Hiển thị các bài đăng có nhãn Đền Mẫu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đền Mẫu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Phủ Dày và Điển tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Thánh Mẫu Liễu Hạnh - người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu và cũng chính là một trong Tứ bất tử của Việt Nam được nhiều người tôn thờ. Tại nước ta có rất nhiều nơi thờ cúng Thánh Mẫu, nhưng nơi trang nghiêm và long trọng bậc nhất đó chính là Phủ Dầy - Nam Định.


Phủ Dầy (tên gọi khác phủ Giầy, phủ Giày) là quần thể di tích tâm linh đạo Mẫu tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh ngay sát chợ Viềng. Xưa kia, nơi đây được biết đến là ngôi đền lớn tại làng Kẻ Dầy. Cho đến khi Thánh Mẫu Liễu Hạnh được sắc phong là "Liễu Hạnh Công Chúa" thì được đổi tên thành Phủ Dầy. Do "Phủ" là danh từ chỉ định dinh cơ của các vương công, và Thánh Mẫu cũng là công chúa nên nơi thờ cũng sẽ được dùng chữ Phủ.

 

Thánh Mẫu Liễu Hạnh - người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hơn thế nữa còn có những tích khác cho tên gọi của nơi đây. Xuất phát từ truyền thuyết Bà Chúa Liễu Hạnh vì quá thương nhớ gia đình nên đã để lại một chiếc giày ở trần gian trước khi về thượng giới. Hay có huyền thoại: Vua đi ngang qua vùng này và nghỉ đêm ở quán hàng của bà chúa Liễu Hạnh, sau đó được tặng một đôi giày nên đã lập nơi thờ tự gọi là Phủ Giầy. Còn khi gọi là Phủ Dầy vì chính nơi này có món bánh dày nổi tiếng, lại có người cho rằng, Kẻ Giầy xuất phát từ nơi có gò đất nổi lên hình bánh dày trước cửa phủ.

Tất cả những câu chuyện dù chưa xác định rõ thực hư nhưng nó đã góp phần cho sự kì bí, cuốn hút về mối liên quan giữa Phủ Dầy và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

 

Quần thể phủ Dầy có hơn 20 công trình kiến trúc đặc sắc, trong đó có 3 công trình gắn liền chặt chẽ với cuộc đời thánh mẫu Liễu Hạnh


Quần thể Phủ Dầy có hơn 20 công trình kiến trúc đặc sắc, trong đó có 3 công trình gắn liền chặt chẽ với cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng sinh thứ 2, đó là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.

  Phủ Tiên Hương (phủ chính) là một công trình có kiến trúc đẹp được xây dựng từ thời Cảnh Trị nhà Lê (1663 – 1671), đã qua nhiều lần trùng tu. Phủ Tiên Hương có 19 toà với 81 gian lớn nhỏ, mặt phủ quay về phía tây nam nhìn về dãy núi Tiên Hương. Trước phủ có hồ tròn, rồi đến một sân rộng, sau đó là 3 toà nhà dàn hàng ngang hai tầng, tách mái: nhà bia, nhà trống, nhà chiêng là nơi đón khách tới hành hương. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt bằng đá chạm khắc hình rồng vớt đường nét tinh xảo. Điện thờ chính của Phủ có 4 lớp thờ (4 cung): đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Các cung đều được chạm khắc tinh vi các hình ảnh rồng, phượng, hổ…. Chính cung (cung đệ nhất) có một khám thờ khảm trai, bề thế và tinh xảo. 

 

Phủ Tiên Hương (phủ chính) là một công trình có kiến trúc đẹp được xây dựng từ Cảnh Trị thời Lê (1663 – 1671)

  + Phủ Vân Cát cách phủ Chính không xa và cũng có đền thờ Thánh Mẫu. Phủ được xây dựng trên khu đất rộng gần 1ha, mặt quay về hướng Tây Bắc. Phủ Vân Cát hiện nay có 7 toà với 30 gian lớn nhỏ. Phía trước là hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà thủy lâu, 3 gian, mái cong, sau hồ là hệ thống cửa Ngọ môn với 5 gác lầu. Phủ Vân Cát cũng có 4 cung như ở phủ Tiên Hương. Trung tâm là nơi thờ chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế.
 

