Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Chầu Mười Đồng Mỏ

 

“Ai lên Đồng Mỏ Chi Lăng
Nhớ người nữ kiệt cứu dân tiền triều
Nước non gặp vận hiểm nghèo
Chầu Mười Đồng Mỏ sớm chiều xông pha…” 


Chầu Mười Đồng Mỏ là vị thánh chầu thứ mười trong hàng Tứ phủ Thánh chầu, đứng sau Chầu Chín Cửu Tỉnh, cũng giống như Chầu Tám Bát Nàn, Chầu Mười Đồng Mỏ là vị nữ tướng anh linh hiển hách nhất vùng Lạng Sơn. Tên gọi Đồng Mỏ được lấy từ địa danh nơi chầu đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong công chiến đấu trấn giữ bảo vệ bờ cõi trước quân xâm lược nhà Minh.

Sự tích Chầu Mười Đồng Mỏ

Có nhiều sự tích kể về Chầu Mười Đồng Mỏ khắp vùng Lạng Sơn, tuy nhiên hai sự tích dưới đây thường được phần đông nhân dân trong vùng truyền tụng:

Sự tích Chầu Mười Đồng Mỏ là con gái tù trưởng ở đất Đồng Mỏ

Sinh thời Chầu giỏi võ và kiếm cung, khi vua Lê Thái Tổ hiệu triệu toàn dân đánh giặc, chầu đã chiêu binh ra sức giúp triều đình. Sau khi giặc tan triều đình phong công, trấn giữ vùng Mỏ Ba, lúc thanh bình chầu lại giúp dân lập ấp tế trợ cứu bần. Đến mùa thu Chầu mãn hạn về tiên. Triều đình phong tặng anh hùng liệt nữ, tiếng Chầu anh linh biến hiện khắp Bắc Trung Nam xa gần nô nức trảy hội Mỏ ba. Chầu được Mẫu sắc phong Khâm Sai tứ phủ là một trong những vị Chầu tối linh được nhân dân và con nhang đệ tử  loan giá phụng thờ.

Sự tích Chầu Mười Đồng Mỏ dưới thời Lê Thái Tổ Trung Hưng khởi binh chống giặc

Theo tích này thì Chầu Mười vốn là người Tày, dưới thời vua Lê Thái Tổ Trung Hưng khởi binh chống giặc. Chầu sinh quán trong một gia đình có truyền thống đao cung võ nghệ bao đời trên đất Mỏ Ba (nay là Đồng Mỏ), Chi Lăng, Lạng Sơn. Lớn lên chầu lẫm liệt oai phong trở thành vị nữ tướng tài ba, tập hợp dân các dân tộc ở đất Đồng Mỏ, giúp vua Lê đánh đuổi giặc Minh mưu đồ xâm lấn nước Nam ta. “Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu. Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó”, nàng chiêu mộ binh sĩ, rèn đúc giáo gươm quyết phò Lê Lợi diệt giặc cứu khổ muôn dân. Vua rất tin tưởng, giao cho chầu trấn giữ các châu, nơi cửa ải Chi Lăng.  Năm ấy trận Chi Lăng, Xương Giang trăm bề gian khó nhưng vị nữ nhi vẫn xả thân chiến trường, một đao một ngựa giao chiến chầu lập công chém đầu Liễu Thăng. 

Kháng chiến thắng lợi, chầu được vua phong công, giao cho cai quản vùng Mỏ Ba, Đồng Mỏ, trấn giữ ải Chi Lăng. Tại vùng Mỏ Ba, ba giúp dân lập xóm ấp làng bản, dạy dân làm ăn, được già trẻ xa gần ai ai cũng mến phục. Đến cuối mùa thu thì chầu về tiên.

Đền thờ Chầu Mười Đồng Mỏ ở đâu?

Đền Chầu Mười Đồng Mỏ được lập ngay sát cửa ải Chi Lăng, nơi chầu trấn giữ năm xưa, chính thờ là Đền Chầu Mười Đồng Mỏ hay Mỏ Ba Linh Từ – ngôi đền nổi tiếng xứ Lạng thờ phụng Chầu Mười thuộc xã Mỏ Ba, thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn.

Đền Chầu Mười Đồng Mỏ Chi Lăng.

Chầu Mười Đồng Mỏ khi giá ngự về đồng

Chầu Mười thường hay loan giá ngự đồng trong các dịp tiệc vui hoặc tại các cửa đền ở đất Lạng Sơn. Khi ngự đồng, chầu thường mặc áo vàng, đầu đội khăn vàng cuốn chữ nhân, ra tay dấu 10 ngón, lưng đeo cờ lệnh. Sau lễ khai quang dân hương, chầu một tay múa kiếm, tay kia múa cờ lệnh như là khi chầu xông pha nơi trận mạc.

