Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Chầu Đệ Tam Thoải Phủ

“Hội đồng ba phủ nghiêm quân
Đệ Tam Chầu Thoải thanh tân hay là
Tóc mây rẽ mái mượt mà
Lưng ong mắt phượng da ngà điểm trang”

Chầu Đệ Tam Thoải Phủ  hay còn gọi ngắn gọn là Chầu Đệ Tam là vị Chầu Bà thứ ba trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, đứng sau Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, trước Chầu Đệ Tứ Khâm Sai.

Chầu Đệ Tam là ai?

Tương truyền, Chầu Đệ Tam là Thủy Tinh Tiên Nữ tôn xưng là Lân Nữ Công Chúa, là con vua Thủy Tề dưới chốn Long Cung. Quyền cai coi giữ các tiên nữ chốn Thủy Phủ. Lại có tích nói rằng, Chầu Đệ Tam là con gái của Lạc Long Quân, danh hiệu Thủy Tinh Động Đình Ngọc Nữ Tam Giang Công Chúa, nhưng truyền thuyết này không được lưu truyền rộng rãi. Thực tế thì người ta vẫn công nhận Chầu Đệ Tam là con Vua Long Vương Bát Hải Động Đình hơn.

Ngoài ra, nhiều vùng còn quan niệm rằng Chầu Đệ Tam là hóa thân của Mẫu Đệ Tam, là người hầu cận bên Mẫu Thoải, nên một số vùng miền xem Chầu là hóa thân của Mẫu Đệ Tam. Tuy nhiên, điều này là không hợp lý do Mẫu Đệ Tam và Chầu Đệ Tam không phải cùng một vị.

Thần tích Chầu Đệ Tam

Chầu Đệ Tam là một thiên thần, chầu không giáng trần, không phải nhân thần vì vậy thần tích về Chầu Đệ Tam không rõ ràng và không có một ghi chép cụ thể nào cả. Lại nghe rằng Chầu vốn nghiêm nghị, hách danh, thập phần công chính; chứ không phải lúc nào cũng vui tươi, rộn rã.

Đền thờ Chầu Đệ Tam ở đâu ?

Chầu Đệ Tam thường được thờ tại các cửa sông cửa biển, nơi có đền thờ Mẫu Thoải. Trong đó, đền Hàn Sơn ( xã Hàn Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) là ngôi đền thờ Chầu Đệ Tam nổi tiếng nhất.

Tại Phủ Dầy cũng có thờ tự Chầu Đệ Tam trong ban thờ Tứ phủ Chầu Bà.

Tiệc Chầu Đệ Tam vào ngày nào?

Ngày chính tiệc Chầu Đệ Tam tại đền Hàn Sơn là vào ngày 12/6 âm lịch.

Chầu Đệ Tam

Hình tượng Chầu Đệ Tam và đền Hàn Sơn (Thanh Hóa)

Căn Chầu Đệ Tam khi hầu đồng

Chầu Đệ Tam thường ít khi giáng ngự về đồng nhất, hoặc khi chầu ngự về ở các ngôi đền thờ các vị thánh Thoải Phủ, hoặc tại chính đền thờ Mẫu Thoải.  Các thanh đồng có căn Chầu Đệ Tam khi loan giá thường mặc trang phục áo màu trắng, đầu đội khăn trắng, cầm quạt trắng khai quang. Khi hát văn các cung văn vẫn thường sử dụng bản văn của Mẫu Thoải để dâng văn chầu. Có ý kiến cho rằng không nên như vậy, thay vào đó phải sử dụng bản văn riêng của Chầu.

Bản văn Chầu Đệ Tam

Khi hầu giá Chầu Đệ Tam, các cung văn thường dâng văn trích đoạn từ văn Mẫu Thoải ngoài ra còn có các bản văn sau:

Bản số 1

Chúa từ buổi giãi dầu sương tuyết
Đày non xanh bóng nguyệt hắt hiu
Thẩn thơ nắng sớm mưa chiều
Tiếng chim khắc khoải như khêu mạch sầu

Tưởng nông nỗi dòng châu lã chã
Trách ai làm hai ngả chia li
Từ nay mỗi độ xuân về
Cầu ô lỡ nhịp sông khuya vắng thuyền

Bứt dứt nhẽ thung huyên nghĩa cả
Tấm thân này có sá chi đâu
Lẽ nào nát ngọc trẩm châu
Vùi hoa dập liễu bởi câu tam tòng

Xót vì nỗi má hồng bội bạc
Âu cũng đành bèo dạt mây trôi
Sức này há kể chi ai
Lòng trinh chuyển động đất trời chứng minh

Bản số 2

Xuân qua ba tiết tháng hè
Thu rồi đông đến mây che thanh nhàn
Mừng giầu mừng thịnh mừng sang
Phú lại mừng quý quan sang mừng giầu

Làm tôi Chầu độ sống lâu
Phơ phơ tóc bạc trên đầu bằng bông
Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nẩy chồi thông rườm rà

Bốn phương phẳng lặng can qua
Dân an quốc thái xướng ca chơi bời
Quân thần phải đạo chúa tôi
Trên thuận lòng trời dưới thuận long dân

Hội đồng ba phủ nghiêm quân
Đệ tam chầu thoải thanh tân hay là
Tóc mây rẽ mái mượt mà
Lưng ong mắt phượng da ngà điểm trang

Tay đàn tang tính tình tang
Miệng cười hoa nở ai đang hầu Chầu
Muôn dân thiên hạ cúi đầu
Quyền Chầu cai quản bộ hầu nàng tiên

Rong chơi cửa phủ cửa đền
Vâng lệnh Mẫu truyền giáng phúc trừ tai
Ơn trên tiếp lộc ban tài
Độ cho già trẻ gái trai yên lành

