Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Chầu bà bản đền

 Tên khác: Bản Đền công chúa hay Thủ điện công chúa 

  • Thân thế: Chầu là hiện thân của các vị thánh Mẫu tùy vào bản đền đó và địa phương mà Ngài thị hiện, vì vậy Chầu về đồng các màu sắc, thường người hầu Chầu thủ đền vào đầu năm thì mặc áo hồng khăn hồng, cuối năm thì mặc áo xanh khăn xanh.        
  • Hiện nay người ta không hầu và cũng không biết đến giá Chầu nữa nhưng văn Chầu thủ đền và một số nơi vẫn được lưu giá và hầu Ngài.

Chầu Bà Bản Đền là ai?

Bản Đền Công Chúa

Tên khác: Bản Đền công chúa hay Thủ điện công chúa

Thân thế: Chầu là hiện thân của các vị thánh Mẫu tùy vào bản đền đó và địa phương mà bà thị hiện, vì vậy Chầu về đồng các màu sắc, thường người hầu Chầu thủ đền vào đầu năm thì mặc áo hồng khăn hồng, cuối năm thì mặc áo xanh khăn xanh.

Bản Đền Công Chúa

Hiện nay người ta không hầu và cũng không biết đến giá Chầu nữa nhưng văn Chầu thủ đền và một số nơi vẫn được lưu giá và hầu bà.

Bản Đền Công Chúa


Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Hệ thống Tam Phủ Tứ Phủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

Hệ thống Tam Phủ Tứ Phủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có lịch sử hình thành, phát triển hơn nghìn năm theo dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam, hình thành lên một tín ngưỡng bản địa nội sinh đặc trưng.

Tục thờ hệ thống thần linh Tam phủ hay Tứ Phủ đều thể hiện đặc sắc đời sống tâm linh của người Việt xưa cho đến  ngày nay trở thành một nét đẹp trong văn hóa tinh thần đặc trưng riêng có của dân tộc. Để có cái nhìn toàn diện tổng thể về hệ thống Tam Phủ  Tứ Phủ bài viết dưới đây sẽ hệ thống hóa giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể trên dưới về các vị thánh trong hệ thống tam tứ phủ.

hệ thống tam phủ tứ phủ

Tam Phủ Tứ Phủ khác nhau như thế nào ?

Khi tìm hiểu về hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt chúng ta sẽ thấy mọi người nhắc đến khái niệm Tam phủ và Tứ phủ. Vậy Tam phủ, Tứ phủ ở đây là gì ? việc bố trí điện thờ và hệ thống thần linh cụ thể như thế theo từng phủ như thế nào ?

Tứ Phủ là gì ?

Tứ Phủ [四府] là nhánh tín ngưỡng thờ Mẫu tại miền Bắc, đồng thời là nhánh phổ biến nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Tứ Phủ bao gồm bốn “phủ” đại diện cho bốn miền trong vũ trụ.

  • Thiên phủ [天府]: miền trời, tượng trưng bởi màu đỏ.
  • Nhạc phủ [岳府]: miền rừng núi, tượng trưng bởi màu xanh lá.
  • Thoải (thủy) phủ [水府]: miền sông nước, tượng trưng bởi màu trắng.
  • Địa phủ [地府]: miền đất đai, tượng trưng bởi màu vàng. Ở đây tránh nhầm lẫn với “địa phủ” theo nghĩa “âm phủ”. Địa phủ trong Tứ Phủ là mặt đất nơi loài người sinh sống.

Mỗi vị thần thánh trong Tứ Phủ sẽ thuộc về một phủ, cai quản, quản lý những sự việc thuộc phủ đó. Trang phục của hầu hết các vị có màu sắc tương đồng với phủ của mình. Đại diện cho mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu.


Tứ phủ Vạn Linh

Tam Phủ là gì ?

Có hai cách hiểu về từ “Tam Phủ [三府]”

  • Về mặt lịch sử hình thành Tín ngưỡng thờ Mẫu – Tứ Phủ: Tam Phủ là khái niệm tiền thân của Tứ Phủ, bao gồm ba miền:
    • Thiên Phủ(màu xanh da trời)
    • Địa Phủ(màu vàng),
    • Thủy Phủ(màu trắng).
    • Sau này lối thờ Thượng Ngàn (Thanh Sơn Nhất Phái) được kết hợp thêm vào, gọi là Nhạc Phủ từ đó mà có Tứ Phủ.
  • Về mặt thứ tự: vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà Tứ Phủ Thánh Mẫu hay được thể hiện qua Tam Tòa Thánh Mẫu. Phần mối liên hệ giữa Tam Phủ và Tứ Phủ dưới đây sẽ trình bày một số giả thuyết lý giải điều này. Tựu trung lại, các giả thiết đều cho rằng khi nhắc đến Tam Phủ, thực chất là đã bao gồm Tứ Phủ.

Tam Phủ Công Đồng [三府公同] cũng là một cụm từ thường xuất hiện trong các lời cầu khấn, các khoa cúng. Cụm từ này có nghĩa là “hội đồng chung cai quản ba miền”. Đây có thể hiểu là hội đồng các thần thánh được cử ra để đại diện, cai quản những công việc trong ba miền.

Tam phủ Công Đồng

Tứ Phủ Vạn Linh là gì ?

Tứ Phủ Vạn Linh [四府萬靈] là một cụm từ thường xuất hiện trong các lời văn khấn, các khoa cúng, có nghĩa là “vô vàn (một vạn) chân linh của các vị thần thánh trong bốn miền.”

Theo khoa cúng và các bản chầu văn (hay còn gọi là hệ Tứ Tiên), tứ phủ bao gồm : Thiên – Địa – Thủy – Nhạc

  • Thánh Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên
  • Thánh Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên
  • Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Tiên
  • Thánh Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên

Theo thứ tự và danh hiệu phổ biến hiện nay của các vị Thánh tứ phủ : Thiên – Nhạc – Thủy – Địa

  • Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
  • Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
  • Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
  • Thánh Mẫu Đệ Tứ Địa Phủ

Tam phủ công đồng là gì ?