Chầu Mười Đồng Mỏ

Thanh đồng loan giá Chầu Mười Đồng Mỏ

Tiệc Chầu Mười Đồng Mỏ

Hàng năm vào ngày 1 tháng 10 âm lịch, du khách xa gần đã bắt đầu hành hương về Đền Mỏ Ba nhân tháng tiệc chầu Mười Đồng Mỏ. Tuy nhiên để trả lời cho câu trả lời chính tiệc chầu Mười là ngày nào thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo huyền tích Chi Lăng, Xương Giang thì ngày tiệc của Chầu là vào 20/9. Còn theo một số tài liệu khác như sử nhà Lê thì ngày tiệc của Chầu là ngày 20/10, có nơi là 10/11.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ở đây có ghi lại trận chiến Chi Lăng vào ngày 20/9, cũng trùng khớp với trận đánh mà Chầu hi sinh, và cũng trùng với thời điểm cuối thu trong bản văn Chầu Mười đã viết: “Cuối thu mãn hạn về tiên – Nhân dân kỷ niệm lập đền Mỏ Ba”, như vậy thì ngày tiệc chính của Chầu Mười vào ngày 20/9 có thể cho là hợp lý nhất.

Kinh nghiệm đi Đền Chầu Mười Đồng Mỏ

Để di chuyển tới Đền Chầu Mười Đồng Mỏ, du khách có thể đi xe khách hoặc ô tô riêng tùy theo kế hoạch và sự xắp xếp của cá nhân cho hợp lý. Để có thể đi bằng xe khách, bạn có thể ra bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát hoặc Nước Ngầm rồi bắt xe đi các tuyến Lạng Sơn để đến thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng với thời gian dự kiến áng chừng gần 3h đồng hồ. Thông thường xe sẽ trả khách tại thị trấn Đồng Mỏ,  bạn cần bắt thêm một tuyến xe taxi hoặc xe ôm để chạy thẳng tới đền Đồng Mỏ cách đó chỉ khoảng chừng 5 đến 6km. Nếu đi bằng ô tô riêng khoảng chừng 2 tiếng rưỡi là lên đến nơi với quãng đường dài chừng 138Km theo đường cao tốc Hà Nội -Lạng Sơn. Lộ trình dự kiến phù hợp nhất: Qua Cầu Nhật Tân dọc theo đường Võ Nguyên Giáp tới đường cao tốc Hà Nội Bài Hạ Long/ QL18 đến ĐCT Hà Nội Bắc Giang/QL1A/QL37 – Cao tốc Bắc Giang Lạng Sơn – QL 279 – TL238A rồi đến Đền Chầu Mười

Bản văn Chầu Mười Đồng Mỏ

Ai lên Đồng Mỏ Chi Lăng
Nhớ người nữ kiệt cứu dân tiền triều
Nước non gặp vận hiểm nghèo
Chầu Mười Đồng Mỏ sớm chiều xông pha
Vốn người sinh quán Mỏ Ba
Cần lao nối dõi việc nhà đao cung
Gặp thời Thái Tổ Trung Hưng
Giúp vua dẹp giặc Liễu Thăng hàng đầu
Vua sai Chầu trấn các châu
Khắp vùng xứ Lạng địa iđầu giang san
Giặc Minh quen thói bạo tàn
Mưu đồ xâm chiếm biên cương địa đầu
Lệnh truyền hiệu triệu các châu
Sơn trang tám tướng nghe chầu ra binh
Mười đông chiến lược tung hoành
Dẹp tan giặc dữ triều đình phong công
Rước Chầu trở lại sơn trung
Giúp dân lập ấp lên vùng Mỏ Ba
Đức tài đã dậy gần xa
Bản mường cao lũng trẻ già đội ơn
Cuối thu mạn hạn về tiên
Nhân dân kỉ niệm lập Đền Mỏ Ba
Người gần cho chí người xa
Rủ nhau trảy hội mỏ ba sớm chiều
Đường lên khuất khúc cheo leo
Chênh vênh núi đá tai mèo nhấp nhô
Mỏ Ba phong thủy họa đồ
Suối trong uốn lượn đền thờ trang nghiêm
Long xà hổ phục chim muông
Vượn dâng trái chín ngát hương hồng đào
Nghe chim gõ mõ sớm chiều
Phượng hoàng tung cánh mĩ miều họa ca
Canh ba giờ tí hiện ra
Áo vàng phấp phới khăn hoa dịu dàng
Lưng đeo kiếm bạc cung vàng
Cưỡi trên mình ngựa hiên ngang oai hùng
Đêm thanh bẻ lái giữa dòng
Lạng Giang ,Bản Kí ,Kì Cùng Lạng Sơn
Dừng thuyền bái yết chùa tiên
Thoát thôi Chầu trở về miền Tam Thanh
Dạo chơi Bắc Địa Long Thành
Sông Hương , núi Ngự như tranh họa đồ
Tháp chùa Thiên Mụ nhấp nhô
Sài Gòn , Gia Định chơi chùa Vĩnh Nghiêm
Bạch Đằng bến Nghé Thủ Thiêm
Chơi thôi chầu lại về miền Cốc Giang
Lăng Ông cổ tích danh lam
Khi chơi Đà Lạt lúc sang Vũng Tàu
Khắp hòa Tam thập lục châu
Kon Tum Đắc Lắc một bầu sơn trung
Rừng già Chầu đã từng sang
Rừng Buôn Mê Thuột tiên nàng đón đưa
Chôm chôm soài cát rừng dừa
Trăm hoa ngàn quả tiễn đưa chân người
Bắc Nam trung một bầu trời
Dâng hương khấn nguyện Chầu Mười giáng lâm
Chữ rằng sở nguyện tòng tâm
Tấm lòng đệ tử nhất tâm một đời
Hôm nay văn hát mấy lời
Vun trồng công đức ngàn năm vững bền

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Chầu Bé Bắc Lệ

Chầu bé Bắc Lệ là vị thánh chầu rất linh thiêng và thường xuyên hiển linh ngự đồng, chầu đứng cuối cùng trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà sau Chầu Mười Đồng Mỏ, cũng có lẽ là chầu đứng cuối nên được gọi Chầu Bé. Tuy thứ bậc chầu là cuối cùng trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà nhưng không một ai hầu mà chầu không ngự đồng, cứ mỗi khi chầu ngự đồng là cả một bầu không khí vui tươi hồ hởi đón chầu về đồng. Tên Bắc Lệ là địa danh nơi chầu hiển linh.

“Ai lên tới Cao Sơn xứ Lạng
Hỏi thăm đền chầu bé nơi nao
Hỏi ra Bắc Lệ đi vào
Ngôi đền chầu ngự thấp cao mấy tầng
Ngàn cỏ hoa nghiêng mình rủ lá
Bầy chim muông bách thú quỳ tâu
Chim oanh ríu rít bên lầu”

— Trích văn Chầu Bé Bắc Lệ

Thần tích Chầu Bé Bắc Lệ

Miền Bắc Lệ, Hữu Lũng, Lạng Sơn cho đến ngay nay vẫn lưu truyền nhiều thần tích về vị chúa bà linh thiêng anh linh nhất vùng Lạng Sơn –  Chầu Bé Bắc Lệ, chầu vốn gốc người Nùng giáng sinh xuống miền Bắc Lệ, Hữu Lũng, Lạng Sơn dưới thời vua Lê Thái Tổ. Tương truyền rằng, Chầu Bé Bắc Lệ là do Mẫu Thượng Ngàn hóa thân, chầu có phép thần thông biến hiện do Đức Thái Tổ ban quyền, ra sức giúp vua Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh, và sau này được vua phong là Lê Mại Đại Vương. Vì vậy, đôi khi Chầu Bé cũng được người ta đồng nhất với Chúa Bà Sơn Trang.

Chầu Bé Bắc Lệ là vị thánh chầu có công lao giúp dân, giúp nước, anh linh hiển hách chống quân xâm lược nhà Minh, khi thanh nhàn ,chầu cùng các tiên nữ dạo chơi khắp chốn thắng cảnh hữu tình, dạy dân chúng trồng trọt chăn nuôi, lên rừng làm ruộng bậc thang, xuống sông suối đánh bắt cá tôm. Với phép thiêng, Chầu Bé lay núi chuyển ngàn, đôi lúc rong chơi chầu lấy tàu lá giả làm hàng bán để trêu đùa người trần gian. Tuy đành hanh, sắc sảo nhưng Chầu cũng hết sức nhân hậu, có việc dữ lành Chầu đều mách bảo cho người trần được biết mà tránh. Chầu anh linh giúp dân giúp nước độ người viễn xứ tha hương, lúc lại hiện hóa ra người bán hàng, chữa bệnh cứu người.

“Tuổi chầu Bé đương tuần trăng độ
Phép sơn trang đức tổ danh truyền
Phép tiên lay núi chuyển ngàn i i i
Bẻ ba tàu cỏ giả hàng bán chơi
Bạn Thổ, Mán nơi nơi tìm đến
Đàn ngũ âm múa lượn hát ca
Chiều chiều thơ thần bên đồi i i i”

Chầu Bé Bắc Lệ khi loan giá ngự đồng

Chầu Bé Bắc Lệ cùng với Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn và Chầu Lục Cung Nương, là ba vị Thánh Chầu  trên Thượng Ngàn hay về ngự đồng nhất. Tuy thứ bậc chầu cuối cùng trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà nhưng không một ai hầu mà không thỉnh chầu vệ ngự. Khi Chầu ngự về đồng thường hay mặc áo đen hoặc áo xanh chàm (trước đây chầu chỉ mặc quầy và áo ngắn đến hông), chân đi xà cạp, trên vai đeo gùi hoa. Khi Chầu về đồng, sau khi hành lễ  khai quang rồi múa mồi. Đôi khi Chầu Bé có thể giống như Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục  trong nghi lễ chứng  tòa Sơn Trang trong đàn mở phủ, sang khăn cho tân đồng hoặc chứng mâm giầu trình, ban tài phát lộc cho thanh đồng đệ tử cùng bách gia trăm họ. Có thể nói trong các giá hầu, giá Chầu Bé Bắc Lệ là một trong những giá hầu với âm hưởng và nghi thức vui tươi, rộn ràng, nhộn nhịp nhất.

Chầu Bé Bắc Lệ

Thanh đồng Kim Huệ (Thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương – Phủ Dầy Nam Định) loan giá Chầu Bé Bắc Lệ.

Khánh tiệc Chầu Bé Bắc Lệ

Tiệc Chầu Bé Bắc Lệ vào ngày 20/9 âm lịch, có nơi tổ chức vào ngày 12/9 âm lịch.

Đền thờ Chầu Bé Bắc Lệ

Đền thờ chính của Chầu Bé là ngôi đền nhỏ bên cạnh đền Bắc Lệ ở xã Tân thành, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ngoài ra, ở một số bản đền có các Chầu Bé cũng trên Thượng Ngàn, là  các vị chầu bé bản đền và chỉ khi về chính đền, các vị đó mới ngự. Ví dụ như: Chầu Bé Đông Cuông (ở Đền Đông Cuông, Yên Bái), Chầu Bé Đồng Đăng (ở Đền Đồng Đăng, Lạng Sơn); Chầu Bé Tam Cờ (ở Đền Tam Cờ, Tuyên Quang); Chầu Bé Đền Ghềnh (ở Đền Ghềnh, Hà Nội). Tuy có sự xuất hiện của các vị Chầu Bé tại các đền khác nhau, song người ta coi đó là Chầu Bé Bắc Lệ đang giáng hiện muôn nơi. Và đền thờ Chầu Bé Bắc Lệ cũng là một địa điểm tâm linh linh thiêng nhất. Vào ngày lễ tiêc Chầu Bé, người dân địa phương và du khách muôn nơi nô nức đổ về khu di tích này để chiêm bái và thành tâm dâng lễ lên chầu, bên cạnh đó nghi thức thường thấy múc nước suối đền Bắc Lệ để lau tượng như một nghi thức thiêng liêng trong lễ tắm ngai tại đây.

Đền Châu Bé Bắc Lệ

Di tích lịch sử Đền Công Đồng Bắc Lệ.

Bản văn Chầu Bé Bắc Lệ

Dưới đây ban biên tập xin gửi tới bạn độc là một vài bản hát văn Chầu Bé Bắc Lệ mẫu mực trong nghệ thuật hát văn Việt Nam. Văn Chầu Bé thường được sử dụng rất nhiều trong mỗi buổi thực hành nghi lễ.


Bản văn Chầu Bé Bắc Lệ thứ 1



Ai lên tới Cao Sơn xứ Lạng
Hỏi thăm đền chầu bé nơi nao
Hỏi ra Bắc Lệ đi vào
Ngôi đền chầu ngự thấp cao mấy tầng

 

Ngàn cỏ hoa nghiêng mình rủ lá
Bầy chim muông bách thú quỳ tâu
Chim oanh ríu rít bên lầu
Phượng Hoàng tung cánh về chầu Động Tiên

 

Vượn trên non ru con rầu rĩ
Thú lâm sơn cảnh đẹp tự nhiên
Một bầu gió mát trăng thanh
Đàn thông réo rắt bên duyền suối reo

 

Đường uốn khúc quanh đèo dốc núi
Núi hiểm nghèo đất sỏi đá ong
Một bầu sơn thuỷ thong dong
Công Đồng Bắc Lệ , Kì Cùng ,Thất Khê

 

