Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Quan Hoàng Bơ Thoải

Quan Hoàng Bơ Thoải hay còn gọi là Ông Bơ Thoải là vị thánh hoàng thứ ba trong hàng Thập vị Quan Hoàng của hệ thống Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Ngài thường ngự dưới Thoải Cung, được vua cha giao quyền trông coi Đền Vàng Thủy Phủ.

Quan Hoàng Bơ là ai ?

Quan Hoàng Bơ là con trai thứ ba vua  Bát Hải Động Đình, ngài thường ngự dưới Thoải Cung, trông coi Đền Vàng Thủy Phủ. Sự tích về Quan Hoàng Bơ Thoải vẫn còn lưu truyền rằng, ngài thường hiện lên thành vị Hoàng Tử dung mạo hơn người, cưỡi cá chép vàng biến trên mặt nước. Đôi khi, ngài lại biến hiện để ngao du thiên hạ, cùng các bạn tiên uống rượu, đánh cờ,… hưởng thử các thú vui của bậc cao nhân. Theo những điển tích còn truyền miệng, ngài là người em thân cận của Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ, khi rảnh rỗi ngài thường rong chơi khắp chốn trên thuyền rồng. Nhưng thấy cảnh dân chúng còn nghèo khổ lầm than, ông đã nhận lệnh Vua Cha lên làm khâm sai cõi phàm trần, mở hội Phúc Duyên, giáng phúc cho dân buôn bán làm ăn thuận buồm xuôi gió, người có học đỗ đạt thành tài, xã hội bình an yên ấm. Sắc phong tước hiệu: Thượng Đẳng Thần.

Quan Hoàng Bơ Thoải

 

>>> Xem thêm:

Sự tích Quan Hoàng Bơ

Sự tích Quan Hoàng Bơ kể rằng, ngài là thái tử con vua Nam Tống, mang tên húy là Tống Khắc Bính. Sau khi triều đại nhà Nam Tống bị diệt vong bởi nhà Bắc Tống, ngài đã dong thuyền ra biển Đông sau đó thác hóa tại đây. Di quan của Ngài trôi đến cửa Cờn tại Quỳnh Lưu, Nghệ An và được ông Hoàng Chín lúc bấy giờ đang tu ở đó vớt lên chôn cất. Sau khi ông Hoàng Chín quy hóa, nhân dân đã phối hương linh vị Quan Hoàng Bơ, QuanHoàng Chín cùng Tứ vị Vua Bà thờ chung tại đền Cờn. Tuy nhiên về thần tích này cũng cần được xem xét lại do ngày nay, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm Năng Con người xác định đền Cờn là nơi thờ Quan Hoàng Chín chứ không phải là thờ Quan Hoàng Bơ.

Một dị bản khác ghi chép rằng, Thái Bà nằm mộng thấy một người con gái mặc xiêm y trắng, tay ôm đứa bé trai tuấn tú kháu khỉnh tới và nói vì cảm tạ tấm lòng từ bi công đức của bà, sẽ cho Hoàng Thái tử Long cung đầu thai làm con để báo hiếu và lập công cho đất nước. Quả đúng như vậy, sau giấc đó Thái Bà sinh hạ một bé trai khôi ngô nhanh nhẹn, mắt sáng tinh anh, bèn đặt tên là Trần Minh Đức. Giống như lời chiêm bao khi xưa, cậu bé tám tháng đã biết nói, chín tháng biết đi, năm tuổi đã đọc thông sách vở. Đến năm hai hai tuổi, Minh Đức đã ngày đêm nghiên cứu Phật Pháp tại thảo am, không màng hôn nhân phu phụ. Sau khi cha mẹ về tiên, thì ông cũng đi đâu không ai hay biết. Ngôi đền và thảo am cũng dần nhang lạnh khói tàn. Rồi một đêm, dân làng ai ai cũng đều mơ thấy có một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú, đầu đội kim khôi, mình mặc áo trắng lưng giắt kiếm bạc, cưỡi trên đôi bạch xà. Người báo mộng rằng mình là Hoàng Tử Long Cung, giáng sinh xuống trần làm con Thái Ông Thái Bà nay đã hết hạn phải về Thủy Cung. Hoàng Tử nói khi dân gặp nạn ắt sẽ đến cứu, về sau cũng sẽ âm phù cho dân sống ấm no, không quên dạy dân thờ phụng Thánh Mẫu Thủy Cung cho nghiêm cẩn. Sáng dậy, ai cũng thuật lại cho nhau giấc mơ y hệt, bèn cung kính lập thêm long ngai bài vị Minh Đức Hoàng Bơ Thoải tại đền Thánh Mẫu Thoải Phủ. Sau này, khi đê Ngự Hàm vị bỡ, dân chúng trở tay không kịp bèn lập đàn cầu đảo. Hoàng Thái Tử Long Cung đã hóa thành bạch xà xuất hiện hàn long. Sau khi đê được hàn xong thì Bạch xà cũng biến mất lúc nào không hay. Dân làng đều biết là Minh Đức hoàng tử cứu giúp bèn về đền lễ tạ, sau này xây một ngôi đền ngay chỗ vỡ đê để thờ Thánh Hoàng Bơ Thoải, thuộc Đông Long, Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Tiệc Quan Hoàng Bơ vào ngày nào ?

Ngày tiệc Quan Hoàng Bơ là ngày 26 tháng 6 Âm lịch.

Hầu giá Quan Hoàng Bơ

Quan Hoàng Bơ là một trong ba vị Thánh Hoàng hay giá ngự về đồng nhất trong Thập vị Thánh Hoàng, cùng với Quan Hoàng Bảy và Quan Hoàng Mười. Khi giá ngự đồng, ông mặc áo trắng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), thắt đai vàng, đầu đội khăn xếp có thắt lét trắng, cài chiếc kim lệch màu trắng bạc. Có khi ông ngự về tấu hương, khai quang rồi một tay cầm mái chèo, một tay cầm quạt thong thả bẻ lái dạo chơi, cũng có khi ông cầm đôi hèo hoa, rong ruổi cưỡi ngựa đi ngao du khắp sơn thủy.
“Trên Thượng Thiên mây bay năm vẻ
Dưới Thủy Tề nước rẽ làm đôi
Ông Bơ lịch sự tốt tươi
Biến trên mặt nước cưỡi đôi chép vàng”.