Tam Phủ Công Đồng [三府公同] cũng là một cụm từ thường xuất hiện trong các lời cầu khấn, các khoa cúng. Cụm từ này có nghĩa là “hội đồng chung cai quản ba miền”. Đây có thể hiểu là hội đồng các thần thánh được cử ra để đại diện, cai quản những công việc trong ba miền.

  • Trường hợp 1: Thiên – Địa đồng quy: trong trường hợp này, Mẫu Liễu Hạnh giữ vị trí là Mẫu Đệ Nhất, vừa là Mẫu Địa, vừa đại diện cho Mẫu Thiên Tiên.
  • Trường hợp 2: Nhạc Phủ và Địa Phủ đồng nhất: trong trường hợp này, Mẫu Đệ Nhị bao gồm cả Mẫu Nhạc Tiên và Mẫu Địa Tiên

Thứ tự các Phủ trong Tam phủ công đông cụ thể như sau:

  • Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
  • Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
  • Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Mối liên hệ giữa Tam Phủ Tứ Phủ

Có rất nhiều giả thuyết giải thích về mối liên hệ giữa Tam Phủ và Tứ Phủ, tuy nhiên khó xác định chính xác giả thuyết nào khả tín nhất. Sở dĩ như vậy vì các tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt hầu như chỉ được gìn giữ từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng mà không có tài liệu nào rõ ràng và ít được nghiên cứu, dưới đây là một số giả thuyết phổ biến hiện nay:

Tín ngưỡng Tam Phủ giao thoa với tín ngưỡng Sơn Trang

Tín ngưỡng thờ Tam Phủ (Thiên-Địa-Thủy) giao thoa với tín ngưỡng thờ Sơn Trang của các dân tộc vùng núi phía Bắc, hình thành nên Tứ Phủ. Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó bao gồm:

  • Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
  • Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên (Thánh Mẫu Liễu Hạnh)
  • Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Mẫu Thượng Ngàn được thờ riêng ở ban Sơn Trang

Thiên Địa đồng quy

Vì Thánh Mẫu Liễu Hạnh ngôi thần chủ vừa là Thiên Tiên vừa là Địa Tiên nên Mẫu đại diện và cai quản ngôi Thiên Phủ và Địa Phủ . Khi xuất hiện với tư cách đại diện này, Thánh Mẫu Liễu Hạnh sẽ có phục trang màu đỏ của Thiên Phủ, thay vì màu vàng của Địa Phủ. Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó bao gồm:

  • Thánh Mẫu Liễu Hạnh (tức Mẫu Địa Tiên và cũng là Mẫu Thiên Tiên)
  • Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
  • Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Địa Phủ và Nhạc Phủ đồng nhất

Theo quan điểm này:

  • Thiên Phủ thuộc cõi trên cao, miền thượng nguyên
  • Thoải Phủ thuộc cõi thấp nhất, miền hạ nguyên.
  • Địa Phủ và Nhạc Phủ đều là cõi ở giữa, miền trung nguyên, nơi con người sinh sống.

Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó bao gồm:

  • Mẫu Thượng Thiên
  • Mẫu Đệ Nhị: Mẫu Địa và Mẫu Thượng Ngàn
  • Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

-----

Sự phổ biến trong việc dùng “Tam Tòa Thánh Mẫu” để nói về Tứ Phủ Thánh Mẫu đến từ quan niệm từ xưa của người Việt Nam. “Tam tòa” không chỉ nói về số lượng chính xác, mà còn nói về sự bao quát, đầy đủ, hoàn chỉnh. Số ba xuất hiện rất nhiều trong lịch sử tâm linh, huyền học của nhân loại, chẳng hạn như Tam giới, Tam thời, v.v… Bên cạnh đó, người Phương Đông thường dùng số lẻ thay vì số chẵn, để thể hiện sự cân bằng âm dương vì số lẻ là tổng của một số lẻ và một số chẵn. Hình tượng Tam Tòa Thánh Mẫu vì vậy mà mang tính biểu tượng của quyền năng thâu tóm toàn vũ trụ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ phủ là tín ngưỡng tôn thờ toàn vũ trụ ( thiên địa thủy nhạc) trong đó có thờ cả nam thần và nữ thần; thiên thần và nhân thần. Các vị thánh trong hệ thống tam phủ hay tứ phủ theo cách phân chia nhưng đều là những vị thánh hiển tích dù ở miền xuôi cũng như miền ngược…..đều hộ quốc an dân, giúp dân giúp nước, được nhân dân tin tưởng thờ cúng phụng thờ trên hầu khắp các đền điện.

Dù theo góc nhìn Tam Phủ Tứ Phủ nhưng trong các phủ cao hơn hết là hình tượng Thánh Mẫu, người mẹ của tâm linh luôn có lòng bao dung độ lượng thương xót chúng sinh. Cửa Mẫu luôn rộng mở để chờ đón chúng ta, những khi vui hãy tìm đến Mẹ, lúc ta buồn hãy mở lòng tâm sự với Mẹ, Lúc khốn khó lại tìm đến mẹ để cầu xin mẹ che chở giúp đỡ chúng ta. Hãy an tâm trong cuộc sống bởi ta đã có mẹ, luôn có mẹ và mãi mãi có Mẹ

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Sự tích Quan Hoàng Mười

 Sự tích Quan Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An

Theo nhân gian kể lại Quan Hoàng Mười là nhân vật lịch sử có thật, ngài vâng lệnh vua cha giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cho đến tận ngày nay vẫn còn lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của Quan Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam.

