Hiển thị các bài đăng có nhãn Đền Chầu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đền Chầu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Đền Chầu Lục

Đền Chầu Lục hay còn gọi là Đền Chín Tư, Đền Chầu Sáu Lục Cung tọa lạc ở thôn Chín Tư, xã Hòa Lạc, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Đền Chầu Lục là nơi thờ chính của Chầu Lục và Cô Sáu Lục Cung. Đền Chầu Lục nằm cách Hà Nội 80 km. Đền Chầu Lục nằm cách Đền Quan Giám Sát Đệ nhị khoảng hơn 500 m, tạo nên một cụm di tích tâm linh.

Tam Quan Đền Chầu Lục

Lịch sử đền Chầu Lục

     Đền Chầu Lục tại đây là nơi hạ phàm và cũng là nơi hiển thánh của Chầu Lục. Hiện nay cũng chưa rõ Đền Chầu Lục chính xác có từ bao giờ. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng, đền có từ thời Lê Trung Hưng.

Tam Quan Đền Chầu Lục nhìn từ trong sân đền ra

      Đền Chầu Lục đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nên đền đã khang trang, tố hảo rất nhiều. Hiện Đền Chầu Lục là một ngôi đền đẹp.

Không gian kiến trúc Đền Chầu Lục

      Hiện nay, đường vào Đền Chầu Lục quá dễ dàng, từ đường quốc lộ 1A vào chỉ khoảng 2 km. Thông thường, trước khi chúng ta vào viếng thăm Đền Chầu Lục, chúng ta thường ghé vào thăm Đền Quan Giám Sát. Từ Đền Quan Giám Sát vào Đền Chầu Lục chỉ còn hơn 1 km.

 

Lầu Cậu và Lầu Cô Bé Cây Thị

 

     Đền Chầu Lục nằm trên một ngọn đồi. Trước cửa đền là cổng Tam quan. Để lên được cửa đền chúng ta phải leo lên chừng hơn 30 bậc.

Lầu Cô Chín

    Chúng ta đi qua Tam Quan là đến khoảng sân của ngôi đền. Khi đó bên phải chúng ta là Lầu Cậu và Lầu Cô Bé Cây Thị. Cô bé ở đây là Cô Bé bản đền. Có lẽ gọi Cô bé là Cô Bé Cây Thị vì lầu cô nằm dưới gốc cây thị có độ tuổi đến hàng trăm năm, quanh năm xanh rì. Bên trái là Cung Cô Chín tối linh. Đây là các công trình mới tu bổ gần đây.

       Bên trái đền chính là Lầu Cô Sáu Lục Cung. Phía trước Tiền Bái của đền là cây hương ngoài trời.

Bên trái là Lầu Cô Sáu, bên phải là Tiền Bái của Đền Chầu Lục

      Đền Chầu Lục gồm ba gian: Tiền bái, trung bái và đại bái. Chính giữa tiền bái là Ban Công Đồng. Ban Công Đồng có sự phối thờ Ngọc Hoàng, quan Nam Tào, quan Bắc Đẩu với tượng của Ngũ Vị Tôn Ông.

 

    

      Bên trái Tiền bái là Cung Tứ Phủ Quan Hoàng với sự phối thờ của 4 vị Quan Hoàng gồm: Quan Hoàng Cả, Hoàng Đôi, Hoàng Bảy, Quan Hoàng Mười.

Ban Tứ Phủ Quan Hoàng

      Bên phải Tiền bái là Cung Trần Triều với tượng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Cung Trần Triều

      Gian trung bái gồm có 3 cung: Bên phải là Ban Chầu Năm với tượng của Chầu Năm, chính giữa là Ban Tam Tòa Thánh Mẫu, bên phải là Ban Sơn Trang.

         

Gian trung bái của Đền Chầu Lục

      Gian đại bái là cung thờ Chầu Lục với tượng Chầu Lục. Chầu mặc áo tím, trông phúc hậu, nhân từ.

 

Thần tích Chầu Lục

       Chầu Lục là chầu đứng thứ sáu trong Tứ Phủ Thánh Chầu. Chầu Lục còn gọi là Chầu Lục Cung Nương hay Chầu Sáu Lục Cung. Chầu Lục vốn là người Nùng.Vì vậy, Chầu Lục còn gọi là Mế Lục Cung Nương.

