Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Sự tích Cô Chín Sòng Sơn

Cô Chín Sòng Sơn là một thánh cô quyền uy với nhiều quyền phép thiêng biến hóa. Sự tích Cô Chín Sòng Sơn nổi tiếng khắp vùng xứ Thanh. Trong Tứ phủ Thánh Cô, Cô Chín là vị thánh cô thứ chín, cô đứng sau Cô Tám Đồi Chè và trước Cô Mười Đồng Mỏ. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ hơn về huyền tích Cô Chín nhé.

Thanh hoa sơn thuỷ hữu tình
Có cô Chín Giếng anh linh khác thường
Xinh thời hầu cận Mẫu Vương
Dọn hàng quán mát âm dương núi Sòng

 

Cô Chín Sòng Sơn

Sự tích Cô Chín Sòng Sơn

Hiện chưa thấy tài liệu nào nói về việc Cô Chín giáng sinh vào một nhân vật nào trên trần gian. Như vậy, thân thế của Cô nghiêng về phía thiên thần. Ai cầu đảo cô đều sắm sửa lễ vật: Nón đỏ, hài hoa, vòng hồng hay võng đào.

Dân gian kể sự tích Cô Chín Sòng Sơn rằng Cô là vị tiên Cô tài phép theo hầu Mẫu Liễu Hạnh trong vùng  Sòng Sơn đất Thanh Hóa. Tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng Cô hầu bên Chầu Chín Cửu Tỉnh hay Mẫu Thoải. Cô tài giỏi có phép tiên thần thông quảng đại lại tinh thông thuật xem bói, 1000 quẻ cô bói ra thì không sai một quẻ nào. Ai mà phạm tội hay thất kính, cô về tâu với Thiên Đình cho thu giam hồn phách rồi cô hành cho dở điên, dở dại.

Khi thanh nhàn cô lại dạo chơi khắp vùng trời Nam, đất Việt, thấy xứ Thanh cảnh lạ đẹp vô biên, cô liên cho hội họp thần nữ năm ba vạn cát, lấy gỗ sung làm nhà còn cây si thì cô mắc võng. Nhân dân cầu đảo thấy linh ứng bèn lập đền thờ cô ngay tại đất này.

 

Cô Chín Sòng Sơn

 

Hiện vẫn còn lưu truyền câu chuyện về sự linh thiêng về cô mà người ta vẫn còn truyền kể. Chuyện vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi chính quyền đã phá đền để thực hiện công cuộc bài trừ mê tín dị đoan của nhà nước. Ông chủ nhiệm hợp tác xã chỉ huy trực tiếp cuộc phá dỡ. Ông còn lớn tiếng tuyên bố: “Nhiều người bảo đền cô linh thiêng, tôi phá xem có còn linh thiêng hay không”. Nhưng sau đó gia đình ông luôn gặp những điều không may. Vợ con ông chết gần hết, chỉ còn một cậu con trai, nhưng lơ ngơ, lang thang và nay lưu lạc nơi đâu không biết.

Khánh tiệc Cô Chín Sòng Sơn

Ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch là ngày tiệc Mẫu Cửu và cũng là chính tiệc Cô Chín.

 

Một số danh hiệu khác của Cô Chín Sòng Sơn

Cô Chín linh thiêng cứu người, giúp đời nên người dân ở khắp muôn nơi phụng thờ. Theo đó, tại mỗi nơi thờ phụng cô, người ta lại kính nể gọi cô bằng cái tên khác nhau. Những tên gọi như Cô Chín Suối Rồng tại Hải Phòng, Cô Chín Thượng Thiên tại Bắc Giang đều là cách gọi khác của Cô Chín Sòng. Tại những đền phủ này, người ta đều áp dụng hình thức thờ vọng cô, mong cầu cô ban phước lành, bình an tới cho muôn dân. Cho đến nay, một số danh hiệu về cô Chín được người dân thường gọi như:

  • Cô Chín
  • Cô Chín Sòng Sơn
  • Cô Chín Đền Sòng
  • Cô Chín Giếng
  • Cô Chín Rồng
  • Cô Chín Suối
  • Cô Chín Tây Thiên
  • Cô Chín Thượng

Hầu giá Cô Chín Sòng Sơn

Cô Chín Sòng Sơn là một thánh cô có nhiều quyền phép. Những người có căn Cô Chín thường có khả năng xem bói, chữa bệnh và gọi hồn. Tuy nhiên, trong khi giáng hầu Cô Chín chỉ hay cho thuốc chữa bênh.

Cô Chín rất hay ngự đồng. Hết các thanh đồng khi Hầu Thánh đều có hầu giá Cô Chín. Khi giáng hầu Cô Chín thường mặc áo hồng phơn phớt màu đào phai và cô múa quạt tiến Mẫu. Đôi khi Cô cũng múa cờ tiến Vua, cũng có khi cô thêu hoa dệt lụa, rồi lại múa cánh tiên. Ai cầu đảo cô đều sắm sửa lễ vật: Nón đỏ, hài hoa, vòng hồng hay võng đào.

Đền thờ Cô Chín Sòng Sơn

Đền Cô Chín Sòng Sơn là nơi thờ chính của Cô Chín Sòng Sơn và Mẫu Cửu, Chầu Cửu. Do danh tiếng của Cô Chín Sòng Sơn quá lớn nên đôi khi chúng ta chỉ nghĩ rằng đây là nơi thờ chính của riêng Cô Chín. Hiện nay, trong cung cấm là nơi thờ Mẫu Cửu có phối thờ thêm Tam Tòa Thánh Mẫu. Còn Chầu Cửu có một cung riêng ở bên tay trái của cung Cô Chín. Vì vậy, đền nơi đây sau khi lễ Cô Chín, chúng ta nên lễ Chầu Cửu và Mẫu Cửu.

Đền Cô Chín Sòng Sơn tại Phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Nếu từ Hà Nội về Thanh Hóa thì Đền Mẫu Sòng Sơn nằm ở bên phải đường thì đền Cô Chín Sòng Sơn nằm bên trái. Hai đền chỉ cách nhau khoảng 1km.

