Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên

Trong tâm linh người Việt, Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên là vị Thánh Mẫu ngự nơi chín tầng mây, cai quản Thiên phủ, tiên cung, một trong bốn vị Tứ Phủ Thánh Mẫu.

Trong thần điện Tứ Phủ, Mẫu mặc trang phục đỏ, ngồi chính giữa, một bên là Mẫu Thượng Ngàn, bên còn lại là Mẫu Thoải. Mẫu Thiên Tiên luôn giữ vị trí thứ nhất trong hàng Thánh Mẫu, bất kể theo thứ tự Thiên-Địa-Thuỷ-Nhạc (như trong chầu văn) hay theo thứ tự Thiên-Nhạc-Thuỷ-Địa (như danh xưng phổ biến ở hiện tại).  


Ngày khánh tiệc:


- AL 09/01: Tiệc Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế và Cửu Thiên Huyền Nữ Công Chúa

- AL 09/09: Tiệc Cửu Trùng Thiên Cung Vương Mẫu và Cô Chín Giếng Sòng Sơn Linh Từ



Phủ/ nơi cai quản

Thiên Phủ [天府]



Lĩnh vực chính

Cai quản chuyện ở thiên cung, chín tầng mây, lục cung



Danh hiệu

- Danh hiệu chính: Thanh Vân Công Chúa [青雲公主]

- Mẫu Thượng Thiên [母上天]

- Thiên Thanh Công Chúa [天青公主]

- Cửu Trùng Thánh Mẫu [九重聖母]

- Mẫu Cửu [母九]

- Lục Cung Vương Mẫu [六宮王母]

- Mão Dậu Công Chúa [卯丣公主]

- Bán Thiên Công Chúa (Mẫu Bán Thiên) [半天公主]



Địa điểm


- Đền Mẫu Cửu Trùng, Thường Tín, Hà Nội

- Tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên, Ba Vì, Hà Nội



Thần tích


Gần như không có thần tích nào về sự xuất hiện của Mẫu Thượng Thiên trên dương thế.


Có thuyết cho rằng Mẫu Thượng Thiên là Cửu Thiên Huyền Nữ [九天玄女] hoặc Nữ Oa [女媧] - những nữ thần trong thần thoại và Đạo giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, không có văn bản hoặc cứ liệu lịch sử nào khẳng định điều này. Có thể một số tín đồ tự liên hệ vì tính chất giống nhau giữa Mẫu Thượng Thiên và hai vị nữ thần kia.





1. Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên

      Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên chính là Mẫu Liễu Hạnh. Bà vốn là con vua Ngọc Hoàng có tên là  Đệ Nhị Quỳnh Hoa công chúa với 3 lần giáng sinh xuống cõi trần.

    +  Lần thứ nhất bà giáng vào nhà họ Phạm ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên Nam Định. Bà có tên Phạm Tiên Nga và hưởng thọ 40 tuổi/

     +  Lần thứ hai bà giáng vào nhà họ Lê ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định. Bà kết duyên cùng Trần Đào Lang, đến năm 21 tuổi thì về trời;

     + Lần thứ ba bà giáng hiện tại Nga Sơn, Thanh Hóa hạ trần để tái hợp cùng Mai Sinh là hậu kiếp của Trần Đào Lang được hơn một năm thì mãn hạn hồi tiên.



Tam Tòa Thánh Mẫu


      Lần giáng sinh lần thứ nhất

      Vào đầu thời nhà Hậu Lê, tại ấp Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam; có ông Phạm Huyền Viên, người xã La Ngạn kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng, người ấp Nhuế Duệ, cũng xã Vỉ Nhuế (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, Ý Yên, tỉnh Nam Định).

    Hai ông bà là những người hiền lành, tu nhân tích đức nhưng hiềm một nỗi đã ngoài 40 mà chưa có con. Một đêm rằm tháng hai, ông bà được thần báo mộng là Ngọc Hoàng sẽ cho con gái thứ hai là Công chúa Hồng Liên đầu thai làm con, từ đó bà có thai. Trước khi sinh, vào đêm ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu, trời quang mây vàng như có ánh hào quang. Ông Huyền Viên ngồi đợi tin mừng, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà, và bà sinh một bé gái. Vì vậy ông đặt tên con là Phạm Tiên Nga.

      Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Đến năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng nàng đều khước từ vì nàng còn phải ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, canh cửi quán xuyến công việc gia đình.

       Ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462), cha của nàng qua đời. Hai năm sau mẹ của nàng cũng về nơi tiên cảnh. Phạm Tiên Nga đã làm lễ an táng cha mẹ ở phía đông nam phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn La Ngạn, ở đây có đền thờ cha và mẹ của Phạm Tiên Nga).