Trăm thứ quả mang về tiến Mẫu
Hái rau bi, củ đậu măng tươi
Cơm lam , rau sắng củ mài
Khoai môn đậu lạc sắn đồi rượu tăm

 

Bạn tri âm đông đào tây liễu
Áo xanh chàm yểu điệu vào ra
Gót tiên quảy lẵng hái trà
Chân quấn xà cạp nón tu lờ,dao quai

 

Miệng chầu cười trăm hoa đua nở
Chầu phán tiếng Nùng , tiếng Thổ tiếng Kinh
Đàn thông dạo khúc thanh bình
Sênh ngô sáo trúc tính tình hoà ca

 

Thường dạo cảnh Bảo Hà Trái Hút
Đền Đông Cuông Đức Đại tối linh
Tuyên Quang cảnh trí hữu tình
Núi Dùm Mẫu ngự ,thác ghềnh cỏ hoa

 

Ngự cung cấm một toà thạch động
Đền Ỷ La lồng lộng ngôi cao
Cây Xanh chầu mắc võng đào
Mỏ Than chầu ngự thấp cao mấy tầng

 

Cảnh núi rừng đèo heo hút gió
Thú sơn lâm hoa cỏ tốt tươi
Minh Lương suối lượn quanh đồi
Chầu thường dạo cảnh khắp nơi hữu tình

 

Lai Châu, Suối Rút Hoà Bình
Đỉnh non Bắc Kạn một mình cheo leo
Sơn Lâm như nước thủy triều
Khi thăng khi giáng khi đầy khi vơi

 

Hôm nay tấu thỉnh khuyên mời
Thỉnh mời Chầu Bé giáng nơi bản đền
Đăng trà quả thực dâng lên
Khuông phù đệ tử thiên niên thọ trường.

Bản văn Chầu Bé Bắc Lệ thứ 2

Kim chi ngọc diệp rành rành
Chầu bé Bắc Lệ giáng sanh hạ trần
Núi xếp núi mấy tầng cao thấp
Cây chen cây tràn ngập màu lam

 

Đền thờ chầu bé trên ngàn
Có con suối nhỏ bắc ngang chân đồi
Đàn cá lội đua bơi rẽ sóng
Nước long lanh in bóng trăng thu

 

Ngàn thông cất tiếng hát ru
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa ngát hương
Chầu bé thượng Thổ Nùng chính gốc
Áo chàm xanh khăn lục đội đầu

 

Đai xanh kiềng bạc túi trầu
Tay cầm dao quắm,vác bầu nước khe
Dận hài sảo , đầu cài trâm dím
Vòng kim cương tam khí lồng tay

 

Hây hây mặt nước vơi đầy
Như bông hoa nở trước ngày đầu xuân
Tuổi Chầu bé đang tuần trăng độ
Phép sơn trang đức tổ ban truyền

 

Phép tiên biến lá làm thuyền
Bẻ ba tàu cọ giả hàng bán chơi
Bạn Thổ Mán nơi nơi tìm đến
Vượt cửa ngàn cung tiến quả hoa

 

Tụ Long ,Bảo Lạc, Tam Cờ
Sông Thao sông Cả sông Bờ sông Dâu
Khắp đâu đâu nức danh Thần Nữ
Tự cổ triều quốc sử còn ghi
Danh thơm Nam Bắc Trung kỳ

 

Giúp dân hộ quốc độ trì bốn phương
Sắc phong tặng đại vương trường trị
Trên Bắc Lệ ngàn tú khí danh lam
Chim kêu vượn hót trên ngàn
Tả thời bạch hổ hữu thời thanh long

 

Dòng bích lãng nước trong leo lẻo
Dải sông Tô uốn éo xinh ghê
Thông reo trúc hóa tứ bề
Đền thờ cao ngất trông về Bắc Ninh

 

Vẻ tinh tú bên ghềnh vị thuỷ
Chầu giáng đền trấn trị yêu ma
Chầu về trắc giáng điện tòa
Khuông phù đệ tử vinh hoa thọ trường.

 

Ngự :
Tính hay vỏ đắng gừng cay
Trầu têm cánh phượng , lại hay thuốc lào
Con mới dâng lên một ống vôi đào
Cau xanh cả quả, thuốc lào cả phong.

 

Nguyên xưa hầu mẫu trên ngàn
Phán ra trăm tiếng , trao chung ngôn từ
Theo hầu Diệu Tín thiền sư
Anh linh nổi tiếng, Bắc Lệ ngàn Lạng Sơn

 

Tiên chầu bé tính tình sắc sảo
Việc dữ lành mach bảo người trần gian
Ai ơi đừng thấy chầu dễ dàng
Ai mà thất trực chầu bé ra điều chanh chua.

