Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Sự tích Quan Hoàng Lục

Sự tích Quan Hoàng Lục 

Quan Hoàng Lục là vị quan hoàng thứ sáu thuộc hàng Thập Vị Quan Hoàng, ngài là con trai thứ sáu của vua Cha Bát Hải Động Đình. Sự tích về Quan Hoàng Lục không được lưu lại chính xác, một trong số đó câu chuyện về An Biên Tướng Quân được cho là hiện thân của Quan Hoàng Lục là được lưu truyền rộng rãi hơn cả.

Trong hàng tứ phủ Quan Hoàng, Quan Hoàng Lục ngài đứng sau Quan Hoàng Năm và đứng trước Quan Hoàng Bảy

 Sự tích Quan Hoàng Lục và câu chuyện về An Biên tướng quân

Nếu Thái Bảo Bát Nùng (Quan Hoàng Tám Nùng Chí Cao) được xem là tù trưởng ông vua người Nùng, thì An Biên Tướng quân hiện thân của Quan Hoàng Lục lại được xem là tù trưởng ông vua của người Tày cai quản vùng đất Cao Bằng ngày nay.

Tương truyền Quan Hoàng Lục giáng sinh ngày 10/8/1038 tại xã Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trong một gia đình mấy đời làm tù trưởng. Đến măm 18 tuổi, ngài được cử làm thổ tù vì Quan Hoàng Lục là người khảng khái, trọng nghĩa, khinh tài luôn đem tài sản chia cho dân nghèo, mọi người trong vùng đều quí mến ông. Năm 1053 (thời vua Lý Thái Tông), trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất, Hoàng Lục phối hợp với tướng quân Nùng Chí Cao chủ động đem quân đánh vào đất Tống, đột phá các châu: Châu Quý, châu Uy, châu Khang, châu Đăng, châu Ngô, châu Đoan, châu Hình… gây thiệt hại lớn cho quân Tống.

Quân của Hoàng Lục và Nùng Chí Cao đi đến đâu đều được nhân dân ủng hộ. Khi rút về, Hoàng Lục tiếp tục chuẩn bị lương thực, lực lượng để đối phó với quân Tống.

Đến năm 1075 (thời vua Lý Nhân Tông), quân Tống tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ 2 với mục tiêu phá vỡ tuyến phòng thủ ở Quảng Nguyên. Viên tướng của nhà Tống lúc ấy tên là Quách Quỳ đánh giá: “Quảng Nguyên là cổ họng của Giao Chỉ, có binh pháp mạnh đóng ở đó. Nếu ta không đánh lấy thì khi ta đi sâu vào đất chúng, quân ta sẽ bị đánh cả ở mặt trước và mặt sau”. Biết trước âm mưu xâm lược nước Đại Việt của nhà Tống, vua Lý Nhân Tông với chiến thuật “Tiên pháp chế nhân” đã cử Thái uý Lý Thường Kiệt xuất quân tiến đánh, đốt phá kho tàng của quân Tống ở vùng châu Khâm, châu Liêm nhằm làm giảm ý chí xâm lược của nhà Tống.

Nhận được mật lệnh của Thái uý Lý Thường Kiệt, Hoàng Lục cùng Tôn Đản, Nùng Chí Xuân trở thành bộ tướng dũng mãnh của Lý Thường Kiệt tung hoành ngang dọc trên đất Tống. Phá tan âm mưu xâm lược nước Đại Việt của nhà Tống, Lý Thường Kiệt ra lệnh rút quân về nước xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt và tin cậy giao cho Hoàng Lục trấn giữ vùng Đông Bắc từ Quảng Uyên đến Phục Hoà. Với nhận định của Quách Quỳ thì trận đánh ở Quảng Nguyên có tính chất quyết định. Trấn giữ vùng Quảng Nguyên lúc này là Lưu Kỷ – một viên tướng có kinh nghiệm đánh vùng rừng núi của nhà Lý với 5.000 binh mã. Khi quân Tống dưới sự chỉ huy của Phó tướng Yên Đạt ồ ạt tấn công vào Quảng Nguyên đã gặp phải sự đánh trả quyết liệt của quân Hoàng Lục và Lưu Kỷ. Theo lưu truyền trong dân gian thì chính khu vực đền thờ hiện nay là nơi Hoàng Lục lập trận địa để chặn bước tiến của quân xâm lược Tống. Dấu tích còn sót lại đến ngày nay là những ụ, thành đất hình chữ nhật, hình xoáy trôn ốc nằm rải rác dọc hai bên bờ sông Quây Sơn, cách đền khoảng 1 km.

Đền thờ Quan Hoàng Lục  An Biên Tướng Quân

Quan Hoàng Lục hóa ngày 22/4/1088 tại Phục Hoà, quân sĩ và nhân dân đã tổ chức đưa hài cốt ông về chôn cất tại quê hương Lũng Đính. Với những công lao to lớn trong việc gìn giữ biên cương, Hoàng Lục được phong An Biên tướng quân. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân vùng Lũng Đính đã xây dựng đền thờ ông trên núi Đoỏng Lình. Đền thờ Hoàng Lục đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vào năm 2004.