“Trấn thủ Nghệ An Quan Hoàng Mười ngài trấn thủ Nghệ An
Về huyện Thiên Bản ngài được làm quan đất Phủ Dầy”

 

Quan Hoàng Mười  

Sự tích Quan Hoàng Mười ba lần giáng thế

Theo truyền thuyết, Ông Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh, ông giáng trần để giúp dân. Ông Hoàng Mười không chỉ vì ông là con trai thứ mười mà ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn). Không những là vị tướng xông pha chinh chiến nơi trận mạc, ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Với truyền thuyết về vị tướng “Tài đức vẹn toàn”

Tướng quân Nguyễn Xí là hiện thân của Quan Hoàng Mười


Sự tích này kể rằng, Quang Hoàng Mười ngài giáng thế làm tướng quân Nguyễn Xí người có công xông pha chinh chiến giúp vua Lê Thánh Tông dẹp giặc nhà Minh. Tướng Nguyễn Xí được vua trọng dụng, giao cho trấn giữ vùng đất quê nhà Nghệ An, Hà Tĩnh.

nguyễn xí

Tại nơi đây ông luôn hết lòng vì dân, lo cho dân. Ông đã từng mở kho cứu trợ tiếp tế, sai quân đốn gỗ làm nhà cho dân khi vùng này gặp hoạn nạn thiên tai. Trong một lần đi thuyền trên sông, thuyền của ông bị nhấn chìm bởi một trận phong bão và ông đã hóa ngay trên dòng sông Lam. Dân chúng biết tin liền đến bên đôi bờ sông Lam mà tỏ lòng thương tiếc, người người khóc thương vị quan hết lòng vì dân

Lúc đưa tiễn ông, bầu trời đang cơn cuồng phong bão táp bỗng chốc tan biến, nổi áng mây vàng ngũ sắc, thi thể của ông nổi lên mặt nước, sắc mặt hồng hào như người nằm ngủ. Khi dạt vào bờ, đất xung quanh bỗng bao bọc lấy di quan. Cùng lúc, trên nền trời bỗng xuất hiện mây ngũ sắc, kết thành xích mã (có bản nói là xích điểu), người ta tin rằng đây chính là các thiên binh thiên tướng đang xuống để rước ông về trời.

Vua Lê Thánh Tông hết lòng thương tiếc vị tướng tài, liền truy tặng ông hàm Thái sư cường quốc công và sai lập đền thờ ở Thượng Xá. Cảm kích trước tấm lòng đức độ của tướng Nguyễn Xí, người dân vùng này tôn ông làm Ông Mười (còn gọi là Ông Mười Củi). Với ý nghĩa số “mười” mang sự vẹn toàn đầy đủ, viên mãn, cũng giống như ông Mười là người văn võ song toàn, tài đức trọn vẹn. Mặt khác, ông cũng là người con thứ Mười của Đức Vua Bát Hải Động Đình. Sau này ông lại được các triều đại phong kiến của Việt Nam tặng nhiều  sắc phong mỹ tự, hiện còn 21 sắc phong của ông được ban tặng đều được lưu giữ tại đền thờ ông.

Quan Hoàng Mười giáng thế làm tướng Lê Khôi

Một sự tích khác cho rằng, Quan Hoàng Mười  hiện thân làm tướng Lê Khôi một khai quốc công thần của nhà Lê Sơ cũng là tướng lĩnh trong cuộc chiến Lam Sơn lẫy lừng. Sử sách còn ghi tướng Lê Khôi là cháu ruột của vua Lê Lợi, ông được vua giao chức trấn thủ Hóa Châu. Vừa hết lòng trấn thủ, giúp vùng an yên ấm no, ông còn luôn đem quân tiếp ứng cho vua dẹp loạn quân Bế Khắc Thiệu, quân Chiêm Thành,… và lập được nhiều công lao to lớn.

Trận đánh ải Khả Lưu, Lê Khôi cùng Lê Sát xông lên trận tiền, bắt sống đô đốc Chu Kiệt, chém tướng Hoàng Thành. Ông lại cùng Phạm Vấn, Lê Sát phá giặc Minh ở thành Xương Giang, bắt sống Hoàng Phúc và Thôi Tụ, dẹp yên giặc Ngô, khôi phục Đông Đô.

  • Năm Thuận Thiên thứ nhất 1428, ông được phong Bảo Chính công thần nhập nội thiếu úy.
  • Năm Thuận Thiên thứ 2 khắc biển công thần, đứng hàng thứ 2 trong bảng Đình Thượng hầu thập tứ nhân.
  • Năm Thuận Thiên thứ ba 1430, Thái Tổ Lê Lợi sai Lê Khôi trấn giữ châu Thuận Hóa, vì người Man quấy phá. Lê Khôi vào đây, dỡ bỏ trạm gác, dạy bảo dân trồng dâu cày ruộng, ngày đêm tập luyện quân sĩ, giữ vững bờ cõi biên cương. Lấy nhân đức cai trị. Đánh nhiều trận, bắt nhiều giặc, nhưng ông đều đối đãi tử tế, tha cho về. Giặc Chiêm vừa sợ vừa mến đức ông. Cống sứ Chiêm ra Bắc, đều ghé thăm ông. Cũng năm đó, Bế Khắc Thiệu, Nông Đức Thái bạo loạn ở Thanh Lâm, Thái Nguyên, Lê Khôi đem quân hợp binh cùng Lê Lợi đánh, bắt bọn Thiệu. Vua Lê tặng kim phù và áo bào.
  • Năm Thuận Thiên thứ sáu, vua bệnh nặng, gọi Lê Khôi vào cung, bàn việc truyền ngôi cho Nguyên Long. Ông một lòng giúp Lê Thái Tông việc nước.
  • Năm Thiệu Bình thứ tư 1437, Lê Thái Tông cho ông làm Nhập nội tư mã, tham dự chính sự, coi việc quân ở đạo Hải Tây (Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa).
  • Đến năm Thiệu Bình thứ sau 1439, Lê Khôi đánh Ai Lao, bắt sống tướng Man là Đạo Mông.
  • Năm Đại Bảo thứ nhất 1440, theo vua đánh Thuận Hóa.
  • Năm Đại Bảo thứ hai, ép tù trưởng Man Nghiễn ra hàng. Khuất phục Thuận Hóa. Công lao quá lớn, được phong Nhập nội đô đốc. Phạm việc nhỏ to, vua đều hỏi ông mới quyết định.
  • Sau này, vì việc riêng, mà ông bị cách chức. Ông về nhàn cư ở nhà, vui vầy với dân làng, không bất mãn oánh trách.