Tại Hà Nội cũng có một số đền thờ Vọng Cô Chính có thể kể đến như:

  • Đền Kim Giang (Số 122 Kim Giang, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Hà Nội)
  • Đền Mẫu Sòng Sơn (Số 35 Tôn Đức Thắng, Phường Hàng Bột, Quận Đống Đa, Hà Nội)
  • Miếu Cô Chín Giếng (Số 86 Hào Nam, Phường Chợ Dừa, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Miếu Cô Chín (Ngõ Lan Bá, Phường Trung Phụng, Quận Đống Đa, Hà Nội)
  • Miếu thờ Cô Chín – Gia Quất (Số 32 Ngõ 29 Thượng Thanh, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội)

Bản văn Cô Chín Sòng Sơn

Văn Cô Chín Sòng Sơn được sử dụng trong lời hát văn Cô Chín, cụ thể:

Nguyên xưa giá ngự đền Sòng

Quyền cai cửu tỉnh hầu trong bơ tòa

Cây sung cô lấy làm nhà

Cây doi làm cửa trông ra ngoài đền

Thanh Hoa cảnh lạ vô biên

Đời vua Minh Mệnh lập đền thờ ngay

Mẫu thời ngự chín tầng mây

Cô nay mắc võng ngự rầy cây sung

Âm dưong có mạch giao thông

Chín mươi chín giếng công đồng chảy ra

Đền thờ đừong cái vô qua

Lối vào Thanh Hóa lối ra Ninh Bình

Đồi ngang sơn thủy hữu tình

Đôi bên Long hổ đua tranh chầu vào

Vốn xưa cô ngự Thiên Tào

Bởi sa chén ngọc cung cao đế đình

Cho nên cô mới giáng sinh

Tuổi vừa tám chín gia hình còn thơ

Trần gian uốn lữoi đong đưa

Ai mà không biết tình cô khó chiều

Có khi cô ngự cây kiêu

Ai đi đến đấy ra điều đơn sai

Cô về tâu mẫu thiên đài

Thu giam hồn phách bỏ ngoài giang tân

Làm cho mê mẩn tâm thần

Làm cho chuyển động tấm thân mơ màng

Biết ra phải đến kêu van

Cô tha thời được bình an lại lành

Tiên cô có phép tàng hình

Sai năm quan tướng lôi đình ở trong

Phép cô lục trí thần thông

Cô ảnh đầu đồng xem bói được minh

Ai mà lễ bái tâm thành

Việc gì cô cũng chứng minh phán truyền

Dù ai tiến cúng về đền

Mùi hương thấu đến tự nhiên cô về

Hương xông thơm ngát bốn bề

Ngự đồng truyền phán việc gì chẳng sai

Ai mà xem bói cầu tài

Cùng trong gia sự chẳng sai chút nào

Âm dương phần mộ thấp cao

Cô nay soi xét việc nào chẳng sai

Phép cô linh ứng đại tài

Tam tòa lục bộ khâm sai động đình

Dù ai đổi số nhân sinh

Tuy rằng chữ thập cải hình chữ thiên

Phúc cho vô lượng vô biên

Sai năm quan tướng về miền cây thông

Có khi cô hiện thung dung

Dạo chơi khắp hết đàng trong đàng ngoài

Khi cô ngự cảnh bồng lai

Giả người thục nữ trêu người tình nhân

Cát đằng duyên hợp tấn tần

Dong chơi khắp hết hải thần ngao du

Khi về cực lạc tây cù

Phủ Nghĩa cho đến Đông phù giáp ba

Phủ Giầy chốn ấy bao xa

Lên tâu xuống rộng vào ra vẹn mười

Có khi biến hiện ra người

Thảnh thơi cô lại ngự đồi cây thông

Đàng ngoài cho chí đàng trong

Ai mà biết đến cô Sòng độ cho

Làm tôi đệ tử thánh cô

Dâng văn sự tích thỉnh cô giúp đền.

Bản văn Cô Chín Sòng Sơn múa quạt

Quạt tầu ba sáu nan xương

Cô cầm tới quạt cô thương thanh đồng

Quạt xanh quạt trắng quạt hồng

Quạt trắng dưới thoải quạt hồng trên thiên

Đôi tay múa lượn cánh tiên

Lầu lầu thu nguyệt thượng thiên trên trời

Cánh tiên bay bổng tuyệt vời

Nhác trông tựa thể giáng người tiên nga

Quạt cho gió lộng sơn hà

Quạt cho nam nữ trẻ già vui tươi

Quạt cho chim hót hoa cười

Quạt cho mát rượi lòng người thế gian

Quạt cho sóng lặng bể an

Trăng sao sáng tỏ xua tan mây mờ

Trần gian căn số phải thờ

Chưa ra hầu hạ còn cơ còn đầy

Tưởng rằng thẹn gió e mây

Ai ngờ phút nhớ phút khuây chẳng ngờ

Khi vui múa quạt múa cờ

Múa quạt tiến mẫu múa cờ tiến vua.

 

Cô Chín Sòng Sơn

 

Bản văn Cô Chín dệt gấm thêu hoa

Đền thờ khung cửi bằng vàng

Thoi ngà nạm ngọc thừa nhàn thêu hoa

Về đồng xe chỉ luồn sa

Chỉ thêu ánh tuyết kim sa ánh vàng

Mũi kim (thêu) đưa xuống nhẹ nhàng

Đưa lên khéo léo đảm đang thay là

Cô thêu thỏ lặn ác tà

Thêu non thêu nước thêu hoa thêu người

Tiều phu kiếm củi trên đồi

Sóng cồn mặt nước cá bơi giữa dòng

Cô thêu mấy áng mây hồng

Thêu nàng chức nữ ngự cung Quảng Hàn

Tay tiên dệt lụa thêu loan

Cát hồng tiên nữ tòa vàng vua cha​.

