thầy cúng…” nổi lên quá nhiều, đây chính là nguyên nhân làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu biến tướng thành mê tín dị đoan. Một số người dân thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu và giá trị đích thực của nghi lễ “hầu bóng” nên bị lợi dụng. Đáng buồn hơn, một số người cho “hầu bóng” là một “mốt thời đại” nên đua nhau trình đồng, mở phủ rồi đi hầu bạt mạng, múa may quay cuồng, đua nhau sắm lễ thật to, vung tiền phát lộc thật lớn để khẳng định “đẳng cấp”. Và một thực trạng đáng buồn hơn, là vào các dịp lễ hội tại các ngôi chùa, đình, miếu thờ Mẫu người dân đua nhau đi lễ, chen chúc, xô đẩy gây ồn ào, mất trật tự... vô tình tạo ra hình ảnh xấu trong tín ngưỡng, tâm linh....Việc hầu Thánh đôi khi đã trở thành miễn cưỡng khi so sánh “hầu to, hầu nhỏ” làm mất đi những giá trị văn hóa tốt đẹp. Song song với việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Hội đồng Di sản quốc gia đã xây dựng đề án tổ chức và quản lý tín ngưỡng thờ Mẫu để trình Chính phủ phê duyệt. Và đề án ấy sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề đang gặp khó trong việc bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay. Nhìn chung, tín ngưỡng thờ Mẫu và “hầu bóng” đang bị nhiễu loạn, biến tướng. Đã đến lúc các nhà chức trách cần phải vào cuộc để ngăn ngừa những biểu hiện sai lệch trong tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo vệ và giữ gìn thuần phong mỹ tục.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã dành riêng một phòng trưng bày chuyên đề về “ Tín ngưỡng thờ Bà” ( Tín ngưỡng thờ Mẫu) nhằm góp phần trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ nói riêng. Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ là một sự tiếp nối của tục thờ mẫu truyền thống. Qua đó thể hiện ước mơ của con người mong muốn vạn vật được sinh sôi nảy nở nhằm đem lại cuộc sống no ấm cho con người. Đồng thời thể hiện đức tin của con người vào sự linh thiêng, phù hộ độ trì của các vị Thánh Mẫu để con người được bình yên trong cuộc sống. Tục thờ mẫu cũng thể hiện tâm lý uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam nói chung, Nam bộ nói riêng khi được sức khỏe, tài lộc và may mắn thì nhớ ơn những người đã phù hộ độ trì cho mình. Đây chính là giá trị nhân bản, giá trị đạo đức và giá trị truyền thống Việt Nam.

TP.HCM, ngày 27 tháng 5 năm 2014

NGUYỄN THỊ KIM VOANH

Viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...