An Biên Tướng Quân Quan Hoàng Lục

Đền thờ An Biên Tướng Quân Quan Hoàng Lục

Quan Hoàng Lục là một tướng giỏi có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, được triều đình nhà Lý phong chức An Biên tướng quân, thống lĩnh quân mã để bảo vệ biên cương phía Bắc. Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, việc xác định đền thờ Hoàng Lục được khởi dựng từ khi nào vẫn chưa được làm sáng tỏ, song kiến trúc còn lại của ngôi đền là hai gian nhà cấp 4 (kiểu chữ nhị) khá rộng với diện tích khoảng 100 m, vì kèo quá giang bằng gỗ, mái lập ngói âm dương, cửa đền quay ra hướng Nam, phía trên điện thờ có hoành phi ghi: “Tư cách chi thần“.

Hai bên có hai câu đối:

“Thần uy nghiêm dực hành đất Tống
Thánh đức anh linh phổ Việt Thanh”.

Gian tiền đường và hậu cung được ngăn cách bằng một bức tường dày. Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, trước đây trong đền có tượng Hoàng Lục bằng đồng, hai bên có tượng quan văn, quan võ bằng đất và chuông đồng, hậu cung có nhiều bệ thờ và bát hương, nhưng các hiện vật này đã bị thất lạc. Giá trị còn lại của ngôi đền chính là ở chất liệu xây dựng. Đền được đắp trình tường bằng đất sét trộn với mật mía rất công phu. Đến nay, các bức tường vẫn còn vững chắc, đặc biệt vẫn còn lưu giữ được 4 sắc phong của triều Nguyễn phong cho những người canh giữ đền đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

 

Ghi nhớ công lao của An Biên tướng quân Hoàng Lục, hằng năm cứ vào 14, 15 tháng Giêng nhân dân trong vùng lại mở hội lớn tại đền.

  • Ngày 14, các nghi thức phần lễ được tiến hành, như: Dâng lễ vật, đọc văn tế với nội dung ca ngợi công lao của Hoàng Lục đã có công gìn giữ vững chắc một dải biên cương của Tổ quốc; Tiếp theo là cầu phúc, cầu lộc cho dân chúng một năm mới vạn sự tốt lành.
  • Ngày 15, các trò chơi dân gian được diễn ra sôi nổi, như: Tung còn, múa Kỳ lân, hát văn nghệ… Đến mùa thu, khi mùa màng đã thu hoạch xong, người dân địa phương lại chọn ngày tốt mổ lợn, làm xôi dâng lên đền để tạ ơn.

Hầu giá Quan Hoàng Lục

Không giống như những vị quan hoàng khác, Quan Hoàng Lục rất ít khi về ngự đồng. Chỉ khi nào đến ngày tiệc chính hoặc thỉnh ông tại đền thờ chính thì ông mới về ngự đồng. Khi về ngự đồng, ông mặc áo đỏ, cũng có nơi khi hầu đồng quan mặc áo đen hoặc áo xanh thêu rồng hình chữ thọ và khoác áo choàng. Khi làm việc, ông khai quang, múa cờ, múa kiếm. Rồi ngự tửu nghe văn và xe giá.

Quan Hoàng Lục

Quan Hoàng Lục

 

Bản văn Quan Hoàng Lục

Chính quê Trùng Khánh Cao Bằng
Có quan Hoàng Lục giáng phàm tối anh linh
Cõi trần gian hữu tình hữu cảnh
Đất Cao Bằng – Trùng Khánh tựa cõi tiên
Lý triều có Đại tướng An Biên
Tiễu trừ giặc Tống giữ yên cõi bờ
Nước Nam Việt đẹp như huyền thoại
Sách trời ghi sáng mãi sử oai hùng
Đức Hoàng Lục ngài thông thạo kiếm cung
Vâng lệnh Thái Úy giữ vùng biên cương
Mười tám tuổi am tường binh pháp
Thông kinh thư sử sách làu làu
Khắp hòa tam thập lục châu
Nức danh gia thế đẹp câu thuận hòa
Khai quang thậm thì diệu
Quang minh chứng đàn duyên
Ngã tích tang cúng dàng
Kim phụng hoàng lân cận
Phật Thánh Chúa Tiên trung vương.
Hoàng Lục có lệnh truyền ra
Các quan thủy bộ cùng là chư dinh
Chuyên cần luyện tập quân binh
Đánh đông dẹp bắc tung hoành mọi nơi
Thái Úy Lý Thường Kiệt đức vời vời sáng
Nhận thấy Hoàng tỏa rạng mưu cơ
Ban cho nào kiếm nào cờ
Cùng ban mật lệnh bất ngờ xuất quân
Dùng chiến thuật chế nhân tiên pháp
Phá kho tàng tiến đánh Tống bang
Châu Liêm cùng với châu Khâm
Xua quân xung kích thỏa tầm trông xa
Sông Như Nguyệt dựng ra phòng tuyến
Dẹp âm mưu xâm chiếm nước ta
Từ Quảng Uyên đến Phục Hòa
Hoàng Lục trấn giữ gần xa thỏa lòng
Mậu Tuất Lý Nhân Tông Chính Hạ
Hoàng Lục ngài từ giã nhân gian
Đoỏng Lình dân lập ngôi đền
Khắp vùng Lũng Đính muôn miền khói nhang
Đức Hoàng Lục độ oan cứu khổ
Ngài hiển linh phù trợ trần gian
Tội công (Ai tội, ai công) ngài biên chép rõ ràng
Tiễu trừ kẻ ác phục hàng quỷ ma
Cũng có lúc Ngài ra trợ phép
Giúp cho người đẹp nết thảo ngay
Có khi dạo gót đông tây
Câu thơ Thái Úy sẵn bày cuộc ngâm
Ngài ngâm rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Đấng anh linh phong tư tài mạo
Rạng vẻ ngoài mũ áo cân đai
Độ cho hai chữ Lộc Tài
Độ cho già trẻ gái trai cát tường
Phép thần thông hô phong hoán vũ
Tài kinh bang tế thế chuyển luân
Nức lòng tướng sĩ ba quân
An Biên đại tướng muôn dân phụng thờ

Ngày tiệc Quan Hoàng Lục

Trong tứ phủ thì ngày tiệc của Quan Hoàng Lục là ngày 19/4. Vì ngài không mấy khi ngự đồng nên rất ít người biết, thậm chí là không biết.