      Sau ba năm để tang cha mẹ, lo mồ yên mả đẹp, Phạm Tiên Nga bắt đầu chu du khắp nơi làm việc thiện (lúc này Tiên Nga vừa tròn 35 tuổi).

       Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp dân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi) đến Tịch Nhi (nay chính là đường đê Ba Sát, nối Quốc lộ 10 chạy dọc xã đến ngã ba Vọng. Đây cũng chính là con đường nối di tích Phủ Dầy với Phủ Quảng Cung).

      Cùng với việc đắp đê, bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dạy dỗ con em nhà nghèo được học hành.

      Năm 36 tuổi, bà đến bờ Sông Đồi dựng một ngôi chùa trên mảnh vườn nhỏ, đặt tên là Chùa Kim Thoa. Bên trên thờ đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ cha và mẹ.

      Sau đó hai năm, bà tới tu sửa chùa Sơn Trường - Ý Yên, Nam Định, chùa Long Sơn - Duy Tiên, Hà Nam, chùa Thiện Thành ở Đồn xá - Bình Lục, Hà Nam. Tại chùa Đồn xá, Bà còn chiêu dân phiêu tán, lập ra làng xã, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.

      Tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1472), bà trở lại chùa Kim Thoa, và tháng 9 năm ấy, Bà trở về quê cũ cùng các anh chị con ông bác tu sửa đền thờ Tổ họ Phạm khang trang bề thế (nay còn đền thờ ở phía nam xóm Đình thôn La Ngạn). Sau đó Bà lại đi chu du ở trong hạt, khuyên răn bà con dân làng những điều phải trái.

      Rồi trong đêm ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức (1473), trời nổi cơn giông, gió cuốn, mây bay, Bà đã hoá thần về trời. Năm đó Bà vừa tròn 40 tuổi.

      Các đền phủ liên quan đến lần giáng sinh thứ hai: Ngay sau khi bà mất, nhân dân xã La Ngạn, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng đã lập đền thờ trên nền nhà cũ, gọi là Phủ Đại La Tiên Từ, Đồng thời quê mẹ của Bà là xã Vỉ Nhuế cũng lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của bà, gọi là Phủ Quảng Cung.

     

 Lần giáng sinh thứ hai


    Vì thương nhớ cha mẹ và quê hương ở cõi trần mà đến thời Lê Thiên Hựu, năm Đinh Tỵ (1557), bà lại giáng sinh lần thứ hai làm con ông Lê Thái Công và bà Trần Thị Phúc tại thôn An Hải, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, hạt Sơn Nam Hạ (nay là Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định, cách quê cũ Vị Nhuế chừng 7 km). Do ông Lê Thái Công nhìn mặt con, thấy nét mặt giống nàng tiên nữ bưng khay rượu trong bữa tiệc chúc thọ Ngọc Hoàng mà ông mơ trước đó nên đặt tên cho con là Lê Giáng Tiên.

   Lần này, Bà kết duyên với ông Trần Đào Lang, sinh được một người con trai, tên là Nhân, một con gái tên là Hoà. Giữa lúc cả gia đình đang đầm ấm vui vẻ thì bỗng nhiên. Bà mất ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái thứ 5 (1577). Năm ấy, Bà mới 21 tuổi, tuyệt nhiên không bệnh tật gì. Lăng mộ và đền thờ ở Phủ Dầy, thôn Thiên Hương - Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định.

     Giáng Tiên về trời đúng hạn định theo lệnh của Ngọc Hoàng. Nhưng khi nàng đã ở trên trời thì lòng trần lại canh cánh, ngày đêm da diết trong lòng nỗi nhớ cha mẹ, chồng con nên nàng muốn xuống trần gian lần nữa. Khi về đến nhà vừa đúng lúc gia đình đang làm giỗ mãn tang cho nàng, mọi người đều hết sức ngạc nhiên và vô cùng sung sướng. Nàng ôm lấy mẹ mà khóc, rồi kể hết sự tình, dặn anh hãy gắng lo chăm sóc cha mẹ, vì lần này xuống trần nàng không thể ăn ở như lần trước, rồi trở về nhà chồng. Liễu Hạnh gặp chồng, con cái mừng mừng tủi tủi. Nàng cũng kể rõ mọi chuyện cho chồng biết, khuyên chồng hãy cố gắng luyện chí, yên tâm theo đuổi sự nghiệp công danh, đừng quên chăm sóc con thơ, phụng dưỡng cha mẹ. Nàng quét dọn, sửa sang nhà cửa, may vá quần áo cho chồng cho con, rồi bỗng chốc lại thoắt biến lên mây… Cứ như thế, thỉnh thoảng nàng lại hiện về, làm xong các việc rồi lại biến đi. Ròng rã hàng chục năm sau, cho đến khi con cái khôn lớn và Đào Lang công thành danh toại, nàng mới từ biệt để đi chu du thiên hạ.