Khi vui trống phách rập rình
Đỉnh đang thơ phú tính tình giao ca
Thơ thơ phú phú ngâm nga
Cung năm dịp bẩy cung ba dịp mười

Thơ dâng đã bốn câu rồi
Lạy bà bảo hộ tiểu tôi an lành
Chậu nước trong xin bà tẩy điện
Vuông nhiều điều còn vẹn liêm phong

Xin bà đại xá cho đồng
Kẻo còn nhầm lỗi kẻo còn dại ngây
Chúa tiên khéo miệng khéo tay
Miệng thời tấu đối tay may vóc rồng

Xách đầy theo Mẫu vô cung
Dệt tấm vóc rồng tiến đức vua cha
Lộc tài Chầu mới ban ra
Bổng lộc cho lắm lại nhiều hơn xưa

Đồng con hương khói phụng thờ
Ba mươi mồng một mười tư hôm rằm
Chữ rằng Thánh giáng lưu ân
Chầu bà ban lộc thiên xuân thọ trường.

 

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Chầu Đệ tứ Khâm Sai

Chầu Đệ Tứ khâm sai hay còn gọi là Chầu bà Đệ tứ khâm sai Quyền cai tứ phủ là vị thánh chầu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tứ phủ của người Việt.

Là thánh chầu đứng thứ tư trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà. Chầu vốn là Bồng Lai Tiên Nữ trên thiên cung, giáng sinh xuống đất An Thái trấn Sơn Nam, nay là thôn Tiên Hương xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, hầu cận kề bên Thánh Mẫu thần chủ.

Chính cung thờ Chầu bà Đệ tứ khâm sai tại đền thờ Chầu tại Phủ Dầy Nam Định

Gặp buổi giặc giã hoành hành, Chầu Đệ tứ xông pha ra trận trở thành vị nữ tướng, vốn tính khảng khái chính trực, nếu có kẻ nào làm sai phép quân lệnh là “tiền trảm hậu tấu”, lập nhiều công lao giúp vua dẹp giặc và trấn giữ ở miền Hà Trung, Thanh Hóa nên được sắc phong là Chiêu Dung Công Chúa. Sau khi trở lại Thiên đình, chầu lại được Thánh Mẫu giao quyền khâm sai Tứ Phủ (từ Thủy Phủ cho tới Thiên phủ), biên chép sổ Thiên Đình, quyền cai bản mệnh các thanh đồng (là nhưng người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu), trực tiếp giữ sổ Tứ Phủ, coi kho ngân xuyến. Lúc thanh nhàn, chầu truyền các nàng tiên vân du, dạo cảnh  khắp chốn, từ miền quê  ra tới kinh kỳ, nên hát văn về Chầu Đệ  tứ có đoạn kể rằng:

“Quê hương An Thái xã danh Có Chầu Đệ Tứ hách danh phàm trần Ra uy sát quỷ trừ tà Chiêu tài tiếp lộc gần xa cho đồng Khâm sai đệ tứ tuỳ tòng Chiêu Dung công chúa ngự đồng cứu dân”

Chầu Đệ Tứ Khâm Sai khi về ngự đồng như nào?

Chầu Đệ Tứ khi về ngự đồng vào dịp khai đàn mở phủ trong trang phục áo màu vàng, cầm quạt khai cuông rồi thường múa kiếm hoặc khai cờ lệnh, cũng có nơi hầu Chầu về múa quạt, múa mồi hoặc chỉ khai cuông rồi an tọa tùy tập tục từng nơi.

Thanh đồng Kim Huệ thủ nhang phủ Chính Tiên Hương hầu giá Chầu Bà Đệ Tứ

Đền thờ Chầu Đệ Tứ Khâm Sai ở đâu?

Đền thờ Chầu Đệ Tứ cũng được lập ở nhiều nơi nhưng Phủ Dầy là chính cung, đền chầu Đệ Tứ nằm trong quần thể Phủ Dầy là chính thờ, hầu cận kề bên thánh Mẫu (cách chừng 1 km từ Phủ Chính Tiên Hương).Chầu Đệ Tứ Khâm SaiNgoài ra còn Đền Cây Thị – Đền Chầu Đệ Tứ thuộc huyện Hà Trung, Thanh Hóa tương truyền là nơi chầu ra trận dẹp giặc và ngoài ra ở Hà Nội còn có  Đền Duyên Trường – Đền Chầu.

Tiệc chầu Đệ Tứ Khâm Sai vào ngày nào ?

Chính tiệc của Chầu Đệ Tứ Khâm Sai là vào ngày 14/3 âm lịch.