——————

Ngoài sự tích Quan Hoàng Lục An Biên Tướng Quân, dân gian còn biết tới một số sự tích khác được cho là hiện thân của Quan Hoàng Lục gồm Quan Hoàng Lục Thanh HàQuan Hoàng Lục Trần Nhật Duật.

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Quan Lớn Tuần Tranh

Quan Lớn Tuần Tranh còn gọi là Đệ Ngũ Tuần Tranh hoặc Ông Lớn Tuần Tranh là vị Quan lớn đứng hàng thứ năm trong hàng Ngũ vị Tôn Quan (sau hàng Tam Tòa Thánh Mẫu) cũng cuối cùng xếp sau Quan lớn Đệ Tứ Khâm Sai. Ngài là vị tướng tài ba danh tiếng lẫy lừng, nắm quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh được nhân dân nhất mực tôn kính phụng thờ.

Sự tích Quan Lớn Tuần Tranh vào thời Hùng Vương

    Sự tích cho rằng Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh là con trai thứ năm của Vua Bát Hải Động Đình, ngài giáng dưới thời vua Hùng Định Vương trong Hùng Triều Thập Bát, vào một gia đình ở tại phủ Ninh Giang (Hải Dương). Ngài cũng là vị tướng quân tài ba kiêm lĩnh thuỷ bộ, được giao quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh. Tại nơi đây ngài đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong công hầu. Tại quê nhà, ông có cảm tình với một người thiếu nữ xinh đẹp, người thiếu nữ ấy vốn là vợ lẽ của quan huyện ở đó, nhưng vốn không hạnh phúc với cảnh “chồng chung”, nàng cũng đáp lại tình cảm của ông mà không hề nói cho ông biết là nàng đã có chồng. Vậy nên Quan Lớn Tuần Tranh vẫn đinh ninh đó là một tình cảm đẹp, hẹn ngày đưa nàng về làm vợ. Đến khi viên quan huyện kia biết chuyện, vu oan cho ông đã quyến rũ vợ mình. Quan Tuần Tranh bỗng nhiên mắc hàm oan, bị đem đày lên chốn Kì Cùng, Lạng Sơn. Tại đây, ông đã tự sát mong rửa oan, chứng tỏ mình vô tội, ông hoá xuống dòng sông Kì Cùng.

    Về lại nơi quê nhà, ông hiện thành đôi bạch xà, thử lòng ông bà nông lão, sau đó được ông bà nông dân nuôi nấng như thể con mình. Nhưng khi quan phủ biết chuyện ông bà nông lão tậu gà để nuôi đôi bạch xà, liền bắt ông bà phải lên cửa công chịu tội và giết chết đôi rắn kia đi. Hai ông bà thương xót, xin thả rắn xuống dòng sông Tranh, lạ thay khi vừa thả đôi bạch xà xuống thì chỗ đó tạo thành dòng xoáy dữ dội. Đến thời Thục Phán An Dương Vương, vua tập hợp thuyền bè để chống Triệu Đà ở ngay bến sông Tranh, nhưng tại chỗ dòng xoáy đó, thuyền bè không tài nào qua được mà lại có cơn giông tố nổi lên giữa dòng. Vua bèn mời các vị lão làng đến lập đàn cầu đảo thì lập tức sóng yên bể lặng, hơn nữa, quân sĩ ra trận cũng được thắng to. Ghi nhớ công đức, vua Thục giải oan cho ông và phong là Giảo Long Hầu. Sau này ông còn hiển thánh linh ứng, có phép nhà trời, cai quản âm binh, ra oai giúp dân sát quỷ trừ tà, dẹp hết những kẻ hại nước hại dân.

Truyền thuyết khác về Quan Lớn Tuần Tranh

Theo truyền thuyết, ngày xưa lưu truyền tại khu vực Đền Ninh Giang ngày nay: Ngày xưa ở làng Lạc Dục, huyện Tứ Kỳ có hai vợ chồng nhà nghèo, đã già mà chưa có con. Một hôm người chồng cuốc vườn bắt được ở cạnh bụi cây 2 quả trứng, ngỡ là trứng chim nên đem đi cất cẩn thận. Ngờ đâu, 2 quả trứng nở thành 2 con rắn. Người vợ sợ quá, định đem giết đi nhưng người chồng không nghe, nói rằng có lẽ trời cho ta khuây khỏa cảnh già đây. Quả nhiên, hai con rắn quấn quýt với 2 vợ chồng ông già. Một hôm ông cuốc đất, 1 con nhảy vào đùa nghịch, bị ông cuốc cụt đuôi (Về sau khi linh ứng, dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Ông Cộc, Ông Dài). Nhưng phải một nỗi, 2 con rắn ấy chỉ ăn gà thôi. Ông già đi ăn trộm gà cho chúng ăn nhiều rồi, sau sợ hàng xóm biết thì phải tội nên đành phải mang 2 con rắn vứt xuống sông Tranh. Chỗ vứt 2 con rắn ấy về sau sóng xoáy dữ lắm. Một hôm có bà công chúa muốn qua sông nhưng nớưc xoáy dữ, thuyền không qua được. Sau theo lời quan, dân sở tại đòi 2 vợ chông ông già đến hỏi chuyện. Bà lão sợ quá, bèn lấy 2 nắm cơm vứt xuống sông và nói rằng “con ơi, con có thương mẹ thì đừng nổi sóng nữa để mẹ khỏi tội”. Bà vừa nói xong thì sóng yên lặng.

