Bằng cách đối chiếu các ngọc phả Hùng Vương, các thần tích trong các di tích thờ Hùng Vương được lưu giữ đến nay với những thư tịch lịch sử của Việt Nam và Trung Hoa, thời đại Hùng Vương có thể được chia thành 4 thời kỳ phát triển gồm 18 đời (triều đại) Hùng Vương như trong sơ đồ sau.
Thời thủ lĩnh cộng đồng
Mốc lịch sử đầu tiên của người Việt được đánh dấu bằng Đế Minh, cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông. Vị vua Hùng đầu tiên, đứng đầu 18 đời Hùng Vương là Đế Minh, được các nơi thờ dưới tên Đột Ngột Cao Sơn, hay tên đầy đủ như trong Ngọc phả đền Vân Luông là Thánh tổ Hùng Vương Nam Thiên thượng thánh Tiền hoàng đế khai quốc hồng đồ Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế thánh vương. Từ “đột ngột” hiểu nôm na là “bất ngờ xuất hiện”, cũng nghĩa là trước đó chưa có ai, chỉ vị vua đầu tiên. Rõ ràng chỉ có Đế Minh mới thích hợp ở vị trí “tiền hoàng đế khai quốc” này.
Ngọc phả đền Vân Luông còn cho biết: Đế Minh chính thống vạn bang chư hầu thiên hạ. Đế Minh như thế là người đã khai mở toàn thiên hạ, ngang với thời “Hoàng Đế mở muôn nước“, tức là cách đây khoảng 5.000 năm. Bắt đầu từ Đế Minh xã hội Việt đã có vua, có thủ lĩnh cộng đồng. Tên gọi cho thời kỳ này là kỷ Hồng Bàng Thị. Tên gọi trong các thần tích là “Sơn triều”. Tên nước là Xích Quỷ.
Hùng Vũ Vương Đế Minh là thế hệ ba đời từ Thần Nông, ban đầu đóng kinh đô ở Ngàn Hống (Nghệ Tĩnh), sau đi tuần thú ở phương Nam (xưa), kết hợp với dòng Tiên tộc của bà Vụ Tiên (Tây Thiên Quốc mẫu) mà khởi đầu vùng đất phương Nam ở dãy núi Nghĩa Lĩnh. Đế Nghi nối ngôi Đế Minh cai quản 2 vùng đất Bắc và Nam với kinh đô ở Ngàn Hống và Nghĩa Lĩnh. Để chọn người kế vị cho mình, Đế Nghi đã gả 2 công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung cho Lộc Tục, thuộc dòng Lạc tộc (Tiên tộc) ở núi Lịch. Lộc Tục có công khai phá đất phương Nam từ dạy dân cày cấy, săn bắn, làm đồ gốm sứ… Ba vị vua Hùng đầu tiên là Đế Minh, Đế Nghi và Lộc Tục trở thành ba vị Hùng Vương Thánh Tổ, được thờ tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và nhiều nơi khác của vùng Đất Tổ.
Trong giai đoạn mở sử của Hùng Vương Thánh Tổ Sơn triều gồm những đời Hùng Vương sau:
1. Hùng Vũ Vương
2. Hùng Hy Vương
3. Hùng Anh Vương (Hùng Hi Vương)
Thời chế độ thị tộc phụ đạo
Sau Đế Minh, mặc dù đã có thủ lĩnh của cộng đồng thiên hạ vạn bang nhưng chế độ vẫn đang là truyền hiền. Cụ thể là chuyện 2 vị công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung được gả cho Sơn Tinh, dẫn đến vị hiền tế phò mã này được tiếp ngôi chính thống. Những dấu vết khác của thời kỳ truyền hiền còn thấy ở Phú Thọ như lầu kén rể bên bến Việt Trì, hay tục rước chúa gái của 2 làng Vi Trẹo dưới chân núi Hùng.
Nối tiếp công lao mở Nam bang của Lộc Tục là Tản Viên Sơn Thánh hay Kinh Dương Vương, người đã đại thành trong công cuộc trị thủy ở cửa Long Môn trên sông Đà. Tản Viên Kinh Dương Vương kết hôn với mẫu Thần Long của miền Động Đình ven biển, hợp nhất các tộc người của 4 phương thời lập quốc.
