Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương - Điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh Đồng bằng sông Hồng
Hàng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, hàng ngàn vạn “con Hồng cháu Lạc” từ khắp mọi miền lại tìm về khu di tích Đền thờ và Lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành – Bắc Ninh để tri ân và thờ phụng những bậc thủy tổ dân tộc đã có công khai mở đất nước.
Á Lữ là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Đuống, nơi duy nhất có lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ. Lăng Kinh Dương Vương nằm ở trên bãi bồi cao rộng thoáng sát bờ Nam sông Đuống và sầm uất bởi rừng cây cổ thụ bao quanh. Trước kia, hai ngôi đền cổ ở phía Tây làng Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ), có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Về phía Đông lăng Kinh Dương Vương xưa còn có một ngôi chùa có tên chữ là “Đông Linh Bát Nhã tự” thờ các đức “Thánh mẫu thủy tổ” là Vụ Tiên, Thần Long và Âu Cơ.
Ông Biện Xuân Phẩm (65 tuổi), người trông nom Đền thờ Kinh Dương Vương cho biết “Năm 1949-1952, giặc Pháp kéo đến thôn Á Lữ, đóng đồn bốt ở đây, phá hoại đền, đình chùa, dân làng đã kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý như: ngai, kiệu, sắc phong… của đền và đình. Đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã tôn tạo khu Lăng mộ Kinh Dương Vương. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống”.
Trải qua bước thăng trầm của thời gian, hiện nay khu quần thể Lăng và Đền Kinh Dương Vương còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội. Tại lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840). Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ như: “
Trưởng Thôn Á Lữ Biện Xuân Sáng cho biết: Hiểu được giá trị của di tích văn hóa Khu quần thể Lăng và Đền Kinh Dương Vương, người dân trong thôn đã tích cực tham gia công tác bảo vệ di tích và hàng năm làm tốt công tác chuẩn bị cho Lễ hội để đón du khách thập phương về dâng hương, tưởng nhớ.
Để lo việc đình đám, ngay từ trong năm làng phân công việc cho quan đám và các giáp. Vào hội, ngay từ ngày 12 tháng Giêng, đền và đình được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Đến ngày 16, làng tổ chức rước nước từ sông Đuống về đình đền để tế lễ quanh năm. Ngày 17, làng tổ chức rước kiệu từ đình xuống đền Thượng và đền Hạ để xin rước các bậc thủy tổ dân tộc về đình để tế lễ và mở hội. Từ ngày 18 đến 24, mỗi ngày một tuần tế. Lễ vật có lợn cả con, bánh trưng, bánh dày. Đến ngày 25, tế giã đám tại đền Thượng và đền Hạ bằng cá gỏi.
Nói về giá trị văn hóa của Di tích lịch sử Quốc gia Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương - Trưởng phòng Văn hóa thể thao huyện Thuận Thành Lê Xuân Bắc cho biết: Quần thể di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương là một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu, hàng năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước hướng về cội nguồn. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Hiện di tích còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Khu di tích nằm trong không gian thoáng rộng nhưng khá hiu quạnh, nên việc khai thác các giá trị văn hóa lịch sử gắn với quần thể di tích chưa được quan tâm đúng tầm. Đặc biệt, khu di tích chưa gắn kết với hệ thống các di tích lịch sử và các điểm tham quan du lịch khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được coi là quê hương của đền, chùa, miếu mạo. Do đó, việc quy hoạch và lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích rất cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Phong – Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Bắc Ninh cho biết: Năm 2011, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương và công bố quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia này với tổng mức đầu tư hơn 491 tỷ đồng.
Dự án chia làm 4 hạng mục xây dựng chính gồm: Không gian bảo tồn di tích, tập trung tu bổ, tôn tạo di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, sân đền, vườn khu lăng mộ; không gian giá trị di tích gồm: Tượng đài thủy tổ, quảng trường văn hóa lễ hội, nhà trưng bày văn hóa... và các dịch vụ phụ trợ để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thu hút du khách và hạ tầng kỹ thuật, san nền, đường giao thông, đường điện... Theo đó, từ nay đến năm 2019, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động./