Về sau có ông quan phủ tên là Trịnh Thường Quân được bổ về Ninh Giang. Ông lấy một người vợ lẽ đẹp lắm. Một hôm bà đi chơi thuyền trên sông Tranh, gặp một người dưới nước lên đòi lấy bà làm vợ. Bà nhất định không nghe. Đêm về, đang ngủ, bỗng lại thấy người đó hiện vào phòng, nhất định đòi lấy. Bà đem chuyện này nói với quan Phủ. QUan Phủ cũng lấy làm lạ nên phòng giữ cẩn thận. Một hôm ngài có việc quan đi vắng, đến luúc về thì thấy buồng không. Quan Phủ lấy làm phiền lắm, bèn từ chức, ngày ngày ra bờ sông Tranh tìm vợ. Sau gặp một ông Tiên tên là Quỷ Cốc ở miền Hải Quốc mách rằng bà Phủ đã bị Hoàng tử thứ 5 của Vua Thủy bắt xuống làm vợ rồi. Tiên Quỷ Cốc nghĩ thương tình quan Phủ nên giúp sức cho xuống được điện Vua Thủy mà kêu, Tiên cũng kêu hộ. Sau Vua Thủy cho cả hai vợ chồng về rồi bắt Hoàng tử thứ 5 đem đày ra sông Tranh. Từ đó dân ở 2 bên bờ thấy có nhiều điều kỳ dị nên lập đền thờ, gọi là đền Tranh. Dân quanh bến hoặc thuyền bè xuôi ngược qua đây nếu gặp sóng gió đều kêu cầu, sóng gió sẽ êm. Ai có cầu kiểu gì cũng đều linh ứng. Thỉnh thoảng những đêm trong sáng, có người trông thấy một thanh niên mũ áo từ trong đền đi ra. Người ta liền kháo nhau, đó là Quan lớn Tuần Tranh. Về sau, do có nhiều công giúp dân buôn thuyền, bán bè, qua sông bình an, may mắn nên vị thần được tôn là: Quan “đệ ngũ Tranh Giang Hoàng hợp tôn thần”. Đền Tranh có tiếng linh thiêng, cầu việc gì được việc ấy nên khách đến lễ ngày càng đông…

Kể về nỗi oan Quan Lớn Tuần Tranh

Nói về nỗi oan của Quan Lớn Tuần Tranh khi dâng văn có đoạn:

“Nào ngờ đâu đất trời thay đổi
Người anh hùng mang tội xiềng gông
Tháng năm đày chốn Kì Cùng
Oan vì tuyết nguyệt đổi lòng ái ân
Trước cung điện triều đình tra xét
Bắt long hầu truyền hết mọi nơi
Oan vì bướm lả ong lơi
Triết hoa đoạt vũ tội trời không dung
Lệnh viễn xứ sơn cùng thuỷ kiệt
Nỗi oan này có thấu cao minh
Áo bào đã nhuộm chàm xanh
Tấm thân bách chiến tử sinh lẽ thường”

Hầu Quan Lớn Tuần Tranh khi ngự đồng

Trong hàng Ngũ Vị Tôn Quan, cùng với Quan Lớn Đệ Tam, Quan Lớn Đệ Ngũ cũng là một vị quan lớn danh tiếng hết sức lẫy lừng, được nhân dân xa gần tôn kính phụng thờ. Tuy trong hàng Năm toà Quan Lớn, ông được thỉnh cuối cùng nhưng lại hay ngự về đồng nhất. Bất cứ ai hầu Tứ Phủ, bất cứ dịp lễ tiệc, đàn tràng nào cũng đều phải thỉnh Quan Lướn Tuần Tranh về ngự.

Quan lớn Tuần Tranh

Quan Lớn Tuần Tranh giá ngự về đồng.

Khi loan giá ngự đồng ông mặc áo lam thêu rồng, hổ phù. Sau khi làm lễ tấu hương, khai quang, ngài chứng sớ tán đàn rồi múa thanh long đao. Khi có đại đàn mở phủ hay bất cứ lễ tiệc nào, sau khi thỉnh các Quan lớn về, đều phải đợi đến khi giá Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh về chứng một lần hết tất cả các đàn mã sớ rồi mới được đem đi hoá.

>>> Xem thêm: Đệ Ngũ Vương Quan

Đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh

Quan Lớn Tuần Tranh cũng được thờ ở rất nhiều nơi, đền nào cũng có ban Ngũ vị Tôn Quan thờ ngài, tuy nhiên để nói về đền chính thờ thì phải kể đến hai nơi nổi tiếng bậc nhất:

    • Đền Ninh Giang hay Đền Quan Lớn Tuần Tranh lập bên bến sông (bến đò) Tranh ở Ninh Giang, Hải Dương (là nơi chính quán quê nhà của ông, nơi ông trấn giữ duyên hải sông Tranh, cũng là nơi ông hiển tích).
    • Đền Kì Cùng lập bên bến sông Kì Cùng, qua cầu Kì Lừa (là nơi ông bị lưu đày).