    Các đền phủ liên quan đến lần giáng sinh thứ hai: Nguy nga nhất là quần thể Phủ Dày với các đền phủ chính là: Phủ Công Đồng, Phủ chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Phủ Bóng, Phủ Giáp Ba, Phủ Tổ, Đền Khởi Thánh và Lăng Mẫu....

 

    Lần giáng sinh thứ 3

    Vì tình nghĩa thuỷ chung với chồng con ở trần thế nên đến thời Lê Khánh Đức thứ 2 (1650), bà vân du đến làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, vào ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần, tái hợp với ông Trần Đào lúc này đã tái sinh là Mai Thanh Lâm, sinh được một con trai tên là Cổn. Bà mất ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân, thời Lê Cảnh Trị thứ 6 (1668). Năm ấy bà vừa 18 tuổi. Đền thờ bà ở Phủ Tây Mỗ, thôn Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, Thanh Hoá.

    Các đền phủ liên quan đến lần giáng sinh thứ ba: Đền Đồi Ngang thờ Cậu bé Đồi Ngang là con trai của Mẫu (có tên thật là Thanh Cổn) trong lần giáng sinh lần thứ 3, Đền mẫu Sòng Sơn, Thanh Hóa.

     

Các thánh tích của Mẫu Liễu Hạnh

 

       Mẫu Liễu Hạnh đã để lại nhiều thánh tích trên dương gian. Dưới đây, xin tóm tắt một số thánh tích của Mẫu:

 

     Thánh tích về trận chiến Đèo Ngang

    Thời vua Lê Thái Tổ (1385-1433) trị vì. Lần ấy, Tiên Chúa đang hóa phép thành cô gái, mở quán bán cho khách bộ hành ở chân đèo Ngang (Quảng Bình). Lời đồn đại về một cô gái nhan sắc tuyệt vời bỗng đâu xuất hiện ở nơi đèo heo hút gió, làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên. Rồi chỗ nào cũng thấy thì thào bàn tán. Chẳng mấy chốc, lời đồn đại cũng tới tận kinh đô đến tai hoàng tử sắp kế nghiệp.  Hoàng tử con vua sắp kế nghiệp, vốn là một chàng trai lười biếng học hành nhưng lại ham chơi bời phóng túng đã tìm đến tiên chúa để gạ gẫm.  Hoàng tử đã bị Tiên Chúalàm thành một kẻ ngẩn ngơ, điên điên dại dại. Cả hoàng triều bối rối, lo sợ. Tìm thầy tìm thuốc có đến cả tháng mà bệnh tình hoàng tử vẫn không thuyên giảm. Nhà vua nhờ sự giúp đỡ của tám vị Kim Cương đã lừa bắt được Tiên Chúa. Họ đưa Tiên Chúa về kinh để hỏi tội. Sau khi nghe Tiên Chúa kể lại hành vi của Hoàng tử, Nhà vua đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nói lời cảm tạ rồi chúc Tiên Chúa lên đường may mắn.

      

Thánh tích về gặp gỡ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan

    Tương truyền, Phùng Khắc Khoan đã gặp Liễu Hạnh công chúa cả thảy hai lần, và đều có xướng họa thơ: một lần gặp ở chùa Thiên Minh (Lạng Sơn) khi ông đi sứ về, một lần ở Hồ Tây (nay thuộc Hà Nội) khi ông cùng với hai bạn họ Ngô và họ Lý đi chơi thuyền. 

     Lần ở Hồ Tây, người tiên kẻ tục bèn làm thơ xướng họa liên ngâm, sau được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chép trong truyện "Vân Cát thần nữ" ở tập Truyền kỳ Tân Phả của bà.

     Liên quan đến thánh tích này là Đền Mẫu Đồng ĐăngPhủ Tây Hồ.

 

     Thánh tích về sự giúp đỡ vua Quang Trung

      Khi vua Quang Trung kéo quân ra bắc, Mẫu Liễu đã hóa thành một bà già dâng cháo cho quân Tây Sơn và độ cho cuộc chiến của vua Quang Trung thắng lợi ròn giã tại thành Thăng Long, giải phóng đất nước. Liên quan đến thánh tích này là đền Dâu, đền Quán Cháo.

 

     Thánh tích về việc Mẫu Liễu Hạnh quy y nhà Phật

    Sau khi hóa về trời,do vẫn còn tâm nguyên giúp đời nên Tiên Chúa khẩn thiết xin Ngọc Hoàng Thượng đế cho trở lại cõi trần gian. Ngọc Hoàng Thượng đế lắng nghe và hiểu rõ tất cả. Ngài cho gọi hai thị nữ tin cậy là Quỳnh Hoa và Quế Hoa bảo cùng đi với Tiên Chúa.

