Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

Cậu Hoàng Bơ Thoải

 Cậu Hoàng Bơ Thoải là ai và đền thờ cậu ở đâu ?

Cậu Hoàng Bơ Thoải là cậu Bé Hoàng thứ ba trong hàng Tứ Phủ Thánh Cậu của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt. Đây cũng là vị Thánh Cậu hay về giáng đồng ban phát tài lộc cho con hương nhất trong hàng Tứ phủ Thánh Cậu.

Cậu Hoàng Bơ là ai ?

Tương truyền cậu là vị hoàng tử của vua Cha Ngọc Hoàng, giáng trần giúp đỡ nhân dân và khi hóa lại trở thành các vị hầu cận theo các vị thánh trong tứ phủ. Theo nhiều tài liệu ghi chép hiện nay, cậu Hoàng Bơ Thoải là vị thánh Cậu thuộc miền Thoải Phủ, Cậu Hoàng Bơ theo hầu Mẫu Thoải cùng Vua Cha Bát Hải.

Cậu Hoàng Bơ

Cậu tuy nhỏ nhưng mà rất quyền uy, hô một tiếng cả bạn thủy tộc, long xà, thủy tiên vùng dậy nghe hiệu lệnh. Cậu rất hay về đồng, khi ngự đồng Cậu Hoàng Bơ mặc áo trắng, chèo đò.

Hầu giá Cậu Hoàng Bơ Thoải

Trong hàng Tứ Phủ, Thánh Cậu ít được hầu đồng như các Thánh Cô bởi các Cậu không hay chấm đồng như các Cô. Tuy vậy, cậu Hoàng Bơ vẫn hay giáng đồng hơn các Cậu bé khác. Khi ngự về đồng, Cậu mặc y phục trắng, thắt hoa. Đầu chít khăn mỏ rìu, đeo mạng, đi ghệt chân như các Thánh Cậu khác trong Tứ Phủ. Cậu về đồng làm lễ, tay múa hèo, chèo thuyền, phán ngự thông truyền rồi ban phát tài lộc.

Cậu Hoàng Bơ

Cậu Hoàng Bơ Thoải khi ngự đồng

Đền thờ Cậu Hoàng Bơ

Cậu Hoàng Bơ được thời tại rất nhiều ngôi đền Thoải Phủ, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là cung thờ tại đền Cô Bơ Thoải hay còn gọi là đền Ba Bông. Đền Ba Bông ngự tại xã Hàn Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Gần ngã ba đến Đò Lèn. Đền cô Bơ Thoải được coi là cõi “trên bến dưới thuyền” luôn đông đúc nhộn nhịp người dân sinh sống và khách đến cầu.

Dâng lễ Cậu Hoàng Bơ vào mỗi dịp đầu xuân năm mới hay ngày lễ hội của đền, ngôi đền lại đón hàng nghìn lượt khách hành hương tới dâng lễ cầu khấn. Các con nhang sẽ sắm một mâm lễ chay mặn tùy tâm, không cần sang nhưng cần thành ý. Mọi người khi đến đền hay cung Cậu Hoàng Bơ Thoải đều cầu mong tài lộc, sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc, làm ăn thuận buồm xuôi gió, xin chữ được học hành tiến bộ, thi cử đỗ đạt công thành danh toại.

Văn Cậu Hoàng Bơ

Cậu Hoàng Bơ tốt tươi muôn vẻ

Tuổi xuân thì lắm vẻ xinh thay

Tháng ba nhuận vào ngày mùng bảy

Bông hoa đào bỗng nảy ba chi

Vua cha quốc mẫu yêu vì

Nâng niu như ngọc lưu ly vàng mười

Mênh mông một nước một trời

Thuyền Cậu Bơ Thoải chèo bơi giữa dòng

Chiêng vàng cờ mở trống dong

Tiêu thiều nhã nhạc tiểu đồng dâng hoa

Quần tiên chuốc chén tử hà

Chúc cậu muôn tuổi mặn mà trường xuân

Năm cung thơ hoạ đôi vần

Lưu ly hổ phách kỳ tân mọi mùi

Chiêng kêu giục dã ba hồi

Quân tiền thuỷ tộc muôn loài hiện lên

Ba quân nghe lệnh cậu truyền

Long xà ngư miếc thuỷ tiên sắp hàng

Ba quân nghe lệnh truyền ban

Kiệu rồng lọng tía lên đàng du xuân

Dạo chơi khắp hết xa gần

Tìm nơi lịch sự thanh tân hay là

Đường về thuỷ động bao xa

Có điện thất bảo có toà đại dương

Có lầu ngọc bích kim cương

Có rừng mã não có đường hoàng kim

Trùng trùng muôn sắc hoa chen

Hương phô gió mát ở miền đại dương

Có cậu Bơ Thoải phi phương

Tay cầm minh kính soi đường tử sinh

Rước Vua rước Mẫu tuần hành

Long xà ngư miếc cá kình theo sau

Tam giang tứ hải cửu châu

Muôn nơi ngưỡng phục cúi đầu làm tôi

Dâng văn tấu thỉnh đôi lời

Công ơn tiên thánh muôn đời dám quên

Cậu về trắc giáng bản đền

Khuông phù đệ tử thiên niên thọ trường.​

Hát văn Cậu Hoàng Bơ

(Lối hát dọc)