Quan Lớn Tuần Tranh

Quan đệ Ngũ Tuần Tranh

Đền Tranh thờ Quan Lớn Tuần Tranh

Tiệc Quan Lớn Tuần Tranh

Ngày tiệc chính của quan là ngày 25/5 âm lịch (là ngày ông bị lưu đày và bảo nhân dân quê ông làm giỗ vào ngày này), ngoài ra vào ngày 14/2, các đền thờ ông cũng mở tiệc đón ngày đản sinh của quan.

Văn Khấn Quan Lớn Tuần Tranh

(Bản văn Tham khảo)

Nam mô A di đà phật !

Nam mô A di đà phật !

Nam mô A di đà phật !

Hương tử chúng con thành tâm

Kính lạy: Tam tòa Đức Thánh Mẫu

Kính lạy: Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh, cộng đồng các quan.

Hôm nay là ngày …. nhằm tiết xuân/hạ/thu/đông thiên cát nhật

Tín chủ con là ………..

Ngụ tại:……………………………

Cùng toàn thể gia đình nhất tâm nhất lễ đến trước cửa Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh cùng cộng đồng các quan,nhất tâm một lòng một dạ chấp tay kính lễ khấu đầu vọng bái. Nhất tâm nhất lễ kính dâng lên Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh cúi xin ngài xét thương cứu độ cho gia chung chúng con già được mạnh khỏe, trẻ được bình an, cầu tài được tài, cầu lộc được lộc, cầu bình an được bình an. Cúi xin quan lớn che chở cho bốn mùa được bình an tứ thời được thanh tâm an lạc.

Nam mô a di đà phật! (3 lần)

Các bản văn Quan Lớn Tuần Tranh

Bản văn Quan Lớn Tuần Tranh thứ 1

Đệ tử tôi khấu đầu củng thủ
Tiến văn chầu đệ ngũ Tuần Tranh
Uy gia lẫm liệt tung hoành
Trừ tà sát quỷ nên danh tướng tài
Cảnh thiên thai Quan Tuần giá ngự
Các bộ nàng tiên nữ dâng hoa

Ninh Giang chính quán quê nhà
Danh lam cổ tích ngự tòa ngôi cao
Đấng anh hào cổ kim lừng lẫy
Khắp mọi miền đã dậy thần cơ
Cửa sông đâu đó phụng thờ
Kỳ Cùng lại nổi đền thờ Tuần Tranh


Cảnh am thanh nhiều bề lịch sử
Vốn đặt bầy tự cổ dĩ lai
Có phen chơi chốn thiên đài
Đào, Lan, Quế, Huệ vui vầy xướng ca
Trên bát ngát Long, Xà, Hổ phục
Dưới tam đầu cửu khúc chầu lên


Lân rờn Phượng múa đôi bên
Thỉnh ông Đệ Ngũ ngự trên sập rồng
Sắc vua phong kiêm tri tam giới
Hay tróc tà sát quỷ trừ tinh
Quan Tuần vạn phép muôn linh
Quyền ông cai quản thiên binh nhà trời


Ngự đồng chơi minh quyền bóng quý
Nương uy trời thuỵ khí đoan trang
Quan Tuần hiển hách uy quang
Ra tay tế độ trần gian được nhờ
Lúc bấy giờ ra uy hùng hổ
Nương uy trời cứu độ sinh nhân
Đùng đùng nổi trận phong vân
Thượng đồng ban phép cứu dân trừ tà


Khắp gần xa bách quan đều phục
Ai có lòng hưởng phúc hà sa
Dù ai bệnh hạn không qua
Cầu quan Đệ Ngũ bệnh đà tan không
Nay dốc lòng ơn ông vạn bội
Hoặc ai mà nhầm lỗi truyền tha
Hay là cách trở giang hà
Cầm cờ chỉ núi núi đà tan không


Tiếng nức danh tung hoành dũng lược
Cảnh non bồng nước nhược bồng lai
Khi chơi bạn trúc bạn mai
Bàn loan tiệc ngọc vui vầy sướng ca
Các bộ nàng ra tay bẻ quế
Quan dạo chơi thành thị hồ tiên
Ba nghìn thế giới dư thiên
Tiếng Quan Đệ Ngũ khắp miền đông tây


Uy ra thổi gió thét mây
Phép ông ứng hiện đổ cây tốc nhà
Bốn phương hoà đội ơn đức cả
Ai có lòng hỉ xả từ bi
Phút thôi ông lại biến đi
Cưỡi tướng Bạch Hổ lên chầu thượng thiên

Khi cầm quyền còn đương tra sổ
Hay ông còn đổi sổ cho ai
Thiên binh văn võ gồm tài
Đức ông lịch sự đáng trai anh hùng
Đêm ngày giữ việc thuỷ cung
Đợi lệnh cửu trùng cứu trợ sinh nhân

Ai mà cầu nhân đắc nhân
Cầu phúc đắc phúc bản thân điều hoà
Kiên tri tam giới các toà
Ông về giáng ngự xướng ca điện tiền
Chữ thập biến làm chữ thiên
Phù hộ đệ tử thiên niên hoà hài

Một nguyện giáng phúc trừ tai
Đồng gia nam nữ ai ai thịnh cường
Hai nguyện buôn bán trăm đường
Tiền vàng lưu loát bạc vàng đề đa
Nguyện thứ ba công hầu cập đệ

Hộ tiểu tôi phú quý giầu sang
Bốn nguyện quốc phú dân an
Can qua ninh tỉnh dân an thái bình
Ông về linh giáng điện đình
Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường.