Văn Chầu Đệ Tứ Khâm Sai

Đấng Nam thiên nữ trang Nghiêu Thuấn

Đất Sơn Nam có đấng trâm anh

Quý hương An Thái xã danh

Có chầu đệ tứ hách danh còn truyền

Điều thời phụng sắc Hoàng thiên

Ngự đồng ánh bóng khắp miền gần xa

Ra uy sát quỷ trừ tà

Chiêu tài tiếp lộc gần xa cho đồng

Khâm sai tứ phủ tuỳ tòng

Chiêu Dung công chú ngự đồng cứu dân

Trong nghĩa thân ngoài thời nghĩa dưỡng

Nương uy trời độ lượng bao dung

Mặt hoa tươi tốt má hồng

Gồm lo tứ đức tam tòng vẻ vang

Mày ngài tóc phượng vấn vương

Lưng ong má phấn xem càng tốt tươi

Miệng chầu cười trăm hoa đua nở

Đáng lên tài tiên nữ bống lai

Vào tâu ra rộng khoan thai

Đã trong hiển ứng lại ngoài tối linh

Chốn thiên đình ca ngâm chầu chực

Các bộ nàng tiên nữ dâng hoa

Chầu thôi lại trở ra về

Khi ra Thiên Bản lúc về Đồi Ngang

Miếu giữa đường gia ban sắc chỉ

Bốn chữ vàng chính khí nghiêm trang

Lân vờn phượng múa nhà vàng

Thị tòng bộ chúng các nàng đôi bên

Có phen lên thanh sơn tú thuỷ

Hoá phép mầu lục trí thần thông

Quản cai tam phủ công đồng

Quyền chầu coi sóc đền rồng vào ra

Sổ tam toà chép biên sau truớc

Lại sửa sang gương lược trầu cau

Dù ai tiếp cũng khẩn cầu

Quyền chầu ra rộng vào tâu thông hành

Lên thiên đình ngự về thuỷ phủ

Tiến văn chầu kích cổ tam không

Mời chầu trắc giáng điện trung

Hay còn nam bắc tây đông chốn nào

Trên thiên tào còn đang tra sổ

Hay chầu còn đổi số cho ai

Có phen chơi cảnh bồng lai

Hay về An Thái là nơi quê nhà

Có phen ra kinh đô thành thị

Vào kính thiên toạ vị hồng lâu

Rong chơi năm cửa nhà lầu

Hay chơi Phố Mới,cầu Châu,cầu Rền

Lên trên đến Cầu Đông,cầu Giác

Trở ra về Hàng Bạc, Hàng Ngang

Hàng Buồm chầu lại dạo sang

Mã Mây,Phố Mới,Hàng Đường,Đồng Xuân

Dạo chơi khắp hết xa gần

Hàng Đồng,Hàng Thiếc,Hàng Cân,Hàng Đào

Chợ huyện,Chùa Tháp,Đình Ngang

Cấm chỉ,đền Cờn các vạn dưới sông

Có phen chầu ngự thuyền rồng

Qua hồ Trúc Bạch lại dong Tây Hồ

Lệnh truyền tiên nữ chèo đua

Qua đền Trấn Võ lên chùa Huyền Thiên

Vực Kim Ngưu có đền An Thái

Cảnh hội đồng có dải Tô giang

Thiên Tích chầu lại dạo sang

Sai các tiên nàng chầu chực dâng hoa

Phút thôi chầu chở ra về

Ngự trong bản điện sớm khuya hội đồng

Có phen chầu ngự đường trong

Dạo khắp phủ tía lầu hồng vào ra

Có phen chơi Đồi Ngang,Phố Cát

Đứng nhởn nhơ bóng mát cây cao

Nghệ An chầu lại từng vào

Dạo chơi các chốn lầu cao Kinh Thành

Có phen chầu chực tỉnh Thanh

Sòng Sơn Ba Dội tập tành vui chơi

Thường vãng lai bán hàng chiều khách

Thấy ai là ngang ngược ra tay

Mặc ai phù phép tìm thầy

Thành tâm lễ bái chầu dày lại tha

Lòng kính chúc hương hoa tịnh thuỷ

Hoá phép màu lục trí thần thông

Kiêm tri tam phủ công đồng

Tốc lai giáng hạ từ trung thay là


Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Chầu Năm Suối Lân

Chầu Năm Suối Lân là vị Thánh Chầu thứ năm trong hàng Tứ Phủ Thánh Chầu cai quản miền rừng núi vùng Suối Lân (Lạng Sơn) nên còn gọi là Chầu Năm Suối Lân hoặc Chầu Đệ Ngũ Suối Lân, ngài đứng sau Chầu Đệ Tứ Khâm Sai và trước Chầu Lục Cung Nương.

“Giở trang tích cũ Lê triều,
Suối Lân công chúa mĩ kiều diễm hương.
Nét đoan trang vẻ nhường ngọc tuyết,
Đôi mày ngài nửa khuyết vành trăng
Trâm cài soi nước long lanh.”

―Chầu văn Chầu Năm Suối Lân

Chầu Năm Suối Lân là ai?

Chầu Năm Suối Lân là vị Thánh Chầu thứ năm, chầu vốn là người Nùng, giáng sinh dưới thời vua Lê Trung Hưng theo lệnh vua cha, chầu trấn giữ cửa rừng Suối Lân bên dòng sông Hóa, coi sóc khắp vùng sông Hóa. Ở đó chầu không chỉ trấn giữ nơi sơn lâm mà còn giúp dân làm ăn, dạy dân đi rừng, làm nương. Sau này, chầu hóa tại đó và hiển linh giúp dân thuần phục mọi loài ác thú, trừ diệt sơn tinh, ma quái. Tương truyền vào những đêm thanh, chầu hiện hình cùng 12 cô hầu cận bẻ lái giữa dòng sông Hóa.

Cũng có tài liệu cho rằng, Chầu Năm Suối Lân vốn là công chúa con vua, vốn tính yêu thiên nhiên thích chốn rừng xanh núi thẳm nên xin vua cha lên miền sơn lâm, khi đến vùng Suối Lân cảnh đẹp địa linh, nàng cho dựng am để tu hành. Sau này khi hóa, nàng được Mẫu Thượng Ngàn đã ban phong là Chầu Năm Suối Lân để cai quản vùng cửa rừng Suối Lân.

Đền thờ Chầu Năm Suối Lân

Chầu Năm Suối Lân được thờ chính tại Đền Chầu Năm Suối Lân bên bờ Sông Hóa, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Nơi đây được coi là nơi thờ chính của Chầu Năm và Cô Năm. Nhân dân qua vùng Lạng Sơn thì đều vào bái yết cửa Chầu Năm và Cô Năm Suối Lân để cầu phúc cầu tài cầu bình an, nhờ lộc chầu mà băng rừng vượt suối được chân cứng đá mềm.