Lê Nhân Tông lên ngôi, coi ông là bậc nguyên thần cũ, nên năm Thái Hòa thứ nhất 1448, vời ông ra làm Nhập nội thiếu úy, coi việc phủ Nghệ An.

Sử chép, khi Lê Khôi quay về trấn Nghệ An, nhân dân đứng đón ông chật hai bên đường. Chỉ vài năm chính sự được công bằng, kiện cáo được xét xử thỏa đáng, mùa màng tốt tươi, dân yên vật thịnh, tiếng ca tụng ân đức của ông lan truyền từ thành thị đến làng xã ngõ vắng. Tính ông bình dị, gần dân nên được nhân dân cả vùng yêu mến tin tưởng.

  • Năm Thái Hòa thứ hai 1449, chúa Chiêm Thành là Bí Cái dốc hết lực lượng trong nước ra cướp thành Châu Hóa.
  • Năm Thái Hòa thứ ba lại đem quan đánh thành An Dung (thuộc Châu Hóa). Lê Nhân Tông sai quan tư đồ Lê Thận (Nguyễn Thận), đô đôc Lê Xí (Nguyễn Xí) đem quân đánh dẹp, sai Lê Khôi đem quân đi tăng viện. Chiêm Thành thua to phải bỏ chạy về nước. Vua phong Lê Khôi là Nhập nội tham dự việc quan trọng triều chính, nhưng vẫn giữ trấn Nghệ An.
  • Năm Thái Hòa thứ tư 1451, Lê Nhân Tông sai đô đốc Lê Khả (Trịnh Khả) đánh dẹp phương Nam, Lê Khôi đem quân bản bộ tiến trước. Khi đến đất địch, tướng giặc biết có quân Lê Khôi bè gọi sang hỏi: “Có phải Tư Mã đến đấy không?”. Ông bèn bỏ mũ trị ra cho giặc nhìn thấy mặt. Giặc đều xuống ngựa lạy xin hàng, nộp cống vật địa phương. Quân Lê Khôi đi đến đâu giặc tan đến đó. Ông đánh vào tận thành Đồ Bàn, bắt chúa Chiêm là Bí Cái, rồi mới thu quân về.

Trên đường về, Lê Khôi bị bệnh nặng và mất ở chân núi Long Ngâm, gần cửa biển Nam Giới, tức địa danh Hà Tĩnh, cách không xa Hưng Nguyên thuộc Nghệ An bây giờ. Quân sĩ thương xót, kêu khóc vang trời dậy đất, vua bỏ triều ba ngày, sai quan đến phúng điếu, tăng chức Nhập nội đô đốc.

Tướng quân Lê Khôi hiện thân của Quan Hoàng Mười

Tướng quân Lê Khôi hiện thân của Quan Hoàng Mười

Các tài liệu cổ cũng như dân gian ở Thọ Xuân còn ghi rõ, người dân đất Hoan Châu (Nghệ An) bây giờ thương tiếc và nhớ ân đức của ông nên lập miếu thờ phụng.

  • Lê Khôi là người làng Lam Sơn (Lương Giang, nay là làng Cham, thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ông là em Thái úy Lê Khang, con Hoàng Dụ Vương Lê Trừ, gọi Lê Thái Tổ là chú ruột.
  • Năm Quang Thuận thứ tư 1463, triều vua Lê Thánh Tông, con trai ông làm nhập nội Đại hành khiển tâu xin dựng bia ở Nam Giới (Hà Tĩnh giờ) để ghi sự tích. Vua sai thượng thư Nguyễn Như Đỗ soạn văn bia để khắc và được tấn phong Chiêu Trưng Vương.

Ở Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) có tới 7 ngôi đền thờ Quan Hoàng Mười (chỗ ông Lê Khôi khi mất), còn Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An), thì có một ngôi đền rất to. Đền này xây dựng về sau, từ năm 1634, mãi gần 200 năm sau khi tướng Lê Khôi mất. Đền đổ nát, đến tận 1995 mới xây dựng lại, được thổi lên nhiều huyền thoại mới nổi tiếng như hiện nay.

Sự tích Quan Hoàng Mười giáng thế làm Lý Nhật Quang

Một dị bản giải thích cho sự tích Quan Hoàng Mười ghi chép rằng, ông hóa thân làm Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Lý Nhật Quang là anh em cùng cha khác mẹ với vua Lý Thái Tông.

Từ nhỏ, Lý Nhật Quang nổi tiếng thông minh lỗi lạc, được vua cha dạy bảo nghiêm minh để trở thành rường cột nước nhà. Lớn lên, ông được cử vào châu Nghệ An lo việc thu thuế. Ông làm việc cần mẫn, thanh liêm, chính trực, được nhân dân tin tưởng và sau đó được phong chức tri châu Nghệ An. Nhờ có ông, cuộc sống ở Nghệ An đang hỗn loạn, phức tạp trở thành nơi có kỷ cương phép tắc, bách tính ổn định sinh sống.

Không những vậy, Lý Nhật Quang còn góp công không nhỏ trong việc xây dựng trại Bà Hòa. Nhờ có trại kiên cố vững chắc, vua và quân yên tâm chiến đấu và đã đánh chiếm được Chiêm Thành.