Bản văn Quan Lớn Tuần Tranh thứ 2:

Việt sử chép Hùng triều thập bát
Cảnh địa linh Bạch Hạc Phong Châu
Dựng nền xã tắc dài lâu
Nhớ ơn tiên tổ đời sau giữ gìn

Vừa gặp hội bể yên sóng lặng
Triệu bách thần gia tặng phong công
Quan Tuần Tranh lẫm liệt oai hùng
Cứu dân hộ quốc nên công hàng đầu

Giảo Long hầu khâm ban sắc tứ
Trấn Ninh Giang thuỷ bộ chư danh
Bao phen đắp luỹ xây thành
Khắp miền duyên hải sông Tranh nức lòng

Tài cung kiếm sánh cùng võ tử
Đức kinh luân ví tựa Trương Tô
Phong lưu mã thượng giang hồ
Cung cầm dưới nguyệt con đò trên sông

Chí đã quyết ngoài vòng cương toả
Hay đâu là duyên nợ ba sinh
Buồng xuân thiếu bạn chung tình
Thoả lòng tráng sĩ tài danh phỉ nguyền

Thề non nước nên duyên kì ngộ
Bỗng đâu ngờ mắc nợ oan khiên
Tin đâu khẩn cấp ban truyền
Quan quân tầm nã khắp miền sông tranh

Có ngờ đâu đất trời thay đổi,
Người anh hùng cổ nặng xiềng gông.
Ngài bị bắt giam ở chốn Kỳ Cùng
Quan oan vì tuyết nguyệt, bởi lòng ái ân

Trước cung điện, triều đình tra xét,
Bắt long hầu chuyển khắp mọi nơi.
Ngài oan vì ong bướm lả lơi,
Chiết hoa, đoạt phụ tội trời không dung.

lệnh viễn xứ sơn cùng, thuỷ kiệt,
Nỗi oan này thấu tỏ hỡi cao minh.
Hoàng bào đã nhuộm chàm xanh
Tấm thân đành nhẹ, nhục vinh lẽ thường

Đường thiên lý quan san bỡ ngỡ
Hỏi trăng già có tỏ cho ai
Hỏi trăng hỏi gió hỏi trời
Hỏi rằng nguyệt lão trêu người vì đâu

Hỏi cây cỏ sao mưa dầu nắng dãi,
Vẫn vươn mình há ngại phong ba.
Cỏ cây ơi có thấu tỏ lòng ta,
Sơn cùng thuỷ kiệt sương sa lạnh lùng

Thà thác vinh còn hơn sống nhục,
Sông Kỳ Cùng tắm ngọc Côn Sơn
Kiệt Cùng hiu hắt trăng non
Sông Cùng trong đục nước tuôn đôi dòng

Ngẫm cảnh vật lòng đau như cắt
Nợ trần hoàn quyết dứt cho xong
Lòng riêng đã quyết với lòng
Mượn dây oan nghiệt cho xong tội trời

Rừng hoa cỏ thương người đã khuất
Bỗng đùng đùng gió giật mưa sa
Nỗi oan chuyển động đất trời
Dây oan kia biến thành đôi bạch xà

Đất Ninh Giang tìm nhà hữu phúc
Thử lòng người trong lúc lánh thân
Tháng hai vừa tiết trung tuần
Thử lòng ông lão mộng thần ứng ngay

Tỉnh giấc mộng mới hay sự lạ
Đôi bạch xà tựa cửa hai bên
Long xà kì dị thảo hiền
Từ khi xuất hiện vui thêm cửa nhà

Ba tháng sau đàn gà đã hết
Thương rắn hiền không biết lo sao
Khó khăn âu cũng tính liều
Ông bà nông lão sớm chiều đông tây

Bỗng một buổi tai bay hoạ rủi
Hai ông bà mắc tội cửa công
Lệnh nghiêm sấm sét đùng đùng
Tậu gà nuôi rắn không dung tội này

Lệ nuốt lệ đắng cay xiết kể
Thương rắn thần tựa thể thương con
Khấu đầu tạ trước công môn
Xin đem đôi rắn thả luôn giữa dòng

Cơn phong vũ ầm ầm nổi dậy
Sóng bạc đầu nước xoáy mênh mông
Long xà thoát xuống thuỷ cung
Nước rẽ đôi dòng cuồn cuộn chứa chan

Khắp duyên hải sấm ran từ đấy
Bóng long hầu nổi dậy nơi nơi
Những phường bán nước hại nòi
Gian tà quỷ quyệt tội trời không tha

Dìm đáy nước về toà thuỷ tộc
Tội gia hình bõ lúc sai ngoa
Lẽ thường tội báo oan gia
Hại nhân nhân hại sự đà không sai

Nước Văn Lang vào đời Thục Phán,
Giặc Triệu Đà có ý xâm lăng,
Triều đình ra lệnh tiến binh,
Thuyền bè qua bên sông Tranh rợp trời.

Bỗng nổi trận phong lôi bão táp
Ba quân đều sợ hãi khiếp kinh
Hỏi ra mới biết sự tình
Thiết bày hương án lễ trình bên sông

Mời trưởng lão trong vùng thôn xóm
Khấn vừa xong gió lặng sóng yên
Uy linh sự đã hiển nhiên
Lệnh truyền dân xã lập đền bên sông

Công hộ quốc gia phong thượng đẳng,
Tước phong hầu truy tặng Đại vương,
Bảng vàng thánh thọ vô cương
Hiếu trung tiết nghĩa đôi đường vẹn hai.