Chầu Năm Suối Lân khi giá ngự về đồng

Chầu Năm Suối Lân thường ít khi giá ngự về đồng hơn là Chầu Lục và Chầu Đệ Tứ, thường chỉ ngày tiệc vui hoặc những ai có căn Chầu Năm thì mới hay hầu. Là vị Thánh chầu trên sơn trang nên có đôi khi người ta cũng thỉnh chầu về chứng tòa Sơn Trang. Khi Chầu ngự về đồng thường mặc áo xanh như chầu Đệ Nhị, áo màu lam hoặc áo xanh thiên thanh, coi đó như là màu áo của dòng Suối Lân. Sau khi khai cuông chứng tòa rồi múa mồi, chầu Năm Suối Lân cũng có thể chứng mâm giầu trình, ban lộc phát tài, chữa bệnh cho con nhang đệ tử.

Chầu Năm Suối Lân

Chầu Năm Suối Lân khi giá ngự về đồng.

Khánh Tiệc Chầu Năm Suối Lân

Ngày tiệc của Chầu Năm Suối Lân vào ngày 20 tháng 5 âm lịch.

Bản Văn Chầu Năm Suối Lân

Ai lên tới Lạng Sơn châu thổ,
Thăm cảnh rừng thác đổ suối reo.
Giở trang tích cũ Lê triều,
Suối Lân công chúa mĩ kiều diễm hương.
Nét đoan trang vẻ nhường ngọc tuyết
Đôi mày ngài nửa khuyết vành trăng
Trâm cài soi nước Suối Lân
Gót tiên hài sảo cảnh rừng thênh thang
Hoa đua nở đầy ngàn tay hái
Gùi trên vai nặng trái chín thơm
Rung rinh quảy lẵng đầu non
Xa nghe chim khướu véo von trên cành
Động lá rừng chim oanh gọi bạn
Nhác trông lên cánh nhạn chập chờn
Cuốc kêu gợi cảnh chiều hôm
Tiếng chim gõ kiến nỗi buồn bâng khuâng
Tiếng hổ gầm vang trong hang động
Bầy báo hoa dạo lượn tìm mồi
Hươu nai ngơ ngác trên đồi
Hang sâu vực thẳm núi đồi thêm ghê
Con suối nhỏ xuôi về Hữu Lũng
Đàn cá vàng lơ lửng dưới khe
Trăng thanh hổ báo chầu về
Lung linh màu sắc đua khoe trước đền
Con suối nhỏ đôi bên cầu bắc
Sau lưng đền đá chất trập trùng
Phép tiên biến hóa thần thông
Mẫu sai chầu trấn cửa rừng Suối Lân
Chầu thương dân đêm khuya biến hiện
Áo xanh chàm thêu lượn nét hoa
Nửa đêm gà gáy canh tà
Cất cao tiếng hú hiện ra giữa rừng
Hô thần chú núi rừng chấn động
Các cửa ngàn bặt tiếng muông kêu
Tà ma phách tán hồn xiêu
Những loài ác thú sợ đều ẩn thân
Để cho biết Suối Lân công chúa
Phép Sơn Trang đức tổ ban truyền
Phép tiên lấy lá làm thuyền
Các cô Thổ mán đôi bên cầm chèo
Tiếng nhịp đẩy hò reo bẻ lái
Chầu tới đâu cảnh lại thêm tươi
Hoa thơm quả ngọt trên đồi
Ban công thưởng lộc cho người nhất tâm
Chữ rằng Thánh lưu ân
Chầu Bà lưu phúc thiên xuân thọ trường

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Chầu Lục Cung Nương

Tương truyền Chầu là hiện thân của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, giáng hạ vào cửa nhà một tù trưởng người Nùng, mẹ chầu họ Trần (cũng có quan điểm cho rằng cha họ Trần, mẹ họ Hoàng) vốn dòng lệnh tộc thuộc vùng Hữu Lũng, Lạng Sơn, nên chầu còn được biết với tên gọi Mế Lục Cung Nương, hiệu “Lục Cung Công Chúa”. Trong văn dâng Chầu Lục có đoạn:

Truyền thuyết Chầu Lục Cung Nương

Theo truyền thuyết, Chầu Lục Cung Nương vốn là tiên nữ chốn thiên đình, vào dịp Ngọc Hoàng mở tiệc quần tiên, do lỡ tay làm rơi chén ngọc khi dâng rượu lên kính vua cha Ngọc Hoàng, vua cha liền nổi trận lôi đình giáng hạ Chầu xuống trần gian.

Chầu Lục Cung Nương

Chầu Lục Cung Nương

Thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương loan giá Chầu Lục Cung Nương

Theo lệnh Chầu Lục  giáng trần  vào mùa thu Tháng 9 ngày 10 năm thân, sau 19 năm thì mãn hạn về trời nhưng vì Chầu còn thương nhớ phụ mẫu nơi trần gian nên vua cha cho Chầu  hiển thánh, cai quản miền sơn cước Hữu Lũng. Với tấm lòng yêu dân như, Chầu  thường hiển linh, trợ giúp nhân dân trồng trọt mùa màng bội thu, no ấm  nên được nhân dân rất tôn kính phụng thờ. Chầu Lục được gọi với nhiều danh hiệu khác như: Chúa Lục Cung Nương, Lục Cung Tiên Chúa, Lục Cung Công Chúa.

Chầu Lục Cung Nương khi về đồng như nào ?

Chầu Lục là một trong những vị Thánh Chầu danh tiếng rất hay ngự đồng khi khai đàn mở phủ. Trong thần điện và trong nghi lễ  hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu tam tứ phủ, Chầu Lục ngự trong trang phục màu lam hoặc màu tím. Trong tâm thức dân gian, khi ngự đồng Chầu  Lục thường hay chấm đồng, cho thuốc chữa bệnh, cho lộc buôn bán, khi ngự về đồng Chầu chứng sớ chứng đàn rồi tán đàn sơn trang, sang khăn khi mở phủ và ban tài phát lộc cho bách gia trăm họ.