 

Văn khấn tâu Cô Chín Sòng Sơn

(Chú ý, đây là bài khấn nôm cho những con hương đi lễ nhà thánh, nhà ngài còn những thầy đồng chuyên lễ lạy thì sẽ sử dụng bài khấn khác đầy đủ và chi tiết hơn rất nhiều)

Nam mô a di đà phật! (3 lần)
Hương tử chúng con thành tâm kính lạy đức Hiệu Thiên Chí tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Huyền cung cao Thượng đế
Kính lạy
Đức Cửu Trùng Thánh Vân lục cung công chúa
Đức Đệ nhất Thiên tiên Liễu Hạnh công chúa, sắc phong Chế Thắng Hỏa Diệu Đại Vương, gia phong Tiên Hương Thánh mẫu
Đức Đệ nhị đỉnh thượng cao sơn triều Mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương
Đức Đệ tam Thủy phủ, Lân nữ Công Chúa
Đức Đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu
Tứ phủ Chầu bà, Ngũ Vị Tôn Quan, Tứ phủ Quan Hoàng, Tứ phủ Thánh Cô Thánh Cậu
Con xin cung thỉnh Cô Chín Sòng Sơn
Hôm nay là …
Tín chủ con là ………..
Ngụ tại:……………………………
Nhất tâm tưởng, vạn tâm thành tấm lòng thành con hướng đến cô và về bản cảnh đây, tờ tiền giọt dầu nén nhang là chút lễ mọn nhỏ bé con xin kính dâng lên cửa Phật, cửa Thánh, cửa Cô với tấm lòng chân thành nhất. Con xin thánh cô Chín lắng nghe và thấu đạt lời gọi cầu của con. Xin cô lắng nghe được tiếng chân thành, tiếng cầu ước xin của con mà về đây phù hộ độ trì.
Là để xin Thánh Cô về nơi đây hôm nay dùng chút hương hoa, dùng chút lòng thành cùng những món lễ vật nhỏ bé dâng lên người. Kính mong và chân thành nhận được sự độ trì và theo dõi của thánh cô bên chúng con.
Tuy lễ vật có sơ sài, có nhỏ mọn nhưng là tất cả là tấm lòng thành, là niềm tin, là sự hy vọng cũng như những gì thành kính nhất con xin dâng tặng đến quý cô. Chút quà mọn nhưng lòng thành cao, mong quý cô sẽ phù trợ.
Con 1 lòng 1 đạo nhất dạ và đêm tưởng ngày mong. Hôm nay chọn ngày lành con dâng lên cô hoa quả đăng trà với tấm lòng cung kính chân thành nhất. Con xin tiên nữ chứng giám cho lòng thành này và lắng nghe tiếng gọi của con, lắng nghe được những mong muốn, cầu xin của con.
Nam mô a di đà phật! (3 lần)

Sự tích Cô Tám Đồi Chè

Trong hàng Tứ phủ Thánh Cô, Cô Tám Đồi Chè là vị thánh cô thứ 8 xếp sau Cô Bảy Tân La và Cô Chín Sòng Sơn. Cô Tám là vị thánh cô có quyền cao phép lớn nổi tiếng với phép chữa mọi bệnh trần gian. Người ta thường cầu cô để được cô ban cho sức khỏe và an khang thái bình cho bách gia trăm họ.

Trên Ba Bông dưới lại Thác Hàn
Ai lên Phong Mục lại sang Đồi Chè
Đền thờ trướng rủ màn che
Có Tiên Cô Tám hái chè trên non

Cô Tám Đồi Chè

Sự tích Cô Tám Đồi Chè

Hiện nay, thân thế về Cô Tám Đồi chè hầu như có rất ít tài liệu. Thân thế về Cô chủ yếu là do tương truyền, tuy nhiên phần đa đều thống nhất cho rằng, Cô Tám Đồi Chè giáng sinh dưới thời vua Lê Thái Tổ dấy binh khởi nghĩa, cùng thời với Cô Bơ Thác Hàn. Cô Tám vốn là người thiếu nữ trồng hái búp chè tại vùng Phong Mục, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, sinh thời cô là người con gái đảm đang nết na tần tảo, hái búp chè xanh trên đồi, thường dùng làm thuốc chữa bệnh nên được nhân dân xa gần hết mực thương yêu gọi tôn hiệu là Cô Tám Đồi Chè.

Tại đây, cô cũng đã tham gia cuộc khởi nghĩa này và góp công lớn giúp vua đánh đuổi giặc ngoại xâm. Khi về lại tiên giới, cô được phong công lập đền thờ. Đồng thời được giao nhiệm vụ trấn giữ một bên sông Đò Lèn, Phong Mục. Tại đây, những khi thanh nhàn, cô thường an nhiên dạo chơi khắp vùng Hà Trung, Thanh Hoá, cũng có khi cô hiện hình trên dòng sông Mã cùng con thuyền độc mộc, bẻ lái ngắm cảnh dọc bờ sông Mã.


Đền thờ Cô Tám Đồi Chè ở đâu ?

Đền chính thờ Cô Tám Đồi Chè được thờ riêng tại đền cô thuộc đất Phong Mục, huyện Hà Trung. Ngoài ra tại xã Hà Thượng ,Đại Từ, Thái Nguyên cũng có một đền thờ vọng Cô Tám. Đền Cô tại đây, trước đây hết sức lụp sụp, nhưng nay do nhiều người hảo tâm công đức nên hiện nay khá khang trang, sạch đẹp. Cô Tám cũng còn được phối thờ ở một số đền, nhưng không nhiều.

Cô Tám Đồi Chè

Đền thờ Cô Tám Đồi Chè có 4 cung thờ chính. Với cung ngoài cùng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, cung bên trong thờ Ngũ Vị Tôn Quan, cung tiếp theo thờ bà Chúa Sơn Trang. Và trong cùng là cung chính thờ Cô Tám với tượng cô được đặt uy nghiêm trong khám thờ gỗ sơn son thiếc vàng với màn phủ che bên ngoài. Để đi lễ đền Cô Tám Đồi Chè, du khách có thể kết hợp đi lễ đền Mẫu Thoải đền Hàn và đền Cô Bơ do cả ba ngôi đền thiêng này đều nằm trong cùng một khu vực thuộc ngã 3 đê Tả sông Lèn.