Tục truyền tháng tám hội cha

Tháng ba hội mẹ gần xa nức lòng

Cậu Bé Hoàng dục ngựa qua sông

Hèo hoa cậu vác, thương đồng phải theo

Mênh mông một nước một trời

Có cậu Hoàng Bơ chèo bơi thuyền rồng

Tâm tâm niệm chữ di đà

Vào chùa non nước trảy hoa đem về

Băng rừng ngàn vạn suối khe

Khi chơi Yên Tử lúc về đền Dâu

Qua cau Cậu đếm nhịp cầu

Cầu kia nhớ nhịp sông sâu nhớ thuyền

Biển đông sóng bạc dâng lên

Về đền Bát Hải đua thuyền chèo bơi

(Làm lễ xong ngự tọa)

Chuốc rượu:

Gió lay động bức mành mành

Đưa đường hoàng tử lộ trình tới đây

Tay tiên rót chén rượu đào

Nhất tuần sơ dâng lên bệ ngọc

Dâng lên cúng mẫu các cô dâng vào rước cậu Hoàng xơi

Nhị tuần á rót chén rượu đào

Dâng lên cúng mẫu các cô dâng vào rước cậu Hoàng xơi

Tam bôi rót chén rượu đào

Dâng lên cũng mẫu các cô dâng vào rước cậu Hoàng xơi

Thơ:

Một lối lên tiên còn dở gót trần

Mây trời cỏ đất vạn cảnh xuân

Ba sinh gặp gỡ say vì cảnh

Một phút mơ màng thú trào xuân

Văng văng bên tai cung đàn nguyệt

Vang vang trong động

Chẳng hay cảnh ấy về đâu

Mong tới nguyên đào Cậu Hoàng là chủ nhân.

 

Khánh tiệc Cậu Hoàng Bơ Thoải Phủ

Tiệc Cậu Hoàng Bơ Thoải vào ngày 7 tháng 3 âm lịch.

 

Cậu Hoàng Bơ

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

Cậu Hoàng Cả là ai ?

 Cậu Hoàng Cả là ai ?

Cậu Hoàng Cả là vị Thánh Cậu thứ nhất trong hàng Tứ phủ Thánh Cậu trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ. Cậu Hoàng Cả xuất thân hoàng tộc chốn thiên cung, được Vua Cha cử xuống hạ giới phù dân vệ quốc và về trời khi tuổi còn niên thiếu.

“Cậu xưa vốn ở Phủ Dầy
Chầu chực đêm ngày hầu Mẫu vào ra
Cậu Hoàng mới độ lên ba
Hình dung sắc thái thật là xinh thay”

cậu hoàng cả

Cậu Hoàng Cả là ai ?

Các vị Thánh Cậu thường ít được nhắc đến nhiều cũng như trong các giá đồng Tứ Phủ. Tuy nhiên, người ta vẫn được hầu bóng Cậu vào những ngày cuối năm hoặc các dịp đặc biệt tại các bản đền của các cậu, trong đó có Cậu Hoàng Cả hay còn gọi là Cậu Hoàng Cả Phủ Dầy hay Cậu Bé Hoàng Thiên.

Cậu bé có xuất thân từ chốn thiên cung hoàng tộc, cậu được Vua Cha cử xuống hạ giới giúp nhân dân và về trời khi tuổi còn niên thiếu. Nhưng đôi khi, các cậu lại hóa thành một người hầu cận bên một vị quan, hoặc góp công giúp dân bảo về đất nước chứ không cứ là Hoàng Tử chốn thiên cung. Sau đó, họ sẽ hiển linh thành các Cậu Bé Thánh phụ tá các Ông Hoàng. Thông thường các Cậu ngự tại Lầu Cậu tại các đền phủ, tại đó có thể thờ tượng một cậu hay nhiều cậu. Cậu hầu ai trong đền thì hầu nhưng không có sự tích như các Cô Bé. Vì thế nên Cậu nào ngự ở đền phủ nào thì được gọi là Cậu bản đền của đền phủ đó

Hầu giá Cậu Hoàng Cả

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, các giá cậu luôn được hầu sau các giá cô và cũng được hầu ít hơn.

Khi giá ngự về đồng, Cậu Hoàng Cả mặc áo đỏ, hoa thắt hai tay, đeo mạng chéo, chít khăn mỏ rìu, chân quấn xà cạp, đi hài thêu hoa. Khi ngự đồng, cậu cũng thực hiện nghi lễ khai quang rồi múa hèo, phán ngự thông truyền.

Vì cậu thuộc dòng đệ nhất đi tu nên tuy thuộc hàng Khâm Sai nhưng cậu rất ít khi ngự về đồng.