Chầu Lục Cung Nương

Thanh đồng Nguyễn Tất Kim Hùng loan giá Chầu Lục Cung Nương

Đền thờ Chầu Lục Cung Nương ở đâu ?

Đền chính thờ Chầu Lục Cung nương tại Lục Cung Linh Từ, thôn 94 xã Hòa Lạc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ngoài ra còn Đền Cảnh Xanh (hay còn gọi là đền Cây Xanh) thuộc phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang.

Hướng dẫn đường đi đền Chầu Lục Cung Nương chừng 2 tiếng xe chạy từ TP Hà Nội

 

Bản Văn Chầu Lục Cung Nương:

Sắc phong Chầu Lục Cung Nưong
Vốn dòng Trần Thị quê hương non ngàn
Hữu Lũng giang là nơi cát địa
Chín Tư ngàn tú khí là nơi
Chúa Tiên vâng lệnh y lời
Ở trong bệ ngọc, ra ngoài màn loan
Đêm ấy xuống trần gian báo mộng
Trần thị nưong tâm động bào thai
Tháng năm giờ tý mồng mười
Sinh ra Chúa Lục khác người trần gian
Đôi thung huyên vui mừng hớn hở
Khắp bản làng mừng rỡ bảo nhau
Mới hay như ý sở cầu
Sớm nâng niu ngọc, ngày chau chuốt vàng
Chốn phòng loan đêm ngày dưỡng dục
Đặt tên là Chầu Lục Cung Nương
Ơn trời sao khéo phi phương
Mặt huê hớn hở ,tính gương làu làu
Vẹn một bầu nước trong leo lẻo
Trách ông trăng già sao khéo vẩn vơ
Vô tình ép uổng duyên tơ
Hoa chưa kết nhụy trăng chưa tới kì
Hoá tức thì đôi mươi tháng chín
Giữa thu về xa lánh hồn nương
Thung huyên buồn sầu thảm nhớ thuơng
Sót xa tấc dạ ruột thường quặn đau
Trải bấy lâu thiên đình sai xuống
Nay đến ngày ,mãn hạn về tiên
Nỗi lòng thưong nhớ thung huyên
Dấu thiêng hiển tích trong miền Chín Tư
Tục truyền lưu để ngàn thu
Nhân dân thôn ấp còn thù giặc nguyên
Xuân sang mở hội đua thuyền
Nam thanh nữ tú cùng nhau đua tài
Bất thường một sớm hôm mai
Chầu lên đỉnh núi hoá thân tức thì
Sắc ban phong vang lừng tám cõi
Tiếng chầu ngàn chói lọi trời nam
Trong đền tấp nập sửa sang
Lối lên Sông Hoá lại càng thanh tao
Vào năm Kỷ Mão anh hào
Có Tiên Chúa Lục giáng vào thiên thai
Trên núi Thái bốn mùa mát mẻ
Dưới bản làng vượn hót oanh ca
Nhớ xưa họ Quách lương gia
Nhân từ có một hiền hòa không hai
Vừa gặp buổi trang đài hội yến
Chầu Lục vào dâng tiến kim bôi
Trống rung chưa kịp dứt hồi
Bỗng đâu Chầu Lục sảy rơi chén vàng
Trên chín bệ Vua cha phật ý
Nổi lôi đình truyền chỉ chiếu ban
Kíp đầy Chầu xuống trần gian
Mười lăm năm lẻ khải hoàn hồi cung
Nhà họ Quách vốn dòng quốc chỉ
Kết duyên lành Trần Thị Hồng Mai
Vào năm kỷ mão tháng hai
Ngày Mão giờ Mão Trang đài nở hoa
Vẻ cốt cách da ngà tựa tuyết
Bóng trăng tròn mặt nguyệt như in
Mày ngài mắt phượng tóc tiên
Môi son má phấn lại thêm nõn nà

Văn khấn Chầu Lục Cung Nương

Nén nhang thơm tâm thành khấn nguyện
Giãi lòng thành dâng tiến văn ca
Đường lên xứ Lạng bao xa
Đường về Hữu Lũng tuy xa mà gần
Chốn thanh tân long lâu điện các
Ví nào bằng cảnh hạc Lâm san
Đền thờ chầu Lục trên ngàn
Cây xanh che phủ xóm làng lơ thơ
Đường dốc núi quanh co trùng điệp
Nước Sông Thưong uốn lượn bao quanh
Đền thờ cao ngất non xanh
Lô xô đá mọc xung quanh đường đèo
Trên thời vượn hót thông reo
Dưới khe nước chảy ra chiều nghiêm trang
Lơ thơ mấy nóc nhà sàn
Ven bên sườn núi bản làng xa xa
Nghe suối chảy chim ca ríu rít
Bộ người nùng đầu chít khăn lam
Dao quai, xà tích ,áo chàm
Cơm lam,muối ống vượt ngàn lên non
Nhịp chân bước thiên sơn vạn thủy
Bắc Lệ ngàn ,Phố Vị suối ngang
Lắng nghe tiếng hát cung đàn
Điệu then đàn tính âm vang núi rừng
Điệu “soong hao” vang lừng khắp bản
Hội lồng tồng đợi bạn đầu xuân
Lên ngàn trảy hội sơn lâm
Ngôi đền Chầu ngự mấy tầng nguy nga
Trước sân đền cây đa cổ thụ
Nhuốm một màu chen phủ lá cây
Ngất trời gió cuốn sương bay
Chim kêu vượn hót đêm ngày xôn xao
Đường dốc núi lối vào sơn cước
Cảnh non bồng nước nhược bồng lai
Vào ra áo thắm thơ bài
Áo lam khăn củ ấu ,gót hài thêu hoa
Giáng ngự đồng trâm hoa điểm xuyết
Lược trâm cài ngọc tuyết thu ba
Tóc mây rẽ mái mượt mà
Phấn son trang điểm vào ra dập dìu
Cảnh núi rừng đìu hiu hút gió
Thú sơn lâm hoa cỏ tốt tươi
Dâng văn tấu thỉnh khuyên mời
Lục Cung tiên chúa giáng nơi bản đền
Ngôi đền thờ Sơn Lâm công chúa
Chầu Lục Cung tối tú chứng minh
Đền thờ thượng cổ tối linh
Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường

Xem thêm:

Ngầy khánh tiệc Chầu Lục Cung Nương vào ngày nào ?