Sân đền Chầu Lục nhìn từ trong đền ra

      Tương truyền, chầu vốn là tiên nữ trên Thiên Đình, chẳng may để rơi chén ngọc nên bị trích giáng xuống trần gian. Chầu giáng sinh vào gia đình có cha họ Trần, mẹ họ Hoàng vốn là lệnh tộc ở thôn Chín Tư ngày nay.

       Có tài liệu cho rằng Chầu Bà giáng sinh vào nhà họ Quách được đặt tên là Quách Thị Hồng Hoa. Hồng Hoa lưu trên trần gian được 19 năm thì mãn hạn về chầu Đế Đình.  Nhưng vì chầu còn thương nhớ phụ mẫu nơi trần gian nên Ngọc Đế cho bà hiển thánh, cai giữ miền non ngàn sơn trang, nơi rừng Chín Tư, Hữu Lũng.

 

Tượng Chầu Lục tại đền Chầu Lục

 

       Truyền thuyết kể rằng Chầu Lục thường hay hiển ứng giúp dân làm trồng trọt. Tuy anh linh nhưng bà cũng rất đành hanh. Ngày xưa, chầu thường cùng các bạn tiên nàng giả làm các cô gái người Nùng, bán hàng, ung dung cợt khách qua đường.

       Chầu Lục cũng là một trong các vị chầu danh tiếng trên ngàn có lẽ bởi vì chầu rất hay bắt đồng. Cũng như Chầu Đệ Nhị, người ta cũng thường hay thỉnh Chầu Lục về ngự đồng. Đôi khi Chầu Lục lại là giá chầu về sang khăn cho đồng tân lính mới và chứng đàn Sơn Trang trong lễ mở phủ. Chầu Lục cũng có thể chứng mâm giầu trình. Khi ngự đồng, chầu mặc áo màu lam (hoặc màu chàm xanh), khai cuông rồi múa mồi.

Thần tích Cô Sáu Lục Cung.

      Tương truyền Cô Sáu là thánh cô người Nùng. Cô sinh ra và hóa cũng ở vùng đất này. Thủa sinh thời, cô Sáu là người con gái xinh đẹp, nết na có biệttài chữa bệnh. Cô thường đi khắp rừng sâu núi thẳm để hái thuốc chữa bệnh, cứu người. Vậy nên, sau khi Cô hóa, Cô được muôn dân tôn là tiên cô. Vì vậy, ai có bệnh thường đổ về cửa cô để xin thuốc tiên.

 

Cung Cô Sáu Lục Cung

      Trong Tứ Phủ cho rằng Cô Sáu là hầu cận của Chầu Lục. Tuy nhiên, nhiều tài liệu cho rằng ngoài hầu cận Chầu Lục,  Cô Sáu còn hầu Chúa Sơn Trang nên Cô Sáu Lục Cung còn gọi là Cô Sáu Sơn Trang.

       Đền Chầu Lục còn là nơi thờ chính của Cô Sáu Lục Cung. Cô Sáu Lục Cung cũng được phối thờ khá nhiều tại các đền phủ trong nước.

 

Tượng Cô Sáu Lục Cung tại Cung Cô Sáu

Ngày tiệc Chầu Lục

      Trong năm ngày tiệc Chầu Lục có hai ngày là ngày 10/5 âm lịch (có người nói đó là ngày đản sinh của chầu nhưng điều này cũng chưa chắc chắn) và ngày 20/9 âm lịch (có người cho đó là ngày hóa, có người lại cho rằng đó mới là ngày đản sinh của chầu chứ không phải là 10/5 âm lịch).

 

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Đền Công Đồng Bắc Lệ

         Đền Công Đồng Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành Huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đền Công Đồng Bắc Lệ nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn – một trong ba vị được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Đền nằm cách thị trấn Hữu Lũng khoảng 10 km, cách Hà Nội khoảng  80 km.

Tam Quan Đền Công Đồng Bắc Lệ

Lịch sử Đền Công Đồng Bắc Lệ

      Ở Đền Công Đồng Bắc Lệ lại lưu truyền câu chuyện Mẫu Thượng ngàn là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh, cháu ngoại vua Hùng. Nàng thường cùng với cha đi chu du các bản mường, hang động, giúp cho cuộc sống dân lành được sung túc. Vào thời Lê Lợi, bà đã hiển linh, âm phù, hóa thành bó đuốc dẫn quan quân Lê Lợi thoát khỏi sự truy kích của quân giặc. Công cuộc bình Ngô đại thắng, Lê lợi lên làm vua và cho dựng đền Bắc Lệ để ghi nhớ công ơn của bà. Nếu theo tích này thì Đền Công Đồng Bắc Lệ có từ thời vua Lê Lợi.

         

 

Tam Quan Đền Bắc Lệ nhìn từ trong đền ra

 

      Trải qua 5 lần tu bổ và tôn tạo nhưng những kiến trúc xưa vẫn còn nguyên vẹn và mang đậm dấu ấn điêu khắc dân gian. Sự giao thoa giữa nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc tạo ra những nét độc đáo riêng cho Bắc Lệ. Thêm vào đó, các hàng cột bằng gỗ, liền khối vẫn còn giữ nét nguyên sơ tạo thêm cho đền sự ấm cúng linh thiêng.

       Theo văn bia khắc năm Khải Định thứ 4 (1919) thì trước đó đền chỉ là một am thờ nhỏ, sau bị hỏa hoạn, sau đó nhân dân đã cung tiến xây dựng thành một ngôi nhà 3 gian gồm 3 cung: Đệ Nhất - Đệ Nhị - Đệ Tam (cung cấm) ngôi đền mang bóng dáng nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Trung quốc. Sau nhiều lần trùng tu, tu bổ ngôi đền mới được khang trang như ngày hôm nay.

       Đền Công Đồng Bắc Lệ đã được tỉnh Lạng Sơn xếp hạng di tích lịch sử tâm linh vào năm 1992.


Không gian kiến trúc Đền Công Đồng Bắc Lệ

       Từ dưới chân đồi đi lên, chúng ta đi qua cổng Tam Quan uy nghi,  tráng lệ chúng ta sẽ bước vào không gian đền.  Bên trái đền là miếu Chầu Bé Bắc Lệ. Trước kia, miếu thờ Chầu Bắc Lệ ở một khoảnh đất bằng phẳng sát bờ suối Bắc Lệ, nay mới chuyển lên đây. Trong miếu có tượng Chầu Bé và tượng Cô Bé Bắc Lệ và tượng Cậu Bé Bắc Lệ. Đây là hai cô cậu hầu cận của Chầu Bé.

 

Mùa xuân về lễ Đền Công Đồng Bắc Lệ

    Bất kỳ ai muốn lên chiêm bái, cầu đảo Mẫu Thượng Ngàn nơi đâu đều phải thắp hương ở miếu Chầu Bé để xin Chầu có lời tâu đối lên Cửa Mẫu cùng chư thánh tại đền.

      Sau khi thắp hương ở miếu Chầu Bé, ta đi thêm khoảng chục bậc thang nữa là lên đến đền chính. Đền chính được xây theo kiểu chữ Đinh gồm tiền tế và hậu cung, đền mới được xây mới lại nhưng vẫn giữ được nét uy nghi và phong cách kiến trúc cũ. 

     Trên mái đền chính có đắp “Long triều lưỡng nghi”. Lưỡng nghi tượng trưng cho trời và đất, âm và dương, âm dương hài hòa sẽ sinh vạn vật. Nhà bái đường gồm 5 gian. 3 gian ngoài thờ Ngũ Vị Tôn Quan.  Phía trên cung thờ Ngũ Vị  tôn Quan là bức hoành phi đề: “Hưng Tiên Hiền Từ”. Hai bên thờ đôi câu đối:

Quốc sắc thiên hương nhân gian thánh nữ

Băng cơ ngọc cốt thế thượng thần tiên.

     Tạm dịch:

Sắc nước hương trời nhân gian thánh nữ

Mặt hoa da phấn thượng giới thần tiên.


    Cung đệ nhị thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tượng Ngọc Hoàng đặt trang trọng ở chính giữa, hai bên có tượng quan Nam Tào – Bắc Đẩu đứng hầu. Phía trước ban thờ Ngọc Hoàng là Ban Tứ Phủ Thánh Hoàng với tượng Thánh Hoàng Bảy, Thánh Hoàng Mười.


Giá trị tâm linh của Đền Công Đồng Bắc Lệ

        Đền Công Đồng Bắc Lệ được coi là một trong ba nơi thờ chính của Mẫu Thượng Ngàn. Ba nơi thờ chính của Mẫu Thượng Ngàn là  Đền Mẫu Đông Cuông, Đền Suối Mỡ, Đền Công Đồng Bắc Lệ.

        Căn cứ theo truyền thuyết và các bản văn chầu thì Đền Công Đồng Bắc Lệ chính là nơi Mẫu Thượng Ngàn hiển linh, âm phù; Đền Suối Mỡ là thắng tích lưu lại dấu vết bà tu tiên luyện đạo còn Đền Đông Cuông là nơi bà giáng sinh và ngự.