Gương anh hùng muôn đời soi tỏ,
Đất Văn Lang thiên cổ anh linh,
Bao phen đắp luỹ xây thành,
Khắp miền duyên hải, sông Tranh nức lòng.

Bản văn Quan Lớn Tuần Tranh thứ 3

Quyết mở đường dân an quôc thái
Dựng cơ đồ vạn đại cao sơn
Nhớ xưa tích cũ nhiệm màu
Quan Lớn Tuần trắc giá ngự đầu kim tinh


Tuổi niên thiếu đao binh yên ngựa
Sống vì đời thác trợ muôn dân
Sinh làm tướng thác làm thần
Dấu thiêng ghi để muôn dân phụng thờ
Gương đã tỏ soi đời càng tỏ
Trấn Ninh Giang vạn cổ anh linh


Bao phen đắp lũy xây thành
Khắp miền duyên hải sông Tranh nức lòng
Quan Lớn Tuần đánh Đông dẹp Bắc
Đã quyết lòng đánh giặc ghi công
Làm trai đáng mặt anh hùng
Sông Thương đột phá treo cung non Đoài


Gương anh khí sáng ngời muôn thủa
Chí hào hùng rạng rỡ non sông
Vinh quang thay nòi giống tiên rồng
Muôn dân ghi nhớ Quan Tuần ngài tài cao

Thơ:

Sông Tranh ơi hỡi sông Tranh,
Non nước còn ghi trận tung hoành,
Lẫm liệt oai hùng gương tráng sĩ,
Ngàn thu ghi để dấu oai linh.


Ai về qua bến sông Tranh,
Nhớ người tráng sĩ tài danh tuyệt vời.
Dẫu rằng nước chảy hoa trôi,
Sông Tranh dù cạn, ơn người còn ghi.


Loa đồng hỏi nước sông Tranh,
Long đao cứu nước, anh hùng là ai?
Sông Tranh đáp tiếng trả lời,
Có Quan đệ ngũ, chính người Ninh Giang


Nước sông Tranh đêm ngày vẫn chảy
Sóng tuôn trào cuồn cuộn về đâu
Chúng con nhớ người tráng sĩ lập lên công
Ngàn năm ghi nhớ Quan Tuần tài kiêu


Ngựa chiến xông pha đao thần ra trận
Sinh tử vì đời trung hiếu đạo vua tôi

Sự tích Quan Hoàng Năm

 5 Quan Hoàng Năm Tướng quân Hoàng Công Chất

Quan Hoàng Năm hay còn được gọi là Quan Hoàng Ngũ, là vị Quan Hoàng thứ 5 thuộc hàng Tứ phủ Quan Hoàng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Vậy Hoàng Công Chất là ai và có liên quan gì tới Quan Hoàng Năm, hy vọng qua bài viết này sẽ một phần nào giúp các bạn giải đáp thắc mắc này.


Sự tích Quan Hoàng Năm

Quan Hoàng Năm không giáng trần nên không có đến thờ riêng và cũng không có thần tích về ngài. Ngài có nhiệm vụ gì trên thiên cung cũng không ai được rõ và cũng không ai biết Ngài có thể phù hộ cho dương gian được những điều gì. Đó là những gì các cụ đồng cựu kể. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng Ngài có giáng trần và hiện thân của Ngài chính là Tướng Quân Hoàng Công Chất.

Quan Hoàng Năm

Câu chuyện về tướng quân Hoàng Công Chất

Theo Minh đô sử, năm 1739, hai tướng Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu đi theo Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển hoạt động trong vùng Sơn Nam. Sau khi quân Nguyễn Cừ bị đánh bại, Hoàng Công Chất đã tụ tập lực lượng riêng tiếp tục hoạt động ở Sơn Nam. Quân khởi nghĩa giỏi thuỷ chiến, thường ra vào nơi cỏ rậm bùn lầy không để lại dấu tích.

Năm 1740, chúa Trịnh cử các tướng Hoàng Công Kỳ và Phạm Trần Tông mang quân đánh Hoàng Công Chất ở đất Công An nhưng không nổi.

Năm 1743, Hoàng Công Chất lại chống cự thành công cuộc bao vây của thống lĩnh Trương Nhiêu. Quân triều đình lại buộc phải rút về. Cuối năm đó, chúa Trịnh Doanh sai sứ đi chiêu an, đòi Hoàng Công Chất phải về yết kiến. Chất cự tuyệt, chiếm giữ phủ Khoái Châu (Hưng Yên). Trịnh Doanh bèn điều Đinh Văn Giai mang đại quân đi dẹp, quân khởi nghĩa thất bại nặng nề ở Đỗ Xá nhưng vẫn giữ được Khoái Châu.

Năm 1745, quân khởi nghĩa tập kích bắt và giết chết trấn thủ Sơn Nam là Hoàng Công Kỳ. Hoàng Công Chất mang quân đánh phá các huyện lân cận và phối hợp với quân khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu.

Năm 1750, Hoàng Công Chất liên kết với một thủ lĩnh khởi nghĩa giáp biên giới Vân Nam (Trung Quốc) là Thành, quân triều đình do Đinh Văn Thản tới đánh không dẹp nổi. Năm 1751, Thản chết, Lê Đình Châu được cử thay. Tháng 6 năm 1751, Lê Đình Châu đánh bại Hoàng Công Chất t và Thành. Thành bị bắt, Chất rút lên động Mãnh Thiên, châu Ninh Biên, tức là Mường Thanh (Điện Biên ngày nay), xây dựng căn cứ kháng cự lâu dài.