     Lần này Tiên Chúa xuống Phố Cát, huyện Thạch Thành, Thanh Hoá. Ở đây, cũng như những lần trước Tiên Chúa thường hiển linh giúp đỡ người lành, trừng trị kẻ ác. Nhân dân cùng nhau góp của góp công, dựng một ngôi đền để lấy chỗ phụng thờ Tiên Chúa.

 

      Những sự việc ấy lọt đến tai vua Lê chúa Trịnh. Hai vị vua chúa cho rằng trước kia tiên vương thả “yêu nữ” ra là một sai lầm, bây giờ đã đến lúc cần phải thẳng tay trừng trị. Bởi vì không thể có luật lệ nào khác ngoài luật lệ của vua chúa và ai muốn làm gì cũng không được tự quyền. Thế là hai vị cho triệu hồi các thuật sĩ tài giỏi trong nước đến kinh đô trong đó có Tiền Quân Thánh (vốn là tướng nhà trời, do mắc lỗi, đã bị đày xuống trần làm con trai thứ ba của một vị thượng sư, sư tổ của phái Nội đạo tràng), giao cho dẫn một một đội quân hùng mạnh, đến thẳng miền Phố Cát để đánh dẹp.

     Biết là không thể chống cự lại được, Tiên Chúa bảo Quỳnh Hoa, Quế Hoa tìm cách trốn đi, còn tự mình cũng hóa phép thành đứa trẻ, rồi lại hóa phép thành con rồng có vẩy vàng vẩy bạc múa lượn trên không.

     Tiền Quân Thánh lúc ấy ngồi trên voi chín ngà niệm thần chú tung lưới sắt ra chụp lấy. Tiên Chúa bị bắt rồi hiện nguyên hình trở lại.

     Giữa lúc ấy Phật tổ xuất hiện giải cứu cho Tiên Chúa. Khi vừa thấy Phật tổ, Tiền Quân Thánh liền sững lại, thay vì vậy đã sai quân lính mang đến cho Tiên Chúa một bộ quần áo cà sa và một chiếc mũ ni cô. Tiên Chúa nhận áo mũ rồi thoắt biến lên mây cùng với Phật tổ.

      Có lẽ vì tích này, nên chúng ta thấy Đạo Mẫu và Đạo Phật luôn khăng khít đồng hành với nhau. Có thể nói hầu hết ở đâu thờ Tứ Phủ thì ở đó có thờ Phật và ngược lại.

 


 

 


Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI

    Vào hồi 17h15’ giờ địa phương (12h15’giờ Việt Nam) ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Chầu Văn Thỉnh Tam Tòa Thánh Mẫu - Tam Tòa Tiên Thánh - Đạo Mẫu

 

    Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.
Tam tòa thánh Mẫu gồm những ai? - Đồ thờ Tượng Phật
Tranh dân gian vẽ Tam Tòa Thánh Mẫu


 

    Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu. Chủ thể di sản là thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các phủ, điện Thờ Mẫu.

    Tại các điện thờ Thánh Mẫu, nghi thức thờ cúng hàng ngày do các thủ nhang thực hiện. Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng Ba âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt…

    Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (khoảng 70 vị thần), trong đó có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí…). Khi sống họ là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.

    Với tính cởi mở của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nên mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Người Việt tôn thờ các vị Thánh Mẫu và các vị thánh bản địa, đồng thời tôn trọng và tiếp nhận các vị thần, các yếu tố văn hóa của một số các dân tộc thiểu số. Trong thần điện có các vị thánh (Mẫu Thượng ngàn, các vị Quan, các Chầu, các Cô) thuộc miền rừng núi, nơi cư trú tập trung của các dân tộc thiểu số như người Mường, Tày, Nùng, Dao, v.v… Các trang phục dân tộc, các điệu xá thượng trong hát văn mang sắc thái văn hóa dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

    Thực hành và tham dự vào nghi lễ lên đồng và các hoạt động lễ hội để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng trong cuộc sống thường ngày, hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người. Thờ cúng Thánh Mẫu, biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa… được thể hiện một cách nghệ thuật gắn với Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, đó cũng là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

    Nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ Lên đồng – được hiểu là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kế hợp một cách hài hòa, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng. Những người thực hành tin rằng, bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thầy đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh. Đây là hình thức shaman giáo - diễn xướng xuất nhập thần tương đối phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Mông Cổ, Uzbekistan, Braxin, Zimbabwe…).

    Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt “đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:

  • R.1: Các thông tin trong Hồ sơ đã chỉ ra rằng di sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử,... Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành;

  • R.2: Các thông tin trong Hồ sơ chỉ ra rằng, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau; đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác. Khi di sản này này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng;

  • R.3: Từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản này đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra bao gồm: xây dựng chính sách hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu. Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng và các nhóm nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ;

  • R.4: Đề cử này là kết quả của việc tham vấn và hợp tác của những người thực hành (thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, cung văn, con nhang, đệ tử,...), đại diện cộng đồng, nhà nghiên cứu, cùng với nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Các tài liệu kèm theo hồ sơ cho thấy họ đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng cho việc đề cử di sản. Thông tin của Hồ sơ đã chứng minh rằng các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được thực hiện luôn tôn trọng phong tục tập quán, quyền tham gia thực hành di sản;

  • R.5: Thông tin Hồ sơ cũng đã cung cấp một phụ lục chứng minh di sản đã được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013. Hoạt động kiểm kê đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức thực hiện với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; kết quả kiểm kê đều được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê đã được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử...”.

    Việc UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc./.

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

Cậu Hoàng Đôi

Cậu Hoàng Đôi

Cậu cũng theo hầu Mẫu tại Sòng Sơn, Phố Cát, Đồi Ngang. Khi về ngự đồng cậu mặc áo xanh, múa hèo, phán ngự thông truyền.

Cậu Hoàng Bơ Thoải

 Cậu Hoàng Bơ Thoải là ai và đền thờ cậu ở đâu ?

Cậu Hoàng Bơ Thoải là cậu Bé Hoàng thứ ba trong hàng Tứ Phủ Thánh Cậu của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt. Đây cũng là vị Thánh Cậu hay về giáng đồng ban phát tài lộc cho con hương nhất trong hàng Tứ phủ Thánh Cậu.

Cậu Hoàng Bơ là ai ?

Tương truyền cậu là vị hoàng tử của vua Cha Ngọc Hoàng, giáng trần giúp đỡ nhân dân và khi hóa lại trở thành các vị hầu cận theo các vị thánh trong tứ phủ. Theo nhiều tài liệu ghi chép hiện nay, cậu Hoàng Bơ Thoải là vị thánh Cậu thuộc miền Thoải Phủ, Cậu Hoàng Bơ theo hầu Mẫu Thoải cùng Vua Cha Bát Hải.

Cậu Hoàng Bơ

Cậu tuy nhỏ nhưng mà rất quyền uy, hô một tiếng cả bạn thủy tộc, long xà, thủy tiên vùng dậy nghe hiệu lệnh. Cậu rất hay về đồng, khi ngự đồng Cậu Hoàng Bơ mặc áo trắng, chèo đò.

Hầu giá Cậu Hoàng Bơ Thoải

Trong hàng Tứ Phủ, Thánh Cậu ít được hầu đồng như các Thánh Cô bởi các Cậu không hay chấm đồng như các Cô. Tuy vậy, cậu Hoàng Bơ vẫn hay giáng đồng hơn các Cậu bé khác. Khi ngự về đồng, Cậu mặc y phục trắng, thắt hoa. Đầu chít khăn mỏ rìu, đeo mạng, đi ghệt chân như các Thánh Cậu khác trong Tứ Phủ. Cậu về đồng làm lễ, tay múa hèo, chèo thuyền, phán ngự thông truyền rồi ban phát tài lộc.

Cậu Hoàng Bơ

Cậu Hoàng Bơ Thoải khi ngự đồng

Đền thờ Cậu Hoàng Bơ

Cậu Hoàng Bơ được thời tại rất nhiều ngôi đền Thoải Phủ, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là cung thờ tại đền Cô Bơ Thoải hay còn gọi là đền Ba Bông. Đền Ba Bông ngự tại xã Hàn Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Gần ngã ba đến Đò Lèn. Đền cô Bơ Thoải được coi là cõi “trên bến dưới thuyền” luôn đông đúc nhộn nhịp người dân sinh sống và khách đến cầu.

Dâng lễ Cậu Hoàng Bơ vào mỗi dịp đầu xuân năm mới hay ngày lễ hội của đền, ngôi đền lại đón hàng nghìn lượt khách hành hương tới dâng lễ cầu khấn. Các con nhang sẽ sắm một mâm lễ chay mặn tùy tâm, không cần sang nhưng cần thành ý. Mọi người khi đến đền hay cung Cậu Hoàng Bơ Thoải đều cầu mong tài lộc, sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc, làm ăn thuận buồm xuôi gió, xin chữ được học hành tiến bộ, thi cử đỗ đạt công thành danh toại.

Văn Cậu Hoàng Bơ

Cậu Hoàng Bơ tốt tươi muôn vẻ

Tuổi xuân thì lắm vẻ xinh thay

Tháng ba nhuận vào ngày mùng bảy

Bông hoa đào bỗng nảy ba chi

Vua cha quốc mẫu yêu vì

Nâng niu như ngọc lưu ly vàng mười

Mênh mông một nước một trời

Thuyền Cậu Bơ Thoải chèo bơi giữa dòng

Chiêng vàng cờ mở trống dong

Tiêu thiều nhã nhạc tiểu đồng dâng hoa

Quần tiên chuốc chén tử hà

Chúc cậu muôn tuổi mặn mà trường xuân

Năm cung thơ hoạ đôi vần

Lưu ly hổ phách kỳ tân mọi mùi

Chiêng kêu giục dã ba hồi

Quân tiền thuỷ tộc muôn loài hiện lên

Ba quân nghe lệnh cậu truyền

Long xà ngư miếc thuỷ tiên sắp hàng

Ba quân nghe lệnh truyền ban

Kiệu rồng lọng tía lên đàng du xuân

Dạo chơi khắp hết xa gần

Tìm nơi lịch sự thanh tân hay là

Đường về thuỷ động bao xa

Có điện thất bảo có toà đại dương

Có lầu ngọc bích kim cương

Có rừng mã não có đường hoàng kim

Trùng trùng muôn sắc hoa chen

Hương phô gió mát ở miền đại dương

Có cậu Bơ Thoải phi phương

Tay cầm minh kính soi đường tử sinh

Rước Vua rước Mẫu tuần hành

Long xà ngư miếc cá kình theo sau

Tam giang tứ hải cửu châu

Muôn nơi ngưỡng phục cúi đầu làm tôi

Dâng văn tấu thỉnh đôi lời

Công ơn tiên thánh muôn đời dám quên

Cậu về trắc giáng bản đền

Khuông phù đệ tử thiên niên thọ trường.​

Hát văn Cậu Hoàng Bơ

(Lối hát dọc)

Tục truyền tháng tám hội cha

Tháng ba hội mẹ gần xa nức lòng

Cậu Bé Hoàng dục ngựa qua sông

Hèo hoa cậu vác, thương đồng phải theo

Mênh mông một nước một trời

Có cậu Hoàng Bơ chèo bơi thuyền rồng

Tâm tâm niệm chữ di đà

Vào chùa non nước trảy hoa đem về

Băng rừng ngàn vạn suối khe

Khi chơi Yên Tử lúc về đền Dâu

Qua cau Cậu đếm nhịp cầu

Cầu kia nhớ nhịp sông sâu nhớ thuyền

Biển đông sóng bạc dâng lên

Về đền Bát Hải đua thuyền chèo bơi

(Làm lễ xong ngự tọa)

Chuốc rượu:

Gió lay động bức mành mành

Đưa đường hoàng tử lộ trình tới đây

Tay tiên rót chén rượu đào

Nhất tuần sơ dâng lên bệ ngọc

Dâng lên cúng mẫu các cô dâng vào rước cậu Hoàng xơi

Nhị tuần á rót chén rượu đào

Dâng lên cúng mẫu các cô dâng vào rước cậu Hoàng xơi

Tam bôi rót chén rượu đào

Dâng lên cũng mẫu các cô dâng vào rước cậu Hoàng xơi

Thơ:

Một lối lên tiên còn dở gót trần

Mây trời cỏ đất vạn cảnh xuân

Ba sinh gặp gỡ say vì cảnh

Một phút mơ màng thú trào xuân

Văng văng bên tai cung đàn nguyệt

Vang vang trong động

Chẳng hay cảnh ấy về đâu

Mong tới nguyên đào Cậu Hoàng là chủ nhân.

 

Khánh tiệc Cậu Hoàng Bơ Thoải Phủ

Tiệc Cậu Hoàng Bơ Thoải vào ngày 7 tháng 3 âm lịch.

 

Cậu Hoàng Bơ

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

Cậu Hoàng Cả là ai ?

 Cậu Hoàng Cả là ai ?

Cậu Hoàng Cả là vị Thánh Cậu thứ nhất trong hàng Tứ phủ Thánh Cậu trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ. Cậu Hoàng Cả xuất thân hoàng tộc chốn thiên cung, được Vua Cha cử xuống hạ giới phù dân vệ quốc và về trời khi tuổi còn niên thiếu.

“Cậu xưa vốn ở Phủ Dầy
Chầu chực đêm ngày hầu Mẫu vào ra
Cậu Hoàng mới độ lên ba
Hình dung sắc thái thật là xinh thay”

cậu hoàng cả

Cậu Hoàng Cả là ai ?

Các vị Thánh Cậu thường ít được nhắc đến nhiều cũng như trong các giá đồng Tứ Phủ. Tuy nhiên, người ta vẫn được hầu bóng Cậu vào những ngày cuối năm hoặc các dịp đặc biệt tại các bản đền của các cậu, trong đó có Cậu Hoàng Cả hay còn gọi là Cậu Hoàng Cả Phủ Dầy hay Cậu Bé Hoàng Thiên.

Cậu bé có xuất thân từ chốn thiên cung hoàng tộc, cậu được Vua Cha cử xuống hạ giới giúp nhân dân và về trời khi tuổi còn niên thiếu. Nhưng đôi khi, các cậu lại hóa thành một người hầu cận bên một vị quan, hoặc góp công giúp dân bảo về đất nước chứ không cứ là Hoàng Tử chốn thiên cung. Sau đó, họ sẽ hiển linh thành các Cậu Bé Thánh phụ tá các Ông Hoàng. Thông thường các Cậu ngự tại Lầu Cậu tại các đền phủ, tại đó có thể thờ tượng một cậu hay nhiều cậu. Cậu hầu ai trong đền thì hầu nhưng không có sự tích như các Cô Bé. Vì thế nên Cậu nào ngự ở đền phủ nào thì được gọi là Cậu bản đền của đền phủ đó

Hầu giá Cậu Hoàng Cả

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, các giá cậu luôn được hầu sau các giá cô và cũng được hầu ít hơn.

Khi giá ngự về đồng, Cậu Hoàng Cả mặc áo đỏ, hoa thắt hai tay, đeo mạng chéo, chít khăn mỏ rìu, chân quấn xà cạp, đi hài thêu hoa. Khi ngự đồng, cậu cũng thực hiện nghi lễ khai quang rồi múa hèo, phán ngự thông truyền.

Vì cậu thuộc dòng đệ nhất đi tu nên tuy thuộc hàng Khâm Sai nhưng cậu rất ít khi ngự về đồng.

Bản văn Cậu Hoàng Cả Phủ Dầy

Lòng tin tiến một cơi trầu

Dâng bản văn chầu thỉnh Cậu về đây

Cậu xưa vốn ở Phủ Dầy

Chầu chực đêm ngày hầu hạ vào ra

Cậu Hoàng mới độ lên ba

Hình dung sắc thái thật là xinh thay

Đầu đội nón chân đi giày

Áo xanh khăn đỏ vòng tay quạt tàu

Khi chầu thượng đế khấu đầu

Khi trở về chầu thánh mẫu thuỷ cung

Thấy ai thờ phụng có lòng

Cậu về giá ngự điện trung chơi bời

Cậu thời có sắc có tài

Khắp hết điện đài đâu chẳng ngự chơi

Ai thời sạch sẽ tốt tươi

Sửa sang lịch sự đến nơi tức thì

Cậu nay tính hạnh nhu mì

Hình dung nhan sắc mọi bề mọi hay

Lại xem phong cảnh mọi nơi

Đài kia giá nọ rong chơi phố phường

Miệng cười hoa nở phi phương

Khăn hồng cánh cánh rõ ràng thực xinh

Thấy đâu vui thú hữu tình

Cậu về giá ngự như hình thần tiên

Vốn xưa cậu ở giang biên


Bản văn Cậu Hoàng Cả Đền Sòng

Vầng đông mãn bóng dương vời vợi

Soi vườn hồng choi chói nhân gian

Vốn xưa chầu chực đền vàng

Vào ra cửa Mẫu sửa sang một Hoàng

Trên ngọc bộ chén vàng tay lỡ

Xuống trần gian vào cửa dân ngay

Điều lành ứng mộng khôn thay

Bào thai đủ tháng mười ngày sinh ra

Khác người ta long hành hối bộ

Ấn tam đình lồ lộ nở nang

Dung nghi tính hạnh phi thường

Ngọc lành vàng tốt yêu đương chẳng rời

Phút nghe thấy trên trời chiếu chỉ

Rước Hoàng về thượng đế tiên cung

Xe loan gió lọt bụi hồng

Cành huyên duy phút mộng xuân rầu rầu

Chốn hồng lâu trong lòng phỉ ngộ

Chạnh nghĩ là cậu ở xứ Thanh

Sòng Sơn thượng đẳng anh linh

Trời Nam tú khí địa danh đâu bằng

Duy nghìn thu tặng phong choi chói

Cửa linh từ nhang khói ngàn thu

Chầu rồi cậu lại ngao du

Đồi Ngang phố Cát kinh đô thị thành

Áo cánh xanh phất phơ lòng đỏ

Quần hoa hiên vòng cổ vòng tay

Khăn đào cậu đội xinh thay

Vai mang túi gấm chân giày rong chơi

Cậu Hoàng ba bảy tuổi xanh

Miệng cười hoa nở mọi hình mọi xinh

Chân đá cầu đồng trinh đánh đáo

Tay quạt tầu hảo tố báo tiền

Cậu Hoàng be bé hạt tiêu

Bé xinh bé đẹp vua yêu Mẫu dùng

Các chầu cô khăn hồng áo thắm

Bóng cậu Hoàng càng ngắm càng say

Dăm ba dắt díu dang tay

Nhác trông cậu quận thực thay hữu tình

Hát tiếng kinh líu lô vui vẻ

Cậu Quận Hoàng tươi đẹp thanh tân

Trẻ già nam nữ xa gần

Cậu Hoàng chơi đó mười phần ngồi xem

Hoặc ai phải sương thu nắng hạ

Cậu ban cho nước lã tàn nhang

Ra tay chuyển bệnh trần gian

Trừ tai tống ách bình an tức thời

Tấu văn mời cậu ban tài lộc

Cho trong nhà ngũ phúc lâm môn

Đền thờ chúa vị thánh tôn

Anh linh thiên cổ trường tồn muôn thu

Đệ tử tôi khói hương phụng sự

Dốc một lòng sớm tối dám sai

Thỉnh Cậu giá ngự đền đài

Phù hộ đệ tử đời đời bình an.