       Đền Công Đồng Bắc Lệ còn là nơi thờ chính của Chầu Bé. Một vị thánh chầu nổi tiếng trong Tứ Phủ Chầu Bà.  Tương truyền Chầu Bé là vị thánh chầu luôn hầu cận bên Mẫu Thượng Ngàn. Chính vì thế, khi đến Đền Công Đồng Bắc Lệ, chúng ta thường phải khấn tấu Chầu trước khi vào lễ Mẫu.

Thần tích Mẫu Thượng Ngàn tại Đền Công Đồng Bắc Lệ

      La Bình Công chúa là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và Mỵ Nương. Tức La Bình là cháu ngoại của Vua Hùng. Lúc còn nhỏ, La Bình thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng để dậy dân săn bắn, chăn nuôi, trồng cây, cấy lúa, làm nhà, làm thuốc chữa bệnh... Đó luôn luôn được theo cha như thế nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều. Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. Những khi Sơn Tinh bận việc hay không thể đi khắp những nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình thường được cha cho đi thay. Những lần như thế, La Bình luôn tỏ ra là một người đầy bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp, lại cũng biết thành thạo trong mọi công việc. Các sơn thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người đại diện xứng đáng của Sơn Thánh. 

     Khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là Công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam.

      Để tham khảo thêm về thần tích của Mẫu Thượng Ngàn tại Đền Suối Mỡ và Đền Đông cung xin các bạn hãy click VÀO ĐÂY.


Thần tích Chầu Bé Bắc Lệ

       Nhiều tài liệu cho rằng: Chầu Bé Bắc Lệ vốn gốc người Nùng, dưới thời Lê Thái Tổ, chầu giáng sinh xuống miền Bắc Lệ, Lạng Sơn.   Chầu Bé nơi đây chính là Mẫu Thượng Ngàn hóa thân, giúp vua Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh. Như vậy, Chầu Bé có thể là một nhân vật có thật tại vùng này, có công giúp vua Lê Lợi chống giặc.

       Chầu Bé Bắc Lệ thường dạo chơi khắp chốn thắng cảnh hữu tình, dạy dân chúng trồng trọt chăn nuôi, lên rừng làm ruộng bậc thang, xuống sông suối đánh bắt cá tôm. Tương truyền, Chầu Bé có phép thần thông do Đức Thái Tổ ban quyền có thể lay núi chuyển ngàn, đôi lúc rong chơi chầu lấy tàu lá giả làm hàng bán để trêu đùa người trần gian. Tuy đành hanh sắc sảo nhưng chầu cũng hết sức nhân hậu, có việc dữ lành chầu đều mách bảo cho người trần.

 

Cung Chầu Bé Bắc Lệ

      Chầu Bé cùng với Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục, là một trong ba vị Chầu Bà trên Thượng Ngàn hay về ngự đồng nhất. 

      Đền thờ chính của Chầu Bé là ngôi miếu nhỏ bên cạnh Đền Công Đồng Bắc Lệ.


Lễ hội Đền Công Đồng Bắc Lệ

      Lễ hội chính của Đền Bắc Lệ được tổ chức vào ngày 20/9 âm lịch. Nhưng hiện nay với sự độc đáo của phong cảnh sơn thủy hữu tình cũng như sự linh thiêng của ngôi đền nên Đền Công Đồng Bắc Lệ lúc nào cũng đông khách thập phương đến vãn cảnh, hành lễ như lễ hội.

       Lễ hội gồm có các phần lễ chính như lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước. Lễ tắm ngai diễn ra trước lễ rước. Trong đó, người dân lấy nước suối đền Bắc Lệ về lau tượng Mẫu đệ nhất Thượng ngàn và ngai đức vua cha Ngọc Hoàng. Lễ chính tiệc bao giờ cũng có cỗ tam sinh làm vật hiến tế. Ngoài ra, còn có nhiều đồ lễ mã khác như voi, ngựa, thuyền, mũ, hình nhân. Cỗ tam sinh dâng ban Công Đồng, ban Ngũ vị Tôn Ông, cỗ chay (có khi cả mặn) ban cho Mẫu. Sau đó, lễ rước Mẫu đi xem hội trong tiếng chiêng, trống rộn ràng. Đoàn rước đến đền Đèo Kẻng (một di tích liên quan đến đền Bắc Lệ) làm đại tế. Đại tế ở Đền Đèo Kẻng xong mọi người quay về làm đại tế đền Công Đồng Bắc Lệ.


NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...