Bản văn Cậu Hoàng Cả Phủ Dầy

Lòng tin tiến một cơi trầu

Dâng bản văn chầu thỉnh Cậu về đây

Cậu xưa vốn ở Phủ Dầy

Chầu chực đêm ngày hầu hạ vào ra

Cậu Hoàng mới độ lên ba

Hình dung sắc thái thật là xinh thay

Đầu đội nón chân đi giày

Áo xanh khăn đỏ vòng tay quạt tàu

Khi chầu thượng đế khấu đầu

Khi trở về chầu thánh mẫu thuỷ cung

Thấy ai thờ phụng có lòng

Cậu về giá ngự điện trung chơi bời

Cậu thời có sắc có tài

Khắp hết điện đài đâu chẳng ngự chơi

Ai thời sạch sẽ tốt tươi

Sửa sang lịch sự đến nơi tức thì

Cậu nay tính hạnh nhu mì

Hình dung nhan sắc mọi bề mọi hay

Lại xem phong cảnh mọi nơi

Đài kia giá nọ rong chơi phố phường

Miệng cười hoa nở phi phương

Khăn hồng cánh cánh rõ ràng thực xinh

Thấy đâu vui thú hữu tình

Cậu về giá ngự như hình thần tiên

Vốn xưa cậu ở giang biên


Bản văn Cậu Hoàng Cả Đền Sòng

Vầng đông mãn bóng dương vời vợi

Soi vườn hồng choi chói nhân gian

Vốn xưa chầu chực đền vàng

Vào ra cửa Mẫu sửa sang một Hoàng

Trên ngọc bộ chén vàng tay lỡ

Xuống trần gian vào cửa dân ngay

Điều lành ứng mộng khôn thay

Bào thai đủ tháng mười ngày sinh ra

Khác người ta long hành hối bộ

Ấn tam đình lồ lộ nở nang

Dung nghi tính hạnh phi thường

Ngọc lành vàng tốt yêu đương chẳng rời

Phút nghe thấy trên trời chiếu chỉ

Rước Hoàng về thượng đế tiên cung

Xe loan gió lọt bụi hồng

Cành huyên duy phút mộng xuân rầu rầu

Chốn hồng lâu trong lòng phỉ ngộ

Chạnh nghĩ là cậu ở xứ Thanh

Sòng Sơn thượng đẳng anh linh

Trời Nam tú khí địa danh đâu bằng

Duy nghìn thu tặng phong choi chói

Cửa linh từ nhang khói ngàn thu

Chầu rồi cậu lại ngao du

Đồi Ngang phố Cát kinh đô thị thành

Áo cánh xanh phất phơ lòng đỏ

Quần hoa hiên vòng cổ vòng tay

Khăn đào cậu đội xinh thay

Vai mang túi gấm chân giày rong chơi

Cậu Hoàng ba bảy tuổi xanh

Miệng cười hoa nở mọi hình mọi xinh

Chân đá cầu đồng trinh đánh đáo

Tay quạt tầu hảo tố báo tiền

Cậu Hoàng be bé hạt tiêu

Bé xinh bé đẹp vua yêu Mẫu dùng

Các chầu cô khăn hồng áo thắm

Bóng cậu Hoàng càng ngắm càng say

Dăm ba dắt díu dang tay

Nhác trông cậu quận thực thay hữu tình

Hát tiếng kinh líu lô vui vẻ

Cậu Quận Hoàng tươi đẹp thanh tân

Trẻ già nam nữ xa gần

Cậu Hoàng chơi đó mười phần ngồi xem

Hoặc ai phải sương thu nắng hạ

Cậu ban cho nước lã tàn nhang

Ra tay chuyển bệnh trần gian

Trừ tai tống ách bình an tức thời

Tấu văn mời cậu ban tài lộc

Cho trong nhà ngũ phúc lâm môn

Đền thờ chúa vị thánh tôn

Anh linh thiên cổ trường tồn muôn thu

Đệ tử tôi khói hương phụng sự

Dốc một lòng sớm tối dám sai

Thỉnh Cậu giá ngự đền đài

Phù hộ đệ tử đời đời bình an.

Khánh tiệc Cậu Hoàng Cả

Ngày chính tiệc Cậu Hoàng Cả là vào ngày 17 tháng 2 âm lịch và ngày hiển linh là 18 và 19 tháng 2 âm lịch, ngày giáng lần thứ hai là ngày mùng 9 tháng 7 âm lịch.

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Đền Quan Lớn Phủ Dầy

 


      Đền Quan Lớn Phủ Dày còn gọi là Đền Quan Lớn Đệ Tam. hay đền Công Núi nằm ở chân núi Ngăm thuộc xóm 4 thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là một trong số các di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy. Đây là đền thờ vọng Quan Lớn Đệ Tam.

Tam Quan Đền Quan Lớn Phủ Dầy

    Theo truyền thuyết xưa kia thì nơi đây thờ “Hữu Sơn Thần” (Thần núi). Do vậy trong cung cấm có ban thờ Sơn Thần tượng bằng đồng cao khoảng 90cm, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc long cổn với nhiều hoạ tiết trang trí như rồng long mã. Một tay để trên đầu gối, tay phải như đang giữ ấn. Dân gian tôn vinh ngài là bậc quang minh chính đại: “Đại đức quang minh”.

         Trong đền còn có một đôi câu đối :

“Đức bố quận phương nhân dân đồng ngưỡng vọng

Uy linh tứ bảo kim cổ cộng tri danh”

Tạm dịch:

Ân đức rộng khắp gần xa, mọi người cùng trông đợi

Uy linh lừng bốn biển xưa nay danh tiếng vẫn còn truyền.