Thời kỳ truyền hiền kết thúc bởi sự kiện Lạc Long Quân kế vị Kinh Dương Vương, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Chế độ thế tập xuất hiện ở thời điểm này cách nay khoảng 4.000 năm. Đây chính là mốc lịch sử trước đây thường được nhắc tới, gắn liền với tên tuổi của “cha” Lạc Long Quân. Tên gọi thời kỳ này là Việt Thường. Trong các thần tích thời này gọi là “Kinh triều” hay “Lạc triều”.
Dưới thời Lạc triều, người Việt theo Vua cha Lạc Long Quân mở nước về phía Đông Bắc, tiến lên khai phá các đồng bằng ven biển Đông. Trong thời gian này xảy ra sự kiện Chử Đồng Tử, một chư hầu của Lạc triều đã tiếm ngôi, chiếm đoạt ngôi báu dưới hình ảnh của công chúa Tiên Dung. Lạc triều trung hưng ở miền đất Nam Giao từ Hùng Uy Vương Hoằng Hải Lang. Rồi tới thời Hùng Huy Vương lại tiếp tục di dân, mở mang bờ cõi, vượt sông Trường Giang tiến lên phía Bắc. Tới thời Hùng Duệ Vương, triều đại cuối của Lạc triều, thì lãnh thổ Việt Thường về phía Bắc đã vượt qua cả Hoàng Hà.
Các đời Hùng Vương thời kỳ Kinh triều Thị tộc phụ đạo gồm:
4. Hùng Việt Vương (Hùng Dương Vương)
5. Hùng Hoa Vương (Hùng Diệp Vương)
6. Hùng Uy Vương
7. Hùng Huy Vương
8. Hùng Duệ Vương (Hùng Tuyền Vương)
Thời chế độ phong kiến phân quyền
Thời kỳ bộ lạc thế tập, gọi vua là cha, kéo khá dài như chuyện nàng Âu Cơ mang nặng đẻ đau sinh ra bào ngọc trăm trứng… Cuộc chiến Hùng – Thục nổ ra được ghi lại trong các bản ngọc phả thần tích ở Việt Nam là lúc dòng Thục theo mẹ Âu Cơ nổi lên, thay thế cho dòng Hùng (Lạc) theo cha, mà đánh dấu bởi sự kiện Âu Cơ về đất Phong Châu lập nước Văn Lang.
Đến khi Hùng Quốc Vương, người con trưởng đích trong trăm trai, với kỳ công hiệu triệu chư hầu, tiêu diệt nhà Ân Thương (Lạc triều), thì xã hội Việt tiến thêm một bước quan trọng.
Ngọc phả Hùng Vương kể: Thái tử là Hùng Quốc vương đứng đầu trăm anh em tôn thừa nghiệp lớn… Bấy giờ Vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm các tộc, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương.
Bắt đầu từ Hùng Quốc Vương bờ cõi đất đai trong thiên hạ được chia phân thành các chư hầu phiên dậu bình phong. Mỗi chư hầu có người chủ trì gọi là “phụ đạo” và chức chư hầu này được thế tập nối nhau. Vua xưng là thiên tử. Đặt ra lễ chễ trăm quan. Nhân dân được định tộc họ. Những vị tiên tổ có công lao được phong làm thần mà thờ phụng.
Đây cũng là thời điểm đời Hùng thứ 6 với vị Lang Liêu, người có công hoàn tác Dịch học âm dương vuông tròn, khai mở lễ tiết (Tết). Truyện Bánh chưng bánh dày kể rõ, Lang Liêu nối ngôi đã phân chia cho các anh em làm phiên dậu bình phong…
Bản chất là xã hội Việt lúc này bước sang chế độ phong tước kiến địa hay chế độ phong kiến điển hình. Vua Hùng đứng đầu Bách Việt (là tổ của Bách Việt), vì mỗi “Việt” là một chư hầu trong thiên hạ họ Hùng. Thời điểm của mốc lịch sử này được ghi nhận sau khi Hùng Vương thứ 6 đánh thắng giặc Ân, tức vào quãng hơn 3.000 năm trước. Tên gọi đất nước của Lang Liêu thì như đã rõ, là Văn Lang. Thần tích kể thời kỳ này là “Thục triều”.