Bản văn Cô Tám Đồi Chè

Trên Ba Bông dưới lại Thác Hàn
Ai lên Phong Mục lại sang Đồi Chè
Đền thờ trướng rủ màn che
Có Tiên Cô Tám hái chè trên non
Lắng nghe chim hót véo von
Có Tiên Cô Tám hái chè non trên ngàn
Lá chè làm thuốc làm thang
Búp chè trị bệnh trần gian cô cứu người
Khô cằn cô lại cho tươi
Tay cô vun xới cho đời nở hoa
Đầu non thỏ lặn ác tà
Lẵng hoa cô quảy đường xa đi về
Gập ghềnh trăm suối ngàn khe
Thác Hàn ,Phong Mục lối về Đền Cô
Đồi Chè ,cây thị nhấp nhô
Lối sang Cẩm Thủy lối vô Đò lèn
Minh Tân phố Đò Lèn tên đặt
Phủ Hà Trung thuộc đất Thanh hoa
Có Cô Tám Thượng hay là
Nơi gần kính trọng nơi xa lai hàng
Chốn đền Hàn cô vào khâm mệnh
Mẫu ban quyền cô được quản cai
Vào ra áo thắm thơ bài
Tay đeo vòng bạc chân hài thêu hoa
Giọng mường giọng mán reo ca
Líu lô giọng thổ ngân nga giọng mèo
Rừng già nước chảy suối reo
Cây xanh rẽ lối đường đèo quanh co
Bốn mùa ngọan cảnh ngao du
Khi chơi Thiên Bản,Đông Phù,Giáp Ba
Có phen Cô nhớ quê nhà
Đò lèn Phong Mục thượng tòa quỳ tâu
Ngự thuyền rồng dạo chơi thủy đạo
Đua tiếng hò tiêng sáo xênh xang
Khi vui bắt bướm gảy đàn
Mặt trời đương lặn nắng vàng nhạt phai
Bên mình túi vóc dao quai
Lược cài trâm giắt tóc mai dịu dàng
Thỉnh cô chứng giáng đàn tràng
Khuông phù đệ tử an khang thọ trường

Hầu giá Cô Tám Đồi Chè

Trong Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Tám Đồi Chè hiếm khi về ngự đồng. Chỉ khi nào có người sát căn, sát vía cô hoặc đó là dịp hầu đón tiệc Cô Tám Đồi Chè  tại các đền ở vùng Thanh Hoá thì thỉnh cô mới về.

Cô Tám Đồi Chè khi ngự đồng thường mặc áo xanh lá quần đen (có nơi là áo tím hoa cà). Cô thực hiện lễ khai quang sau đó múa mồi . Sau đó cô thường là múa tay tiên các điệu như người đi hái chè trên non

Cô Tám Đồi Chè

Khánh tiệc Cô Tám Đồi Chè

Tiệc Cô Tám Đồi Chè vào ngày 26 tháng 6 âm lịch

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2019

Sự tích Cô Bảy Tân La

 

Sự tích Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao

Cô Bảy Tân La hay còn gọi là Cô Bảy Kim Giao hoặc Cô Bảy Mỏ Bạch, là vị thánh cô thứ bảy trong Tứ phủ Thánh Cô, sau cô Sáu Lục Cung  và trước Cô Tám Đồi Chè. Theo một số tích nói rằng cô là người kề cận bên Chầu Bảy nên cũng được gọi là Cô Bảy Kim Giao hay còn có hiệu khác là Cô Bảy Tân La khi cô được theo hầu cận Chầu Bảy tại đền Tân La.

Thỉnh mời Cô Bảy Kim Giao
Đêm đêm cô mắc võng đào họa ca
Đền thờ rừng núi bao la
Đầu non thác đổ xa xa hổ gầm

Cô Bảy Kim Giao – Cô Bảy Mỏ Bạch – Cô Bảy Tân La

Cung thờ Cô Bảy hay Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao, Cô Bảy Mỏ Bạch

 

Sự tích Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao, Cô Bảy Mỏ Bạch

Cô Bảy Kim Giao vốn là một tiên cô ở vùng Kim Giao, Mỏ Bạch, Thái Nguyên. Có tài liệu cho rằng cô là người dân tộc Mọi. Tuy nhiên, trong danh mục các dân tộc Việt Nam không thấy có dân tộc có tên là Mọi. Vì vậy, có khả năng Cô là người Nùng.

Các tài liệu về thần tích của Cô hiện không có, chỉ tương truyền cô có công giúp người dân Mọi biết trồng trọt chăn nuôi và trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, nhưng thời gian nào thì cũng không xác định được.

Vậy theo một số tài liệu thì chính xác Cô Bảy là Cô Bảy Kim Giao hay Cô Bảy Tân La (theo hầu Chầu Bảy Kim Giao) chứ không phải là Cô Bảy Tân An (theo hầu Ông Bảy Bảo Hà ) như một số người vẫn nói. Còn có sự tích nói rằng, đêm đêm cô thường hội họp cùng các bạn tiên nàng, mắc võng đào giữa hai cây kim giao rồi cùng đàn hát.


Hầu giá Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao, Cô Bảy Mỏ Bạch

Trong hội đồng Thánh Cô, Cô Bảy Kim Giao là một trong số các cô ít khi ngự đồng nếu không nói là hầu như không thấy. Vậy nên nếu để nói đến y phục và cung cách hầu giá Cô Bảy là rất khó, theo phỏng đoán của người viết thì có thể giá Cô Bảy Kim Giao mặc áo tím hoặc chàm xanh, cô ngự đồng khai cuông rồi múa mồi.