Quan Hoàng Bơ ThoảiQuan Hoàng Bơ Thoải khi loan giá ngự đồng

Quan Hoàng Bơ là một vị quan hoàng dung mạo tốt tươi, có tài văn võ kiếm cung. Khi nói về tài mạo song toàn của ông, văn hát rằng:

“Biến lên mặt nước lạ lùng
Ông Hoàng Bơ Thoải chân dung khác thường
Ông Bơ Thoải đường đường dong mạo
Mặt nhường gương tiết tháo oai phong
Thanh xuân một đấng anh hùng
Toàn tài văn võ làu thông mọi đường
Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi
Bầu rượu tiên thơ túi xênh xang
Khăn thêu, áo trắng, đai vàng
Võ hài chân bước, vai mang đôi hèo”

Hay khi ông thong thả ngự đồng nghe văn, cùng bầu rượu tiên, thả hồn cùng với gió trăng:

“Ngồi bên khe suối nảy cung đàn
Bồi hồi nhớ tới bạn chi loan
Tâm thơ Đỗ Phủ hồn theo gió
Gửi khách Tương Như khúc Phượng Hoàng”

Đền thờ Quan Hoàng Bơ ở đâu ?

Do có nhiều thần tích về Quan Hoàng Bơ nên khó xác định đâu là đền thờ chính của Quan Hoàng Bơ. Tuy nhiên, có lẽ có 4 nơi thờ ông Hoàng Bơ chính mà chúng ta có thể quan tâm:

  • Đền Quan Hoàng Ba – Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hóa;
  • Đền Hưng Long tại Thái Bình là hai nơi có thần tích.
  • Một ngôi đền nữa thờ Quan Hoàng Bơ đó là đền Vạn Ngang – Đồ Sơn – Hải Phòng nơi ghi nhận sự hiển linh của Ngài.
  • Đền Cờn (nay là đền Quan Hoàng Chín) trước đây có người cho là đền chính của Ngài.

Ngoài ra, Quan Hoàng Bơ được hầu hết phối thờ trong các đền trong cung Tứ Phủ Quan Hoàng hoặc ban thờ riêng. Trong cung Tứ phủ Thánh Hoàng, Quan Hoàng Bơ thường phối thờ với Quan Hoàng Bảy và Quan Hoàng Mười.

Hát văn Quan Hoàng Bơ

Bản 1

Trên Thượng Thiên mây bay năm vẻ

Dưới Thủy Tề nước rẽ làm đôi

Ông Bơ lịch sự tốt tươi

Biến trên mặt nước cưỡi đôi chép vàng”

Hay nói về tài mạo song toàn của ông, văn hát rằng:

“Biến lên mặt nước lạ lùng

Ông Hoàng Bơ Thoải chân dung khác thường

Ông Bơ Thoải đường đường dong mạo

Mặt nhường gương tiết tháo oai phong

Thanh xuân một đấng anh hùng

Toàn tài văn võ làu thông mọi đường

Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi

Bầu rượu tiên thơ túi xênh xang

Khăn thêu, áo trắng, đai vàng

Võ hài chân bước, vai mang đôi hèo”

Hay khi ông thong thả ngự đồng nghe văn, thả hồn cùng gió trăng:

“Ngồi bên khe suối nảy cung đàn

Bồi hồi nhớ tới bạn chi loan

Tâm thơ Đỗ Phủ hồn theo gió

Gửi khách Tương Như khúc Phượng Hoàng”

Văn khấn Ông Hoàng Bơ

Trên điện ngọc rồng bay năm sắc

Dưới Động Đình ghềnh thác nguy nga

Mênh mông một dải giang hà

Ầm ầm sóng vỗ xa xa bạc đầu

Loài thuỷ tộc đâu đâu tìm đến

Vượt vũ môn xuất hiện thần long

Biến lên mặt nước lạ lùng

Ông Hoàng Bơ Thoải chân dung khác thường

Ông Bơ Thoải đường đường dung mạo

Mặt nhường gương tiết tháo oai phong

Thanh xuân một đấng anh hùng

Toàn tài văn võ lầu thông mọi đường

Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi

Bầu rượu tiên thơ túi xênh xang

Khăn thêu áo trắng đai vàng

Võ hài chân dận vai mang đôi hèo

Cưỡi ngựa bạch vai đeo cung tiễn

Tay kiếm vàng trước điện bước ra

Thương dân trên cõi Sa Bà

Lòng tham chìm đắm đức hoà khó lên

Trước bệ ngọc Hoàng liền tấu đối

Lên cõi trần mở hội phúc duyên

Khâm sai Hoàng kíp băng miền

Phong lôi một trận nổi lên cõi phàm

Bạn tiên nữ xếp hàng rong ruổi

Cá kình nghê thẳng lối tiễn đưa

Sai quân dưỡng trực lên bờ

Trống dong cờ mở thực là nghiêm trang

Sắp hai hàng càng vàng tán tía

Kiệu vàng son nghi vệ bát âm

Tuần vương nghỉ gót dừng chân

Hoạ thơ Lý Đỗ ca ngâm đọ cờ

Tiệc xong lại chèo đua bẻ lái

Truyền chèo về Bát Hải dong chơi

Quỳnh Côi,Phượng Dực mấy nơi

Sông Thao,sông Cả qua chơi Lục Đầu

Chơi khắp hết sông Cầu sông Mã

Truyền ba quân các ngả thi đua

Lên rừng lấy gỗ chò hoa

Đem về dâng tiến vua cha Động Đình

Ngự Bắc kinh,Thăng Long quý địa

Phủ Tây Hồ tú khí danh lam

Dừng thuyền bái yết Mẫu Vương

Mẫu ban chấp chính cầm quyền vào ra

Cho coi sóc các toà cung nội

Riêng một bầu phượng ruổi loan ca

Đông Cuông, Tuần Quán các tòa

Cây cao bóng mát rườm rà tốt tươi

Đàn cá lội rõ mười không khác

Kết thành lầu dàn dặt đêm thanh

Trăng soi đáy nước thuỷ đình

Có thoi Hoàng thoải xinh xinh khác thường

Thoi sáng ánh kim cương lấp lánh

Biết bao người mến cảnh say sưa

Trách ai vô ý không ngờ

Qua không bái yết thực là khó van

Ai biết phép gia ban tài lộc

Độ cho người văn học thông minh

Hoàng về trắc giáng điện đình

Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường

Bản 2

Động Đình tây hồ thu nguyệt huy

Tiêu Tương giang bắc tảo hồng phi

Túy khách mãn thuyền ca Bạch trữ

Bất tri sương lộ nhập thu y.