Phủ Vân Cát cách phủ Chính không xa và cũng có đền thờ Thánh Mẫu

  + Lăng Bà Chúa Liễu nằm bên cạnh phủ Chính được xây dựng vào năm 1938. Lăng được xây dựng toàn bộ bằng đá xanh, chạm trổ hoa văn đẹp tinh xảo, là khu vực hình chữ nhật với tổng diện tích 625m2, gồm có cửa vào lăng theo hướng đông tây, nam bắc. Các cửa đều có trụ cổng trên đắp hình búp sen. Giữa lăng là ngôi mộ khối bát giác, mỗi cạnh chừng 1m. Toàn lăng có tổng cộng 60 búp sen, tạo điểm ấn tượng riêng biệt cho lăng của vị thần chủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
 

Lăng Bà Chúa Liễu nằm bên cạnh phủ Chính được xây dựng vào năm 1938

>>> Đọc thêm: Chùa Tam Chúc Ở Nam Định Và Đại Thế "Tiền Lục Nhạc - Hậu Thất Tinh" 

Vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày diễn ra lễ hội Phủ Dầy nhộn nhịp cả vùng. Đây là lễ hội được đánh giá là một trong 10 lễ hội đầu năm độc đáo tại Việt Nam. Mục đích chính của lễ hội nhằm để tỏa lòng biết ơn với thánh mẫu Liễu Hạnh.

 

Vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày diễn ra lễ hội Phủ Dầy nhộn nhịp cả vùng

Lễ hội phủ Dầy có ba nghi thức chính, bao gồm:

+ Lễ Rước Mẫu Thỉnh Kinh

+ Lễ Rước Đuốc

+ Lễ kéo chữ Hoa Trượng Hội

Bên cạnh ba lễ chính thì trong giai đoạn lễ hội Phủ Dầy diễn ra còn có các trò chơi truyền thống vô cùng thú vị như: thi hát văn, hát chèo, múa rối nước, đấu vật, đấu cờ người, thổi cơm thi... Đặc biệt, còn có nghi lễ hầu đồng diễn ra trong suốt thời gian lễ hội. Đây là một nghi thức không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu.

 

Nghi lễ hầu đồng diễn ra trong suốt thời gian lễ hội

>>> Đọc thêm: Những Cái Nhất Chỉ Có Tại Chùa Bái Đính - Ninh Bình 

Lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, từ trẻ đến già ai nấy cũng đều nô nức tham gia lễ hội. Nhằm bày tỏ lòng thành kính với Thánh Mẫu cũng như cầu mong những điều thuận lợi, may mắn cho một năm mới đầy phấn khởi. 

 

Lễ hội phủ Dầy diễn có các trò chơi truyền thống vô cùng thú vị như: thi hát văn, hát chèo, múa rối nước,...

Phủ Dầy ngoài nổi tiếng với các di tích gắn liền với Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì cảnh sắc non nước hữu tình của nơi đây cũng là một dấu ấn đẹp trong lòng du khách. Vừa chiêm bái Thánh Mẫu vừa thưởng ngoạn thiên nhiên sẽ là trải nghiệm tuyệt vời mà Phủ Dầy mang lại cho du khách vọng tín đạo Mẫu.

Đền Mẫu Thoải tại Lạng Sơn

Đền Mẫu Thoải Lạng Sơn hay còn biết đến là đền Cửa Đông – một trong bốn ngôi đền thiêng trấn giữ quanh Thành cổ Lạng Sơn. Đền nằm ngay cạnh sông Kỳ Cùng tọa lạc trên đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Đền được xây dựng vào thế kỷ 18, thờ Mẫu Thoải, cùng với đó là Quan Lớn Đệ Tam người có công trấn giữ và bảo vệ nhân dân tại phía đông thành cổ Lạng Sơn xưa.

đền mẫu thoải cửa đông
Đền Mẫu Thoải Cửa Đông, Lạng Sơn

Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đến nay, đây là nơi lưu giữ nhiều kiến trúc nghệ thuật quý giá mang đậm tính lịch sử như 32 pho tượng thánh, 4 bức hoành phi, 6 câu đối, 2 chuông đại, 2 đôi lọ lộc bình,… 

Kiến trúc đền được xây theo kiểu hình chữ Nhị gồm gian Đại Bái và hậu cung. Khách hành hương tới đền thường đặt lễ và khấn xin thỉnh cầu các thánh tại gian đại bái này. Nơi đây cũng là nơi diễn ra các lễ hầu đồng, hầu giá vô cùng đặc sắc riêng có tại tín ngưỡng thờ Mẫu. 

Năm 2013 đền đã được Bộ Văn Hóa Thể thao và Du Lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nhằm tôn vinh những giá trị cả về tín ngưỡng tinh thần và vật chất nơi đền thiêng xứ Lạng.

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Đền Cấm Tuyên Quang

Đền Cấm Tuyên Quang tọa lạc xóm 16, xã Tràng Đà, Tuyên Quang. Đền Cấm Tuyên Quang còn gọi là Đền Núi Cấm bởi ngôi đền nằm ngay dưới núi Cấm. Đây là một ngôi đền độc đáo, linh thiêng, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.

 

Đền Cấm Tuyên Quang

      Đền Cấm thờ Mẫu Thượng Ngàn và nơi đây cũng là ngôi đền độc đáo thờ Thần Xà. Đền Cấm nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang chừng 4 km. Cùng với Đền Thượng (đền Núi Dùm) tạo thành một cụm di tích tâm linh linh thiêng cỡ nhất vùng Tuyên Quang. Đền được công nhận di tích lịch sử tâm linh cấp tỉnh năm 2007.

Lịch sử Đền Cấm Tuyên Quang

       Vào đầu thế kỷ 20, ngày đó, rừng rú hoang rậm, thú rừng thường xuyên tìm về quấy phá cuộc sống người dân. Có cụ Nguyễn Hữu Chu là người ở nơi đây thường xuyên vào chân núi Cấm khai phá, trồng trọt.

Thế nhưng, ruộng nương thì bị khỉ, lợn rừng phá; lợn, gà, dê, bò thì bị hổ vồ. Ông cụ Chu đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ ở chân núi Cấm để thờ thần rừng, thần núi, cốt thú rừng đỡ phá phách. Ngôi miếu rất đơn sơ, chỉ gồm 4 cây tre và mấy tấm ván gỗ làm mái. Bên trong ngôi miếu có bát hương. Điều kỳ lạ, là từ khi ngôi miếu lập nên, thú rừng không về phá phách cuộc sống người dân ở chân núi Cấm nữa.

 

Thần Xà ở mỏm "Non bộ" tự nhiên tại Đền Cấm

 

 

         Ông cụ Chu làm nghề đông y, nên nhiều người bệnh tìm đến để được ông chẩn bệnh, bốc thuốc. Không rõ do ngôi miếu linh thiêng, hay tài bốc thuốc, mà nhiều người khỏi bệnh. Ngoài việc nhiều người tìm vào tài bốc thuốc của cụ Chu, thì nhiều người đồn thổi ngôi miếu ở chân núi Cấm linh thiêng, nên tìm đến cầu cúng rất đông.

 

        Vì ngôi miếu nhỏ nổi tiếng quá, nên người ta tìm đến hầu đồng. Tuy nhiên, cụ Chu là người ghét mê tín dị đoan, nên đã cấm tiệt những trò đồng bóng. Cụ vốn đặt tên ngôi miếu là Xâm Lĩnh Linh Từ, nhưng vì cấm trò đồng bóng, nên đổi tên ngôi miếu thành Miếu Cấm. Sau này, sau nhiều lần tu bổ ngôi miếu trở thành ngôi đền khang trang, tố hảo như hôm nay. Đền Cấm có tên từ đó.

 

Thần Xà trong Đền Cấm

        Điều kinh ngạc, là từ khi xuất hiện ngôi miếu nhỏ, thì rắn ở khắp nơi tìm về quả núi này. Rất nhiều loài rắn, loài trăn mò về ngôi miếu trú ngụ. Chúng không chỉ phơi nắng trên các mỏm đá, mà còn thường xuyên bò vào trong đền, quấn trên xà nhà. Chúng rất hiền lành, chưa tấn công ai bao giờ. Chúng cứ ở trong đền, mặc người vào ra, cúng bái, hành lễ. Nhiều khi, chúng ở trong đền vài tiếng, rồi mới lại thong thả bò vào núi và trốn vào hang sâu.

       Ngày trước, rắn về nhiều đến mức, có nhiều lần người đến miếu, thấy bát hương cứ lục ục, rồi những chiếc nón treo trên mái đền đong đưa, hóa ra rắn bò lổm ngổm ở trong.

      Cũng vì ngôi miếu có “xà thần”, nên khách thập phương tìm đến lễ và cúng tiến để miếu thờ rắn, đắp cả tượng rắn rất lớn.

      Cũng chính vì vậy, ngôi đền ngoài việc thờ Mẫu Thượng Ngàn thì cũng là nơi thờ Thần Xà.

Không gian kiến trúc Đền Cấm Tuyên Quang     

        Ngay trên tam cấp lên đền là hòn "non bộ " tự nhiên với ông Thàn Xà to lớn nửa trên mỏm đá, nửa trong hang thật uy linh. Ngay trong đền có một chiếc giếng nhỏ gọi là giếng Cô. Giếng Cô quanh năm không bao giờ cạn. Người dân ở đây truyền nhau rằng: Ai uống nước giếng Cô thì sẽ luôn khỏe mạnh.

        Gian giữa đền Cấm đặt tượng Bà chúa Thượng ngàn gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu, phía trước có hai trụ biểu. Phía trên án thờ treo bức đại tự Linh Lâm Miếu bằng gỗ. Tiếp đến là bức cuốn thư với ba chữ “Tối linh từ”. Trước án đặt hai bức tượng ở thế đứng, kích thước như người thực, mặc võ phục, tay cầm kiếm. Đó là tượng Khuyến thiện và Trừ ác. Hai vị đứng đó như khuyên bảo khách thập phương hãy vứt bỏ tà tâm, giữ lòng thanh bạch trước khi bước vào cõi linh thiêng này.

       Bà Chúa Thượng ngàn tạc ở tư thế ngồi, đầu đội mũ tì lư, khoác áo choàng màu xanh của núi rừng. Khuôn mặt bà chúa toát lên vẻ vị tha, nhân ái. Phía dưới án là ban thờ ngũ hổ tướng quân, oai phong lẫm liệt, 

Những câu chuyện linh thiêng về Thần Xà ở Đền Cấm Tuyên Quang

       Đền Cấm Tuyên Quang quá nổi tiếng về các câu chuyện linh thiêng về thần thần xà (thần rắn). Leo hết bậc tam cấp để lên đền chúng ta bắt gặp ngày một vách núi. Dưới chân vách núi là mỏm đá nhô lên như hòn non bộ nhân tạo, án ngữ trước Lầu Cô Bơ, chúng ta đều phải dựng tóc gáy bởi con rắn khổng lồ, thân to bằng cái phích, bành mang với vẩy tua tủa sau đầu, mắt mở thao láo nhìn xuống phía chân núi. Con rắn bằng bê tông ấy được đắp giống hệt rắn thật, chui từ trong hõm núi ra, thân quấn quanh mấy khối đá, rồi dựng đầu lên. Nhiều người nhìn thấy “ông rắn” ấy, thì chắp tay, khom người, cúi đầu vái lia lịa, rồi khói hương nghi ngút dưới chân rắn. 

       Người ta đồn thổi rằng nhiều người hiếm muộn, chữa trị, bệnh viện chục năm không ăn thua, đến cầu “ngài”, thế mà mấy tháng sau đã thấy sắp lễ tạ ngài vì mang bầu. Hay cầu xin đỗ đại học, cầu phát đạt thì đều được. 

 

 

       Người dân ở đây bảo rằng, không chỉ “báo oán” những khách vãng lai qua đền xúc phạm “rắn thần”, mà ngay cả những người trong xóm 16, thuộc xã Tràng Đà cũng không ít lần mạo phạm bị “thần rắn” hành cho khổ sở. 

       Bà Tự, người dân trong xóm kể rằng, cách đây chừng chục năm, chồng bà lên núi Cấm lấy củi, thì gặp rắn lạ to bằng cái điếu cày, đầu đỏ, đuôi đỏ thẫm nằm phơi nắng trên mỏm đá. Chồng bà vốn chả mê tín, không tin chuyện “thần xà”, nên ông rút que củi dài, to bằng bắp tay vụt một nhát rất mạnh vào sống lưng “ngài”. 

       Bình thường, một cú vụt trúng sống lưng như thế, thì rắn to cỡ nào cũng gãy xương sống mà quằn quại, không chạy được, nhưng đằng này, con rắn lạ ấy chẳng hề gì. Mặc cho ông vụt tới tấp, con rắn vẫn bình tĩnh như không, chậm chạp trườn vào trong hốc đá và mất tích. 

       Điều kỳ dị, là đêm hôm ấy, chồng bà Tự không ngủ được, cứ mơ thấy rắn quấn quanh người. Sáng ra, toàn thân ông cứng đờ, không dậy nổi, cứ nằm bất động. Ông kêu lưng đau như gẫy xương, không thể cong lưng ngồi dậy. 

       Gia đình hãi quá, thuê xe đưa ông xuống bệnh viện tỉnh. Điều kỳ lạ là dù chiếu chụp kiểu gì cũng không phát hiện ra bệnh. Nghe chồng kể chuyện hôm trước lên núi gặp loài rắn mà dân cư trong vùng vẫn gọi là “ngựa ngài”, là “thần xà”, ông có dùng gậy đập cho ngài mấy cái, bà Tự mới hoảng hồn khóc lóc thở than. 

       Bà Tự tin rằng “thần xà” đã “báo oán”, nên ngay lập tức bà sắm lễ lớn, đến đền Cấm xin “ngài” thứ lỗi cho ông chồng có mắt mà không nhìn thấy thánh thần. Điều kỳ lạ, là cúng xong, thì nhận ngay được điện thoại của con cái, thông báo tự dưng chồng bà ngồi dậy được, đi lại như thường, không kêu đau lưng gì nữa.

     Còn rất nhiều những lời đồn rợn người liên quan đến loài rắn ở núi Cấm này. Lời đồn kinh dị nhất là cái chết của ông S., thợ bắt rắn, người xóm bên. Ông S. đã tóm được con rắn lạ có đầu đỏ, đuôi đỏ ở núi Cấm, liền cho vào bao xách ra chợ bán. Khách đến mua rắn, ông S. đổ con rắn ra. 

       Vừa trút con rắn ra, thì cả ông S. và người mua rắn đều táng đởm kinh hồn, khi con rắn ông bắt được chuyển màu đỏ lòm như máu từ đầu đến đuôi, đôi mắt như hòn than tóe lửa và cái mào mọc lên đỏ lòm như mào gà chọi. Mọi người đều tin con rắn đã hóa “thần xà”. 

        Cả ông S., người mua rắn và những người trong chợ nháo nhào, bỏ chạy. Lát sau, mọi người mò đến, thì không thấy con rắn đâu nữa. Sau hôm đó, ông S. ốm nặng, rồi thời gian sau thì qua đời.

       Bà Nguyễn Thị Báu, nhà ở chân núi Cấm thì kể chuyện về anh Cường, sinh năm 1973, người cạnh nhà bà. Anh này cũng chẳng biết sợ ma quỷ, thánh thần, nên mặc ai khuyên can, tóm ngay con rắn lạ ở đền Cấm, to bằng cổ tay. Anh này cho vào túi vải, treo lên dây thép phơi quần áo ở ngoài sân, để hôm sau làm thịt mời bạn bè trong xóm đến nhậu. 

        Hôm sau, khi mở túi vải, thì điều kinh dị xảy ra trước mắt: Con rắn không thấy đâu, mà chỉ có con lươn đen sì, to bằng cổ tay. Anh Cường hãi quá, liền thả con lươn xuống hồ, rồi ốm bẹp giường chiếu cả tháng. Người nhà đã mời thầy, làm lễ rất nhiều lần ở đền Cấm, nhưng anh Cường  vẫn không được tinh khôn, nhanh nhẹn như xưa.

Đặc sản của vùng Đền Cấm Tuyên Quang

        Du khách đến Đền Cấm Tuyên Quang không chỉ chiêm ngưỡng, ngắm cảnh đền với dải núi non trùng điệp mà còn rất thích mua những sản vật của địa phương như: Mật ong rừng, măng khô, nấm hương, phấn hoa, gà chọi, gà mèo, gà tre, lợn lửng, cua đá, cơm lam, gạo nương; các loại rượu thuốc ngâm rễ mật gấu, sâm cau, sâm cò khỉ, tầm gửi nghiến. Nơi đây, còn có một đặc sản mà không nơi nào có đó là bánh củ chuối rừng được làm từ tinh bột củ chuối rừng trộn thêm bột gạo nếp. Nhân bánh có đỗ xanh, cùi dừa nạo, thêm một ít thịt mỡ luộc tẩm đường phơi khô. Ăn bánh có vị chua, ngọt, thơm của chuối rừng, ngậy bùi của nhân bánh. Đây là một loại bánh rất được các du khách ưa thích.


Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Đền Sinh - Ngôi đền kỳ lạ - Ngôi đền cầu con

Đền Sinh, hay còn gọi là đền Mẫu Sinh ở thôn An Mô (xã Lê Lợi, Chí Linh, Hải Dương) xưa nay được mệnh danh là nơi "ban con" rất linh thiêng cho những cặp vợ chồng không may vướng phải cảnh hiếm muộn. 

 

 

Cổng Đền Sinh

 

       Cách đó không xa, khoảng 1 km là đền Hóa tạo nên một quần thể di tích linh thiêng Đền Sinh, Đền Hóa đều thờ Thánh Phi Bồng. Đền Sinh là nơi ngài được sinh ra, đền Hóa là nơi ngài về trời.

     Đền Hóa, Đền Sinh là một phần của khu tâm linh Côn Sơn, Hải Dương.

Thần tích Thánh Phi Bồng

       Chuyện kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng hiếm muộn là Chu Thức và Hoàng Thị Ba, đã bước sang tuổi ngũ, lục tuần mà vẫn chưa có mụn con để nối dõi tông đường. Một hôm hai người ngủ tại chùa thì mộng thấy một vị sứ giả đến ứng mộng nói rằng: Ta là Sơn Thần, phụng sắc chỉ Ngọc Hoàng giáng trần báo cho vợ chồng ngươi biết là sau này sẽ có sao xuống đầu thai vào nhà ngươi để giúp dân, cứu nước! Sáng hôm sau, họ ra đến cửa chùa thì bỗng thấy một vết chân người rất lớn. Ông Chu ướm thử không vừa, bà Ba ướm vào thì tự nhiên vết chân biến mất, về nhà một thời gian sau thì bà Ba có thai, sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Hiện, tự Phúc Uy. 