Hiện nay, Cô Bảy vẫn được thờ làm cô bản đền tại chính cung Đền Kim Giao (Thanh Liên, Mỏ Bạch, Thái Nguyên) và còn cả tại đền Tân La ( Dốc Lã, Bảo Khê, Hưng Yên). Khi hầu tráng mạn đến giá Cô Bảy Kim Giao

Bản văn Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao, Cô Bảy Mỏ Bạch

Tháng bảy trảy hội tiên la
Nhớ ngày hội lễ tiên la con về
Dù cho công việc bộn bề
Mồng mười con rước cô về dâng hương
Cô bảy giá ngự tiên la
Là tiên giáng thế mở đường cứu dân
Cô hầu cận Mẫu tiên la
Mẫu cùng Trưng Trắc dẹp quân bạo tàn
Anh linh dẹp giặc đã tan
Chữa lành dịch tả cứu người binh lính
Thương dân cô bảy hiện hình
Ác sát xiêm trắng hiển linh cứu đời
Xưa kia hầu cận mẫu tiên la
Phù đời cứu thế tế độ trần gian
Biển khơi cho tới non ngàn
Ra tay cứu độ trần gian
Khổ đau cô đã chở che
Tâm tành khấn vái cô nghe cô phuf
Ơn cô ghi nhớ ngàn thu
Giang sơn ghi nhớ kẻ thù khiếp kinh
Phép tiên biến hoá tài tình
Bao lần cứu giúp giáng sinh cõi trần
Cô bảy cứu nước độ dân
Bách gia trăm họ xa gần ơn sâu
Bể dâu biến đổi mặc dầu
Uy linh cô bảy nơi đâu cũng thờ.

Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao được thờ ở đâu ?

Cô Bảy Kim Giao không có đền thờ riêng mà thường được thờ tại điện gần với Ban Thánh Mẫu Chầu Bảy tại đền Mỏ Bạch ở Kim Giao, Mỏ Bạch, thành phố Thái Nguyên. Đền là nơi thời chính của Chầu Bảy và Cô Bảy.

Đền Mỏ Bạch là nơi thờ danh tướng Dương Tự Minh – người đã có công dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi phía Bắc của Tổ quốc dưới vương triều nhà Lý. Ngoài ra, đền còn thờ Thánh Mẫu Chầu Bẩy có công dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, chăn nuôi. Và Cô Bảy Kim Giao còn cả tại đền Tân La (Dốc Lã, Bảo Khê, Hưng Yên).

Khánh tiệc Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao, Cô Bảy Mỏ Bạch

Ngày 21 tháng 7 âm lịch là ngày tiệc Chầu Bảy Kim Giao + Tiệc Cô Bảy Kim Giao (Cô Bảy Tân La)

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

Sự tích Cô Sáu Lục Cung, Cô Sáu Sơn Trang

Cô Sáu Sơn Trang hay còn gọi là Cô Sáu Lục Cung, cô là thánh cô thứ sáu hầu cận bên Chầu Lục Cung Nương hay Mẫu Thượng. Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Sáu Lục Cung là một trong những vị thánh cô thường hay ngự đồng, ngoài ra cô còn nổi tiếng với tài chữa bệnh cứu người lúc sinh thời.

Đệ tử con dâng bài văn tấu
Cung thỉnh mời cô Sáu sơn trang
Đền thờ lập ở trên ngàn
Lô xô đá mọc ngổn ngang mấy tầng

 Cô Sáu Lục Cung , Cô Sáu Sơn Trang

Sự tích Cô Sáu Sơn Trang, Cô Sáu Lục Cung

Tương truyền sự tích về Cô Sáu Sơn Trang vốn là tiên nữ trên trời, thấy cảnh hạ giới lầm than, dân tình đói khát, ốm đau bệnh tật, cô thương xót cho chúng sinh nên nguyện hạ phàm để chữa bệnh cứu người. Năm ấy cô giáng sinh vào một gia đình người dân tộc thiểu số (người Nùng có nơi cho là người Tày) ở vùng quê Hữu Lũng – Lạng Sơn. Sinh thời, cô xinh đẹp, nết na, hiền dịu, khi sinh ra đã có tài chữa bệnh, bốc thuốc. Hầu như không một chứng bệnh nào cô không biết, không một bệnh nan y nào mà cô không chữa được. Cô thường xuyên bôn ba khắp vùng miền của xứ Lạng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong những ngọn núi cao, những cánh rừng già để hái thuốc. Trước y thuật cao minh của Cô, nhiều gia đình khó khăn không có tiền chữa bệnh đã từ cõi chết trở về. Sau này, khi cô Sáu mãn hạn về trời, để tưởng nhớ công ơn to lớn của Cô, dân chúng quanh vùng lập đền thờ Cô và hàng năm vẫn tổ chức cúng bái.

Trong dân gian, những thông tin sự tích về Cô Sáu được lưu truyền rất nhiều, nhưng đa phần chưa có sự thống nhất một số quan điểm về xuất thân của cô và cô Sáu hầu cận vị thánh nào.

Đầu tiên về xuất thân của cô, có lẽ đây là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi nhất. Có hai dòng ý kiến, thứ nhất cho rằng cô Sáu là tiên trên trời giáng thế, được sinh ra trong 1 gia đình người dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Tuy nhiên lại có quan điểm cho rằng, cô Sáu Lục Cung sinh ra trong 1 gia đình người Nùng, và điều này được nhiều người ủng hộ hơn, bởi trên thực tế vùng đất mà cô sinh ra thuộc vùng Hữu Lũng – Lạng Sơn là địa bàn sinh sống của dân tộc Nùng. Người dân tộc Tày thực tế rất ít xuất hiện ở vùng đất này.

Việc Cô Sáu hầu cận bên vị Thánh nào cũng có nhiều di bản. Đa phần đều lưu truyền rằng cô là người hầu cận bên Chầu Lục Cung Nương, vì thế mà Cô được gọi là Cô Sáu Lục Cung. Một số khác lại cho rằng cô là người hầu cận bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn, hay còn gọi là Chúa Sơn Trang. Vì thế mà trong một số tài liệu và trong thực tế đời sống, người ta còn gọi Cô là Cô Sáu Sơn Trang.