Ngày tiệc hóa nhật của Chầu Lục vào ngày 10 tháng 9 âm lịch, ngày đản nhật chầu Lục vào 20 tháng 5 âm lịch hàng năm

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Chầu Bảy Kim Giao

Chầu Bảy Kim Giao còn được gọi ngắn gọn là Chầu Bảy hoặc Chầu Bảy Mỏ Bạch (trong đó Kim Giao là tên địa danh đền Kim Giao thuộc đất Thái Nguyên chính thờ của Chầu nên được gọi là Chầu Bảy Kim Giao, nay gọi là đền Mỏ Bạch) là vị thánh chầu thứ bảy trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, đứng sau Chầu Lục Cung Nương và đứng trước Chầu Tám Bát Nàn.

“Thỉnh mời chầu Bảy Kim Giao
Đêm đêm chầu mắc võng đào họa ca
Đền thờ rừng núi bao la
Đầu non thác đổ xa xa hổ gầm”

Thần tích về Chầu Bảy Kim Giao

Thần tích về Chầu Bảy cho rằng, chầu sinh ra trong một gia đình dân tộc thiểu số ở vùng Thanh Liên, Mỏ Bạch đất Thái Nguyên. Giữa lúc nước nhà trong cơn giặc dã, chầu đứng lên cùng dân bản và triều đình ra sức bình định dẹp loạn đảng giữ yên bờ cõi vùng Mỏ Bạch. Khi thanh bình, Chầu lại dạy dân biết canh tác trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt chầu còn truyền dạy cho dân trong vùng biết trồng chè Tuyết nổi tiếng chứ danh, và cho đến ngày nay, Thái Nguyên vẫn là vùng trồng trà nức tiếng nhất Việt Nam. Sau khi thác hóa, Chầu được Mẫu giao cai quản vùng rừng núi Mỏ Bạch Thái Nguyên.

Chầu Bảy Kim Giao hay Chầu Bảy Tân La?

Một thần tích khác lại lý giải Chầu là nữ tướng dưới trướng của Hai Bà Trưng, chầu Bảy hợp lực cùng Chầu Tám Bát nàn dẹp giặc, sau này thác hóa chầu được thờ tự ở vùng Tân La (Hưng Yên) nên được gọi là Chầu Bảy Tân La. Tuy nhiên theo cách lý giải này tác giả cho rằng chưa đúng vì ngôi đền ở Tân La, Hưng Yên chỉ thờ Chầu Tám Bát Nàn Đông Nhung Tướng Quân Vũ Thị Thục. Vì vậy tên gọi Chầu Bảy Kim Giao tác giả cho rằng chính xác hơn.

Chầu Bảy Kim Giao khi ngự đồng

Chầu Bảy Kim Giao là vị thánh chầu rất ít khi về đồng nhất trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà. Hiếm khi thấy có người nào hầu mà mà thỉnh chầu về ngự. Chỉ tại đền chính của Chầu. Khi giá ngự về đồng, Chầu Bảy thường mặc áo màu tím hoặc màu xanh, sau nghi thức khai cuông rồi múa mồi chứng lễ cho đồng.


Một số hình ảnh về Chầu Bảy khi giá ngự đồng

Đền thờ Chầu Bảy Kim Giao ở đâu ?

Đền chính thờ Chầu Bảy Kim Giao là ngôi đền Kim Giao nay gọi là Mỏ Bạch Linh Từ, tọa lạc tại đất Chầu sinh sống là vùng Thanh Liên, Mỏ Bạch (nằm trên đường Dương Tự Minh, phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên) thuộc tỉnh Thái Nguyên. Đây là ngôi đền được cho là anh linh bậc nhất vùng Thái Nguyên, chỉ cách Hà Nội chừng 90KM.

Đền Mỏ Bạch Linh Từ nơi thờ tự Chầu Bảy

Ngày tiệc Chầu Bảy Kim Giao

Ngày 21 tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày tiệc Chầu Bảy

Bản văn Chầu Bảy Kim Giao

Thỉnh mời Chầu Bảy Kim Giao
Đêm đêm chầu mắc võng đào họa ca
Đền thờ rừng núi bao la
Đầu non thác đổ xa xa hổ gầm

Đền thờ lập ở sơn lâm
Rừng thiêng nước độc bốn bề bao quanh
Đền thờ cao ngất non xanh
Lô xô đá mọc chung quanh đường đèo

Đền thờ vượn hót thông reo
Hang sâu vực thẳm cảnh đèo vắng tanh
Gà rừng thường lệ điểm canh
Bát muôn tiên nữ vin cành hái hoa

Dạo chơi phong cảnh sơn hà
Kim giao Mỏ bạch,Tân La linh từ
Tiếng đồn khắp hết thượng du
Anh linh thần nữ đền thờ tối linh

Thái Nguyên sơn thủy hữu tình
Quyền chầu cai quản sơn tinh mọi loài
Khi lên tấu đối thiên đài
Cưỡi mây nương gió khoan thai đi về