 

Đền Trình trong Đền Sinh

 

       Phúc Uy 15, 16 tuổi đã văn võ song toàn. Năm 19 tuổi thì theo Lý Nam Đế đi dẹp giặc và được phong là Vũ Đại tướng quân và giao cho trấn giữ vùng Hải Dương, ông tử trận trong một trận chiến  và được người dân tôn kính lập đền thờ. Sau này, vua Lý Thái Tông đi qua Hải Dương, nhiều lần được thần Phi Bồng ứng báo, giúp đánh thắng giặc Chiêm nên đã ban sắc phong Yên Mô thành “Phấn Lôi” để tỏ lòng nghi nhớ công lao thần Phi Bồng.

Hậu cung kỳ lạ của đền Sinh - Thần tích về Thánh Mẫu Thạch Bàn

        Ngay trong gian hậu cung của đền Sinh có một phiến đá to được cho là mang hình của người phụ nữ đang lâm bồn, người dân cung kính gọi là Đức Thánh mẫu Thạch Bàn. Vì hình dạng phiến đá khá “tế nhị” nên những năm gần đây, nó được xây nhà bao quanh và che chắn cẩn thận, ít ai được trực tiếp mục sở thị. Nhưng hàng ngày, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết vẫn có rất đông du khách kéo đến đây, và chủ yếu với mục đích “cầu con”, bởi ngôi đền từ lâu được cho là rất linh thiêng trong “ban con” cho những người hiếm muộn.

 

Lối vào Đền Sinh

 

 

        Theo những người trông coi ngôi đền, trước đây phiến đá lộ thiên và những người xin con thì luôn cố gắng sờ vào vào để mong muốn thần phù hộ, nhưng mới đây, do thấy hình thú phiến đá khá “tế nhị” nên Ban quản lý khu di tích đã cho xây một ngôi nhà ba gian bao quanh phiến đá, đồng thời phủ một tấm rèm mỏng để che chắn cẩn thận, vì vậy người thăm viếng ít có dịp chiêm ngưỡng Đức Thánh mẫu Thạch Bàn. Phiến đá cao chừng hơn 3m, rộng khoảng 5m, có hình dáng như người phụ nữ đang nằm ngửa trong lúc lâm bồn. Trên đầu phiến đá có hình tròn tượng trưng cho đầu. Hai khối đá tròn nhỏ phía dưới được xem như là bầu ngực.

 

 

Khung cảnh trong đền Sinh

 

 

      Tiếp xuống là hai khối đá lớn, dài, có hình dáng giống hai chân đang co gập gối. Giữa hai phần đùi có hai khối đá nhỏ tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và một khối đá nhỏ khác được cho là hài nhi đang chui ra từ cửa bát nhã. Hai khối đá mé ngoài là bàn chân. 

 

Thần tích về Thánh Mẫu Thạch Bàn sinh ra Thánh Phi Bồng

     Ngày xưa, có đám trẻ con đang chơi dưới chân núi đền Sinh bây giờ bỗng nghe thấy có tiếng khóc bèn gọi nhau tới xem thì thấy một hài nhi dáng vẻ khôi ngô, thiên tư dĩnh ngộ ngồi ở chỗ hòn đá to bằng hai cái chiếu nứt đôi, tiếng khóc như chuông. Bọn trẻ thấy vậy lấy nón che đầu làm lọng rồi giữ tay nhau làm kiệu rước về làng. 

 

Đường lên miếu thờ Cô Bé Thạch Bàn trong Đền Sinh

 

 

      Đang đi bỗng nhiên mưa gió sấm chớp đùng đùng, cát bay, đá cuộn khắp nơi, hài nhi hét lên một tiếng rồi bay thẳng lên trời, chỉ nghe trên không trung có tiếng vọng lại “Ta là Phi Bồng Hạo Thiên Đại tướng quân giáng hạ”. Người địa phương lấy làm kinh hãi, bèn bảo nhau lập miếu thờ. Từ đó ở trang Yên Mô, trang Chi Ngãi cùng các trang lân cận làm ăn càng ngày càng phát đạt, già trẻ mạnh khoẻ vui tươi, nhiều người mơ thấy thần Phi Bồng hiện về an ủi dân chúng làm ăn. Vì thế người dân mới lập hai ngôi đền: Đền Sinh - nơi sinh ra thần Phi Bồng, cũng là nơi có phiến đá hình sản phụ đang sinh nở (gọi là Đức Thánh mẫu Thạch bàn) và đền Hóa – nơi Thần hóa về trời.