 

Biết ra phải đến kêu ngay
Sắm sanh sửa lễ hầu Vua tạ Bà
Chữ sắt son kiệm cần liêm chính
Điểm tô son cho nước Việt dài lâu

 

Lời chầu bé hôm nay con ghi nhớ làm đầu.

Bản văn Chầu Bé Bắc Lệ thứ 3

Kim chi ngọc diệp rành rành
Chầu bé Bắc Lệ giáng sanh hạ trần
Núi xếp núi mấy tầng cao thấp
Cây chen cây tràn ngập màu lam
Đền thờ chầu bé trên ngàn
Có con suối nhỏ bắc ngang chân đồi
Đàn cá lội đua bơi rẽ sóng
Nước long lanh in bóng trăng thu
Ngàn thông cất tiếng hát ru
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa ngát hương
Chầu bé thượng vốn Nùng chính gốc
Áo chàm xanh khăn lục đội đầu
Đai xanh kiềng bạc túi trầu
Tay cầm dao quắm,vác bầu nước khe
Dận hài sảo , đầu cài trâm trí
Vòng kim cương tam khí lồng tay
Hây hây mặt nước vơi đầy
Như bông hoa nở trước ngày đấu xuân
Tuổi Chầu bé đang tuần trăng độ
Phép sơn trang đức tổ ban truyền
Phép tiên biến lá làm thuyền
Bẻ ba tàu cọ giả hàng bán chơi
Bạn Thổ Mán nơi nơi tìm đến
Vượt cửa ngàn cung tiến quả hoa
Tụ Long ,Bảo Lạc, Tam Cờ
Sông Thao sông Cả sông Bờ sông Dâu
Khắp đâu đâu nức danh Thần Nữ
Tự cổ triều quốc sử còn ghi
Danh thơm Nam Bắc trung Kỳ
Giúp dân hộ quốc độ trì bốn phương
Sắc phong tặng đại vương trường trị
Trên Bắc Lệ ngàn tú khí danh lam
Chim kêu vượn hót trên ngàn
Tả thời bạch hổ hữu thời thanh long
Dòng bích lãng nước trong leo lẻo
Dải sông Tô uốn éo xinh ghê
Thông reo trúc mọc tứ bề
Đền thờ cao ngất trông về Bắc Ninh
Vẻ tinh tú bên ghềnh vị thuỷ
Chầu giáng đền trấn trị yêu ma
Chầu về trắc giáng điện tòa
Khuông phù đệ tử vinh hoa thọ trường

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Chầu bà bản đền

 Tên khác: Bản Đền công chúa hay Thủ điện công chúa 

  • Thân thế: Chầu là hiện thân của các vị thánh Mẫu tùy vào bản đền đó và địa phương mà Ngài thị hiện, vì vậy Chầu về đồng các màu sắc, thường người hầu Chầu thủ đền vào đầu năm thì mặc áo hồng khăn hồng, cuối năm thì mặc áo xanh khăn xanh.        
  • Hiện nay người ta không hầu và cũng không biết đến giá Chầu nữa nhưng văn Chầu thủ đền và một số nơi vẫn được lưu giá và hầu Ngài.

Chầu Bà Bản Đền là ai?

Bản Đền Công Chúa

Tên khác: Bản Đền công chúa hay Thủ điện công chúa

Thân thế: Chầu là hiện thân của các vị thánh Mẫu tùy vào bản đền đó và địa phương mà bà thị hiện, vì vậy Chầu về đồng các màu sắc, thường người hầu Chầu thủ đền vào đầu năm thì mặc áo hồng khăn hồng, cuối năm thì mặc áo xanh khăn xanh.

Bản Đền Công Chúa

Hiện nay người ta không hầu và cũng không biết đến giá Chầu nữa nhưng văn Chầu thủ đền và một số nơi vẫn được lưu giá và hầu bà.

Bản Đền Công Chúa


Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Hệ thống Tam Phủ Tứ Phủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

Hệ thống Tam Phủ Tứ Phủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có lịch sử hình thành, phát triển hơn nghìn năm theo dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam, hình thành lên một tín ngưỡng bản địa nội sinh đặc trưng.

Tục thờ hệ thống thần linh Tam phủ hay Tứ Phủ đều thể hiện đặc sắc đời sống tâm linh của người Việt xưa cho đến  ngày nay trở thành một nét đẹp trong văn hóa tinh thần đặc trưng riêng có của dân tộc. Để có cái nhìn toàn diện tổng thể về hệ thống Tam Phủ  Tứ Phủ bài viết dưới đây sẽ hệ thống hóa giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể trên dưới về các vị thánh trong hệ thống tam tứ phủ.

hệ thống tam phủ tứ phủ

Tam Phủ Tứ Phủ khác nhau như thế nào ?

Khi tìm hiểu về hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt chúng ta sẽ thấy mọi người nhắc đến khái niệm Tam phủ và Tứ phủ. Vậy Tam phủ, Tứ phủ ở đây là gì ? việc bố trí điện thờ và hệ thống thần linh cụ thể như thế theo từng phủ như thế nào ?

Tứ Phủ là gì ?

Tứ Phủ [四府] là nhánh tín ngưỡng thờ Mẫu tại miền Bắc, đồng thời là nhánh phổ biến nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Tứ Phủ bao gồm bốn “phủ” đại diện cho bốn miền trong vũ trụ.

  • Thiên phủ [天府]: miền trời, tượng trưng bởi màu đỏ.
  • Nhạc phủ [岳府]: miền rừng núi, tượng trưng bởi màu xanh lá.
  • Thoải (thủy) phủ [水府]: miền sông nước, tượng trưng bởi màu trắng.
  • Địa phủ [地府]: miền đất đai, tượng trưng bởi màu vàng. Ở đây tránh nhầm lẫn với “địa phủ” theo nghĩa “âm phủ”. Địa phủ trong Tứ Phủ là mặt đất nơi loài người sinh sống.

Mỗi vị thần thánh trong Tứ Phủ sẽ thuộc về một phủ, cai quản, quản lý những sự việc thuộc phủ đó. Trang phục của hầu hết các vị có màu sắc tương đồng với phủ của mình. Đại diện cho mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu.


Tứ phủ Vạn Linh

Tam Phủ là gì ?

Có hai cách hiểu về từ “Tam Phủ [三府]”

  • Về mặt lịch sử hình thành Tín ngưỡng thờ Mẫu – Tứ Phủ: Tam Phủ là khái niệm tiền thân của Tứ Phủ, bao gồm ba miền:
    • Thiên Phủ(màu xanh da trời)
    • Địa Phủ(màu vàng),
    • Thủy Phủ(màu trắng).
    • Sau này lối thờ Thượng Ngàn (Thanh Sơn Nhất Phái) được kết hợp thêm vào, gọi là Nhạc Phủ từ đó mà có Tứ Phủ.
  • Về mặt thứ tự: vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà Tứ Phủ Thánh Mẫu hay được thể hiện qua Tam Tòa Thánh Mẫu. Phần mối liên hệ giữa Tam Phủ và Tứ Phủ dưới đây sẽ trình bày một số giả thuyết lý giải điều này. Tựu trung lại, các giả thiết đều cho rằng khi nhắc đến Tam Phủ, thực chất là đã bao gồm Tứ Phủ.

Tam Phủ Công Đồng [三府公同] cũng là một cụm từ thường xuất hiện trong các lời cầu khấn, các khoa cúng. Cụm từ này có nghĩa là “hội đồng chung cai quản ba miền”. Đây có thể hiểu là hội đồng các thần thánh được cử ra để đại diện, cai quản những công việc trong ba miền.

Tam phủ Công Đồng

Tứ Phủ Vạn Linh là gì ?

Tứ Phủ Vạn Linh [四府萬靈] là một cụm từ thường xuất hiện trong các lời văn khấn, các khoa cúng, có nghĩa là “vô vàn (một vạn) chân linh của các vị thần thánh trong bốn miền.”

Theo khoa cúng và các bản chầu văn (hay còn gọi là hệ Tứ Tiên), tứ phủ bao gồm : Thiên – Địa – Thủy – Nhạc

  • Thánh Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên
  • Thánh Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên
  • Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Tiên
  • Thánh Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên

Theo thứ tự và danh hiệu phổ biến hiện nay của các vị Thánh tứ phủ : Thiên – Nhạc – Thủy – Địa

  • Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
  • Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
  • Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
  • Thánh Mẫu Đệ Tứ Địa Phủ

Tam phủ công đồng là gì ?

Tam Phủ Công Đồng [三府公同] cũng là một cụm từ thường xuất hiện trong các lời cầu khấn, các khoa cúng. Cụm từ này có nghĩa là “hội đồng chung cai quản ba miền”. Đây có thể hiểu là hội đồng các thần thánh được cử ra để đại diện, cai quản những công việc trong ba miền.

  • Trường hợp 1: Thiên – Địa đồng quy: trong trường hợp này, Mẫu Liễu Hạnh giữ vị trí là Mẫu Đệ Nhất, vừa là Mẫu Địa, vừa đại diện cho Mẫu Thiên Tiên.
  • Trường hợp 2: Nhạc Phủ và Địa Phủ đồng nhất: trong trường hợp này, Mẫu Đệ Nhị bao gồm cả Mẫu Nhạc Tiên và Mẫu Địa Tiên

Thứ tự các Phủ trong Tam phủ công đông cụ thể như sau:

  • Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
  • Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
  • Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Mối liên hệ giữa Tam Phủ Tứ Phủ

Có rất nhiều giả thuyết giải thích về mối liên hệ giữa Tam Phủ và Tứ Phủ, tuy nhiên khó xác định chính xác giả thuyết nào khả tín nhất. Sở dĩ như vậy vì các tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt hầu như chỉ được gìn giữ từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng mà không có tài liệu nào rõ ràng và ít được nghiên cứu, dưới đây là một số giả thuyết phổ biến hiện nay:

Tín ngưỡng Tam Phủ giao thoa với tín ngưỡng Sơn Trang

Tín ngưỡng thờ Tam Phủ (Thiên-Địa-Thủy) giao thoa với tín ngưỡng thờ Sơn Trang của các dân tộc vùng núi phía Bắc, hình thành nên Tứ Phủ. Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó bao gồm:

  • Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
  • Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên (Thánh Mẫu Liễu Hạnh)
  • Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Mẫu Thượng Ngàn được thờ riêng ở ban Sơn Trang

Thiên Địa đồng quy

Vì Thánh Mẫu Liễu Hạnh ngôi thần chủ vừa là Thiên Tiên vừa là Địa Tiên nên Mẫu đại diện và cai quản ngôi Thiên Phủ và Địa Phủ . Khi xuất hiện với tư cách đại diện này, Thánh Mẫu Liễu Hạnh sẽ có phục trang màu đỏ của Thiên Phủ, thay vì màu vàng của Địa Phủ. Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó bao gồm:

  • Thánh Mẫu Liễu Hạnh (tức Mẫu Địa Tiên và cũng là Mẫu Thiên Tiên)
  • Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
  • Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Địa Phủ và Nhạc Phủ đồng nhất

Theo quan điểm này:

  • Thiên Phủ thuộc cõi trên cao, miền thượng nguyên
  • Thoải Phủ thuộc cõi thấp nhất, miền hạ nguyên.
  • Địa Phủ và Nhạc Phủ đều là cõi ở giữa, miền trung nguyên, nơi con người sinh sống.

Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó bao gồm:

  • Mẫu Thượng Thiên
  • Mẫu Đệ Nhị: Mẫu Địa và Mẫu Thượng Ngàn
  • Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

-----

Sự phổ biến trong việc dùng “Tam Tòa Thánh Mẫu” để nói về Tứ Phủ Thánh Mẫu đến từ quan niệm từ xưa của người Việt Nam. “Tam tòa” không chỉ nói về số lượng chính xác, mà còn nói về sự bao quát, đầy đủ, hoàn chỉnh. Số ba xuất hiện rất nhiều trong lịch sử tâm linh, huyền học của nhân loại, chẳng hạn như Tam giới, Tam thời, v.v… Bên cạnh đó, người Phương Đông thường dùng số lẻ thay vì số chẵn, để thể hiện sự cân bằng âm dương vì số lẻ là tổng của một số lẻ và một số chẵn. Hình tượng Tam Tòa Thánh Mẫu vì vậy mà mang tính biểu tượng của quyền năng thâu tóm toàn vũ trụ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ phủ là tín ngưỡng tôn thờ toàn vũ trụ ( thiên địa thủy nhạc) trong đó có thờ cả nam thần và nữ thần; thiên thần và nhân thần. Các vị thánh trong hệ thống tam phủ hay tứ phủ theo cách phân chia nhưng đều là những vị thánh hiển tích dù ở miền xuôi cũng như miền ngược…..đều hộ quốc an dân, giúp dân giúp nước, được nhân dân tin tưởng thờ cúng phụng thờ trên hầu khắp các đền điện.

Dù theo góc nhìn Tam Phủ Tứ Phủ nhưng trong các phủ cao hơn hết là hình tượng Thánh Mẫu, người mẹ của tâm linh luôn có lòng bao dung độ lượng thương xót chúng sinh. Cửa Mẫu luôn rộng mở để chờ đón chúng ta, những khi vui hãy tìm đến Mẹ, lúc ta buồn hãy mở lòng tâm sự với Mẹ, Lúc khốn khó lại tìm đến mẹ để cầu xin mẹ che chở giúp đỡ chúng ta. Hãy an tâm trong cuộc sống bởi ta đã có mẹ, luôn có mẹ và mãi mãi có Mẹ

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...