      Trên ban có bài vị diềm chạm hoa chanh cùng họa tiết tứ linh thế kỉ 19 rất tinh vi, có hàng chữ: “Đương cảnh thành hoàng Hữu Sơn Thần, thần vị”.

      Cung đệ nhị, đệ Tam thờ Quan Lớn Đệ Tam cùng các vị trong hệ Tứ Phủ, Quan Lớn Đệ Tam hay còn gọi là Vương quan, theo truyền thuyết  ông là con của Vua Cha Bát Hải. Ông là một vị tướng tài thời Hùng vương đánh giặc giúp nước, giúp dân khi gặp thủy nạn. Vì vậy, trong văn chầu có đoạn như sau:

“Sơn xuyên dục tú, hà hải chung linh

Quan Lớn Đệ Tam con vua Bát Hải Động Đình

Tên danh hiệu Đệ Tam Hoàng Thái tử

Văn thần cẩm tú, võ tòng ông lớn lược thao

Bởi dung tướng mạo anh hào

Đại trung chính, tài cao quán cổ… “

       Tại cung thờ quan lớn Đệ Tam có đôi câu đối như sau:

Nguyện giả chân thành Vương quan đa giáng phúc

Cầu chi tất ứng Thần đức tối uy linh.

     Tạm dịch:

Nguyện ước thành sự, nhờ Vương quan ban nhiều phúc

Cầu tất ứng nghiệm là nhờ Thánh đức uy linh.

      Lại có một đại tự trong đền ghi:

“Nam Hải ân thâm” (Ân đức sâu như biển Nam )

“Thần linh khắc tướng” (Thần thiêng liêng hiển hiện rõ rệt)

        Đền quan Lớn thờ Hữu Sơn Thần, các vị trong Tứ Phủ, như Ngũ Vị Tôn Quan, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười, lại có lầu Cô, Cậu theo hệ điện thần Tứ Phủ.

    Quan Lớn Đệ Tam còn được thờ ở đâu

   

Quan Đệ Tam

        Quan Lớn Đệ Tam có khá nhiều đền thờ. Có hai đền rất đáng được chú ý là Đền Lảnh Giang và Đền Xích Đằng. Đó là hai ngôi đền liên quan đến sự thăng hóa của Ngài. Đền Quan Đệ Tam - Thái Bình gần đền Đồng Bằng liên quan đến sự tích Ngài phục vụ Đức Vua Cha Bát Hải chống giặc ngoại xâm. Đền Quan Đệ Tam - Lạng Sơn, liên quan đến chiến tích chống giặc ngoại xâm.


Thứ Hai, 11 tháng 2, 2019

Sự tích Cô bé Thượng Ngàn

 Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Bé Thượng Ngàn nổi tiếng linh thiêng nên con nhang, đệ tử thường dâng lễ cầu cô lộc tài, công danh. Cô là vị tiên cô trên tòa Sơn Trang, theo hầu mẫu Thượng Ngàn rất hay về ngự đồng.

Trong hàng 12 Tứ Phủ Thánh Cô thì vị trí thứ 11 có lẽ không của riêng vị nào mà là tất cả những Cô Bé theo hầu Mẫu Thượng Ngàn ở miền Nhạc Phủ. Cô bé Thượng Ngàn thường được gọi tên theo các địa danh của các đền thờ Cô Bé mà có tên gọi khác nhau. Chẳng hạn như ở Tuyên Quang có Cô Bé Minh Lương, Hoà Bình có Cô Bé Thác Bờ, Yên Bái có Cô Bé Đông Cuông, miền Nam có Cô Bé Sóc, v.v.

Như vậy, có rất nhiều các cô bé trên khắp các cửa rừng. Và mỗi nơi thần tích về các cô bé cũng một khác nhau. Sự khác nhau về thần tích ở mỗi đền cũng là chuyện thường tình bởi thần tích về các cô chủ yếu là truyền miệng. Có thể kể ra dưới đây một vài nơi thờ Cô bé Thượng Ngàn nổi tiếng:

  • Cô Bé Thượng Ngàn: Tp. Lạng Sơn, Lạng Sơn
  • Cô Bé Suối Ngang: huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn
  • Cô Bé Đông Cuông: huyện Văn Yên, Yên Bái
  • Cô Bé Chí Mìu: huyện Lạng Giang, Bắc Giang
  • Cô Bé Cây Xanh: huyện Lục Nam, Bắc Giang
  • Cô Bé Cây Xanh: Tp. Tuyên Quang, Tuyên Quang
  • Cô Bé Nguyệt Hồ: huyện Yên Thế, Bắc Giang
  • Cô Bé Minh Lương: xã Lăng Quán, Tuyên Quang
  • Cô Bé Thác Bờ: huyện Cao Phong, Hòa Bình
  • Cô Bé Sóc: Miền Nam
  • Cô Bé Mỏ Than: Tp. Tuyên Quang, Tuyên Quang
  • Cô Bé Móng Và: thị trấn Sapa, Lào Cai (còn gọi là Cô Bé Sa Pa, Cô Bé Tả Van)
  • Cô Bé Tây Thiên: huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

Ngoài ra, Cô Bé Thượng Ngàn còn thờ ở nhiều nơi khác nữa.

>>> Đọc thêm: Chầu Bé Bắc Lệ

Như trên đã trình bày, các cô bé thờ nơi miền núi rừng đều được coi là Cô Bé Thượng Ngàn. Tuy nhiên mỗi một đền đều có một sự tích về cô rất khác nhau. Tất nhiên các sự tích này đều chỉ là truyền miệng nên tính dị bản rất cao ngay ở mỗi đền chứ chưa nói đến các đền khác nhau. Tựu trung chúng ta có thể coi các nơi thờ khác nhau được coi như một lần giáng sinh của Cô nên thần tích về cô tại mỗi đền đều khác nhau là thế

cô bé thượng ngàn

Cô bé Thượng ngàn loan giá ngự đồng

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Cô Mười Đồng Mỏ, Cô Mười Mỏ Ba

 Cô Mười Đồng Mỏ hay còn gọi là Cô Mười Mỏ Ba, là vị thánh Cô thứ mười trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô , cô đứng sau Cô Chín Sòng Sơn, trước Cô Bé Thượng Ngàn. Để giúp bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về Cô Mười Đồng Mỏ thì ban biên tập xin gửi tới bạn đọc bài viết sự tích Cô Mười Mỏ Ba để bạn đọc cùng tham khảo và có thể hiểu rõ hơn về Cô Mười nhé.

Cô Mười Đồng Mỏ – Chi Lăng
Cờ thần kiếm bạc cứu dân phù đời
Tôn nhang danh hiệu Cô Mười
Mỏ Ba chốn ấy vốn người sơn trang

Cô mười đồng mỏ

Hầu giá Cô Mười Đồng Mỏ

Sự tích Cô Mười Đồng Mỏ

Tương truyền Cô Mười Đồng Mỏ theo hầu Chầu Mười Đồng Mỏ, cô có công cùng chầu Mười giúp vua Lê đánh giặc Minh và tiêu diệt đội quân của Liễu Thăng. Thần tích về Cô Mười và Chầu Mười rất ít, hầu như không thấy trong các tài liệu.

Có nguồn cho rằng Cô cai quản các mỏ vàng, mỏ bạc ở Chi Lăng. Cũng theo văn Cô Mười thì Cô Mười là một thánh cô xinh đẹp “Hình dung nhan sắc ai mà dám đương“. Cô luôn miệng cười rất gần gữi: “Cô Mười Nhan sắc miệng cười nở hoa“. Cô mặc: “Về đồng mặc áo vàng tươi; đai hoa, khăn thắt đúng người Sơn Trang“. Vì thế, người đời và Thánh Mẫu đã phải thốt lên:

Cô Mười đẹp tựa sao sa
Cô đẹp như sao Bắc Đẩu – Ngân Hà
Đồng Mỏ – Cô Mười vào ra
Mẫu khen Cô đẹp nhất tòa Sơn Trang


Hầu giá Cô Mười Đồng Mỏ

Vì Cô Mười không chấm lính bắt đồng nên rất ít khi Cô Mười ngự về đồng. Thình thoảng tiệc vui, dịp lễ lớn, nhiều thanh đồng vẫn thỉnh Cô về. Hoặc một số người về đền Chầu Mười, Cô Chín Thượng hoặc Chầu Bát thì vẫn thỉnh Cô Mười.

Có nguồn cho rằng khi về Cô cầm cung kiếm, cưỡi trên mình ngựa, theo Chầu Mười xông pha trân mạc. Về đồng, Cô tấu hương lễ Mẫu, sau đó khai cuông và múa mồi trong trang phục áo vàng tươi, đai hoa, khăn thắt đúng người sơn trang.

Bản văn Cô Mười Đồng Mỏ

Cô Mười Đồng Mỏ – Chi Lăng
Cờ thần kiếm bạc cứu dân phù đời
Tôn nhang danh hiệu Cô Mười
Mỏ Ba chốn ấy vốn người sơn trang
Xa xôi chẳng quản dặm ngàn
Cưỡi mây nương gió xa loan ngự về
Nhang thơm tỏa ngát bốn bề
Nhất tâm phụng thỉnh Cô về ngự vui
Ngàn mây xanh thắm bầu trời
Đai hoa, khăn thắt vẻ ngời hào hoa
Nhỡn tinh lóng lánh sao sa
Mẫu khen Cô đẹp nhất tòa Sơn Trang
Suối khe róc rách gẩy đàn
Gió đưa khúc nhạc bổng khoan nhặt trầm
Hổ gầm vang động sơn lâm
Chim non ríu rít bách âm hợp hòa
Cô Mười đẹp tựa sao sa
Tây Thi thua sắc Hằng Nga kém tài
Trên đời có một không hai
Tích xưa sinh thánh là người sơn trung
Mỏ Ba, Bản Thí thổ nùng
Núi non điệp điệp trùng trùng thấp cao
Đền thiêng dấu tích ra vào
Khi lên Bắc Lệ lúc vào Suối Ngang
Líu lo chim hót trên ngàn
Phong lan đua sắc cúc vàng đua tươi
Khí thiêng thơm ngát đưa mùi
Nhang thơm khấn nguyện cô Mười giáng lâm
Độ cho sở nguyện tòng tâm
Độ cho thoát khỏi tham sân đọa đầy
Quế lan oanh yến sum vầy
Vun bồi cội phúc tháng ngày bình an
Thỉnh Cô chứng giám đàn tràng
Khuông phù đệ tử an khang thọ trường

Đền thờ Cô Mười Đồng Mỏ

Cô Mười Đồng Mỏ được thờ ở Đền Mỏ Ba – Huyện Đồng Mỏ – Lạng Sơn. Đền Mỏ Ba cũng chính là nơi thờ chính là Chầu Mười Đồng Mỏ và Cô Mười Đồng Mỏ.

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Sự tích Cô Chín Sòng Sơn

Cô Chín Sòng Sơn là một thánh cô quyền uy với nhiều quyền phép thiêng biến hóa. Sự tích Cô Chín Sòng Sơn nổi tiếng khắp vùng xứ Thanh. Trong Tứ phủ Thánh Cô, Cô Chín là vị thánh cô thứ chín, cô đứng sau Cô Tám Đồi Chè và trước Cô Mười Đồng Mỏ. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ hơn về huyền tích Cô Chín nhé.

Thanh hoa sơn thuỷ hữu tình
Có cô Chín Giếng anh linh khác thường
Xinh thời hầu cận Mẫu Vương
Dọn hàng quán mát âm dương núi Sòng

 

Cô Chín Sòng Sơn

Sự tích Cô Chín Sòng Sơn

Hiện chưa thấy tài liệu nào nói về việc Cô Chín giáng sinh vào một nhân vật nào trên trần gian. Như vậy, thân thế của Cô nghiêng về phía thiên thần. Ai cầu đảo cô đều sắm sửa lễ vật: Nón đỏ, hài hoa, vòng hồng hay võng đào.

Dân gian kể sự tích Cô Chín Sòng Sơn rằng Cô là vị tiên Cô tài phép theo hầu Mẫu Liễu Hạnh trong vùng  Sòng Sơn đất Thanh Hóa. Tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng Cô hầu bên Chầu Chín Cửu Tỉnh hay Mẫu Thoải. Cô tài giỏi có phép tiên thần thông quảng đại lại tinh thông thuật xem bói, 1000 quẻ cô bói ra thì không sai một quẻ nào. Ai mà phạm tội hay thất kính, cô về tâu với Thiên Đình cho thu giam hồn phách rồi cô hành cho dở điên, dở dại.

Khi thanh nhàn cô lại dạo chơi khắp vùng trời Nam, đất Việt, thấy xứ Thanh cảnh lạ đẹp vô biên, cô liên cho hội họp thần nữ năm ba vạn cát, lấy gỗ sung làm nhà còn cây si thì cô mắc võng. Nhân dân cầu đảo thấy linh ứng bèn lập đền thờ cô ngay tại đất này.

 

Cô Chín Sòng Sơn

 

Hiện vẫn còn lưu truyền câu chuyện về sự linh thiêng về cô mà người ta vẫn còn truyền kể. Chuyện vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi chính quyền đã phá đền để thực hiện công cuộc bài trừ mê tín dị đoan của nhà nước. Ông chủ nhiệm hợp tác xã chỉ huy trực tiếp cuộc phá dỡ. Ông còn lớn tiếng tuyên bố: “Nhiều người bảo đền cô linh thiêng, tôi phá xem có còn linh thiêng hay không”. Nhưng sau đó gia đình ông luôn gặp những điều không may. Vợ con ông chết gần hết, chỉ còn một cậu con trai, nhưng lơ ngơ, lang thang và nay lưu lạc nơi đâu không biết.

Khánh tiệc Cô Chín Sòng Sơn

Ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch là ngày tiệc Mẫu Cửu và cũng là chính tiệc Cô Chín.

 

Một số danh hiệu khác của Cô Chín Sòng Sơn

Cô Chín linh thiêng cứu người, giúp đời nên người dân ở khắp muôn nơi phụng thờ. Theo đó, tại mỗi nơi thờ phụng cô, người ta lại kính nể gọi cô bằng cái tên khác nhau. Những tên gọi như Cô Chín Suối Rồng tại Hải Phòng, Cô Chín Thượng Thiên tại Bắc Giang đều là cách gọi khác của Cô Chín Sòng. Tại những đền phủ này, người ta đều áp dụng hình thức thờ vọng cô, mong cầu cô ban phước lành, bình an tới cho muôn dân. Cho đến nay, một số danh hiệu về cô Chín được người dân thường gọi như:

  • Cô Chín
  • Cô Chín Sòng Sơn
  • Cô Chín Đền Sòng
  • Cô Chín Giếng
  • Cô Chín Rồng
  • Cô Chín Suối
  • Cô Chín Tây Thiên
  • Cô Chín Thượng

Hầu giá Cô Chín Sòng Sơn

Cô Chín Sòng Sơn là một thánh cô có nhiều quyền phép. Những người có căn Cô Chín thường có khả năng xem bói, chữa bệnh và gọi hồn. Tuy nhiên, trong khi giáng hầu Cô Chín chỉ hay cho thuốc chữa bênh.

Cô Chín rất hay ngự đồng. Hết các thanh đồng khi Hầu Thánh đều có hầu giá Cô Chín. Khi giáng hầu Cô Chín thường mặc áo hồng phơn phớt màu đào phai và cô múa quạt tiến Mẫu. Đôi khi Cô cũng múa cờ tiến Vua, cũng có khi cô thêu hoa dệt lụa, rồi lại múa cánh tiên. Ai cầu đảo cô đều sắm sửa lễ vật: Nón đỏ, hài hoa, vòng hồng hay võng đào.

Đền thờ Cô Chín Sòng Sơn

Đền Cô Chín Sòng Sơn là nơi thờ chính của Cô Chín Sòng Sơn và Mẫu Cửu, Chầu Cửu. Do danh tiếng của Cô Chín Sòng Sơn quá lớn nên đôi khi chúng ta chỉ nghĩ rằng đây là nơi thờ chính của riêng Cô Chín. Hiện nay, trong cung cấm là nơi thờ Mẫu Cửu có phối thờ thêm Tam Tòa Thánh Mẫu. Còn Chầu Cửu có một cung riêng ở bên tay trái của cung Cô Chín. Vì vậy, đền nơi đây sau khi lễ Cô Chín, chúng ta nên lễ Chầu Cửu và Mẫu Cửu.

Đền Cô Chín Sòng Sơn tại Phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Nếu từ Hà Nội về Thanh Hóa thì Đền Mẫu Sòng Sơn nằm ở bên phải đường thì đền Cô Chín Sòng Sơn nằm bên trái. Hai đền chỉ cách nhau khoảng 1km.

Tại Hà Nội cũng có một số đền thờ Vọng Cô Chính có thể kể đến như:

  • Đền Kim Giang (Số 122 Kim Giang, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Hà Nội)
  • Đền Mẫu Sòng Sơn (Số 35 Tôn Đức Thắng, Phường Hàng Bột, Quận Đống Đa, Hà Nội)
  • Miếu Cô Chín Giếng (Số 86 Hào Nam, Phường Chợ Dừa, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Miếu Cô Chín (Ngõ Lan Bá, Phường Trung Phụng, Quận Đống Đa, Hà Nội)
  • Miếu thờ Cô Chín – Gia Quất (Số 32 Ngõ 29 Thượng Thanh, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội)

Bản văn Cô Chín Sòng Sơn

Văn Cô Chín Sòng Sơn được sử dụng trong lời hát văn Cô Chín, cụ thể:

Nguyên xưa giá ngự đền Sòng

Quyền cai cửu tỉnh hầu trong bơ tòa

Cây sung cô lấy làm nhà

Cây doi làm cửa trông ra ngoài đền

Thanh Hoa cảnh lạ vô biên

Đời vua Minh Mệnh lập đền thờ ngay

Mẫu thời ngự chín tầng mây

Cô nay mắc võng ngự rầy cây sung

Âm dưong có mạch giao thông

Chín mươi chín giếng công đồng chảy ra

Đền thờ đừong cái vô qua

Lối vào Thanh Hóa lối ra Ninh Bình

Đồi ngang sơn thủy hữu tình

Đôi bên Long hổ đua tranh chầu vào

Vốn xưa cô ngự Thiên Tào

Bởi sa chén ngọc cung cao đế đình

Cho nên cô mới giáng sinh

Tuổi vừa tám chín gia hình còn thơ

Trần gian uốn lữoi đong đưa

Ai mà không biết tình cô khó chiều

Có khi cô ngự cây kiêu

Ai đi đến đấy ra điều đơn sai

Cô về tâu mẫu thiên đài

Thu giam hồn phách bỏ ngoài giang tân

Làm cho mê mẩn tâm thần

Làm cho chuyển động tấm thân mơ màng

Biết ra phải đến kêu van

Cô tha thời được bình an lại lành

Tiên cô có phép tàng hình

Sai năm quan tướng lôi đình ở trong

Phép cô lục trí thần thông

Cô ảnh đầu đồng xem bói được minh

Ai mà lễ bái tâm thành

Việc gì cô cũng chứng minh phán truyền

Dù ai tiến cúng về đền

Mùi hương thấu đến tự nhiên cô về

Hương xông thơm ngát bốn bề

Ngự đồng truyền phán việc gì chẳng sai

Ai mà xem bói cầu tài

Cùng trong gia sự chẳng sai chút nào

Âm dương phần mộ thấp cao

Cô nay soi xét việc nào chẳng sai

Phép cô linh ứng đại tài

Tam tòa lục bộ khâm sai động đình

Dù ai đổi số nhân sinh

Tuy rằng chữ thập cải hình chữ thiên

Phúc cho vô lượng vô biên

Sai năm quan tướng về miền cây thông

Có khi cô hiện thung dung

Dạo chơi khắp hết đàng trong đàng ngoài

Khi cô ngự cảnh bồng lai

Giả người thục nữ trêu người tình nhân

Cát đằng duyên hợp tấn tần

Dong chơi khắp hết hải thần ngao du

Khi về cực lạc tây cù

Phủ Nghĩa cho đến Đông phù giáp ba

Phủ Giầy chốn ấy bao xa

Lên tâu xuống rộng vào ra vẹn mười

Có khi biến hiện ra người

Thảnh thơi cô lại ngự đồi cây thông

Đàng ngoài cho chí đàng trong

Ai mà biết đến cô Sòng độ cho

Làm tôi đệ tử thánh cô

Dâng văn sự tích thỉnh cô giúp đền.

Bản văn Cô Chín Sòng Sơn múa quạt

Quạt tầu ba sáu nan xương

Cô cầm tới quạt cô thương thanh đồng

Quạt xanh quạt trắng quạt hồng

Quạt trắng dưới thoải quạt hồng trên thiên

Đôi tay múa lượn cánh tiên

Lầu lầu thu nguyệt thượng thiên trên trời

Cánh tiên bay bổng tuyệt vời

Nhác trông tựa thể giáng người tiên nga

Quạt cho gió lộng sơn hà

Quạt cho nam nữ trẻ già vui tươi

Quạt cho chim hót hoa cười

Quạt cho mát rượi lòng người thế gian

Quạt cho sóng lặng bể an

Trăng sao sáng tỏ xua tan mây mờ

Trần gian căn số phải thờ

Chưa ra hầu hạ còn cơ còn đầy

Tưởng rằng thẹn gió e mây

Ai ngờ phút nhớ phút khuây chẳng ngờ

Khi vui múa quạt múa cờ

Múa quạt tiến mẫu múa cờ tiến vua.

 

Cô Chín Sòng Sơn

 

Bản văn Cô Chín dệt gấm thêu hoa

Đền thờ khung cửi bằng vàng

Thoi ngà nạm ngọc thừa nhàn thêu hoa

Về đồng xe chỉ luồn sa

Chỉ thêu ánh tuyết kim sa ánh vàng

Mũi kim (thêu) đưa xuống nhẹ nhàng

Đưa lên khéo léo đảm đang thay là

Cô thêu thỏ lặn ác tà

Thêu non thêu nước thêu hoa thêu người

Tiều phu kiếm củi trên đồi

Sóng cồn mặt nước cá bơi giữa dòng

Cô thêu mấy áng mây hồng

Thêu nàng chức nữ ngự cung Quảng Hàn

Tay tiên dệt lụa thêu loan

Cát hồng tiên nữ tòa vàng vua cha​.

 

Văn khấn tâu Cô Chín Sòng Sơn

(Chú ý, đây là bài khấn nôm cho những con hương đi lễ nhà thánh, nhà ngài còn những thầy đồng chuyên lễ lạy thì sẽ sử dụng bài khấn khác đầy đủ và chi tiết hơn rất nhiều)

Nam mô a di đà phật! (3 lần)
Hương tử chúng con thành tâm kính lạy đức Hiệu Thiên Chí tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Huyền cung cao Thượng đế
Kính lạy
Đức Cửu Trùng Thánh Vân lục cung công chúa
Đức Đệ nhất Thiên tiên Liễu Hạnh công chúa, sắc phong Chế Thắng Hỏa Diệu Đại Vương, gia phong Tiên Hương Thánh mẫu
Đức Đệ nhị đỉnh thượng cao sơn triều Mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương
Đức Đệ tam Thủy phủ, Lân nữ Công Chúa
Đức Đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu
Tứ phủ Chầu bà, Ngũ Vị Tôn Quan, Tứ phủ Quan Hoàng, Tứ phủ Thánh Cô Thánh Cậu
Con xin cung thỉnh Cô Chín Sòng Sơn
Hôm nay là …
Tín chủ con là ………..
Ngụ tại:……………………………
Nhất tâm tưởng, vạn tâm thành tấm lòng thành con hướng đến cô và về bản cảnh đây, tờ tiền giọt dầu nén nhang là chút lễ mọn nhỏ bé con xin kính dâng lên cửa Phật, cửa Thánh, cửa Cô với tấm lòng chân thành nhất. Con xin thánh cô Chín lắng nghe và thấu đạt lời gọi cầu của con. Xin cô lắng nghe được tiếng chân thành, tiếng cầu ước xin của con mà về đây phù hộ độ trì.
Là để xin Thánh Cô về nơi đây hôm nay dùng chút hương hoa, dùng chút lòng thành cùng những món lễ vật nhỏ bé dâng lên người. Kính mong và chân thành nhận được sự độ trì và theo dõi của thánh cô bên chúng con.
Tuy lễ vật có sơ sài, có nhỏ mọn nhưng là tất cả là tấm lòng thành, là niềm tin, là sự hy vọng cũng như những gì thành kính nhất con xin dâng tặng đến quý cô. Chút quà mọn nhưng lòng thành cao, mong quý cô sẽ phù trợ.
Con 1 lòng 1 đạo nhất dạ và đêm tưởng ngày mong. Hôm nay chọn ngày lành con dâng lên cô hoa quả đăng trà với tấm lòng cung kính chân thành nhất. Con xin tiên nữ chứng giám cho lòng thành này và lắng nghe tiếng gọi của con, lắng nghe được những mong muốn, cầu xin của con.
Nam mô a di đà phật! (3 lần)

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...