 

Sự linh thiêng trong cầu con ở Đền Sinh

        Cụ Phạm Văn Được là người có thâm niên viết sớ cầu con gần 20 năm tại cửa đền Sinh. Cụ Được cũng có thói quen ghi chép lại tên, tuổi, địa chỉ, thậm chí điện thoại liên hệ của những cặp vợ chồng mà cụ viết sớ cho. Thông thường, theo tục thì những cặp vợ chồng đến đây lễ xin con, nếu được thì sẽ phải quay lại làm lễ tạ và cụ cũng ghi chép lại thông tin về những người đến làm lễ tạ. Nhiều trường hợp khách ở xa, khi đậu thai chưa có điều kiện đến làm lễ còn gọi điện nhờ cụ làm lễ tạ giúp, khi nào có điều kiện sẽ tự đến tạ sau. Cũng nhờ việc ghi chép cẩn thận, cụ Được cho rằng đó chính là cơ sở để thống kê số ca “xin” được con. Cụ cho biết, bình quân mỗi năm có khoảng 70% số cặp vợ chồng đến xin con quay lại làm lễ tạ, có nhưng năm đột biến con số lên đến gần 100%. Như năm Quý Mùi (2003) có 365 trường hợp đến xin con thì có 325 trường hợp quay lại làm lễ tạ…

Miếu thờ Quan Sơn thần trong Đền Sinh

 

         Cụ Được cho biết mỗi người nhờ cụ viết sớ là một hoàn cảnh khác nhau, đa phần trong số họ là những cặp vợ chồng hiếm muộn, có những người có hoàn cảnh vô cùng éo le. Công việc viết sớ ở đền mang lại cho cụ thu nhập, nhưng đó cũng là niềm vui, cụ nói đùa rằng, nhờ viết sớ ở chân đền Sinh mà đến giờ cụ đã có người thân ở khắp mọi nơi. Có những cặp vợ chồng lấy nhau đã gần chục năm, suýt bỏ nhau vì chưa có con, thế mà đến đây lễ, ít lâu sau lại đến nhờ cụ viết sớ tạ. Có người xin một lần thì lần sau đã đến tạ, nhưng cũng có những người phải 4-5 lần mới được…


Đền Mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu  Đồng Đăng nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4 km.  Đền Mẫu Đồng Đăng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Đền còn gọi là "Đồng Đăng Linh Từ". Đây là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử.

Cổng Đền Mẫu Đồng Đăng

 

      Nơi đây, theo tương truyền là nơi gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, sau khi ông đi sứ Trung Quốc về.

 

       Không gian thờ của Đền Mẫu Đồng Đăng

 

       Đến đền Mẫu Đồng Đăng, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ kính và linh thiêng này, mà còn là cơ hội để du khách tách mình ra khỏi phố xá ồn ào, cuộc sống bon chen để tận hưởng những giây phút thư thái, thoải mái. Bên cạnh đó, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng hòa lẫn sự hùng vĩ nơi đây cũng sẽ đem cho du khách những cảm nhận tuyệt vời và ấn tượng khó phai.

 

Mặt trước Đền Mẫu Đồng Đăng

 

        Đền Mẫu Đồng Đăng có một Tam Quan vào hạng Tam Quan đẹp và hoành trang nhất các đền phủ ở Việt Nam. Đền Mẫu Đồng Đăng gồm có 5 gian thờ chính:

 

  • Phía trong cùng là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm.

  • Kế tiếp phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, nơi thờ Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ;

  • Tiếp theo là gian thờ Sơn trang gồm Chúa Thượng ngàn ở giữa, hai bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín;

  • Gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục;

  • Gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu….

 

Thần tích về Đền Mẫu Đồng Đăng

  

      Đền Mẫu Đồng Đăng là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Ngoài ra, nơi đây còn lưu truyền câu chuyện gặp gỡ cảm động giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan, khi ông vừa đi sứ Trung Quốc trở về.

 

Đền Mẫu Đồng Đăng ngày lễ đầu xuân

    Tục truyền rằng Liễu Hạnh khi giáng sinh lần thứ hai ở đất Phủ Dày, làm con ông bà Lê Thái Công và Trần Thị Phúc, có tên là Lê Giáng Tiên. Lê Giáng Tiên kết duyên với Trần Đào Lang và có hai con. Năm 1577, Giáng Tiên hóa, khi 21 tuổi.

     Giáng Tiên về trời đúng hạn định theo lệnh của Ngọc Hoàng. Nhưng khi nàng đã ở trên trời thì lòng trần lại canh cánh, ngày đêm da diết trong lòng nỗi nhớ cha mẹ, chồng con nên nàng muốn xuống trần gian lần nữa. Cứ như thế, thỉnh thoảng nàng lại hiện về, làm xong các việc rồi lại biến đi. Ròng rã hàng chục năm sau, cho đến khi con cái khôn lớn và Đào Lang công thành danh toại, nàng mới từ biệt để đi chu du thiên hạ.

 

Ngôi đền mẫu Đồng Đăng nhìn từ Tam Quan

    Trong những dịp hay ngao du sơn thủy đến các thắng cảnh của nhiều vùng. Đến Lạng Sơn, thấy bên núi có ngôi chùa phong cảnh hữu tình với những rặng thông xanh cao vút, những khóm nhược lan tươi đẹp nhưng lại bị cỏ lấp dấu chân, bia phủ rêu xanh, tượng Phật bụi mờ ít người qua lại vãn cảnh, Liễu Hạnh không vui. Nàng ngồi tựa gốc cây thông gẩy đàn, cất tiếng hát, ca ngợi thú sơn lâm và đón đợi Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, khi ông vừa đi sứ bên Trung Quốc về. Mượn chuyện văn thơ, đối đáp chữ nghĩa, nàng đã nhắc khéo ông Trạng Nguyên cho tu bổ lại ngôi chùa đẹp nhưng bị bỏ hoang nơi vùng biên ải này. Ngay sau cuộc hội ngộ, Phùng Khắc Khoan liền gọi các phụ lão ở nơi sơn trang đó, giao cho một khoản tiền để tu sửa lại ngôi chùa và đề một câu thơ ở hành lang bên tả rồi ra đi. Câu thơ ấy là: “Tùng lâm tịch mịch phất nhân gia”, nghĩa là rừng rậm yên tĩnh có nhà Phật.

 

Một cung thờ Tại Đền Mẫu Đồng Đăng

      Theo “Nam Hải Dị Nhân” của Phan Kế Bính thì Tiên Chúa Liễu Hạnh vân du đến miền xứ Lạng. Lúc Phùng Khắc Khoan đi sứ từ Trung quốc về đến Lạng Sơn ông thấy một cô gái xinh đẹp ngồi dưới ba cây thông trước sân chùa, vừa đàn vừa hát. Ông bèn lên tiếng ghẹo:  

Tam mộc sâm đình, tọa trước hảo hề nữ tử".

      Người con gái nghe vậy, đối ngay:  

"Trùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân".

      Phùng Khắc Khoan hết sức kinh ngạc vì không biết tại sao nàng lại biết mình đi xứ về, bèn ra vế đối tiếp: 

 Sơn nhân bàng nhất kỷ, mạc phi tiên nữ tâm phàm. 

      Có nghĩa:  Cô sơn nữ ngồi ở ghế, phải chăng là tiên nữ giáng trần.

      Cô gái đáp ngay: 

       Văn tử đới trường cân, tất thị học sinh thị trướng.   

       Có nghĩa: Ông nhà văn chít khăn dài, đích thị học sinh nhòm trướng.

      Phùng Khắc Khoan vô cùng khâm phục cô gái. Ông cúi đầu làm lễ, lúc ngẩng đầu thì cô gái đã lẩn mất. Chỉ thấy trên thân cây gỗ viết bốn chữ: "Mão khẩu công chúa" và kế bên tấm biển cũng có bốn chữ: "Băng mã dĩ tẩu". Phùng Khắc Khoan giật mình mới biết đó là Liễu Hạnh Công Chúa và có ý dặn Phùng Khắc Khoan phải tu sửa lại ngôi chùa.

 

Tam Quan nhìn từ trong đền nhìn ra

    Đền Mẫu Đồng Đăng có sự tích là như thế. Phung Khắc Khoan còn gặp lại Liễu Hạnh Công chúa lần thứ hai ở Tây Hồ. Phủ Tây Hồ hiện nay là nơi Phùng Khắc Khoan gặp gỡ Thánh Mẫu.

        Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng

         Hàng năm, lễ hội Đền Đồng Đăng vào ngày mùng 10 tháng giêng. Trước đây, lễ hội này còn gọi là lễ hội Lồng Tồng tức lễ hội xuống đồng của ba con vùng xứ Lạng.

 

Đền Mẫu Đồng Đăng ngày lễ hội

        Ngoài phần lễ thì phần hội có các trò chơi như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao. Đến với nơi đây, du khách còn được đắm mình trong văn hóa tâm linh, thắp hương cầu mong sức khoẻ, cầu tài, cầu một năm phát lộc, cầu cho quốc thái dân an.


NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...