Hầu giá Cô Sáu Sơn Trang, Cô Sáu Lục Cung

Trong hàng tứ phủ Thánh Cô, Cô Sáu Lục Cung là vị thánh cô rất hay ngự đồng trong các giá hầu đồng. Các thanh đồng đạo quan thường thỉnh bóng Cô Sáu Sơn Trang ngự đồng không chỉ có khi về đền Lục Cung, về đất Lạng Sơn mà cả khi khai đàn mở phủ hay trong cả những dịp hầu vui, đón tiệc tiên thánh.

Cô Sáu Lục Cung - Cô Sáu Sơn Trang

 

Khi ngự đồng cô làm lễ khai cuông rồi múa mồi như các tiên cô trên Thượng Ngàn khác. Trong trang phục áo ngắn vạt, rộng tay, màu lam hoặc chàm tím, quầy đen, đầu đội khăn xanh, chít hoa, trâm cài lược dắt.

Bản văn Cô Sáu Sơn Trang, Cô Sáu Lục Cung

Hiện trong dân gian vẫn còn lưu truyền 2 bản văn dưới đây được sử dụng khi thỉnh giá cô Sáu ngự đồng.

Bản văn Cô Sáu Sơn Trang, Cô Sáu Lục Cung thứ nhất

Đệ tử con dâng bài văn tấu
Cung thỉnh mời cô Sáu sơn trang
Đền thờ lập ở trên ngàn
Lô xô đá mọc ngổn ngang mấy tầng

Nước suối chảy rì rầm róc rách
Cá lượn mình luồn lách dưới khe
Đền cô cây mọc xum xuê
Lối lên sông Hoá lối về Suối Ngang

Cảnh sơn trang trên ngàn lồng lộng
Lục Cung từ thượng đẳng tối linh
Càng thêm nức tiếng thơm danh
Trừ tà trị bệnh cứu sinh cho đời

Tiên cô Sáu vâng lời Mẫu Thượng
Hái thuốc tiên độ lượng nơi nơi
Nón xanh đủng đỉnh lên đồi
Chân quấn xà cạp chiếc gùi trên vai

Thật ưa ngắm đôi tay vòng bạc
Thẳng đường ngôi mườn mượt tóc mây
Da ngà vẻ ngọc hây hây
Môi trầu cắn chỉ vẻ đầy khuôn trăng

Nở nụ cười hàm răng rưng rức
Má hây hây sực nức hương bay
Áo lam ngắn vạt rộng tay
Long lanh đáy nước tóc mai hoa cài

Bước khoan thai lên hầu Mẫu Thượng
Sớ trạng dâng kính ngưỡng Tam Toà
Mẫu yêu cô Sáu nết na
Độ cho đệ tử gần xa yên lành

Tính đành hanh trên đời có một
Kẻ gian tà nhất mực không tha
Thư phù luyện ấn canh ba
Canh tư đốt đuốc vào ra cửa rừng

Cất tiếng hú khắp rừng im bặt
Rước Mẫu hoa rắc hang sâu
Mẫu sai cô Sáu theo hầu
Tay cầm nhành quạt đứng hầu một bên

Đức Mẫu Thượng chỉ lên đỉnh núi
Cô vâng lời vượt suối băng ngàn
Tới đâu cầm thú reo vang
Voi quỳ hổ phục bên đàng cô đi

Tiếng tử quy bên đồi gọi bạn
Gà gáy rừng gọi sáng năm canh
Hái hoa trẩy quả vin cành
Hái tài hái lộc lấy danh cho đồng

Trốn hiên mai cành hồng thấp thoáng
Cô Sáu Ngàn đã đáng Mẫu yêu
Đêm ngày khăn túi nâng niu
Phấn son trang điểm dập dìu vào ra

Chúa tiên trâm giắt hài hoa
Tay đàn miệng đọc xướng ca dịu dàng
Tóc mây mườn mượt vấn ngang
Chân đi dịu dàng yểu điệu nết na

Vui về trăm thức bông hoa
Chân chim bóng cá giang khê hữu tình
Vui về tiếng thổ tiếng kinh
Giọng mường giọng mán xinh xinh dịu dàng

Danh tiếng đồn cô sáu khôn ngoan
Thần thông cô học sơn trang phép nhà
Đường về hữu lũng bao xa
Thanh sơn thủy tú vào ra tháng ngày

Lầu hồng phủ tía đông tây
Có phen nương gió cưỡi mây bay về
Động Đình bát hải thủy tề
Chiếc thoai cô sáu chèo về khoan khoan

Bát muôn lá ngọc cành vàng
Nam thanh nữ tú đảm đang chấm đồng
Kén người má phấn lưng ong
Nỗi nhầm cô quở hình dong võ vàng

Mẫu sai cô cứu bệnh trần gian
Bệnh nào cũng khỏi bình an tức thì
Khỏi rồi cô chả lấy chi
Lấy một quả núi cùng thì chiếc thoi

Núi thời có cả thú vui
Có hoa có cỏ có người sơn trang
Thoi thời sắp đặt gọn gàng
Cô về tiến mẫu sơn trang cửa rừng

Tiên cô gốc tích người nùng
Danh thơm lừng lẫy khắp vùng Chín Tư
Thỉnh cô trắc giáng linh từ
Khuông phù đệ tử thiên thu thọ trường

Bản văn Cô Sáu Sơn Trang, Cô Sáu Lục Cung thứ hai

Nước suối chảy bên đèo róc rách
Cá lượn mình luồn lách dưới khe
Ngôi đền thờ cô có ngôi đền thờ cô
Hoa quả xum xuê, lối lên sông hóa lối về đồi ngang

Ngôi đền chín tư, đền chín tư huy hoàng lồng lộng
Sắc tặng phong thượng đẳng tối anh linh
Càng thêm nức tiếng thơm danh
Càng thêm nức tiếng thơm danh

Cả cô chữa bệnh cứu sinh cho đời
Tiên cô sáu nay vâng lời mẫu thượng
Hái thuốc tiên cô độ lượng nơi nơi
Hàng nón xanh đủng đỉnh cô lên đồi