Được vua phong tước Vương, ông vẫn hết sức quan tâm đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế đất nước. Ông đã hướng dẫn nhân dân dệt lụa, dệt vải, làm nông,… và trở thành tổ sư của nhiều nghề thủ công nghiệp tại Nghệ An. Với con mắt của danh tướng có tầm nhìn chiến lược sâu sắc, ông đã trấn an lòng dân, khai đất khẩn hoang, tạo dựng các tiềm năng thế mạnh để giữ gìn và phát triển bờ cõi đất nước.

Lý Nhật Quang

Tượng thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Khi mất, ông được nhân dân hai vùng Nghệ An, Hà Tĩnh lập đền thờ phụng ở rất nhiều nơi để bày tỏ công ơn, ghi dấu sự tích đền ông Hoàng Mười.

Trên đây, ban biên tập xin đưa ra ba sự tích về Quan Hoàng Mười, chúng tôi không bình luận cái nào đúng và cái nào sai, mà chỉ là tổng hợp lại những quan điểm hiện đang còn lưu truyền trong dân gian về vị thánh hoàng nổi tiếng lừng danh bậc nhất trong tứ phủ này.

Hầu giá Quan Hoàng Mười

Quan Hoàng Mười được coi là một trong hai vị Quan Hoàng hay về ngự đồng nhất, do ông là người được  Mẫu giao đi chấm lính nhận đồng. Những người sát căn ông Mười thì thường hào hoa phong nhã, văn võ song toàn đặc biệt là văn chương rất giỏi. Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo vàng có thêu rồng uốn lượn thành chữ Thọ. Đầu đội khăn xếp thắt lét vàng, kim cài lệch màu vàng kim. Ông ngự về tấu hương rồi khai quang. Sau đó, ông múa cờ chinh chiến, có khi lại ngâm thơ, cũng có lúc ông lại lấy dải lụa vàng như đang cùng người dân kéo lưới trên sông Lam, tượng trưng cho việc kéo tài lộc về cho bản đền. Giống như ông Bảy, ông Mười cũng cầm cây hèo cưỡi ngựa đi chấm đồng.

Quan Hoàng Mười

Khi lễ ông, người ta thường dâng đọi chè xanh, miếng trầu, thuốc lá là những đặc sản quê hương Nghệ An để ông ngự vui, cùng những điệu hò xứ Nghệ mượt mà say đắm dâng ông.

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Sự tích Quan Hoàng Bát

 Sự tích Quan Hoàng Bát Nùng Chí Cao đất Cao Bằng

Quan Hoàng Bát là vị thánh hoàng thứ tám trong hàng Thập Vị Thánh Hoàng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Và người anh hùng Nùng Chí Cao đất Cao Bằng được cho là hiện thân của Quan Hoàng Bát, ông là vị anh hùng nổi tiếng được nhân dân trong vùng đặc biệt là người Tày Nùng phụng thờ do đã có công đuổi đánh quân Tống bảo vệ biên cương bờ cõi, sự bình yên cho nhân dân ta.

“Gương anh dũng ngàn xưa lưu để
Đất Cao Bằng tú khí chung linh
Trời Nam có Đức Thánh linh
Họ Nùng – Đệ Bát anh linh tuyệt vời”

Quan Hoàng Bát Nùng Chí Cao

Quan Hoàng Bát Nùng Chí Cao

Sự tích Quang Hoàng Bát Nùng Chí Cao

Trong số Thập Vị Thánh Hoàng của Tứ phủ, Quan Hoàng Bát xếp hàng thứ tám, trước Quan Hoàng Chín Cờn và sau Quan Hoàng Bảy Bảo Hà, ngài là một nhân vật có thật trong lịch sử, là một vị tướng tài,  anh hùng dân tộc của dân tộc Tày – Nùng ở miền đất Cao Bằng thượng cổ.  Quan Hoàng Bát Nùng tên thật là Nùng Chí Cao, ngài sinh sống vào khoảng thế kỷ XI dưới thời vua Lý Thái Tông. Ông là con thủ lĩnh Nùng Tôn Phúc và bà A Nùng. Năm Tân Tỵ, vua Lý Thái Tông cử một tướng ẩn danh lên thuyết phục Nùng Trí Cao không theo nhà Tống. Ngài được người Tày ở vùng đất Quảng Nguyên, tức Cao Bằng ngày nay suy tôn làm thủ lĩnh. Sau này, ông còn được nhà Lý phong làm Thái Bảo tướng quân và giao trọng trách trấn giữ, bảo vệ bình an cho vùng đất biên cương Cao Bằng.

Trong cuộc đời chinh chiến của mình, vị tướng quân này đã lập nhiều chiến công hiển hách, lãnh đạo quân và dân Quảng Nguyên chống lại nhiều cuộc tấn công quy mô của giặc Tống.

Trong cuộc kháng chiến chống Tống lần 2 của quân và dân Đại Việt, thủ lĩnh Nùng Trí Cao đã phối hợp ăn ý với quân đội triều đình cúng tấn công đánh phủ đầu kho lương thảo của giặc ở Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu thuộc đất lưỡng Quảng, sau đó rút về chỉ huy quân và dân Cao Bằng lập phòng tuyến chống giặc ngoại xâm. Khi giặc Tống xâm phạm bờ cõi Đại Việt vào năm 1075, Ông Hoàng Bát Nùng đã anh dũng lãnh đạo quân dân địa phương chiến đầu ngăn bước tiến của địch, tạo thêm thời gian cho quân đội triều đình xây dựng phòng tuyến trên sông Như Nguyệt. Ông nhiều lần bị thương nặng nhưng cũng lập được nhiều chiến công vang dội, góp phần không nhỏ cùng quân và dân Đại Việt làm nên chiến thắng hiển hách vào mùa xuân năm 1077. Để tưởng nhớ công lao to lớn đó của ông, sau khi ông mất, người dân trong vùng đã lập đền thờ ông và suy tôn ông là Quan Hoàng.


Theo “Đại Việt sử kí toàn thư”, Nùng Trí Cao là con của ông Nùng Tôn Phúc – Thủ lĩnh châu Thảng Do.

  • Năm 1038, Nùng Tôn Phúc chiếm châu Vũ Lặc và Quảng Xương, xưng ” Chiêu Thánh hoàng đế”, lập nước Trường Sinh, phong vợ làm Minh Đức hoàng hậu, phong con cả Trí Thông làm Điền Nha Vương, đồng thời sắm sửa vũ khí, xây dựng thành trì.

  • Năm 1039, vua Lý Thái Tông thân chinh đem quân đánh Nùng Tôn Phúc, bắt ông và con trai cả về kinh xử tử.Nùng Chí Cao cùng mẹ chạy đến động Lôi Hỏa, phía Tây Bắc Cao Bằng thuộc địa phận tỉnh Quảng Tây Trung Quốc.

  • Năm 1041, hai mẹ con ông từ động Lôi Hỏa về chiếm Thảng Do, chiêu tập lực lượng, ;lập nước ĐẠI LỊCHTriều đình nhà Lý mang quân lên đánh, bắt Nùng Trí Cao về kinh đô nhưng không trị tội mà còn cho ông coi giữ châu Thảng Do, đồng thời cai quản thêm các động Lôi Hỏa, Bình An, châu Tư Lang và được phong làm châu mục Quảng Nguyên.

  • Năm 1043, vua Lý Thái Tông sai Ngụy Trưng đến châu Quảng Nguyên, phong cho ông tước Thái Bảo, một chức quan cao cấp thời Lý.

  • Năm 1048, Nùng Trí Cao nổi dậy ở đông Vật Ác ( thuộc đất Tống).

  • Năm 1050, Ông chiếm được động Vật Dương ( thuộc đất Tống), lập nước NAM THIÊN, đặt hiệu Cảnh Thụy.

  • Năm 1052, sau khi dâng biểu xin cống vua Tống không được, ông đã dẫn 5000 quân tiến đánh Ung Châu, sau đó xưng NHÂN HẬU HOÀNG ĐẾ, đỏi niên hiệu là KHẢI LỊCH, đặt quốc hiệu ĐẠI NAM.

  • Năm 1053, Địch Thanh viên tướng nhà Tống, dẫn quân đánh Nùng Trí Cao, nhà Lý sai Vũ Nhị tiếp ứng, nhưng do tình thế không cứu vãn nổi nên cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao chấm dứt.

Nhắc đến Ông Hoàng Bát Nùng, nhiều người thường bị nhầm lẫn với Ông Hoàng Bắc Quốc vì hai ông đều được gọi là Quan Hoàng Bát và đều là những vị tướng tài có thật trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, thực tế ông Hoàng Bắc Quốc lại là người đất Kinh Bắc và hoàn toàn không có liên hệ với ông Hoàng Bát Nùng.

Đền thờ của ông Hoàng Bắc Quốc cũng nằm tại Bắc Giang, cách xa đền ông Hoàng Bát Nùng tới tận trăm cây số. Vì thế du khách đi lễ đền Ông Hoàng Bát cần phân biệt rõ hai vị quan Hoàng này.

Hầu giá Quan Hoàng Bát Nùng

Quan Hoàng Bát Nùng là một trong các thánh hoàng rất ít khi về ngự đồng. Chỉ những người mang căn lục bộ mới có thể hầu Ngài. Khi về ngự đồng, ngài thường mặc y phục màu vàng, khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi ghệt chân ghệt tay, mạng chéo, làm lễ tấu hương, khai quang, múa đôi trùy đồng (múa cờ, kiếm) và múa võ. Khi ngự đồng ông cũng hút tẩu và thuốc cuốn.

Đền thờ Quan Hoàng Bát

Thái Bảo Nùng Chí Cao là một biểu tượng dũng tướng của Việt nam và là niềm tự hào của người dân Cao Bằng. Đền thờ chính thờ ngài là Đền Kỳ Sầm gần thị xã Cao Bằng. Ngài hầu Mẫu thượng đồng đẳng, làm việc lục bộ nội chính.

Tiệc Quan Hoàng Bát

Chính tiệc là ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm.

Bản văn Quan Hoàng Bát

Gương anh dũng ngàn xưa lưu để

Đất Cao Bằng tú khí chung linh

Trời nam có đức thánh linh

Họ Nùng đệ bát hùng anh tuyệt vời

Giận bạo chúa bao đời áp bức

Thù ngoại xâm Tống giặc cường hung

Thề rằng không độ trời chung,

Tuốt gươm quét sạch thù trong giặc ngoài.

Dù trăm trận mưa rơi sấm giật

Đôi trượng đồng dạy đất trời long

Bát Nùng nối nghiệp gia phong

Noi gương tiên tổ – họ Nùng – Trí Cao.

Ông Bát Nùng ra vào sinh tử

Trượng tung bay tuyết phủ hoa khai

Sá gì đạn lạc tên rơi

Trên đời hồ dễ mấy ai anh hào.

Thân bách chiến ra vào sinh tử

Đôi thần trùy nhẹ tựa hồng mao

Trần hoàn nhẹ gánh gian lao

Cõi trời do sổ Thiên Tào có tên.

Rước ông Bát về miền tiên giới

Đất Cao Bằng nhớ lại công ơn

Nhân dân thờ phụng khói hương

Nhớ người tráng sĩ hiên ngang anh hùng.

Thưở niên thiếu kiếm cung yên ngựa

Sinh vì đời, thác trợ muôn dân

Oai linh lẫm liệt thánh thần

Một lòng vì nước vì dân vì đời.

Gương anh khí sáng ngời muôn thuở

Trí hào hùng rạng rỡ non sông

Vinh quang thay giòng giống Lạc Hồng

Ngàn thu còn nhớ ông Bát Nùng Trí Cao

Thơ Lý Bạch anh hào ví sánh

Rượu Lưu Linh buồn tính vui say

Thừa nhàn bạch định thiên khai

Cờ thiên đế thích mộ tài tri âm

Kèn sáo trúc bổng trầm họ Lá

Lục huyền cầm Tử Bá nam xuân

Liên tâm ba chén tẩy trần

Thanh hương bình ngọc kỳ trân đượm mùi

Hồn quốc túy ấm lòng quân tử

Thú yên hà duyên nợ núi sông

Ngàn xưa tuyết nguyệt hoa phong

Thuốc lào Tiên Lãng ấm lòng thế gian

Khói thoảng ngát hương lan thú thảo

Thú phong lưu Vĩnh Bảo – Hải Đông

Sập vàng điếu ống thung dung

Ngự về trần thế đèn lồng kiệu hoa

Ai thành kính tại gia phụng sự

Thỉnh Ông về giá ngự đền trung

Xưa nay tắc tự hữu công

Dâng văn kính thỉnh Ông Bát Nùng Trí Cao.

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Sự tích Quan Hoàng Bảy

 7 Sự tích Quan Hoàng Bảy vị thánh hoàng lừng danh đất Bảo Hà

Quan Hoàng Bảy là vị thánh hoàng nổi tiếng lừng lẫy đất Bảo Hà, Vậy Quan Hoàng Bảy là ai ? sự tích Quan Hoàng Bảy như thế nào và đền chính thờ Quan Hoàng Bảy ở đâu ? hy vọng qua bài viết này giúp bạn đọc có thể tự trả lời cho các câu hỏi được quan tâm này.

Hoàng Nhắn ai lên đất bảo Hà
Nếm mùi phong nguyệt ấy là thần tiên
Cõi Bắc địa còn truyền cổ tích
Hoàng Bảy Bải Hà thực đích trung quân
Sinh thời làm tướng trung thần
Mán nùng sơn trại muôn dân quy đầu

Văn khấn Quan Hoàng Bảy

Điện chính thờ Quan Hoàng Bảy trên Đền Bảo Hà


Quan Hoàng Bảy là một nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam, còn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, ông là một trong những vị thánh được người trong và ngoài đạo nhắc đến nhiều nhất. Trong Tứ phủ thánh Hoàng, ngài đứng thứ bảy sau Quan Hoàng Lục An Biên và đứng trước Quan Hoàng Tám Bát Nùng. Ngài là một trong mười vị Quan Hoàng trong Tứ phủ Quan Hoàng được nhân dân  tôn kính phụng thờ hầu khắp các đền điện phủ trong hệ thống thờ Mẫu đều có ban thờ Ngài.

  • Tên húy của ngài: Nguyễn Hoàng Bảy.
  • Sắc phong tước hiệu: Thượng Đẳng Thần.

Sự tích Quan Hoàng Bảy

Sự tích Quan Hoàng Bảy Bảo Hà có khá nhiều dị bản khác nhau. Tuy nhiên, theo các tài liệu có sự đáng tin thì sự tích về Quan Hoàng Bảy được kể lại như sau:

Quan Hoàng Bảy hay thường gọi là Ông Bảy Bảo Hà. Ông là con Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh vua, ông giáng hạ phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, vào cuối thời Lê.  Vào triều Lê Cảnh Hưng (1740- 1786), tại vùng Bảo Hà và biên cương phía Bắc, có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá. Triều đình bèn cử viên tướng thứ bảy họ Nguyễn chính là Quan Hoàng Bảy lên trấn thủ vùng Quy Hoá. Danh tướng họ Nguyễn đưa đội quân tiến dọc sông Thao đánh đuổi bọn giặc cỏ, giải phóng Khảu Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn, cũng vì lý do này dân gian gọi ông là Quan Hoàng Bảy Bảo Hà.

Đối với giặc ngoại xâm, tướng Nguyễn Hoàng Bảy đánh đâu thắng đó, phá tan thế giặc ngoại xâm. Đối với nội bộ, tướng Nguyễn Hoàng Bảy đã có công thống nhất các thổ ti, tù trưởng, thổ hào quanh vùng đoàn kết quanh ông thanh một khối đoàn kết thống nhất. Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hoá (Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Tại đây ông đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… và trấn giữ vùng biên ải nơi Bảo Hà, Lào Cai. Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp.

Sự tích Quan Hoàng Bảy

 

Sau này trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, quyết không đầu hàng, cuối cùng, không làm gì được, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông Hồng. Kì lạ thay, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại. Còn một điều kì lạ nữa là khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội.

Sau này khi hiển linh ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một Ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn hết mực hộ quốc an dân, ông luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc_ Quan Hoàng Bảy Bảo Hà”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng, hóa thánh vào hệ thống Thánh Hoàng trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu.

Đền thờ Quan Hoàng Bảy ở đâu ?

Đền chính thờ Quan Hoàng Bảy là ngôi đền Bảo Hà được lập tại nơi năm xưa di hài của ông lưu lại, nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Năm 1977, đền Bảo Hà được chứng nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Đền Bảo Hà chính thờ Quan Hoàng Bảy

Cổng đền Quan Hoàng Bảy Bảo Hà

Ngôi đền cách thành phố Lào Cai 60km và cách ga xe lửa Bảo Hà 900m, hiện đã được tu sửa để thuận tiện cho du khách hành hương. Phong cảnh nơi đây vô cùng thơ mộng, bình yên, rừng núi bao quanh xanh một màu. Đối diện với dòng sông Hồng, lưng tựa vào núi, ngôi đền này được cho là mang phong thái ung dung đĩnh đạc của quan Hoàng Bảy. Cũng là di sản chứng minh cho sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc văn hóa truyền thống với quan cảnh thiên nhiên vĩ đại.