Tại đây quân khởi nghĩa đã lấy thành Tam Vạn do người Lự xây dựng trước đó (tiếng Thái gọi là Sam Mứn) làm đại bản doanh. Tương truyền tên gọi Tam Vạn là do trong thành có thể chứa 3 vạn quân, có thuyết nói rằng vì trong thành có 3 vạn cối giã gạo.

Sau đó nhận thấy thành Tam Vạn ở địa thế bất lợi, Công Chất xây thành Bản Phủ làm căn cứ. Hoàng Công Chất rất được lòng dân bản địa. Ông đánh tan quân giặc cướp, phát triển lực lượng ra khắp miền Tây Bắc, chia ruộng cho dân nghèo, lôi kéo những người đứng đầu ở các châu mường. Dân gian vùng này còn truyền câu hát:

“Dưới xuôi có vua
Trên này có chúa
Những miền từ Mường Puồn, châu Ét
Từ Đà Bắc, chợ Bờ
Lại phía trên từ chợ Xo, La trở xuống
Tất cả đều quy phục chúa Mường Thanh…
… Chúa thật lòng yêu dân
Chúa xây dựng bản Mường
Mọi người đều yên ổn…”

 

Thành Bản Phủ nơi tướng quân Hoàng Công Chất đóng quân

Quân khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ngoài người Kinh còn có cả người dân tộc thiểu số. Người bản xứ gọi ông là “Then Chất” (tiếng Thái là “Thiên Chết”) với ý tôn kính. Trong “Quám tổ Mường” (sử người Thái ở Tây Bắc) gọi ông là “vua Hoàng”. Các tướng dưới quyền Công Chất nổi danh có: Bun Xao, Cầm Phẳn,.anh em Ngải, Khanh, cha con Cầm Tom, Cầm Phanh.

Quân của Hoàng Công Chất có thời gian phối hợp với lực lượng khởi nghĩa của hoàng thân Lê Duy Mật. Từ Tuần Giáo, Điện Biên trở lên thuộc phạm vi Hoàng Công Chất , phía nam từ Mộc Châu tới Văn Chấn thuộc quyền Lê Duy Mật.

Từ động Mãnh Thiên, quân khởi nghĩa đánh ra xung quanh, làm chủ 10 châu Yên Tây, ngày nay thuộc địa bàn Lai Châu và một phần Vân Nam (Trung Quốc). Cuối năm 1767, Công Chất từ Yên Tây đánh xuống chiếm châu Mộc (Sơn La), châu Mai (Hoà Bình), lại chia quân tiến xuống thượng du Thanh Hóa. Các trấn thủ Thanh Hóa, Hưng Hoá cáo cấp, chúa Trịnh Sâm huy động các tướng Trịnh Phưởng, Đinh Văn Phục, Hoàng Đình Thể mang quân đi đánh. Quân Công Chất thua chạy vào Xa Hổ và Nậm Ban.

Tháng 2 năm 1768, Trịnh Sâm cử Nguyễn Đình Huấn và Phạm Ngô Cầu mang quân đánh Mường Thanh. Lê Duy Mật nghe tin bèn điều quân cứu ứng cho Hoàng Công Chất. Đình Huấn sợ không dám tiến phải rút về. Trịnh Sâm bèn giao quân cho Đoàn Nguyễn Thục chia làm nhiều cánh đánh thẳng vào Mường Thanh. Trong lúc chiến sự căng thẳng thì Hoàng Công Chất lâm bệnh qua đời tại căn cứ.

Con ông là Hoàng Công Toản tiếp tục cầm quân chống Trịnh. Đầu năm 1769, Hoàng Công Toản đặt phục binh ở Nậm Cô đón đánh quân Trịnh nhưng thất bại. Nguyễn Phục một mặt đánh Nậm Cô, mặt khác điều quân đánh úp đốt căn cứ thành Bản Phủ. Hoàng Công Toản chạy về thấy thành mất bèn bỏ trốn, không biết sau đó kết cục ra sao. Sách Đại Nam nhất thống chí chép Hoàng Công Toản chạy sang Vân Nam, còn theo Minh đô sử thì Toản chạy vào Trấn Ninh. Cũng có nguồn cho rằng Hoàng Công Toản chạy sang Vân Nam, sau được an sáp ở Ô Lỗ Mộc Tề (Tân Cương).

Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng Ngài là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình Lê Trịnh cứu dân nghèo vì nghĩa lớn “Bảo Quốc an dân” diệt cường hào ác bá, lấy của giàu chia cho dân nghèo, với hoài bão xoá bỏ bất công, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước thống nhất giang sơn, thái bình muôn thủa. Hiện nay, trong di tích thành Bản Phủ cũ tại thôn Noọng Nhai, xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là nơi thờ chính của Hoàng Công Chất cùng 6 viên tướng nổi tiếng của Ngài.

Tượng Tướng Quân Hoàng Công Chất

Tướng quân Hoàng Công Chất

Lễ hội đền Hoàng Công Chất được tổ chức từ ngày 24 đến 25 tháng 2 âm lịch.

Hầu giá Quan Hoàng Năm như nào ?

Rất rất hiếm khi Quan Hoàng Năm ngự đồng, nếu có thì khi ngự đồng Ngài mặc áo xanh thêu rồng kết uốn hành hình chữ thọ, đầu chít khăn mỏ rìu hoặc đi nét xanh, mạng chéo, đi ghệt tay và ghệt chân. Sau khi làm lễ khai quang, Ngài ngự tọa, hiến tửu, nghe văn rồi xe giá.

Quan Hoàng Năm

 

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...