Chân quấn xà cạp chiếc gùi đeo vai
Cô sáu nay vâng lời mẫu thượng
Đi hái thuốc tiên độ lượng nơi nơi
Hàng nón xanh đủng đỉnh cô lên đồi

Chân quấn xà cạp có chiếc gùi trên vai
Chân khoan thai lên hầu mẫu thượng
Sớ trạng dâng cô đề tấu tam tòa
Mẫu yêu cô sáu nết na

Áo lam ngắn vạt rộng tay
Khăn chít củ ấu tóc mây có bông hoa cài
Chân bước khoan thai lên hầu đức mẫu thượng
Sớ trạng dâng cô đề tấu tam tòa

Mẫu khen cô sáu đẹp nhất nhà
Về đồng làm lễ dâng nhang
Lễ phật ngũ bái mười phương độ trì
Tay dâng nhang miệng khấn dù rì

Nàng ân nàng ái vốn dòng sơn trang
Tính hay măng trúc măng giang
Măng tre măng lứa cơm lam trà vàng
Tính cô hay sung ngái cô đi tìm

Đăng ai đăng ai sáng tỏ lưng đèo
Một bầu xuân sắc tốt tươi riềm rà
Lên ngàn, lên trên ngàn lắm quả nhiều hoa.
Hài hoa dạo bước lên non.

Tiếng đàn tiếng hát véo von.
Suối sâu vang lừng câu ca
Đồi núi bao xa sương mờ nhạt nhòa
Thương đồng loan giá về đây

Dốc dốc cao mặc dốc băng qua đèo đường còn xa.
Dốc dốc cao mặc dốc băng qua đèo đường còn xa
Dáng người tiên nữ đang đi về ngày hội hoa
Dáng người tiên nữ đang đi về hội ngày hoa

Đường mập mù ngàn treo leo núi non mịt mờ
Suối tuôn róc rách ôi nước chảy về đâu
Suối tuôn rì rào nghe róc rách
Tiếng đàn tiếng phách hát vang muôn lời ca

Khi lên ngàn đi hái thuốc cho trăm họ được an lành
Ơi rừng ơi, ơi suối ơi rừng ơi suối ơi
Hoa ngàn hoa thắm tươi
Chim oanh ríu ran nhạc lừng hát khúc ca mùa xuân

Đồi vàng đồi núi cô về cô vui múa ca
Hài hoa dạo khắp nơi nơi
Chim oanh ríu ran nhạc rừng hát khúc ca chào xuân
Kìa cành hồng tươi sáng

Chim én bay rợp trời
Chập chờn chập chờn trong nắng mai
Chim oanh ríu ran nhạc rừng hát khúc ca mùa xuân
Chim oanh rợp trời hát khúc ca mùa xuân

Riêu tăm hiến đủ ba bình
Ốc dăm ba cái cua kình mười ba con
Cô tiến dâng lên con tu con tu lị
Con tu lị cùng con tu quay chất phan lị phà

Chi cha chi chô tuần lục là tuần lô trang chầu tu nhởn kim
Vỏ đắng trầu cay
Trầu têm cánh phượng lại hay thuốc lào
Dâng lên một ống vôi đào

Cau xanh cả quả, thuốc lào cả phong
Dâng lên một ống vôi đào
Cau xanh cả quả, thuốc lào cả phong
Ôi mùi thuốc lào ngát hương tinh bảo

Câu yên phỏng nay đủ cánh tiên
Có phen hiến cả rượu nồng
Ốc dăm ba cái cua kềnh mười ba con
Tính hay trà hoa cúc đắng ngạt ngào

Cau cành vỏ gạch thuốc lào tiến dâng
Đôi cô tố nữ têm trầu cánh phượng
Miếng trầu nồng thực bích cô sáu ưa
Hôm nay loan giá cô về đây

Ở ấp khe nay về rừng cấm
Hay là về đất tổ thanh hoa
Dẫu rằng ai đã mắc bệnh hiểm nghèo
Rằng ai mắc bệnh hiểm nghèo.

Tay tiên phù chú bệnh đà tan ngay
Ngày hôm nay loan giá cô về đây.
Xe loan thánh giá hồi cung.


Đền thờ Cô Sáu Lục Cung

Cô Sáu Lục Cung không có đền thờ riêng. Hiện nay Cô Sáu Lục Cung chính là thánh cô trấn giữ bản đền Lục Cung Chín Tư. Cung thờ cô được xây ngay cạnh chính cung đền Chầu Lục tại thôn Chín Tư, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Đền Lục Cung còn là nơi thờ chính của Chầu Lục hay còn gọi là Chầu Sáu Lục Cung, Chầu Lục Cung. Đôi khi đền Lục Cung còn được gọi là Đền Chín Tư.

Khánh tiệc Cô Sáu Lục Cung, Cô Sáu Sơn Trang

Ngày 10 tháng 5 âm lịch hang năm chính là ngày tiệc cô Sáu Sơn Trang

Cô Sáu Lục Cung - Cô Sáu Sơn Trang

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Sự tích Cô Năm Suối Lân

Cô Năm Suối Lân là vị thánh Cô thứ năm thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu, sau Cô Tư Địa Phủ và trước Cô Sáu Sơn Trang. Cô hầu cận Chầu Năm Suối Lân vì vậy tên của cô cũng được gọi theo địa danh Suối Lân tỉnh Lạng Sơn.

Cô Năm trên động Suối Lân
Xe loan thánh giá đằng vân ngự về
Chơi sơn khê ngàn xanh núi cấm
Ngự tính tình đàn đọc ca ngâm

 

Cô Năm Suối Lân


Sự tích Cô Năm Suối Lân

Cô Năm Suối Lân vốn là tiên nữ trên Thiên Đình, theo lệnh vua cha Cô giáng trần là người thiếu nữ dân tộc Nùng ở trên xứ Lạng. Có tích lại kể rằng Cô Năm là người thị nữ thân cận bên Chầu Năm Suối Lân (lúc sinh thời khi Chầu còn là công chúa) nên Cô cũng được tôn hiệu là Cô Năm Suối Lân hay Cô Năm Sông Hoá. Sau này được sắc phong hiển thánh, Cô Năm vẫn được coi là tiên cô kề cận bên cửa Chầu Năm. Cô được coi là tiên cô trông giữ bản đền Suối Lân. Du khách hành hương đi chiêm bái trên đất Lạng đều phải qua bái yết cửa Chầu Năm và Cô Năm Suối Lân.