Những câu chuyện chính của Thục triều đã được ghi trong Truyện Rùa Vàng của Lĩnh Nam chích quái, từ việc Thục Vương thay thế Hùng Vương (Thục triều thay thế Lạc triều), An Dương Vương dời đô về Cổ Loa, rồi kết thúc bởi cuộc chiến với họ Triệu qua câu chuyện bi thương Mị Châu – Trọng Thủy.
Thời kỳ Trị bình Kiến phu (trị nước bình thiên hạ, kiến lập chư hầu) của Thục triều gồm các đời Hùng Vương sau.
9. Hùng Chiêu Vương (Hùng Hiền Vương)
10. Hùng Quốc Vương (Hùng Ninh vương, Hùng Vĩ Vương)
11. Hùng Tạo Vương
12. Hùng Nghị Vương
Thời chế độ phong kiến tập quyền
Mô hình Thiên tử – Chư hầu, vua Hùng – Bách Việt kéo dài qua các thời kỳ thịnh rồi suy, dẫn tới xung đột khốc liệt giữa các chư hầu. Để rồi nổi lên 1 chư hầu lớn thôn tính toàn bộ các chư hầu khác là Thục An Dương Vương như trong truyền thuyết Chín chúa tranh vua của người Tày. Vị vua đã thống nhất các nước chư hầu đến từ phía Tây – Thục này chính là nhà Tần. Truyền thuyết chép vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán.
Tuy nhiên, với sự tàn ác của Tần đế, truyền thuyết Việt không chấp nhận vai trò thống nhất thiên hạ của nhà Thục. Người được coi người khởi thủy nước Nam lại là Vũ Đế Triệu Đà. Xét kỹ thì với vai trò là bố của Trọng Thủy, Triệu Đà cũng chính là vua Tần, người đã diệt con cháu hậu duệ của Hùng Quốc Vương Lang Liêu.
Mặt khác, Triệu Đà thứ hai là người Tuấn kiệt đã lãnh đạo dân Việt kháng Tần thắng lợi, lập nên một triều đại Nam Việt thống nhất. Chế độ quận huyện từ trung ương xuống địa phương được áp dụng trên toàn lãnh thổ. Xã hội Việt bước vào giai đoạn quốc gia thống nhất.
Thời điểm cho mốc thống nhất toàn lãnh thổ hay phong kiến tập quyền này rơi vào quãng năm 256 TCN (thời điểm Tần diệt Chu) hoặc 207 TCN (thời điểm Triệu Vũ Đế diệt Tần), tức là cách nay trên 2.200 năm.
Thời kỳ quốc gia thống nhất bao gồm các đời Hùng Vương sau:
13. Hùng Định Vương
14. Hùng Trịnh Vương (Hùng Trinh Vương)
15. Hùng Triệu Vương (Hùng Triêu Vương)
Ngoài ra còn 3 đời Hùng Vương kế tiếp, không được ghi trong ngọc phả, nhưng được bổ sung từ các truyền thuyết và di tích đối với thời Tiền Lý Nam Đế và Trưng Vương (vẫn là dòng Lạc Hùng chính thống).
16. Hùng Hiếu Vương
17. Hùng Trưng Vương
18. Hùng Tân Vương
Từ thời điểm này xã hội người Việt đã thống nhất chế độ, thống nhất lãnh thổ nên lịch sử Việt chấm dứt thời Hùng Vương dựng nước, bước sang thời kỳ con cháu “giữ lấy nước”. Hơn 3.000 năm dựng nước đầy gian nan, từng bước, từng bước một cha ông đổ mồ hôi nước mắt mới có được những thành tựu to lớn để lại cho con cháu. Đọc lại Ngọc phả Hùng Vương xin chớ quên câu Uống nước nhớ nguồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét