Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Đi Lễ Đền Cô Bé Chí Mìu – Bắc Giang

Đã từ lâu, Đền Cô Bé Chí Mìu thuộc bản Chí Mìu, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được đồn rất bởi sự linh thiêng. Sự linh thiêng được tương truyền rằng, cứ vào lúc 12 giờ đêm, cô Bé Chí Mìu sẽ giáng về đền chứng lễ và ban phúc, lộc, đặc biệt là đêm 30, rạng mùng 1.

Đền Cô Chí Mìu là một ngôi đền mang nhiều huyền bí và linh thiêng nên khách thập phương về đây lễ rất đông. Cô bé Chí Mìu chính là Cô Bé Thượng Ngàn, do đền Cô bé Thượng Ngàn nằm ở bản Chí Mìu nên mọi người đều gọi cô theo tên địa danh của đền là Cô Bé Chí Mìu.

Cô bé Thượng Ngàn rất ít là chủ đền, nhưng các đền mà cô là chủ đền đều rất linh thiêng. Nổi tiếng nhất là đền Cô bé Thượng Ngàn Lạng Sơn, Đền Cô bé Thượng Ngàn Chí Mìu.

Còn các ngôi đền khác các cô bé thường đươc thờ ở cung cô bé. Các cô bé này được coi là cô bé bản đền, luôn hầu cận Thánh Mẫu hoặc các Thánh Chầu tại bản đền các cô ngự.

Lịch sử đền:

Trước năm 1995, đền Cô chỉ là một cái miếu nhỏ có một bát hương và chưa được phối thờ thêm ngôi vị của một vị thánh nào. Năm 1995, có người mới dâng tượng cô vào miếu. (Hiện ngôi tượng này vẫn đang được thờ tại cung Cô Bé Thượng Ngàn của ngôi đền).

Cho đến 2010, ngôi miếu được gỡ bỏ để chuyển linh sang ngôi đền mới như bây giờ. Cung cô Chí Mìu hiện tại chính là vị trí của ngôi miếu cũ ngày xưa. Ngôi đền mới xây dựng đã được phối thờ các cung: Cung công đồng, Cung Sơn Trang, cung Trần Triều và cung Cấm thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Đường đi đến Đền: Nếu đi từ Hà Nội, chúng ta đi theo đường Quốc Lộ 1A (Tuyển đường Hà Nội – Lạng Sơn) qua thị trấn Kép khoảng 4 km đến ngã tư Cầu Đen. Qua ngã tư Cầu Đen rẽ bên phải đi thêm khoảng 2 km nữa là đến Đền Cô Chí Mìu. Đến Kép hỏi đền Cô thì ai cũng biết cả. Đường từ ngã tư Cầu Đen vào bản đền nay đã được địa phương xây dựng lại. Nên tuy nhỏ, những đã không còn gồ ghề và khó đi như trước. Xe đến bản đền có thể vào thẳng bãi gửi xe ngay gần sân đền. Từ Ngã tư Cầu Đen tới bản đền các bạn sẽ gặp Nhà máy Xi Măng Bắc Giang. Vì nơi đây sản xuất xi măng nên đường khá bụi. Các bạn đi xe máy nên đeo khẩu trang dày để tránh bụi bẩn nhé!

Bên ngoài đền: Ban Quản lý Nhà Đền Cô Chí Mìu không thu vé gửi xe ô tô, không thu tiền cung, tiền đền với các cung hầu. Đền cũng khá văn minh: Không cho các dịch vụ xóc thẻ, lấy thẻ có đất phát triển. Tại đây bạn sẽ bắt gặp các dịch vụ thường thấy giống ở cồng đền chùa khác như: Phục vụ đồ ăn: Khoai Nướng, Trứng nướng ….. Có dịch vụ viết sớ do nhà đền quản lý nhưng để gia chủ trả tiền viết sớ trên cơ sở tùy tâm.

Sân đền: 

Mặt trước đền Cô Bé Chí Mìu
Mặt trước đền Cô Bé Chí Mìu

Khoảng sân nhỏ mặt trước đền có cung thờ lầu cô, lầu cậu và ban Mẫu Cửu Trùng Thiên.

  • Ban Mẫu Cửu Trùng Thiên: Đối diện mặt trước đền.
  • Lầu Cậu: Ngự phía bên tay trái mặt trước đền.
  • Lầu Cô: Ngự phía bên tay phải mặt trước đền.

Bài trí bên trong Đền Cô Chí Mìu:

Cung Cô Bé Thượng Ngàn
Cung Cô Bé Thượng Ngàn

Cung ngoài: Là Cung Công Đồng nhưng chỉ phối thờ tượng Quan Hoàng Bơ, Quan Hoàng Bảy, Quan Hoàng Mười trong Tứ Phủ Quan Hoàng.

Cung giữa: là Cung Cô Bé Thượng Ngàn (tức Cô Bé Chí Mìu). Cung của cô có ngôi tượng nhỏ của Cô có từ năm 1995. Bên trái cung của Cô là cung Trần Triều, Còn bên phải cung của Cô là Cung Sơn Trang.

Cung Cấm: Thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Hiện trong đền còn lưu những bức ảnh kể về những câu chuyện tâm linh thể hiện sự linh thiêng của cô như : Ngày động thổ ngôi đền vào tháng 5 năm 2010, có một con bướm rất to về ngự tại bàn thờ lễ động thổ hay những lần cô bé hiện hồn.

Hình ảnh được cho là cô bé hiện thân vào ngày sửa lễ động thổ tháng 5 năm 2010
Hình ảnh được cho là cô bé hiện thân vào ngày sửa lễ động thổ tháng 5 năm 2010
Hình ảnh được cho là Cô bé Thượng Ngàn hiện hồn
Hình ảnh được cho là Cô bé Thượng Ngàn hiện hồn

Để việc đi lễ, xin lộc cô được đắc lộc, đắc tài. Mời các bạn tham khảo bài văn khấn tứ phủ công đồng sau:

Khu vực hoá Vàng: Ở phía tay phải đền.

Lưu ý: 

Thông thường vào đêm 30 hàng tháng có đến hàng ngàn người đổ về đây ăn chực nằm chờ để chờ 12 giờ đêm cô về chứng lễ. Do ngày trước, đây là nơi dân đề đóm thường về hầu đêm vì phải hầu giấu do bị cấm để xin cô cho trúng đề, trúng lô. Có lẽ vì thế tạo nên một truyền thuyết cô về hiển linh vào 12h đêm là thế. Vi đông người chen lấn lẫn nhau nên nhà đền khuyên rằng vào các ngày đó khi vào đền không nên mang ví, điện thoại…để tránh bọn móc túi lợi dụng.

LINK: 

https://gianganh.net/co-be-chi-miu-bac-giang-2495.html

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Đế Minh, Đế Nghi, Kinh Dương Vương


Dịch lại Ngọc phả Hùng Vương, đoạn đầu tiên về ba vị Đế Minh thái tổ, Đế Nghi đế bá, Kinh Dương Vương hoàng phụ.

Xưa kia từ thời Hoàng Đế, cháu ba đời của Viêm Đế là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi tuần du phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh. Đế Minh gặp được con gái của Vụ Tiên nương, mà sinh ra Kinh Dương Vương, húy là Lộc Tục. Vua ở ngôi hai trăm năm mươi năm, thọ hai trăm năm mưới bảy năm. Hóa tiên về biển cùng với con gái Động Đình Quân là Ngọc Dung.
Vua có dung mạo đoan chính, thông minh thánh trí, vượt trội hơn tầm của Đế Nghi. Đế Minh thấy có trí tuệ kỳ lạ, có ý lập kế tự, muốn truyền ngôi báu cai quản muôn nước. Nhưng Dương Vương cố nhường cho anh. Thế là Đế Minh lập Đế Nghi nối ngôi, cai trị phương Bắc, còn phong cho Kinh Dương Vương cai trị thiên hạ ở mặt Nam, xưa là quận Giao Chỉ. Kinh Dương Vương đổi thành động Xích Quỷ, tên là nước Xích.
Xưa Dương Vương vào ngày mồng năm tháng hai năm Nhâm Tuất, vâng lệnh đem quân lính dời đến núi Nam Miên, trấn giữ và cai trị đất nước. Trên đường Vua ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa, có đại cuộc chân long quý mạch, để lập đô ấp, trấn trị thiên hạ. Qua đất Hoan Châu (xưa là Hoan Châu, nay là Nghệ An) Vua ngắm xem hình thế, thấy được một vùng có quý cuộc phong cảnh tươi đẹp, như lâu đài muôn nhẫn, gọi là Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 núi, xưa gọi là Cựu Đô Ngàn Hống. Vùng đất này non biển đúc linh, núi sông khe hồ hội chầu, tụ họp ở cửa Hội Thống ven giáp biển, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành cung điện lâu đài cửa ngọc, làm nơi cho bốn phương triều cống.
Bấy giờ khí xuân ấm áp, vô vàn cảnh sắc. Vua bản tính thích phong thuỷ bèn lên thuyền ngự tuần du ngoài biển, đi xem núi sông, trải xem hình đất, lạc ra ngoài biển. Bất giác thấy thuyền rồng đã thẳng đến xứ hồ Động Đình, núi xanh nước biếc. Vua sai dừng thuyền, đứng lên xem, chợt thấy một người con gái lưng eo xinh đẹp, dung nhan tuyệt sắc, từ dưới đáy nước đi đến. Thật là một cuộc hội ngộ hiếm có xưa nay. Vua bèn sai chèo thuyền đến gần. Vua nói:
– Tiên nữ đẹp quá, từ đâu đến đây?
Thiếu nữ đáp:
– Thiếp tên là Thần Long, chính là con gái Động Đình Quân, ở trong thâm cung cửa ngọc, từ lâu đợi bậc anh hùng, nay trời cho được gặp gỡ, nguyện được theo phụng hầu khăn túi.
Vua vui mừng đẹp ý, bèn dắt vào trong thuyền rồng. Vua cùng người con gái quay giá trở về thành đô, lập Thần Long làm chính cung.
Ngày sau Vua lại đi tuần thú, rong ruổi xem khắp các nơi sông núi, đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa hình trùng điệp, sông đẹp núi lạ. Vua bèn thân ngự giá lên núi, tìm mạch đất, nhận thấy khí mạch từ núi Côn Lôn xuất ra, theo từ động núi Ngũ Lĩnh Vân Nam của cả nước, tiếp gặp Ải Môn Ngưỡng Đức nước lớn, như hình chữ Bát. Xuyên núi thấu mạch dẫn tới Cao Bình, Lạng Sơn, Càn Hải chín châu. Các núi cao vút, bỗng nổi lên thành ba ngọn núi [Tam Đảo], rồng trắng giáng khí ở châu Thái Nguyên, chợ trời bàn đá [Thiên Thị Thạch Bàn], nước chảy khe trên, ngược núi ngược sông, mạch dẫn liên miên.
Đưa tới các châu Bảo Lạc, Bằng Du, Thu Vật, Lục Yên, đầu nguồn nước từ Hoàng Hà, Hán Giang, Lô Giang, Càn Thủy, mà chảy dẫn mạch giáng khí, gặp nước ròng mạch nhỏ Ải Môn, rồng dẫn đi xa, tới núi Nam Miên là đất Tuyên Quang, thế rõ từ núi Tụ Long, liền tới châu Thu Vật, biến ra toà Kim tinh cao muôn nhẫn.
Mạch đất chảy ở giữa chia trái phải. Sông Hán, sông Hoàng, sông Bảo hai bên dẫn mạch. Chảy tới Lâm Thao, Đoan Hùng, Hạ Hoa, Thanh Ba, Sơn Vi, Tây Lan, Phù Khang, đến chùa Long Hoa, thôn Việt Trì ở ngã ba sông Bạch Hạc. Núi lạ sông đẹp, ngọc tụ nước ngưng, chân đá giáp nước, trái phải cùng đổ về, là chính đường của vạn nhánh, hội tụ chính khí. Bên ngoài chia các huyện Nam Giang, Bắc Giang, Thiên Lịch Giang, Tô Lịch, Tam Dương. Bỗng dựng lập núi Tam Đảo. Cung bên trái là rồng xanh, nghìn núi vạn sông chảy ra ở Lập Thạch, Bạch Nê, Châu Diên. Núi xanh nước biếc, đất sáng như mở ngọc bội, các núi giúp chuyển, tới xứ Kinh Bắc các núi Chu, Sóc, Trà, Từ, Mộc Hoàn, Tích An, An Lão phục chầu. Dẫn đến xứ Hải Dương các núi Đông Triều, Hoa Phong, Yên Tử, thoát ra biển tám xã Đồ Sơn, là đầu rồng chầu án.
Bên phải đất từ Ba Thục, Hán Giang, Hoàng Giang, Thao Giang, núi dẫn sông theo, tới mười sáu châu Tuyên Quang, Hưng Hóa, châu Đà Bắc, Thanh Nguyên, Bạn Hà, Đà Hà, đến huyện Bất Bạt thì nổi lên núi Tản Viên. Cung bên phải là hổ trắng. Núi chầu vạn nhánh, nổi lên ở Mỹ Lương, Minh Nghĩa, Phúc Lộc, Viễn Sơn Thạch Thất, An Sơn, Tây Sơn, Sài Sơn, Tử Trầm, Hữu Bật đến xứ Sơn Nam Chương Đức, Đại Yên, núi Hương Tích sơn, núi Thạch Na, Nam Công, núi Vũ Phượng, núi Đội Điệp, núi Nghi Dương, chầu vào mà thoát, đến cửa biển Thần Phù ỏ núi Chính Đại thuộc Ái Châu, thoát đến Chích Trợ sơn, cửa Vạn Lý, làm đầu hổ chầu án. Lấy sông Bạch Hạc làm Nội minh đường. Lấy Ngã Ba Lãnh, Đại Giang, huyện Nam Giang làm Trung minh đường. Mặt nước như ấn ngọc trông phù vàng. Tiền Hải, Cổ Yếm, Tượng Sơn làm Ngoại minh đường. Nghìn non cúi phục, vạn thuỷ chầu nguồn, đều hướng về núi tổ Nghĩa Lĩnh.
Nhìn thấy tất cả hình thế ấy, Vua nhận ra thế cục của đất Bắc quý đẹp hơn đô thành cũ Hoan Châu, bèn lập điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Vua thường ngự giá đến đất bên nơi ngoại này, lập dựng đô thành Phong Châu, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Rồi vua ngự giá về cựu đô ở Hoan Châu. Việc dựng đô thành của vua, trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại định đô ấp, vị trí của chính điện, thành trời ao vàng, ở núi Nghĩa Lĩnh, làm đô ấp của họ Việt Thường xưa tại đó.
Bấy giờ vua đi tuần thú trở về cung điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Cung phi con gái đế quân là Thần Long cùng với Vua sống ở núi Kỷ Lĩnh, điềm rồng khí chính, thụy thánh có mang. Mang thai mười lăm tháng mười ngày. Đến kỳ mây rồng năm sắc giáng xuống chính điện. Vua sinh hạ Lạc Long quân, tên huý là Sùng Tục. Trước Long Quân có tỏ điềm rồng ứng tốt, ánh sáng đầy nhà, trong trướng tỏa hương thơm. Qua tuần sinh hạ Lạc Long Quân, tư chất phi thường, tự có khí tượng đế vương. Vua mới lập làm hoàng thái tử. Thái tử trưởng thành, tài năng hơn người, thông minh nhanh nhẹn, tài thần trí thánh, anh hùng hiểu biết. Năm tháng tăng thêm, Đế lệnh với triều đường trăm quan rằng: Ta thừa mệnh trời mà trị vạn dân, giữ yên cơ đồ, sắc lệnh cho Thái tử khâm sai cùng với trăm quan cử hành lễ đi tuần thú lãnh thổ, chính là để xem núi sông, những nơi biển non kỳ lạ. Vua khiến Thái tử điều trăm viên tướng mạnh, ba vạn binh tinh đi tuần thú nước nhà, xem xét bốn bể, địa thế núi sông.
Thái tử đi đến Nam Bang, thế đất theo núi sông dẫn mạch mà đến, lên núi tìm theo mạch rồng, tựu ở xứ Tuyên Quang, châu Thu Vật, Tụ Long, nhìn thấy mạch đất rồng chạy đến, Nghĩa Lĩnh đúc thiêng,  gặp qua thượng lưu sông Hoàng Hà, Nhị Hà, Đầu Giang, Hán Lô Giang, đầu nguồn một nhánh chảy ra, nuôi dưỡng che chở nước Nam, từ Tây rồng đến, từ châu Bảo Lạc núi Côn Lôn trên dưới hai bờ, cho đến cửa ải, nước lớn từ Ngũ Lĩnh, Thái tổ Côn Lôn của đất nước, đất tổ Linh Sơn Phong Thứu. Trăm vạn đầu núi dựa Đông Tây Nam Bắc, làm được như bầy con. Lấy Côn Lôn Ngũ Nhạc đại tổ quốc làm Thái tổ, cha mẹ, cùng vạn nước đầu núi góc biển, một mối quy đồng. Thái tử trí thánh thông minh, tài anh mưu lớn, là vị vua có chí trị, danh hiền Việt cổ.
Thái tử có tâm với các bậc tổ, quay về nước lớn thăm hỏi tổ là Đế Minh, bác là Đế Nghi. Thái tử là người có hiếu đễ lớn, trung tín khiêm nhường, có tam cương ngũ thường, là bậc có đức cả. Thái tổ mới đặt quốc thư phong cho Kinh Dương Vương là Thái Tổ Cao Hoàng Đế nước Nam, phong cho Lạc Long Quân là Hiền Vương nước Nam, cai trị Nam Bang. Vạn dân trong thiên hạ đều hân hoan, trăm họ yên vui. Đế tổ, Đế bá coi Thái tử như cốt nhục, xem như tinh túy đất trời, quý như châu ngọc vàng báu, vật quý cũng không bằng.
Đế tổ sắc phong tặng thêm cho Thái tử sách vàng, thẻ bài rồng, lụa ngọc, xe sách một mối, áo mũ chầu trời, áo bào cổn rồng, thắt lưng ngọc, giày vàng, cờ lọng quạt, ô vàng chiêng trống, xe loan giá rồng, voi ngựa tướng binh, lại ban cho đồ thần lụa vàng (vật quý lớn của trời Nam), ngọc châu mã não, quý lạ các vật, lại ban cho xe giá có chuông. Thái tử hồi giá khải hoàn về Nam Man, phụng giúp vua cha cai quản vạn dân.
Thời Thái tổ Đế Minh trong triều có vị Thiên sư biết thông trời đất người, xem thấy hết quỷ thần, chức vị ở Bắc triều là quan tướng, văn võ đều toàn. Nay theo lệnh Đế tổ sai Thiên sư giúp nước cho Thái tử cai quản Nam Bang, xem phong thủy, tìm đất lập nước định kinh đô, xây dựng thành trì, sửa sang chính điện, tạo nên cung thất, lãnh thổ đất đai, đặt tên sông núi, lập định ấp đô, địa đồ đất nước, sắp quan xếp tướng, đặt lệnh trấn các xứ, phủ, huyện, xã, châu, trang, động. Trên rừng dưới biển, nước có Thiên sư phụ giúp Vua cai trị bốn biển. Trăm họ nhân dân thiên hạ cùng hưởng phúc thái bình. Các chư hầu Bách Man đều xưng thần phụ thuộc.

Họ Hồng Bàng

 Tục truyền rằng vua đầu nước ta hiệu Kinh Dương Vương và vua đầu Bắc quốc hiệu Đế Nghi là hai anh em, con ngài Đế Minh, cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông. Viêm Đế Thần Nông là vị thần coi về trồng trọt ngũ cốc cho loài người.

Một hôm Ngọc Hoàng thượng đế trông xuống cõi trời Nam, thấy trên mặt đất phần lớn là hoa quả, ít ngũ cốc, mới bảo Thần Nông rằng:
- Ta sắc chỉ sai nhà ngươi xuống trần gian giúp cho giống người da vàng trồng lúa làm lương ăn.
Thần Nông bèn hội họp con cháu kể lại sắc chỉ của Ngọc Hoàng. Đế Minh là cháu ba đời nói rằng:
- Công việc mùa màng ở hạ giới rất vất vả. Vậy cháu xin đi thay.
Thần Nông khen Đế Minh là hiếu thảo, đưa cho hai hạt thóc, một để ăn, một để làm giống đem đi.
Đế Minh và vợ đáp mây lành xuống ở núi Nghĩa Lĩnh. Hàng ngày hai vợ chồng cậy một hạt thóc lấy bột gạo ăn, còn chiếc vỏ trấu để lại, sau dân thờ làm trấu thần.
Lại nói việc dạy dân trồng lúa. Vùng cao thì ông bà dậy họ phát nương đốt trà, chọc lỗ tra hạt (đao canh), vùng thấp thì đợi nước sông rút cạn, ruộng bãi đã thối ngấu cây cỏ, lấy trang cào mà đẩy cho sục bùn, đều phẳng, rồi gieo giống (thuỷ nậu). Lại dạy dân bỏ gạo vào ống tre đốt làm cơm mà ăn, bắt tôm cua làm mắm dùng gừng giềng làm gia vị, chưng cốt gạo lấy rượu uống, bắc gỗ làm nhà sàn tránh hổ sói, cưới xin thì lấy gói đất làm đầu, giết trâu dê làm đồ lễ, nấu cơm nếp nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm. Khi có người chết thì giã cối làm hiệu để bản làng đến cứu giúp.
Đế Minh sinh được hai con trai, anh là Lộc Tục, em là Lộc Linh. Một hôm có sứ của Ngọc Hoàng xuống triệu Đế Minh về trời. Ông gọi hai con đến bảo:
- Ngọc Hoàng sai ta xuống hạ giới có kỳ hạn, nay đã làm xong công việc. Trước khi về trời ta phong cho Lộc Tục cai quản phương Bắc. Lộc Linh cai quản phương Nam.
Lộc Tục cố nhường cho em phương Bắc, còn mình ở phương Nam. Đế Minh nghĩ “Lộc Tục thông minh hơn cho đất rộng hơn, chẳng ngờ lại từ tạ”, bất đắc dĩ cũng bằng lòng.
Lộc Linh nhận phương Bắc xưng là Đế Nghi.
Lộc Tục nhận phương Nam xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương có tài đi lại dưới nước, gặp Thần Long Nữ con gái vua Động Đình Hồ nhan sắc đẹp tươi, bèn lấy làm vợ. Thần Long Nữ sinh ra một người con trai mình đầy vảy rồng, đặt tên là Sùng Lăm. Sùng Lãm nối ngôi cha xưng hiệu là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân đi tuần thú tới động Lăng Xương gặp Tiên nữ Âu Cơ hái dâu bên bờ sông Đà, bèn lấy làm vợ đưa về ở núi Nghĩa Lĩnh.
Âu Cơ có mang ba năm ba tháng mười ngày, đến giờ ngọ ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý chuyển dạ sinh ra một bọc trăm trứng. Hôm ấy trời xanh nắng ấm, mây lành ấp núi, hương thơm ngan ngát đầy phòng.
Long Quân cho triệu triều thần đến lập đàn tế cáo trời đất. Các loài sơn cầm thuỷ tộc đều đến chầu mừng. Ngày 15 tháng Giêng năm ất sửu trăm quả trứng nở thành trăm con trai. Những người con này không bú mớm, chỉ ăn hoa quả, không nói năng, mỗi ngày cười 3 lần. Bỗng một hôm tất cả đều hô vang "Trời sinh vua trị nước, thiên hạ thái bình". Vợ chồng Âu Cơ rất mừng rỡ, nhưng không biết làm thế nào để phân biệt được đàn con đông đúc ấy, bèn đem lễ vật mời ông Tiên ngồi câu cá ở bến Việt Trì lên đặt tên cho từng người. Tiên ông đặt tên người con cả là Lân Lang, chín mươi chín người em cũng đều gọi là Lang như Xích Lang, Quynh Lang, Mật Lang...
Long Quân bảo Âu Cơ rằng:
- Ta là giống Rồng đứng đầu thuỷ tộc. Nàng là giống Tiên sống ở trên núi. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly, ta đem 50 con về miền bể chia trị các xứ, cho 50 con theo nàng lên núi, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên. Trước khi đi, Long Quân phong cho người con trưởng làm vua và bảo các con rằng: "Giống sơn nam và giống thủy tộc thường ghét nhau. Hãy lấy mực săm mình cho giống giao long thì lội xuống nước mới không bị hại”. Lại dặn: "Khi nào có nguy cấp thì gọi to: “Bố ơi về cứu con”, "ta sẽ đến ngay”.
Lân Lang bèn xưng là Hùng Quốc Vương, đóng đô ở Việt Trì, đặt tên nước là Văn Lang, chia làm 15 bộ, sai các em đi trấn giữ. Kể từ đây các vua nối đều lấy hiệu là Hùng Vương, truyền được 18 đời (Đầu là Kinh Dương Vương, cuối là Hùng Duệ Vương

Đền Đôi Cô Tuyên Quang

 

      Đền Đôi Cô Tuyên Quang thuộc phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Đền Đôi Cô Tuyên Quang thờ Cô Đôi Thượng Ngàn và Cô Bơ Thoải Cung. Đó là hai thánh cô nổi tiếng trong Tứ Phủ Thánh Cô.

 

     Đền Đôi Cô được dựng trên một gò đất  ngay đầu cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô luôn trong xanh. Đền Đôi Cô được xây dựng từ rất xa xưa, nhưng từ bao giờ thì không ai còn rõ. Thần phả, thánh tích về ngôi đền, do thăng trầm của lịch sử, nay cũng không còn, chỉ biết đây là một ngôi đền đã tồn tại từ lâu ở vùng đất ven sông Lô của Thành Phố Tuyên Quang. Đền Đôi Cô là một điểm tham quan tâm linh của một số tua du lịch tâm linh tỉnh Tuyên Quang.

 

Đền Đôi Cô Tuyên Quang

Lịch sử Đền Đôi Cô Tuyên Quang

     Trước đây,  Đền Đôi Cô chỉ có một cung nhỏ rộng vẹn vẹn chỉ khoảng chục mét vuông và rất ít người biết đến. Năm 1990, ngôi đền mới được tu sửa và mở rộng ngôi đền. Toàn bộ kinh phí xây dựng đền là tiền công đức của nhà đền và của khách thập phương. 

Kiến trúc Đền Đôi Cô Tuyên Quang

      Đền Đôi Cô sau khi được trùng tu, tu bổ đã khang trang, tố hảo hơn rất nhiều so với trước đây. Hiện Đền Đôi Cô được xây dựng với ba gian thờ, ứng với ba cung.

       Cung chính thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và Đôi Cô. Bộ tượng Tam toà Thánh Mẫu được đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng.  Chính giữa khám là tượng Mẫu Thượng Thiên; bên phải khám là tượng Mẫu Thoải; bên trái khám là tượng Mẫu Thượng Ngàn. Bộ tượng Đôi Cô được đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, ngay bên dưới khám thờ Tam tòa Thánh Mẫu. 

      Cung bên trái thờ Bà Chúa Sơn trang. 

      Cung bên phải thờ đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

     Ngoài các cung trong đền chính ra, Đền Đôi Cô còn có Am thờ Sơn Thần và Lầu Cô thờ Tứ Phủ Thánh Cô.  Lầu Cô có thờ tượng ba vị Thánh Cô: Cô Chín, cô Tư, cô Bảy.

     Cũng lưu ý rằng, tại Tuyên Quang còn có một đền Đôi Cô khác nằm tại Phường Hưng Thành có tên là Đề trình Đôi Cô hay Đền trình Đôi Cô. Đền này còn có tên là Đền Móc Giằng. 



Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Đền Cô Chín Tây Thiên

       Đền Cô Chín Tây Thiên nằm ở khu du lich tâm linh Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Khu du lịch tâm linh này được xếp hạnh lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991.

 

Đền Cô Chín Tây Thiên

 

     Đền Cô Chín Tây Thiên được xây dựng bằng hương nhang của Đền Cô Chín Sòng Sơn và hương nhang bát hương ban Cô trong Đền Thượng trước đây.

        Đền Cô Chín Tây Thiên nằm trên lưng chừng ngọn núi cùng với Chùa Thượng, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên, đền Mẫu địa, đền Thần núi, Miếu Sơn thần.. tạo thành một quần thể tâm linh đặc sắc chìm mình trong ngút ngàn rừng già, một chốn bồng lai tiên cảnh sơn thủy hữu tình. Đền Cô Chín Tây Thiên mới được xây dựng trong thời gian gần đây, khi nhà nước có chủ trương mở rộng khu du lịch tâm linh này.

         Đền Cô Chín Tây Thiên được xây dựng to, đẹp nhưng bài trí thờ lại khá đơn giản. Có lẽ nơi đây đã có đền thờ Mẫu Tây Thiên, Tam Tòa Thánh Mẫu với đủ các quan, chầu, cô, cậu nên tại đền Cô Chín thờ đơn giản như vậy. Đền chỉ có tiền cung và hậu cung. Tiền cung chỉ bài trí chính giữa là Ban Công Đồng, hai bên là Ban Cô Bé và Ban Cậu Bé.

 

Ban Công đồng Đền Cô Chín Tây Thiên

      Phía sau Ban Công Đồng là hậu cung với Ban Cô Chín Tây Thiên. Ban Cô Chín thờ tượng Cô Chín. Đây là một ngôi tượng lớn, đẹp, uy nghi và có thần thái. Đứng trước Cô, chúng ta cảm nhận một linh khí ào ạt tràn vào người. Một cảm giác lâng lâng giữa chốn sơn linh.

       Đứng trên đền Cô chúng ta có thể phóng tầm mắt về phía trước là một loạt các ngôi đền, chùa tạo nên một không gian tâm linh khoáng đạt. Một bức tranh hữu tình của núi non, cây lá và sương mờ găng phủ.

 

Tượng Cô Chín tại Đền Cô Chín Tây Thiên

    Cô Chín Tây Thiên cũng được coi là Cô Chín Thượng Ngàn. Đây được coi là nơi thờ vọng của Cô Chín Sòng Sơn. Như vậy, Cô Chín Tây Thiên và Cô Chín Sòng Sơn chỉ là một.

       Ngoài ra, Cô Chín còn được thờ tại Đền Cô Chín Thượng Bắc Giang, Đền Cô Chín Suối Rồng Đồ Sơn, Đền Cô Chín Đồng Mỏ ở Đồng Mỏ Lạng Sơn, đền Cô Chín Đồng Hỷ Thái Nguyên .... Tất nhiên, đền thờ chính của Cô Chín vẫn là Đền Cô Chín Sòng Sơn, còn các đền cô chín khác được coi là nơi thờ vọng của Cô.

 

Không gian tâm linh trước của đền Cô Chín Tây Thiên

 

   Mời các bạn tìm hiểu thêm: Tứ Phủ Thánh Cô, Tứ phủ quan Hoàng, Văn Khấn Tứ Phủ, Tứ Phủ Thánh Cậu, Tam Tòa Thánh Mẫu, Văn khấn Tứ Phủ, Các Ngày Tiệc, Khu du lịch tâm linh....bằng cách click vào các đường link đã cài ở các danh từ trên.



Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

ĐỀN QUAN GIÁM SÁT

 

Đền Quan Giám Sát


Đền Quan Giám Sát là ngôi đền nổi tiếng trong hệ thống điện đền tại xứ Lạng Sơn non cao. Nơi đây mang đậm giá trị tâm linh tín ngưỡng lâu đời của người dân quan vùng. Ngôi đền đã trở thành vùng đất thiêng không chỉ riêng người dân xứ Lạng mà người dân trên khắp các tỉnh thành trên cả nước đều tín thờ và gửi gắm lời khấn nguyện cầu bình an, sức khỏe tới vị quan thánh trong đền vào mỗi dịp lễ tiết lớn trong năm.


Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Đền Quán Cháo - Đền Dâu

Đền Quán Cháo nằm sát Quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp tỉnh Ninh Bình. Đền Quán Cháo thờ Mẫu Liễu Hạnh.  Truyền thuyết cho rằng nơi đây là nơi Thánh Mẫu hiển linh giúp Vua Quang Trung lúc đưa quân ra dẹp quân Thanh.

  

Cổng Đền quán Cháo

      Đền còn có tên chữ là Chúc Sơn Tiên Từ (nghĩa là: Đền Tiên núi Cháo) thờ Liễu Hạnh Công chúa  Đền Quán Cháo thờ Mẫu Liễu Hạnh.

 

      Sự tích đền quán Cháo

 

      Đền Quán Cháo gắn liền với sự tích tiên nữ dâng cháo cho quân lính Tây Sơn trước giờ xung trận. Nói đến đền Quán Cháo, không thể bỏ qua chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung. Trận đại phá quân Thanh như một hào quang sáng rực trong lịch sử nước nhà. Di tích lịch sử đền Quán Cháo gắn liền với huyền thoại Thánh mẫu đã biến thành cô gái bán hàng cháo, để dâng cháo cho quân lính Tây Sơn và cứu giúp những người cơ nhỡ độ đường và ứng đối thơ phú với bao nhiêu tao nhân mặc khách. Đến nay trong dân gian còn truyền tụng câu ca đồng giao:

   "Ăn trầu nhớ miếng cau khô

 Trèo lên Ba dội nhớ cô bán hàng."

      Ngày 21-12-1788, sau khi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, ngài liền chỉ huy quân Tây Sơn hành quân thần tốc ra Bắc đánh đuổi 29 vạn quân Mãn Thanh, do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cầm đầu. Ngày 15-1-1789, quân Tây Sơn ra đến Tam Điệp phối hợp với quân Bắc Hà, do Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm chỉ huy. Trong 10 ngày (từ 15 đến 25-1-1789-tức từ 20 đến 30 tháng Chạp-Tết Mậu Thân) ngụ binh ở Tam Điệp và Bỉm Sơn. Theo truyền thuyết, trong những ngày này quân Tây Sơn được các tiên nữ dâng cháo thần, nhờ vậy nghĩa quân Tây Sơn thêm mưu trí, dũng mãnh chiến đấu, quét sạch quân xâm lược. Chỉ trong 5 ngày xuất quân, 5 đạo quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, đúng như những lời huấn dụ của Vua Quang Trung tại lễ thệ sư (lễ thề của các tướng sĩ) tại Thanh Hóa: "Đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn; đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” ( Tạm dịch: Đánh cho nó một chiếc xe để chạy về nước cũng không có/ Đánh cho nó một mảnh giáp cũng chẳng còn/ Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng là có chủ)

     Đại thắng quân Mãn Thanh xâm lược, nghĩa quân Tây Sơn ca khúc khải hoàn về thăm Quán Cháo thì ngỡ ngàng không thấy các tiên nữ! Tỏ lòng thành nhớ công ơn của các tiên nữ, Vua Quang Trung truyền lệnh lập đền thờ nhớ ơn những người đã có công dâng cháo cho nghĩa quân. Từ đó, người dân trong vùng tương truyền: Ngọc Hoàng Thượng đế phái công chúa Giáng Tiên cùng 2 ngọc nữ là Quế Nương và Thị Nương xuống hạ giới ban phúc cho dân lành, nấu cháo giúp nghĩa quân Tây Sơn có thêm sức mạnh đánh đuổi quân xâm lược. Các tiên nữ bay về trời, nhưng vẫn thường theo dõi nhân gian, tạo phúc cho dân. Tin các tiên nữ sẽ luôn giúp đỡ những người khốn khó, bà con trong vùng khói nhang, khấn vái, xin lộc tiên…

     Nơi đây đang khôi phục lại lễ hội các tiên nữ dâng cháo, Vua Quang Trung mở tiệc khoản đãi hiền tài và khao quân, quân Tây Sơn đại thắng quân Mãn Thanh, Vua Quang Trung tạ ơn các tiên nữ…

 

 

Đền Dâu

 

 

     Đền Quán Cháo nằm trong cụm di tích Đền Dâu - Quán Cháo. Đền Quán Cháo cũng là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đền Dâu chỉ cách đền quán Cháo hơn 1 km. Đền Dâu cũng nằm sát đường quốc lộ 1A. Đền Dâu cũng gắn với sự tích hóa thân của thánh mẫu vào người con gái bản địa để dạy nhân dân trồng dâu nuôi tằm.

      Hai ngôi đền đều gắn bó với các truyền thuyết vừa hư vừa thực về sức mạnh và niềm tin của thiên nhiên vào cuộc sống con người, là minh chứng về vai trò của người dân Tam Điệp đối với nghĩa quân Tây Sơn trong chiến thắng Thăng Long lịch sử. Là cái gạch nối giữa cố đô Hoa Lư xưa với thủ đô Hà Nội.




NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...