Dòng Suối Lân linh thiêng do Cô Năm cai quản bốn mùa trong xanh, nước thông về sông Hoá và xanh mát bốn mùa không bao giờ cạn. Giống như Chầu Năm, Cô Năm Suối Lân là vị Thánh Cô vô cùng anh linh nhưng cũng rất đành hanh. Nếu ai có bệnh tật đến xin nước suối cửa cô, uống vào sẽ thuyên giảm. Nhược bằng, người nào không biết mà xuống suối tắm hay rửa chân tay, làm ô uế dòng suối trong xanh của cô sẽ bị cô hành cho sốt nóng mê sảng. Nếu có kẻ nào báng nhạo, cô sẽ “xát lá han” làm người đó luôn ngứa ngáy khó chịu, rồi bị dẫn dắt lạc đường rừng lúc nào không hay.

Cô Năm Suối Lân


Hầu giá Cô Năm Suối Lân

Cô Năm Suối Lân là một trong những vị thánh Cô ít khi về ngự đồng. Thường chỉ những người nào có sát căn quả về cửa Cô hoặc khi về đền Suối Lân thì mới thấy thỉnh bóng Cô Năm ngự đồng. Cô thường ngự giá về lúc nửa đêm.

“Nửa đêm Cô mới hiện hình.
Suối Lân soi bóng tươi xinh dáng hình”
―Chầu văn Cô Năm Suối Lân.

Khi loan giá ngự đồng người ta thường mặc màu áo giống màu áo của Chầu Năm nhưng vạt ngắn hơn. Đó có thể là màu xanh thiên thanh hoặc xanh lá cây. Đầu cô chít khăn củ ấu, Dao quai, túi vóc dắt bên hông, chân mang hài cánh tiên. Khi ngự về đồng, cô khai quang rồi múa mồi như những Thánh Cô khác.

Cô Năm Suối Lân

 

 

“Về đồng Cô mặc áo xanh
Nón buồm túi vóc thanh thanh hoa cài
Rườm rà Cô vấn tóc mai
Chít khăn củ ấu chân hài cánh tiên”
―Chầu văn Cô Năm Suối Lân.

Bản văn Cô Năm Suối Lân

Cô Năm trên động Suối Lân
Xe loan thánh giá đằng vân ngự về
Chơi sơn khê ngàn xanh núi cấm
Ngự tính tình đàn đọc ca ngâm
Vui về thú cảnh Suối Lân
Hoa chen cành biếc mây vần đỉnh cao
Động Sơn trang ra vào sớm tối
Suối Lân Ngàn giá ngự thảnh thơi
Trong rừng dưới suối trên đồi
Thông reo trúc hóa thú vui hữu tình
Thổ mường các chúng sơn tinh
Thỉnh Cô chắc giáng anh linh đàn tràng
Cơm lam thịt thính trà ngàn
Khế chua sung chát trầu vàng cau non
Suối Lân khuya sớm ra vào
Chim kêu vượn hót xôn xao đùa cười
Suối Lân cảnh thú trên ngàn
Có dòng sông Hóa vắt ngang cửa đền
Ai lên đến tỉnh Lạng Sơn
Qua dòng sông Hóa vào đền cô Năm
Quyền cô cai quản Suối Lân
Một tòa chính điện xa gần nức danh
Đền thờ nào khác bức tranh
Dưới suối nước chảy, trên cành cây cao
Đền thờ như thể động đào
Bốn mùa đồng tử ra vào dâng hương
Cô Năm cốt cách phi phương
Trâm cài lược dắt , soi gương chải đầu
Long lanh mắt phượng tựa sao
Thần thông diệu trí biết bao quyền hành
Lê triều tích cũ sử xanh
Cô Năm công chúa rành rành oai linh
Nửa đêm cô mới hiện hình
Suối Lân soi bóng tươi xinh dáng hình
Về đồng cô mặc áo xanh
Nón buồm túi vóc thanh thanh hoa cài
Rườm rà cô vấn tóc mai
Chít khăn củ ấu chân hài cánh tiên
Cô Năm ứng hiện tự nhiên
Ban cho nước suối bệnh liền khỏi ngay
Suối Lân cô ngự thiêng thay
Sơn lâm vui thú tháng ngày rong chơi
Thanh nhàn dạo khắp mọi nơi
Đồng Đăng Hữu Lũng thảnh thơi đi về
Có khi cô ngự Thất Khê
Công Đồng Bắc Lệ lại về Suối Lân
Tiên cô mới thử lòng trần
Ai mà biết đến muôn phần tốt tươi
Còn ai bỡn cợt trêu cười
Lá han cô xát cho người hay ra
Sám hối cô sẽ truyền tha
Bây giờ mới biết cô đà anh linh
Phép cô thưởng phạt nghiêm minh
Có công cô thưởng tội hình không tha
Cô truyền sơn động các tòa
Thổ Mường các bản đàn ca vang lừng
Đầu sông cho đến cửa rừng
Ngàn măng, nương sắn đến từng đồi sim
Ai mà bảy nổi ba chìm
Cô thương lại để trong tâm trong lòng
Còn ai vất vả long đong
Có cô Năm Suối chấm đồng làm tôi
Hoa tươi cô hái trên đồi
Ban cho các ghế muôn người nhất tâm
Người thời có phúc có phần
Có lòng cô sẽ bắc cân cho đều
Hội vui dâng bản văn chầu
Thanh bông hoa quả đảo cầu cô Năm
Cô về ngự cảnh Suối Lân
Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường.

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...