Mực in vách phấn đề thơ

Hồ Tây sóng nước bây giờ là đây

Gió trăng chở một thuyền đầy

Của kho vô tận, biết ngày nào vơi

Phú nói :

Thuyền nan nhè nhẹ một con chèo

Thuyền Hoàng Bơ Thoải dạo Hồ Tây

Sóng dập dờn sắc nước trời mây

Bát ngát nhẽ ghẹo người du lãm

Yên thuỷ mang mang vô hạn cảm

Ngư long tịch tịch thục đồng tâm

Rượu lưng bầu mong mỏi bạn tri âm

Xuân vắng vẻ biết cùng ai ngâm họa

Gió hây hẩy không nức mùi nhang xạ

Nhác trông lên vách phấn đã đề bài

Thơ ai, xin họa một vài

(Trích Tỳ Bà Hành)

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Quan Lớn Đệ Nhị Giám Sát

Quan Lớn Đệ Nhị Giám Sát hay còn được gọi là Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn hoặc Đệ Nhị Vương Quan là vị tôn quan đứng thứ hai sau Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên và đứng trước Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ trong hàng Ngũ Vị Tôn Quan cộng đồng các Quan.Ngài nổi tiếng là vị tôn quan linh thiêng anh linh Tứ Phủ, được nhân dân cung kính và thờ phụng thành tâm tại nhiều ngôi đền trên cả nước.

“Thượng ngàn giám sát quyền cai
Thông tri tam giới khâm sai đại thần
Có phen giá vũ đằng vân
Bát muôn công tử xa gần làm tôi”

Quan Lớn Đệ Nhị là ai ?

Quan Lớn Đệ Nhị vốn là con trai thứ hai của Vua Cha Bát Hải Động Đình, ngài theo lệnh Vua Cha, hạ phàm đầu thai vào Hoàng Cung (có sách nói là ông hạ phàm ngày mồng ba tháng mười một năm Ất Dậu vào một nhà quý tộc). Ngài văn võ toàn tài, thông minh chính trực, được khắp muôn dân nơi nơi ngưỡng mộ, các vương tôn công tử đều thuận tình đến làm học trò. Đến khi về chầu Thiên Đình, ngài lại được giao quyền giám sát cai quản miền sơn lâm, thượng Ngàn. Ngài giáng thế ban phúc trừ tai cho dân, khi dân chúng bị hạn hán, cầu đảo tới ngài thì lập tức có mưa thuận gió hòa.

Quan Lớn Đệ Nhất

Sự tích về Quan Lớn Đệ Nhị

Sự tích về Quan Lớn Đệ Nhị vào đời Hùng Vương thứ 6, ngài giáng trần giúp Đức Thánh Gióng chiến thắng giặc Ân, sau đó ngài thác hóa tại Vân Đình. Đến đời Hùng Vương thứ 18, quan hạ sinh tại đất Nam Ninh vào nhà họ Nguyễn tên là Nguyễn Chiêu Minh. Tại đây, ngài trở thành một trong những vị tướng phò Vua Cha Bát Hải Động Đình Vĩnh Công Đại Vương đánh giặc Thục xâm lược. Sau này, cũng theo lệnh vua Cha, ngài đầu thai vào một nhà quý tộc tại Hoàng Cung thời nhà Lê vào ngày 10/10 năm Bính Dần (cũng có sách nói ông hạ phàm ngày mùng 3/11 năm Ất Dậu). Đến khi trở về thiên đình, ngài lại được giao quyền giám sát quản cai Sơn Lâm Thượng Ngàn. Ngài giáng thế ban phúc cho dân. Khi nhân dân gặp hạn hán, mất mùa, cầu đảo quan ông thì ngài lập tức cho mưa gió thuận hòa. Hàng năm, vào ngày 11/11 âm lịch hàng năm, người dân tổ chức lễ tiệc Quan Đệ Nhị Giám Sát.

Ngoài sự tích trên còn căn cứ theo các văn hầu từ thời xưa để lại chúng ta có thể mường tượng về Ngài. Ngài vốn là ở cõi Thiên Đình, con vua Ngọc Hoàng được giáng xuống trần gian:


Vốn xưa ông ở thiên đình
Con vua Thượng Đế giáng thần dương gian

Ngài sinh ra trong một gia đình quý tộc. Ngay từ thủa nhỏ Ngài đã giỏi văn thơ và nổi tiếng thông minh, không ngoan:

Tuổi vừa ba bốn đi chơi
Văn thi phú lục mọi tài khôn ngoan.

Bỗng một hôm đến hạn về trời, trời bỗng nổi mưa gió, bão bùng Hà Bá, Thủy thần đã rước Ngài đi. Ngày Ngài hóa cũng là ngày mùng 3 tháng giêng.

Chẳng ngờ Thượng Đế đến kì
Mồng ba tháng một, một khi giờ dần
Sắc sai hà bá thuỷ thần
Quần tiên đón rước chẳng nhầm một ai

Về chốn Thiên Cung ông có nhiệm vụ “Quản tam giới quyền cai giám sát” nên chuyên lo về sổ sách sinh tử của cõi trần gian:

Sổ hội đồng một tay nắm giữ
Số trần gian sinh tử sót ai.

Nên ông là vị thánh chuyên cân đong tội, công và điều chỉnh họa phước cho  các sinh linh trong cõi trần thế.

Rút dây tội phước cân người tội cô ng.

Ông còn là một vị thánh văn võ song toàn:

Võ thời ví với Đức Quan
Văn thời sánh ví Mạnh Nhan thay là.

Ông còn giỏi cờ, thi ca, phú họa:

Cờ Tiên một đấu thơ vài trăm thiên.

Ông là một vị thánh anh minh, độ lượng, hết lòng cứu giúp cho mọi sự an khiên, bất hạnh của cõi dương gian:

Dù ai hữu sự kêu van
Khấn Quan Đệ Nhị thọ khang yên lành

Đó là một vị thánh nổi tiêng trong tứ phủ bởi sự thông minh, chính trực, luôn một lòng độ cho nước cho dân:

Thông minh chính trực, giúp nước phù đời
Quyền sơn lâm cai khắp mọi nơi
Vâng ngọc chỉ giáng thần Nam Việt
Anh hùng hào kiệt, độ khắp vạn dân

Hầu Quan Lớn Đệ Nhị

Quan Lớn Đệ Nhị là một trong ba vị quan lớn rất hay ngự đồng kể cả trong những ngày tiệc vui hay khoa lễ thông thường đều thỉnh Quan Lớn Đệ Nhị về chứng đàn chứng sớ. Khi ngự đồng, Quan Lớn Đệ Nhị mặc áo xanh (cũng có khi là xanh lá cây) thêu rồng, hổ phù. Ngài về làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ và múa kiếm (theo cách hầu Quan Giám Sát thì có nơi múa đôi kiếm, có nơi múa một kiếm, có nơi lại múa một kiếm một cờ như lúc ngài ra trận).