Khánh tiệc Cậu Hoàng Cả

Ngày chính tiệc Cậu Hoàng Cả là vào ngày 17 tháng 2 âm lịch và ngày hiển linh là 18 và 19 tháng 2 âm lịch, ngày giáng lần thứ hai là ngày mùng 9 tháng 7 âm lịch.

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Đền Quan Lớn Phủ Dầy

 


      Đền Quan Lớn Phủ Dày còn gọi là Đền Quan Lớn Đệ Tam. hay đền Công Núi nằm ở chân núi Ngăm thuộc xóm 4 thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là một trong số các di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy. Đây là đền thờ vọng Quan Lớn Đệ Tam.

Tam Quan Đền Quan Lớn Phủ Dầy

    Theo truyền thuyết xưa kia thì nơi đây thờ “Hữu Sơn Thần” (Thần núi). Do vậy trong cung cấm có ban thờ Sơn Thần tượng bằng đồng cao khoảng 90cm, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc long cổn với nhiều hoạ tiết trang trí như rồng long mã. Một tay để trên đầu gối, tay phải như đang giữ ấn. Dân gian tôn vinh ngài là bậc quang minh chính đại: “Đại đức quang minh”.

         Trong đền còn có một đôi câu đối :

“Đức bố quận phương nhân dân đồng ngưỡng vọng

Uy linh tứ bảo kim cổ cộng tri danh”

Tạm dịch:

Ân đức rộng khắp gần xa, mọi người cùng trông đợi

Uy linh lừng bốn biển xưa nay danh tiếng vẫn còn truyền.

      Trên ban có bài vị diềm chạm hoa chanh cùng họa tiết tứ linh thế kỉ 19 rất tinh vi, có hàng chữ: “Đương cảnh thành hoàng Hữu Sơn Thần, thần vị”.

      Cung đệ nhị, đệ Tam thờ Quan Lớn Đệ Tam cùng các vị trong hệ Tứ Phủ, Quan Lớn Đệ Tam hay còn gọi là Vương quan, theo truyền thuyết  ông là con của Vua Cha Bát Hải. Ông là một vị tướng tài thời Hùng vương đánh giặc giúp nước, giúp dân khi gặp thủy nạn. Vì vậy, trong văn chầu có đoạn như sau:

“Sơn xuyên dục tú, hà hải chung linh

Quan Lớn Đệ Tam con vua Bát Hải Động Đình

Tên danh hiệu Đệ Tam Hoàng Thái tử

Văn thần cẩm tú, võ tòng ông lớn lược thao

Bởi dung tướng mạo anh hào

Đại trung chính, tài cao quán cổ… “

       Tại cung thờ quan lớn Đệ Tam có đôi câu đối như sau:

Nguyện giả chân thành Vương quan đa giáng phúc

Cầu chi tất ứng Thần đức tối uy linh.

     Tạm dịch:

Nguyện ước thành sự, nhờ Vương quan ban nhiều phúc

Cầu tất ứng nghiệm là nhờ Thánh đức uy linh.

      Lại có một đại tự trong đền ghi:

“Nam Hải ân thâm” (Ân đức sâu như biển Nam )

“Thần linh khắc tướng” (Thần thiêng liêng hiển hiện rõ rệt)

        Đền quan Lớn thờ Hữu Sơn Thần, các vị trong Tứ Phủ, như Ngũ Vị Tôn Quan, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười, lại có lầu Cô, Cậu theo hệ điện thần Tứ Phủ.

    Quan Lớn Đệ Tam còn được thờ ở đâu

   

Quan Đệ Tam

        Quan Lớn Đệ Tam có khá nhiều đền thờ. Có hai đền rất đáng được chú ý là Đền Lảnh Giang và Đền Xích Đằng. Đó là hai ngôi đền liên quan đến sự thăng hóa của Ngài. Đền Quan Đệ Tam - Thái Bình gần đền Đồng Bằng liên quan đến sự tích Ngài phục vụ Đức Vua Cha Bát Hải chống giặc ngoại xâm. Đền Quan Đệ Tam - Lạng Sơn, liên quan đến chiến tích chống giặc ngoại xâm.


NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...