Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

ĐỀN XƯƠNG GIANG

 Địa điểm chiến thắng Xương Giang được Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch công nhận di tích cấp Quốc gia năm 2009. Năm 2012 UBND tỉnh Bắc Giang đã đầu tư kinh phí xây dựng khu di tích Đền Xương Giang và đến nay dự án xây dựng cơ bản hoàn thành đón nhân dân và du khách thập phương đến chiêm bái, hành lễ. Theo các tư liệu lịch sử để lại, sau khi xâm lược nước ta, nhà Minh cho xây đắp thành lũy ở những nơi xung yếu để phòng thủ, trong đó có Thành Xương Giang. Thành được xây dựng từ năm 1407. Thành Xương Giang khi đó trở thành thành lũy kiên cố nhất của Giặc Minh án ngữ trên con đường dịch trạm từ Quảng Tây Trung Quốc nối với Đông Quan (Hà Nội ngày nay).


Cổng chính Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang. Ảnh: Hà Yến
Các dấu tích và sử sách ghi chép cho thấy Thành Xương Giang nằm trên 1 gò đồi thấp, được đắp bằng đất, có sông nhỏ và các thửa ruộng trũng bao quanh. Thành có hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông Tây là 600m chiều rộng theo hướng Bắc Nam là 450m, tổng diện tích là 27ha; Bốn góc thành có 4 vọng lâu lớn, đặt các loại súng thần cơ lớn nhỏ. Cửa chính thành trông về phía Tây. Trong thành được phân chia thành các khu vực rõ ràng: dinh thự, doanh trại, kho lương, kho đạn…
Để xây Thành quân nhà Minh bắt hầu hết người dân từ 16 đến 60 tuổi ở khắp vùng Lạng Giang đều phải đến đây lao dịch, đào hào, khoét đồi lấy đất đắp thành. Biết bao dân phu đã phải chôn mình trong quá trình xây dựng Thành hiện lên chất ngất. Qua nhiều lần khai quật khảo cổ học có tìm thấy dấu tích của thóc gạo cháy thành than. Cùng với đó là những hòn đá kê bằng đá vôi, đá muối, gạch ngói gốm sành sứ có hoa văn từ thời Lý Trần. Hiện nay các hiện vật vẫn còn được lưu giữ và trưng bầy tại bảo tàng tỉnh Bắc Giang.
Trước đây Thành Xương Giang có 1 ngôi đền cổ nằm ở phía Tây Bắc trong thành, nhưng cho đến những năm 1970-1980 ngôi đền đã bị đổ nát. Sau này người dân địa phương có dựng lại 1 ngôi đền nhỏ khoảng 6m2 trên nền đất cũ. Nhưng hiện nay do ngôi đền nằm ở vị trí không đắc địa, phải đi qua đường sắt và diện tích ngôi đền nhỏ nên dấu tích không đáng kể.
Với mục đích tôn thờ, ca ngợi đức cao tổ hoàng đế Lê Lợi và vinh danh những vị hiền thần đã có công trong chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang. Sau nhiều đợt khảo sát và qua nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học địa điểm chiến thắng Thành Xương Giang, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt quyết định xây dựng ngôi Đền Xương Giang tại địa điểm hiện nay. Theo đó, tổng diện tích khu di tích địa điểm chiến thắng Thành Xương Giang là 10 ha. Tất cả các hạng mục công trình tính từ ngoài vào trong theo trục dọc đăng đối, cân xứng, trong khuôn viên cây xanh thoáng mát, đẹp đẽ bao gồm: Cổng tam quan; Nghi môn, bình phong; Tả vu, hữu vu; Lầu chuông, lầu trống; Sân chính; Tòa tiền tế, tòa thiêu hương, Tòa chính cung
Ngôi đền tọa Đông Nam hướng Tây Bắc. Phía trước ngôi đền là cổng tam quan với 3 lối đi chính rồi đến nghi môn và bình phong. Nghi môn được xây dựng theo lối tứ trụ kình thiên, uy nghi trầm mặc giữa đất trời. Nghi môn được khắc câu đối với dòng chữ quốc ngữ, có lẽ đây chính là điểm đặc biệt của ngôi đền, Bởi lẽ ngôi đền thờ vị vua anh hùng áo vải nên khi thiết kế công trình, các nhà khoa học, sử học đã quyết định tất cả các câu đối trong đền đều được viết bằng chữ quốc ngữ để nhân dân có thể hiểu được. Và để phục vụ dân chúng dù người già trẻ, lành lặn hay khiếm khuyết cũng có thể tới thăm đền, 2 bên phải và trái có lối đi dành riêng cho người khuyết tật.
Phía bên trái sân là tả vu và lầu chuông, phía bên phải sân là hữu vu và lầu trống. Qua nghi môn là sân hội lớn lát đá vuông. Nơi ấy tụ nhiều nhân khí, thịnh vượng. Người xưa có câu tụ nhân như tụ thủy. Đền Xương Giang phía lưng gối đầu vào một gò đồi cao, xa xa là núi ông Trạng làng Kế. Như vậy có thể nói Đền Xương Giang có thế cục: đầu gối sơn, chân đạp thủy.
Hệ thống cây xanh trong đền được chú trọng, ngoài tác dụng tạo cảnh quan, bóng mát, giúp công trình hòa quện với thiên nhiên còn làm tĩnh tại tâm hồn người hành hương, truyền tải ý nghĩa về mặt tâm linh.
Tấm bảng tự Đền Xương Giang được giáp hoàn toàn bằng vàng. Khi màn đêm buông xuống 3 chữ vàng nổi lên trên nền đỏ rực rỡ cả một vùng.
Lầu chuông, lầu trống là sự thể hiện cho hào khí Xương Giang đời đời bất diệt. Tả vu, hữu vu là tượng trưng cho bá quan văn võ về chầu vào các dịp thiết triều. Ba tòa đền chính được thiết kế theo hình chữ Vương, tả vu, hữu vu theo lối chữ nhất. Lầu chuông, lầu trống theo lối ngoại vi, nội vi, công trình nghi môn theo lối bộ chấm hỏa và hai hồ nước hai bên tượng trưng cho chữ thủy. Vì vậy Đền Xương Giang hội đủ năm hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Tòa Tiền tế
Khu vực tòa Tiền Tế là nơi vào các dịp lễ, ngày tế, ngày hội, quan viên ban tế nhà đền là lễ tế các anh hùng nghĩa sĩ của Nghĩa quân Lam Sơn.
Gian giữa là hương án ban công đồng, nơi thắp hương các vị thổ công, thành hoàng, anh hùng nghĩa sĩ chung cho cả khu vực bản đền.
Tòa Tiền tế là công trình kiến trúc kết hợp giữa đá và gỗ hài hòa, ăn khớp với nhau. Hệ thống cột hiên được tạo tác bằng đá xanh, trạm khắc rồng mây uốn lượn mềm dẻo mà vẫn uy nghi.
Bên trong 2 phía 2 gian có 1 con ngựa trắng và trống, 1 con ngựa hồng và giá chiêng. Mỗi dịp tế thần trống và chiêng được dùng làm lễ tế thánh và các anh hùng Nghĩa sĩ Lam Sơn.
Đền Xương Giang còn lưu giữ những Di vật vô cùng quý giá được lấy về từ đền Lam Kinh - Kinh đô đầu tiên của nhà Lê sau khi thống nhất đất nước lập ra nhà nước Đại Việt, đó là 1 viên gạch từ thế kỷ 15 hiện được đặt trong tòa đền chính. Đất long mạch tại đền Lam Kinh được trải dưới nền đất thổ ngôi đền. Nước lấy từ giếng ngọc được đổ vào 2 giếng mắt rồng đền Xương Giang và chân hương từ đền Lam Kinh thờ vua Lê Lợi. Như lời chấp thuận của Đức Cao tổ Hoàng Đế Lê Lợi cho nhân dân tỉnh Bắc Giang được thờ phụng ngài.
Tòa Thiêu Hương
Tất cả kiến trúc tòa Thiêu Hương được làm bằng gỗ lim. Hệ thống xà ngang, xà dọc được chạm khắc hoa văn rồng mây, hoa lá theo phong cách thời Lê, thanh thoát, khỏe khắn.
Nơi đây có đặt 1 đỉnh đồng cỡ lớn mang ý nghĩa thần khí linh thông, tượng trưng cho sự uy nghiêm của nơi thờ tự. Vào ngày lễ, nhà đền đốt hương trầm để hương thơm lan tỏa tạo nên không gian linh thiêng, thuần khiết. Đỉnh đồng được đặt trên chiếu đá, chiếu đá được chạm hoa văn tinh xảo, phía dưới có lỗ thông âm dương hòa hợp.
Mặt trước của Đỉnh Đồng có khắc 3 di sản văn hóa của miền đất Bắc Giang: Cây dã hương nghìn năm tuổi ở huyện Lạng Giang, Chùa Vĩnh Nghiêm cổ tự và Mộc bản Kinh phật – di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cũng từ nơi này khách hành hương đi theo các hướng có thể tới thăm những địa danh có các di sản của miền đất Bắc Giang.
Mặt sau của Đỉnh Đồng khắc lên toàn cảnh Lễ hội Xương Giang ngày hội toàn thắng của quân và dân Đại Việt sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc. Lễ hội Xương Giang là một trong những điểm nhấn quan trọng của quần thể di tích chiến thắng thành Xương Giang.
Nơi tòa Thiêu Hương chính là ranh giới ấn định địa phận của người trần với địa phận thờ các anh linh anh hùng nghĩa sĩ. Người xưa có câu: “ linh hồn người thường tồn tại hàng ngàn năm, nhưng anh linh của các vị anh hùng có công với đất nước tồn tại hàng vạn năm”. Vì vậy cửa chính cung ngày thường không mở, tòa thiêu hương là chỗ dừng chân trước cung cấm. Nhưng trong dịp lễ hội đầu xuân, khách dâng hương có thể tự do chiêm bái Đền Xương Giang
Tòa Chính Cung
Tòa Chính cung có 3 gian thờ chính. Ban thờ Hoàng đế Lê Lợi đặt ở giữa gian. Tại ban thờ này là tượng Hoàng đế Lê Lợi đúc bằng đồng ở tư thế ngồi, tượng được đặt trên bệ đá. Tượng Hoàng đế Lê Lợi được đúc theo cơ sở mẫu tượng thờ vua Lê ở nhà Thái Miếu nhà Lê tại TP Thanh Hóa. Dáng tượng uy nghiêm lẫm liệt của 1 vị tướng mà vẫn nhân từ đức đạo của 1 đấng quân vương.
Tiếp theo là hai gian ban thờ chia hai bên tả, hữu gian giữa. Ban thờ thờ 17 vị tướng lĩnh tham gia trực tiếp vào trận đánh Xương Giang năm 1427 và 17 vị tướng không đúc tượng đồng mà lập bài vị để thờ.
Kế đó là ban thờ tiền quân và hậu quân Nghĩa quân Lam Sơn trong trận quyết chiến năm 1427. Ban thờ này có tính chất công đồng liệt vị, tưởng niệm tri ân các nghĩa sĩ Lam Sơn đã hy sinh vì đất nước.
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, Chiến thắng Xương Giang được ghi danh với những chiến công oanh liệt. Nơi đây đã diễn ra trận công thành của Nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt hàng vạn quân Minh. Thực hiện chủ chương “vây thành diệt viện”, từ cuối năm 1426 Nghĩa quân Lam Sơn đã cho vây hãm thành, quyết tâm hạ thành trước khi viện binh của địch kéo sang. Nghĩa quân Lam Sơn đã cho đào hầm từ ngoài vào trong rồi tiến hành nội công ngoại kích. Sau hơn 9 tháng chiến đấu, thành Xương Giang đã bị hạ. Chiến thắng Xương Giang là điển hình của nghệ thuật quân sự “lấy ít thắng nhiều, lấy yếu đánh mạnh”. Là biểu tượng của sức mạnh tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Xương Giang là niềm tự hào của quân và dân cả nước, góp phần chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh đối với Đại Việt. Mở ra những trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước vinh quang của dân tộc ta. Cũng từ chiến thắng ấy Vua Lê Lợi lập nên 1 triều đại mới, triều đại hậu Lê, đổi tên đất nước Đại Việt.
Với mùa xuân năm này, đã qua 590 năm nhưng khí thế chiến thắng Xương Giang như còn mãi vang dậy. Người dân Xương Giang từ nay tự hào hơn khi truyền thống cha ông được bao lớp thế hệ mai sau tiếp nối. Tiếng trống sấm mừng năm mới, mừng chiến công thắng trận năm xưa đã điểm. Đó cũng là tiếng trống khai hội chiến thắng Xương Giang. Tiếng ca, tiếng hát người ơi người ở đừng về vang khắp đó đây chén rượu mừng xuân Đinh Dậu.
Lễ hội Xương Giang được tổ chức hằng năm vào các ngày 6, 7 tháng giêng với quy mô lớn, nhiều địa phương tham gia, hình thức khai hội cũng được thay đổi theo từng năm. Qua lễ hội Xương Giang, lịch sử truyền thống hào hùng của cha ông thuở trước sẽ được khơi dậy và phát huy tốt đẹp trong lớp lớp con cháu mai sau./. 

 Minh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...