Dạo chơi non nước giang khê
Lúc lên tỉnh Lạng lúc về Kim giao
Bạn tiên mừng rỡ đón chào
Núi non trùng điệp thấp cao tầng tầng

Non tiên lạc thú hồng trần
Đền thờ phong cảnh mọi phần mọi xinh
Có phen Định Hoá hiện hình
Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình , Phổ Yên

Thái Nguyên phong cảnh thiên nhiên
Ngàn thu tạo dựng lập đền Kim Giao
Nước trong như suối động đào
Non xanh như vẽ cù lao thị thành

Đêm khuya gió mát trăng thanh
Thông reo chim hót đầu ghềnh hoạ ca
Nhạc thiều văng vẳng xa xa
Quảng Hàn khéo gọi Hằng Nga khéo mời

Phép tiên vốn thực người trời
Giáng lâm dương thế cứu người trần gian
Lòng thành thắp nén tâm nhang
Hương hoa trái quả,thượng đàn kính dâng
Thỉnh chầu chắc giáng lai lâm

Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Chầu Tám Bát Nàn

Chầu Tám Bát Nàn còn được gọi là Chầu Bát Nàn hay Bát Nàn Đại Tướng Đông Nhung, là vị Thánh Chầu thứ tám trong hàng Tứ Phủ Thánh Chầu, đứng sau Chầu Bảy Kim Giao và trước Chầu Chín Cửu Tỉnh.

Là vị thánh Chầu thuộc miền Thượng ngàn

“Sắc phong Đại tướng Bát Nàn
Danh tên nữ tướng, Vương ban lưu truyền.
Rằng xưa thời trước công nguyên
Chầu là tiên nữ trên thiên giáng trần”

Chầu Tám Bát Nàn là ai ?

Chầu Tám Bát Nàn giáng hạ dưới thời nước ta còn trong ách đô hộ của nhà Đông Hán, với tên gọi là Vũ Thị Thục Nương, con gái của thầy thuốc Vũ Chất, nguyên quán ở Phượng Lâu, Bạch Hạc nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Thần tích về Chầu Tám Bát Nàn

Thần tích vẫn còn lưu truyền về gia đình dòng họ Vũ vốn thuộc dòng hào phú vùng Phượng Lâu, một hôm ông Vũ Chất đi dạo chơi qua ngọn núi nọ thấy ngôi miếu thờ Sơn Tinh Công Chúa được lập từ thời thượng cổ, nay hoang tàn đổ nát, ông thành tâm liền huy động nhân dân quanh vùng góp tiền của công sức để tu sửa lại ngôi đền khang trang hơn. Khi về đến nhà chợt nằm mộng thấy có người tiên nữ đến xin làm con để trả ơn đã sửa đền. Liền đó, vợ ông thấy gió thu thổi, rồi có bóng người tiên nữ hiện ra trong làn hoa rơi trước cửa, kế đến thái bà thụ thai, đến ngày rằm tháng tám thì hạ sinh được chầu bà.

Lớn lên xinh đẹp đảm đang lại giỏi cung kiếm. Thái Thú Giao Châu lúc bấy giờ là Tô Định đem lòng si mê, muốn cùng bà kết duyên nhưng bà không chịu. Hắn bèn sai người giết hại cha bà cùng với lang quân của bà là Phạm Danh Hương. Thù nhà nợ nước, bà bèn tập hợp quân dân phất cờ khởi nghĩa. Vào năm 40 (SCN), chầu hội quân cùng với Hai Bà Trưng đánh đuổi được quân xâm lược Đông Hán.

Cũng trong tích này còn lưu truyền câu chuyện, khi dấy binh khởi nghĩa ở Tân La thì chầu bà đã nghe tiếng Hai Bà Trưng hiệu triệu, nhưng còn băn khoăn chưa biết có nên tập hợp nghĩa quân cùng với Hai Bà Trưng không, thì vào đêm đó chầu nằm mơ thấy nữ thần vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trao cho chầu bà lá cờ thần và khuyên chầu hội nghĩa theo Hai Bà Trưng phất cờ dẹp giặc, và Chầu đã làm theo ý trời về Mê Linh tụ nghĩa. Chầu được Bà Trưng Vương phong cho là Bát Nàn Đông Nhung Đại Tướng Quân, cùng chầu Bảy Kim Giao và Lê Chân Tướng Quân (Thánh Thiên Công Chúa) trấn giữ miền duyên hải từ Hải Phòng đến Thái Bình.

Năm 43 (SCN), sau ba năm nước nhà độc lập, quân Đông Hán dưới quyền chỉ huy của Mã Viện, quay lại xâm chiếm nước ta, bà cùng với Hai Bà Trưng kiên cường đánh trả, nhưng do thế yếu cuối cùng chầu cũng theo gương Hai Bà, trẫm mình để bảo toàn khí tiết. Thi thể của Chầu trôi dạt đến đâu nhân dân lập đền thờ ngài ở đó.

Đền thờ Chầu Tám Bát Nàn ở đâu? 

Đền thờ Chầu Tám Bát Nàn có ở rất nhiều nơi, nổi tiếng nhất có Đền Tiên La thuộc thôn Đoan Hùng, Hưng Hà, Thái Bình đây là nơi nhân dân chịu ơn chầu và cũng là nơi di thể chầu trôi về, nên ở đây chầu còn được tôn xưng là Mẫu Tiên La. Tại đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện khi Chầu Bát đã thác hóa ở trên ngàn, chầu còn hóa phép đốn cây rừng, đóng thành bè gỗ theo dòng trôi về bến sông gần đền Tiên La rồi báo mộng cho người thủ đền cùng dân quanh vùng ra đón bè về để tu sửa đền.