Cũng như Quan Lớn Đệ Nhất, khi khai đàn mở phủ, người ta thỉnh Quan Lớn Đệ Nhị về chứng đàn Nhạc Phủ (Thượng Ngàn) đàn mã đều màu xanh. Ngoài ra vào những dịp đại lễ như mở phủ khai đàn, tạ phủ…trước ngày làm lễ, người ta thường thỉnh Quan Lớn Đệ Nhị về thanh tra giám sát đàn mã đền phủ.

Đền thờ Quan Lớn Đệ Nhị

Quan Lớn Đệ Nhị được thờ ở nhiều nơi, bất cứ đền điện nào có ban Công đồng thì trong hàng Ngũ Vị Tôn Quan

Ngoài ra một số Đền thờ Quan Lớn Đệ Nhị có thể kể tới như:

  • Đền Quan Giám ở trên huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (là nơi quan trấn giữ miền Sơn Lâm)
  • Đền Quan ở Phố Cát, Thanh Hóa (là nơi quan giáng hạ dạo chơi).
  • Đền Quan Lớn Đệ Nhị tại Thái Bình gần đền Đồng Bằng (là nơi quan hội quân giúp Vua Cha Bát Hải chiến đấu chống ngoại xâm).

Tiệc Quan Lớn Đệ Nhị

Ngày khánh tiệc chính của Quan Lớn Đệ Nhị là vào ngày 10 tháng 11 Âm lịch (được cho là ngày hạ phàm của quan)

Văn Quan Lớn Đệ Nhị

Một số bản văn về Quan Lớn Đệ Nhị dưới đây được ban biên tập biên soạn gửi tới quý độc giả

Bản văn Quan Lớn Đệ Nhị số 1

Thỉnh mời Hoàng đế tinh quân
Hiệu ông đệ nhị thiên đình giáng sinh
Vốn xưa ông tại thiên đình
Đêm ngày chầu chực ở trong lâu đài

Số sinh số tử trên đời
Một tay biên chép chẳng sai số nào
Bách quan văn vũ nội tào
Khi ra bệ ngọc khi vào toà trương

Thông minh chính trực mọi đường
Kiên hào đỉnh túc chẳng nhường một ai
Thiên tào đệ nhị thứ hai
Thông tri tam giới mọi nơi xa gần

Phép ông hành vũ hành phong
Đâu đâu cũng đều phục tình làm tôi
Trời làm đại hạn nắng lôi
Cầu ông đảo vũ một thôi dần dần

Ông sai hà bá thuỷ thần
Tự nhiên nổi trận đùng đùng mưa sa
Điều hoà thiên hạ xướng ca
Nam nữ trẻ già sợ phép tôn quan

Lệnh truyền sai xuống thuỷ cung
Tự nhiên mưa gió mênh mông đồn điền
Hợp hoà thiên hạ dưới trên
Bờ nào bờ ấy nước chan đầy bờ

Dù ai đi sớm về khuya
Phong điều vũ thuận thái hoà nghỉ ngơi
Có phen thong thả ngồi chơi
Tuyển người số mực chép người số son

Vua cha nghe hết nguồn cơn
Ai làm nấy chịu chẳng còn có oan
Sai xuống hạ giới làm quan
Sinh vào quý tộc hiền lương đức lành

Vừa năm ất dậu thai sinh
Mồng ba tháng một đã sinh ra người
Tuổi vừa ba bốn đi chơi
Văn thi phú lục mọi tài khôn ngoan

Song đường mừng rỡ yêu thương
Rằng nhà có phúc kẻ thương người vì
Chẳng ngờ Thượng Đế đến kì
Mồng ba tháng một,một khi giờ dần

Sắc sai hà bá thuỷ thần
Quần thiên đón rước chẳng nhầm một ai
Ngũ lôi hiệu lệnh tướng trời
Nhị thập bát tú mọi nơi trương toà

Đều thời vâng lệnh vua cha
Rước quan đệ nhị trên toà thượng thiên
Song đường thương nhớ chẳng yên
Sao ông nỡ để mối phiền dương gian

Sinh thành dưỡng dục núi non
Lấy ai khuya sớm thần hôn cho đành
Vốn xưa ông ở thiên đình
Con vua Thượng Đế giáng thần dương gian

Dù ai có lệnh kêu van
Khấn ông đệ nhị thọ khang yên lành
Thiên tư chính trực thông minh
Giáng Đền giáng phủ anh linh muôn phần

Chữ rằng Thánh giáng lưu ân
Đa tài đa lộc thiên xuân thọ trường

Phú :

Nhác trông lên tòa vàng san sát,
Không đâu bằng Phố Cát Đồi Ngang.

Đá lô xô nước chảy làn làn,
Điều một thú cỏ hoa như vẽ.

Nhạn chiều hôm bay về lẻ tẻ,
Trên sườn non chim sẻ ríu ran.

Nuớc dưới khe tung tính tiếng đàn,
Trên đỉnh núi tùng reo điểm trống.

Có thơ rằng:

Ngần ngật Sòng Sơn kiêu dị lộc
Thanh thanh tri thủy chiếu trần tâm
Sơn tri cao hệ thủy chí thâm
Đây thực chốn non nhân nước trí.

Thượng phong tri thủy địa cốc lâm san
Nam thiên tri đệ nhất đền quan
Cảnh lạc thú thượng ngàn sơn cước

Thông minh chính trực,giúp nước phù đời
Quyền sơn lâm cai khắp mọi nơi
Vâng ngọc chỉ giáng thần Nam Việt

Anh hùng hào kiệt,độ khắp vạn dân
Sắc gia ban :Thượng đẳng tôn thần
Quyền giám sát,kiêm tri phủ viện
Nghe văn thỉnh luyện,giá ngự từ trung
Chữ “Sở cầu hữu cảm tất thông”
Hộ đệ tử đồng gia thời phú quý

Bản văn Quan Lớn Đệ Nhị số 2

Nhác trông lên biển đề choi chói
Dưới sân rồng nhang khói long lanh
Muôn hoa đua nhị trên cành
Sơn trang quan giám yến quỳnh bẻ bai

Quản tam giới quyền cai giám sát
Nương càn khôn lăng quát trong tay
Khâm thừa đế lệnh xưa nay
Quyền quan giám sát chức dày thiên cung

Sổ hội đồng một tay nắm giữ
Số trần gian sinh tử sót ai
Có phen ngự cảnh bồng lai
Rút dây tội phước cân người tội công

Có phen tới sân rồng chầu chực
Tấu đối xong nhật khắc tăng du
Có phen đằng giá Vân Cù
Mưa tuôn khói toả sấm ù dậy vang

Họp bàn loan đình Thần ca tụng
Chén rượu quỳnh Quan chú Quan anh
Cửa đền gió mát trăng thanh
Đàn ca sáo thổi dạo quanh trước lầu

Có phen ra tiếp hầu Lưu Quí
Ván cờ Tiên đấu trí một hai
Có phen thắng cảnh đua tài
Cờ Tiên một đấu thơ vài trăm thiên

Thơ Lý Bạch cờ tiên dám ví
Rượu lưu ly tửu thí coi chi
Ngắm xem hoa cúc hoa quỳ
Hoa lan hoa huệ tứ kì bách hoa

Vượn thượng uyển trăm hoa đua nở
Thú chơi hoa phải biết mùi hoa
Hoa lan hoa huệ hoa trà
So sánh có mai hoa là đệ nhất

Đã đẹp lại thơm hương cũng ngát
Màu trong so ngọc trản nào thua
Mặn mà mọi vẻ mọi ưa
Bách hoa đua nở bốn mùa ngát hương

Vang tiếng trống bốn phương sấm động
Cửa thiên môn lồng lộng uy quang
Đức ông chính ngự ngai vàng
Kiêm tri tam giới,Ngọc Hoàng sắc phong

Ban hiệu vị Quận Công Giám Sát
Quyền quản cai Phố Cát Đồi Ngang
Võ thời ví với Đức Quan
Văn thời sánh ví Mạnh Nhan thay là

Giáng sinh ngày mồng ba tháng một
Trung thiên thời chính ngọ xuất thân
Thung huyên mừng rỡ muôn phần
Sinh ra là đấng trung thần trượng phu

Tài văn võ cơ đồ bất nhị
Thượng đẳng thần Đệ nhị tôn quan
Dù ai hữu sự kêu van
Khấn Quan Đệ Nhị thọ khang yên lành

Nén nhang thơm tâm thành khấu thủ
Ứng pháp mầu đảo vũ thu vân
Chữ rằng thánh giáng lưu ân
Tôn Quan lưu phúc thiên xuân thọ trường

Bản văn Quan Lớn Đệ Nhị số 3

Sơn tiêu sơn động sơn trang
Đền thờ quan giám sát thượng ngàn tối linh
Muôn hoa đua nhị trên cành
Bộ nàng tha thướt yến quỳnh bẻ bai

Thượng ngàn giám sát quyền cai
Thông tri tam giới khâm sai đại thần
Có phen giá vũ đằng vân
Bát muôn công tử xa gần làm tôi

Trời làm đại hạn nắng nôi
Kiều quan đảo vũ một thôi giờ dần
Lệnh sai hà bá thuỷ thần
Tự nhiên dâng nước xoáy vần mưa sa

Điều thời thiên hạ xướng ca
Phong điều vũ thuận thái hoà thảnh thơi
Có phen thong thả ngự chơi
Tuyển người số mực chép người số son

Vua cha nghe hết nguồn cơn
Ai làm nấy chịu chẳng còn có oan
Lệnh truyền giáng hạ làm quan
Sinh vào quý tộc hiền lương đức lành

Vừa năm ất dậu thai sinh
Mồng ba tháng một đã sinh ra người
Tuổi vừa ba bốn đi chơi
Văn thi phú lục mọi tài khôn ngoan

Song đường mừng rỡ yêu thương
Rằng nhà có phúc kẻ thương người vì
Chẳng ngờ Thượng Đế đến kì
Mồng ba tháng một,một khi giờ dần

Sắc sai hà bá thuỷ thần
Quần tiên đón rước chẳng nhầm một ai
Ngũ lôi hiệu lệnh tướng trời
Nhị thập bát tú mọi nơi trương toà

Đều thời vâng lệnh vua cha
Rước quan đệ nhị lên toà thượng thiên
Song đường thương nhớ chẳng yên
Sao ông nỡ để mối phiền dương gian

Sinh thành dưỡng dục núi non
Lấy ai khuya sớm thần hôn cho đành
Vốn xưa ông ở thiên đình
Con vua Thượng Đế giáng thần dương gian

Dù ai có lệnh kêu van
Khấn ông đệ nhị thọ khang yên lành
Thiên tư chính trực thông minh
Giáng Đền giáng phủ anh linh muôn phần

Chữ rằng Thánh giáng lưu ân
Đa tài đa lộc thiên xuân thọ trường​.

Văn khấn Quan Lớn Đệ Nhị

(Tham khảo)

Nam mô A di đà phật !

Nam mô A di đà phật !

Nam mô A di đà phật !

Hương tử chúng con thành tâm

Kính lạy: Tam tòa Đức Thánh Mẫu

Kính lạy: Quan Lớn Đệ Nhị Tôn Quan, cộng đồng các quan.

Hôm nay là ngày …. nhằm tiết xuân/hạ/thu/đông thiên cát nhật

Tín chủ con là ………..

Ngụ tại:……………………………

Cùng toàn thể gia đình nhất tâm nhất lễ đến trước cửa Quan Lớn Đệ Nhị Tôn Quan cùng cộng đồng các quan,nhất tâm một lòng một dạ chấp tay kính lễ khấu đầu vọng bái. Nhất tâm nhất lễ kính dâng lên Quan Lớn Đệ Nhị Tôn Quan cúi xin ngài xét thương cứu độ cho gia chung chúng con già được mạnh khỏe, trẻ được bình an, cầu tài được tài, cầu lộc được lộc, cầu bình an được bình an. Cúi xin quan lớn che chở cho bốn mùa được bình an tứ thời được thanh tâm an lạc.

Nam mô a di đà phật! (3 lần)

Thần tích Quan Hoàng Đôi

Quan Hoàng Đôi là vị thánh hoàng thứ hai trong hàng Tứ phủ Quan Hoàng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, ngài đứng sau Quan Hoàng Cả và đứng trước Quan Hoàng Bơ Thoải. Sử sách lưu truyền về ngài là một vị tướng toàn tài, hay kinh sử, nhuần binh thư, trung thần phò vua hộ quốc. Ngài từng tham gia nhiều trận đánh trên thượng ngàn và sau này khi hiển thánh, ngài trở thành vị Quan Hoàng thứ hai trong Tứ phủ Thánh Hoàng, được nhân dân nhiều vùng lập đền nghiêm cẩn thờ kính.

“Thỉnh mời đệ nhị Quan Hoàng
Thống trị thiên hạ mọi nơi xa gần.
Thỉnh mời ông Hoàng đế tinh quân
Đệ Nhị ông ở rừng xanh ngự về”

Quan Hoàng Đôi là ai ?

Theo truyền thuyết Quan Hoàng Đôi là con vua cha Bát Hải, ngài được sai giáng xuống trần đầu thai vào làm con trai nhà họ Nguyễn ở đất Thanh Hoa. Lớn lên ngài là một vị tướng toàn tài, hay kinh sử, nhuần binh thư. Ngài là một vị trung thần thời Lê có nhiều công lao trong việc phù giúp nhà Lê dẹp Mạc. Khi đánh nhà Mạc tháo chạy lên Cao Bằng, ngài được phong quan trấn giữ vùng Triệu Tường làm việc an dân. Khi Ngài thác hóa được vua khắc tên lên bảng vàng ghi công và lập đền để hậu thế tưởng nhớ. Vì vậy có nơi xem ngài là một vị Quan Lớn gọi là Quan Lớn Triệu Tường và thỉnh ngài ngay sau giá Quan Điều Thất.


Quan Hoàng Đôi

Trong khi đó thánh tích tại đền Sòng và phố Cát để lại, Quan Hoàng Đôi là vị thánh hoàng hầu Mẫu ở Đền Sòng và Phố Cát, ngài được sắc phong Thượng Đẳng Thần làm việc thượng ngàn giám sát, là một trong Tứ Vị Khâm Sai đi chấm lính nhận đồng, nhận căn số cho con nhà Tứ Phủ về sau hầu thánh. Tương truyền khi sinh thời Quan Hoàng Đôi là người Mán có công cùng Quan Hoàng Bảy trừ giặc cứu dân, được sắc phong Tướng Công. Trong văn Quan Hoàng Bảy có đoạn mô tả về Quan Hoàng Đôi có công đánh trận cùng Hoàng Bảy, chính vì vậy mà người ta còn gọi Quan Hoàng Đôi là Quan Hoàng Đôi Bảo Hà. Trong văn ông Bảy có câu rằng:

“Doanh trung thường có hai hoàng vào ra
Quan Hoàng Bảy Bảo Hà chính vi
Cùng tướng công Đệ Nhị Hoàng Đôi
Can qua dâu bể biển đời, anh hùng xưa đã ra người cung tiên”

Đền thờ Quan Hoàng Đôi

Hiện nay ở miền bắc và miền trung vẫn có nhiều ngôi đền thờ tự Quan Hoàng Đôi, cụ thể:

Đền thờ Quan Hoàng Đôi ở Cẩm Phả, Quảng Ninh: Ngôi đền này có tên gọi là đền Hoàng Đôi Bảo Hà, do được nhân dân rước từ vùng Bảo Hà về đây thờ tự. Thủ nhanh lập đền này là cụ đồng Nhâm với lòng tôn kính và biết ơn công lao to lớn của Quan Hoàng Đôi đã anh dũng vệ quốc cứu dân. Đây là phần đất của gia đình cụ đồng Nhâm và cụ đã tự xây dựng ngôi đền và rước chân nhang Ngài về để thờ phụng.

Đền thờ Quan Hoàng Đôi ở Bảo Hà, Lạng Sơn: Nơi đây Quan Hoàng Đôi được thờ tại cung Tứ Phủ Ông Hoàng tại đền Bảo Hà ngôi đền chính thờ Quan Hoàng Bảy. Lý do Ông được thờ trong đền Quan Hoàng Bảy Bảo Hà là do hai ông có mối liên hệ mật thiết và điều này là hợp lý vì hai ông cùng đi đánh giặc vệ quốc với nhau. Người ta thường để tượng của Ông Hoàng Đôi màu xanh còn Ông Hoàng Bảy là màu tím. Đây cũng là màu áo chính của hai ông trong nghi lễ hầu đồng.

Đền thờ Quan Hoàng Đôi tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội: Phủ Tây Hồ nơi gắn liền với Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì nơi đây cũng là một trong những địa điểm tâm linh thờ phụng Quan Hoàng Đôi. Nơi thờ ông nằm ở bên cung Sơn Trang, nhìn vào hai bên cầu sẽ thấy có hai vị Quan Hoàng đang cưỡi ngựa bạch. Một vị mặc áo đỏ, đai vàng, khăn xếp lét màu vàng là Quan Hoàng Tứ. Vị còn lại mặc áo xanh chính là Quan Hoàng Đôi.

Ngoài ra, chùa Quang Minh ngay phía sau đền Bảo Hà là nơi Ông Hoàng Đôi được thờ chính.

Hầu giá Quan Hoàng Đôi

Theo sắc phong Tứ Phủ, khi ngự về đồng Quan Hoàng Đôi ngự áo xanh lá cây chít khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi mạng chéo, đi ghệt tay và ghệt chân, tay cầm đôi hèo. Ngài làm lễ khai quang, đi hèo ngự tọa, hiến tửu, nghe thơ, ban phát lộc tài. Trước kia, Ông Hoàng Bảy thường ít được hầu hơn là Quan Hoàng Đôi, tuy nhiên về sau thì người ta hầu Quan Hoàng Bảy là chủ yếu, ít khi hầu Quan Hoàng Đôi hơn. Nhiều quan điểm cho rằng thường chỉ hầu một trong hai ông vì hai ông đều cùng chinh chiến đánh giặc với nhau. Theo lối cổ chỉ những đồng cựu, thủ nhang, đồng đền, đạo trưởng mới được hầu giá Quan Hoàng Đôi.

Quan Hoàng Đôi

Quan Hoàng Đôi loan giá ngự đồng.

Văn Quan Hoàng Đôi

Hoàng Đôi đem quân lên ngàn

Đùng đùng súng nổ dậy vang khắp trời

Sớ văn tấu thỉnh khuyên mời

Thỉnh Hoàng linh ứng ngự chơi đền này

Quan Hoàng vạn phép trong tay

Tam sanh sửa lễ khi nay khẩn cầu

Ai thời căn số phải hầu

Lập đàn thỉnh bóng, quy đầu làm tôi

Thánh Hoàng hoá phép trên trời

Hải môn bốn bể khắp nơi quyền hành

Bảo Hà coi chốn rừng xanh

Thổ Nùng Thổ mán phục tình làm tôi

Sắc phong chính hiệu Hoàng Đôi

Mười hai cửa bể mọi nơi đi về

Con vua Bát Hải thuỷ tề

Long thần Hoàng cưỡi đi về sớm khuya

Bấy giờ có sớ dâng lên

Vua Cha giáng chỉ hạ truyền phán ra

Kíp ngay diệt lũ yêu ma

Thánh hoàng đội lệnh bước ra sân rồng

Ba quân, lĩnh ấn công đồng

Kiếm thiêng ra phép thần thông xoay vần

Trên trời nổi trận phong vân

Sai lôi lôi giáng tối tăm mịt mờ

Pháp màu biến ứng thần cơ

Quỷ tan tà tán bấy giờ thu lôi

Chiêng kêu, trống đánh ba hồi

Thượng đường mở hội đón người lên công

Vua cha ban sắc tặng phong

Càng thêm tối tú oai hùng uy quang

Tiểu tôi bái lạy đức Hoàng

Dám xin soi xét trần gian lỗi lầm

Hoàng về giáng lưu ân

Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường

Văn mời nước Quan Hoàng Đôi :

Hỡi cô chuốc rượu vậy thời nơi nao

Tề tay tiên chuốc chén rượu đào

Dâng lên là lên cúng Mẫu

Dâng vào tiên thánh Hoàng sơi.

Đệ nhất tuần sơ, ông đã hiểu rồi

Đệ nhị tuần á, chúc chén rượu đầy.

Các cô dâng lên cúng Mẫu

Các cô dâng vào tiên thánh Hoàng sơi.

Đệ nhất tuần sơ, đệ nhị tuần á, đệ tam tuần chung

Các cô dâng lên cúng Mẫu

Các cô dâng vào tiên thánh Hoàng sơi.​.. 

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên

Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên hay còn gọi là Đệ Nhất Tôn Quan hoặc Quan lớn Đệ Nhất  là vị quan lớn đứng hàng đầu trong Ngũ Vị Tôn Quan. Ngài lớn vốn là con trai cả của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, được vua cha giao cai quản Thượng Thiên, trực tiếp hầu cận, thay quyền và đại diện cõi nhân gian, thừa hành Tam giới, tâu đối tội phúc nhân danh chốn thượng thiên nên  gọi là Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên.

“Hương một chiện chín tầng soi thấu
Dãi lòng trần khải tấu linh thông
Thỉnh mời Đệ Nhất Tôn Quan
Lai lâm trắc giáng điện trung oai hùng”

Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên

Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên khi loan giá ngự đồng

Quan lớn Đệ Nhất Thượng Thiên là ai ?

Quan lớn Đệ Nhất Thượng Thiên hay còn gọi là Đệ Nhất Tôn Ông tên đầy đủ là Đệ Nhất Thượng Thiên Hoàng Thái Tử Vương Quan. Quan lớn vốn là con trai cả của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình, được coi là Ông Lớn cai quản Thượng Thiên. Tương truyền ông là Tôn Quan Đại Thần trên Đế Đình Thiên Cung, được sắc phong ngôi Thượng Thiên Nhất Phẩm Công Hầu, quản cai tam giới đình thần văn võ. Ông chính là Đệ Nhất Thượng Thiên Hoàng Thái Tử Vương Quan.

Dân gian thường gọi là Đức Thánh Cả, tước phong là Đào Tiên Đệ Nhất – Điều Thất Hoàng Thái Tử Vương Quan Thượng Đẳng Tối Linh Thần. Nhưng ông không giáng trần.Quan Lớn Đệ Nhất trực tiếp hầu cận bên phải đền vua cha Bát Hải Động Đình, thay quyền và đại diện cõi nhân gian, thừa hành Tam giới, tâu đối tội phúc nhân danh cõi Thượng Thiên.

Thần tích Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên

Thần tích về Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên liên quan đến việc Vua Cha Bát Hải diệt giặc tại Đền Đồng Bằng: “Khi có giặc ngoại xâm, Hùng Duệ Vương đã sai sứ giả về Hoa Đào Trang để truyền chỉ dụ triệu kỳ nhân dẹp giặc. Lúc đó có một Hoàng Xà hiện ra rồi bỗng hoá thành chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người chính là Phạm Vĩnh, hay còn gọi là Vĩnh Công, tức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Ngài nhận chỉ dụ, nhờ sứ giả báo với Vua Hùng là sẽ tuyển mười tướng, chiêu mộ binh sĩ trong mười ngày, rồi xuất quân đánh giặc trên cả tám cửa biển nước Nam, hứa sau ba ngày là giặc tan.

Tương truyền ngay ngày tuyển mộ đầu tiên, Vĩnh Công đã chọn được ba tướng tức là Quan Lớn Đệ Nhất, Quan Lớn Đệ Tam và Quan Lớn Đệ Tứ, và sau mười ngày thì chon đủ được mười tướng. Trên hai mũi tấn công chủ yếu bằng đường thuỷ của giặc phương Bắc là cửa sông Cái và cửa sông Bạch Đằng. Vĩnh Công đã cùng Quan Lớn Đệ Nhất chặn giặc ở cửa sông Cái, Quan lớn đệ Tam cùng Quân sư Nuồi và Quan lớn đệ Ngũ chặn giặc tại cửa sông Bạch Đằng, Quan Điều Thất phụ trách ứng chiến và phối hợp tác chiến cùng các cánh quân chặn giặc đường bộ của Sơn Thánh, các vị Quan lớn khác đều được phân công đánh giặc trên sáu cửa biển khác của Nước Nam. Đúng hẹn ba ngày, Vĩnh Công cùng tướng sĩ đánh tan giặc dữ trên cả tám cửa biển, đất nước trở lại thanh bình.

Hầu Quan Lớn Đệ Nhất Thượnguu Thiên

Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên thường ít khi về ngự đồng, chỉ những dịp có đại sự như khai đàn mở phủ, tạ phủ, hầu xông đền xông điện thì quan mới về ngự đồng. Khi ngự đồng, ông mặc áo đỏ thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp trạng mã.

Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên

Thông thường khi khai đàn mở phủ, người ta phải thỉnh Quan Đệ Nhất về để pháp sư tuyên sớ điệp sau đó quan phê sớ, phú huý, công cứ rồi tuyên bố khai đàn mở phủ, hoặc quan lớn ngài còn “điểm dấu thánh” (lấy nén hương đã đốt, chấm một dấu nhỏ vào áo công đồng và khăn phủ diện của đồng tân, coi như khăn áo đã được quan lớn đánh dấu là khăn áo của con cái Tứ Phủ, khăn áo đã được “điểm dấu thánh” là của riêng thanh đồng đó, không ai được dùng chung cũng như hạn chế việc thay đổi), cũng có khi Quan Đệ Nhất chỉ về biên sớ sau đó truyền cho các quan sau mở phủ nhưng cũng có khi chính quan lớn về khai giếng mở hồ Thiên Phủ (tức mở phủ Thượng Thiên) gồm: bóc trứng, đập chĩnh, kéo cầu,…và khai quang mã đàn, hình nhân bản mệnh (hồng) và Thiên Phủ (đỏ).

Đền thờ Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên

Do không giáng trần nên Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên không có đền (trước đây) và ngày tiệc chính, nhưng ở trong bất cứ đền nào cũng có tượng ông ngồi giữa trong Ngũ Vị Tôn Quan, mặc áo bào đỏ, đội mũ cánh chuồn.

Mới đây đền thờ Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên đã được xây dựng và hoàn thành, thuộc quần thể di tích đền Đức Vua Cha Bát Hải Đồng Bằng, cách đền Đồng Bằng khoảng 500m, thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Đền thờ Quan lớn Đệ nhất

Đền Quan Lớn Đệ Nhất nằm ở ngay sát Đền Đồng Bằng thờ Vua Cha Bát Hải.

Đền thờ Quan lớn Đệ Nhất

Đền thờ Quan lớn Đệ Nhất tại Thái Bình

Văn Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên.

Dưới đây ban biên soạn có sưu tầm một số bản văn Quan đệ Nhất Thượng Thiên xin gửi tới Quý bạn đọc.

Bản văn Quan Lớn Đệ Nhất thứ nhất

Hương một triện chín lần soi thấu

Giãi lòng trần khải tấu linh thông

Thỉnh mời Đệ Nhất tôn ông

Lai lâm chứng giám điện trung uy hùng

Anh linh lục trí thần thông

Quyền cai tam giới uy phong phép màu

Thượng thiên xe giá lên chầu

Khâm thừa sắc chỉ công hầu ra uy

Nổi cơn mưa gió tức thì

Sấm vang tám cõi mây che ngất trời

Đượm nhuần thiên hạ đôi nơi

Thừa nhàn ông mới dạo chơi các toà

Ba mươi sáu động tiên nga

Bồng Lai tiên cảnh chẳng xa chút nào

Bạn tiên dâng quả bàn đào

Rượu tiên thơ thánh thấp cao đôi tuần

Cung thương làu bậc ngũ âm

Cờ tiên đua nước bách thần nhởn nhơ

Ngọc Hoàng ngự chỉ phán ra

Bước vào bái tạ xuống qua cõi trần

Kíp đòi thổ địa long thần

Hỏi xem thiên hạ vạn dân thế nào

Sớ lên tâu nộp thiên tào

Ngọc Hoàng giá ngự ngôi cao đế đình

Dưới toà thuỷ tế long cung

Vua cha thấy mặt trong lòng yêu tin

Triều thần văn võ đôi bên

Ông tâu các việc thượng thiên lệnh hành

Xuống chầu thuỷ điện long tinh

Mười hai cửa bể cảnh thanh tú mầu

Long xà ngư biếc về chầu

Sóng xô mấy lớp nước triều mấy phen

Uy thanh trấn động kinh thiên

Phút thôi ông đã ngự lên lâm tùng

Có phen giá ngự sơn trung

Thạch bàn xe giá mây rồng tàn che

Dư muôn thú vật cầm thi

Dâng hoa tiến quả bốn bề xôn xao

Bạn tiên mừng rỡ đón chào

Cảnh nào là chẳng mĩ miều thanh tân

Xuống trần vui thú cõi trần

Thiên Đình có khách hồng trần dâng hoa

Dưới thuỷ tề long xà phục củng

Sơn lâm đều mến đức tôn vương

Trải qua thiên hạ bốn phương

Lòng trần khải tấu thắp hương khấn cầu

Tự nhiên ứng biến nhiệm mầu

Hoặc ai số hệ về đâu những là

Đệ tử hiến cúng hương hoa

Khấu đấu vọng bái ông đà độ cho

Sắm sanh gà lợn trâu bò

Đèn hương trầu quả thấu cho cõi lòng

Chí thành hữu cảm tất thông

Sở cầu tất ứng giáng lâm độ trì

Chữ rằng thánh giáng lưu ân

Đa tài đa lộc thiên xuân thọ trường.

Bản văn Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên thứ 2



Bóng kim ô ánh vàng choi chói

Cõi trăng già vời vợi ngôi cao

Trời xanh vằng vặc ngôi sao

Mây tuôn năm sắc đỏ đào bốn phương

Phóng hào quang khắp hòa thiên hạ

Vầng nguyệt soi chiếu cả hư không

Bốn mùa xuân hạ thu đông

Muôn dân mới biết âm dương phép màu

Trên thượng lầu Ngọc Hoàng thái cực

Dưới bách thần chầu chực hôm mai

Ngọc Hoàng ngự cảnh thiên thai

Đền rồng cao ngất cửa đài trang nghiêm

Mới ứng điềm rồng bay phượng múa

Tứ lân vờn thất bộ sao sa

Tám nghìn tiên nữ bách hoa

Sớm khuya chầu chực vua cha Ngọc Hoàng

Trong đền vàng hương bay trầm xạ

Ngoài thành mây khói tỏa nguy nga

Mây rồng năm thức phủ che

Thánh hoàng thái hậu tức thì thụ thai

Năm Bính Dần mồng mười tháng tám

Thái hậu bà sinh giáng tôn ông

Bách quan vọng bái cửu trùng

Châu phê long bút sắc phong thái hoàng

Trên thượng giới tôn quan giáng thế

Vâng sắc trời cứu thế độ dân

Sắc vua phong Thượng đẳng linh thần

Khắp thiên hạ muôn dân đảo cầu.

Trong tám cõi cửu châu vọng bái

Quan độ cho quốc thái dân an

Khâm thừa sắc lệnh vua ban

Sổ sinh, sổ tử liệt hàng châu phê

Đủ mọi bề tài kiêm văn võ

Trong bách thần nào có nhường ai

Lược thao văn võ toàn tài

Đình thần tứ phủ nào ai dám bì

Đức dung nghi bẩm sinh tài thánh

Biến lạ thường đức tính tinh anh

Uy gia khắp hết thiên đình

Làm mưa làm gió mở thành, khai sông

Chuyển trời đất mưa tuôn chớp lói

Nổi cơn giông cây cối đổ xô

Mây tuôn gió thổi mịt mù

Muôn loài quỷ mị làm cho rụng rời

Vang tiếng sét Ông sai lôi giáng

Qúy cùng tà phách tán hồn bay

Tôn quan vạn phép ai tày

Sông Ngân cũng vượt bề dày cũng qua

Gỗ chò hoa sai quân lên lấy

Các cửa ngàn đâu đấy đều kinh

Chúa mường chúa mán thần linh
Thượng ngàn các cửa phục tình làm tôi
Mới thử chơi mưa sa bão giật

Qúy cùng tà xiêu bạt tán đi

Có phen ngự xuống đan trì

Voi vàng ngựa bạc tức thì thưởng quân

Có phen dạo non nhân nước trí

Cảnh bầu trời sơn thủy long lâu

Tôn quan giá ngự thượng chầu

Khuông phù đệ tử sở cầu tòng tâm.

Ngày tiệc Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên

Khánh tiệc đản nhật của Ngài vào ngày 24-8 âm lịch.

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...