Đền Chầu Tám Đồng Mỏ, thuộc thị trấn Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn tương truyền là nơi chầu hóa 

Đền Tân La ở Dốc Lã thuộc tỉnh Hưng Yên là nơi chầu đóng quân.

Đền Tiên La (đền vọng) hay còn gọi là Đền Tám Gian tại đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cũng là nơi di hài chầu trôi về, tại đây bà còn được tôn xưng với tên Chúa Bát Nàn.

Ngoài ra còn rất nhiều đền khác trong tỉnh Thái Bình và nơi quê nhà của chầu ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Chầu Tám Bát Nàn khi ngự đồng như nào ?

Chầu Bát là vị thánh chầu thường hay giá ngự về đồng, nhất là trong những dịp tiệc vui hoặc khi về đền chầu. Khi ngự đồng Chầu thường mặc áo màu vàng đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) màu vàng, có dải von hoặc vỉ lét thắt dải buộc, sau lưng dắt kiếm và cờ lệnh như khi ra trận. Chầu là võ tướng vì vậy sau lễ tấu hương và khai quang múa kiếm cờ như quan lớn.

Chầu Tám Bát Nàn

Chầu Tám Bát Nàn

Một số hình ảnh khi chầu Bát loan giá ngự đồng

Ngày tiệc Chầu Tám Bát Nàn

Ngày tiệc của Chầu Bát là ngày 17/3 âm lịch (là ngày chầu hóa)

Văn Chầu Tám Bát Nàn

Phúc lành có được duyên nay
Về đây mới biết chuyện ngày xa xưa
Có tâm Phật Mẫu dẫn đưa
Con về Chầu Bát quỳ thưa lễ người.

Đủ đầy trái ngọt, hoa tươi
Lòng con thành kính xin người chứng tâm
Gió đưa thoảng mát hương trầm
Đền Chầu tĩnh tọa sơn lâm ngút ngàn.

Sắc phong “Đại tướng Bát Nàn”
Danh tên nữ tướng, Vương ban lưu truyền.
Rằng xưa thời trước công nguyên
Chầu là tiên nữ trên thiên giáng trần

Mười lăm tháng tám giờ dần
Làm con họ vũ, tảo tần nết na
Lớn lên xinh đẹp tài hoa
Đoan trang dáng ngọc sương sa cửu tuyền.

Trời se số phận tơ duyên
Lấy người họ Phạm Danh Hương cũng là
Tình nồng đang thắm mặn mà
Ngờ đâu tan vỡ lệ nhòa trời xanh

Oan tình sao phận mỏng manh
Phải đâu nhan sắc mà thành chia ly.
Nguyên do Tô Định mê si
Yêu nàng không được mới thì ra tay

Hại đi hai mệnh thân này
Chồng, cha nghĩa nặng ơn dày đã xa
Oan này nợ nước thù nhà
Chuyên binh luyện sĩ để mà cứu dân

Ngày đêm luyện tập chuyên cần
Đợi ngày tụ nghĩa xa gần xem sao
Trưng Vương khởi nghĩa cờ đào
Chầu theo phụng sự cùng vào quân binh

“Lê Chân” thống lĩnh đội hình
Dẹp tan Tô Định quân binh tụ về
Chầu đi tu ở chùa quê
Tiên La-niệm Phật say mê tháng ngày

Cầu Trời đất nước đổi thay
Dân không cực khổ tâm này mới yên
Dã tâm giặc chẳng từ hiền
Khởi binh xâm lược cậy quyền mạnh đông

Vận nhà đất nước chờ trông
Ai người ra giúp để trông cậy nhờ
Hai bà Trưng đã dựng cờ
Nữ nhi Chầu cũng chẳng mờ lòng trung

Quyết đem tài trí anh hùng
Đánh quân Mã Viện, kiên trung ngoan cường
Máu đào áo đỏ thê lương
Thế quân giặc mạnh khó lường ai hay

Thôi thì đâu tiếc thân này
Bao năm trần giới một ngày về thiên
Chầu hóa về khắp mọi miền
Dân ơn dựng lập đền thiêng phụng thờ

Phượng Lâu – Vĩnh Phú là quê
Hưng Yên – Dốc Lã dựng cờ đóng quân
Thái Bình – Tiên La cũng gần
Hải Phòng Đền vọng di thân dạt về

Đền thờ Chầu khắp miền quê
Linh thiêng tố hảo Chầu về hiển linh
Vân khăn đai thắt quanh mình
Kiếm vàng cờ lệnh quân binh rõ ràng

Phất cờ quân xếp đôi hàng
Lệnh truyền kiếm chỉ, trông càng uy linh
mấy ai rõ được sự tình
Tháng ba mười bẩy hóa sinh cõi trời.

Địa danh Đồng Mỏ chính nơi
Lưu truyền sự tích cho đời mai sau.
Về Chầu đường chẳng xa đâu
Ngã ba thị trân đường tàu ngang qua,

Đồi cao trên đỉnh cung tòa
Uy linh tố hảo thật là trang nghiêm,
Long xà hổ phục đôi bên
Nhất tâm nhất đạo tìm lên mà về.

Đền Chầu cảnh đẹp say mê
Ai lên tìm đến ra về chẳng quên
Muốn cho tốt đẹp dài bền
Về Chầu mà nguyện sớ tên mà trình

Chầu về hiện giáng uy linh
Độ ban taì lộc đời mình đẹp tươi
Ước mong tâm nguyện tròn mười
Vinh sang cuộc sống đẹp tươi cho mình

Phải đâu duyên phận hữu tình
Về Chầu được phúc cho mình sáng ra
Quanh năm tần tảo ở nhà
Không bằng một buổi đi xa về Chầu

Đức tin mãi nguyện một câu
A-Di-Đà-Phật in sâu tâm mình

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...