Bản văn Quan Hoàng Bảy

Văn Quan Hoàng Bảy

Gió nam thoảng đưa hương bay ngào ngạt

Bóng ác tà đã gác non tây

Trăng in mặt nước vơi đầy

Bảo Hà có tích xưa nay còn truyền

Quan Hoàng Bảy trần miền Băc địa

Hợp binh hùng lục thuỷ Thao Giang

Quân cơ mưu lược luận bàn

Doang trung thường có hai hoàng vào ra

Quan Hoàng Bẩy Bảo Hà chính vị

Cùng tướng công đệ nhị Hoàng Hai

Can qua dâu bể biến dời

Anh hùng xưa đã ra người cung tiên

Nhớ công đức lập đền phụng sự

Thổ, Mán, Nùng tiên nữ dâng hoa

Thú vui điếu khách bàn trà

Phong lưu thuốc cống Bảo Hà dâng ông

Hoàng hoa tửu khăn hồng gối xếp

Ngự tính tình phong nguyệt hoạ ca

Nhắn ai lên đất Bảo Hà

Nếm mùi phong nguyệt ấy là thần tiên

Cõi Bắc địa còn truyền cổ tích

Quan Bảo Hà thực đích trung quân

Sinh thời làm tướng trung thần

Tấc lòng yêu nước thương dân hãy còn

Dẫu bể cạn non mòn cũng quyết

Thử ra tài cho biết oai danh

Bao phen lẫm liệt tung hoành

Định an xã tắc đề binh cõi ngoài

Đất Lào Cai là nơi dụng võ

Quyết ra tay đội ngũ tiến công

Biên cương súng nổ đùng đùng

Sa trường sương núi máu sông chẳng nề

Đem quân về Thất Khê phòng thủ

Đền Bảo Hà lạc thú huê viên

Mãn tuần chiếu hạc hồi thiên

Tấm thân thoát lánh nghiệp duyên cõi trần

Bỗng một trận sầu vân ám kết

Hiện chân hình dạo Bắc hết Nam

Vui cùng nước biếc trăng ngàn

Tốt tươi quả lạ trăng vàng đìu hiu

Độ dân xã ngày Nghiêu tháng Thuấn

Cõi Việt Nam Bắc trấn oai danh

Từ bi cải dữ làm lành

Chọn ngươi nữ tú nam thanh chấm đồng

Kẻ xuôi ngược dưới sông trên bộ

Ai khẩn cầu tế độ thì qua

Hoàng về trắc giáng điện toà

Hộ trì đệ tử vinh hoa thọ trường.

Bài văn phú về Quan Hàng Bảy

Trần ai tri kỷ

Khách tài tình hồ dễ mấy ai hay

Cõi nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày

Say cũng luỵ không say thời cũng tục

Khoảng trời đất dọc ngang ngang dọc

Nợ tang bồng vay trả trả vay

Trái càn khôn hun đúc vững bền tay

Kho vô tận không xoay mà vẫn đủ

Giáo trăm trận xông pha ngoài huyệt hổ

Khách tài tình còn nợ thú phong lưu

Bóng hoa đăng soi tỏ mặt anh hào

Dẫu khanh tướng cũng siêu siêu mùi thế vị

Ai đã biết trần ai tri kỉ

Có hay lòng tráng sĩ lúc đêm xuân

Sáo vi vu gió đục mây vần

Cho bõ lúc tang bồng non với nước

Gió xuân thổi hương bay ngào ngạt

Vẳng cung đàn khúc hát gợi hồn xuân

Tài tình hỡi khách thi nhân

Vậy có thơ rằng:

Trù hoạch quân cơ tạm đắc nhàn

Nung gan thành sắt luyện tiên đan

Vi vu sáo trúc trời mây khói

Kỳ cục thâu canh đất nổi hoàng

Tuệ nhật sáng soi lòng dũng kiệt

Cương thường nặng gánh dạ sắt son

Ấy mùi phong nguyệt là thế thế

Giục ả phù dung Cuốc gọi hồn

Nẩy kiều:

Đượm mùi phong nguyệt nước non non

Đê mê quốc tuý quốc hồn xưa nay

Phù dung hồn hiện đau đây

Dường như ngọn cỏ cành cây la đà

Hay còn đắm nguyệt say hoa

Mau ra tiêm thuốc pha trà Quan Hoàng Bảy xơi

Ông bảy là:

Con Vua Thượng Đế Đức Vua cha

Giáng tại sơn lâm trấn Bảo Hà

Diện mạo hồng hào tươi vẻ ngọc

Dung nghi tươi tốt khác nào hoa

Khi vui cung kiếm khi đàn hát

Nhã thú nhã yên lúc ẩm trà

Say thơ say phú say câu hát

Say nợ tang bồng tỉnh lại say

Say tình non nước câu kim cổ

Say với non sông chuyện tháng ngày

Khách trần hồ dễ ai hay

Tang bồng hồ thỉ hẹn ngày vinh hoa

Tuyết trắng trăng trong ,hoa thơm gió mát

Mượn cung đàn câu hát,diễn hồn thơ

Man mác không gian ,hương đưa khói toả

Chí tang bồng muôn ngả khắp mọi nơi

Trong vũ trụ rộng không thế giới

Giấc mơ màng cõi ấy bồng lai

Cảnh u nhàn tùng cúc trúc mai

Nơi tĩnh mịch thú riêng người biết thú

Nâng chén rượu ngâm câu thơ cổ

Phải chăng hồn Lý, Đỗ còn đây

Rượu bồ đào,nhấp cạn chưa say

Trà long tỉnh ,hương bay thoang thoảng

Hát nhịp một:

Nhắn ai lên đất Bảo Hà

Nếm mùi phong nguyệt đó là cảnh tiên (Xáng u xáng u lưu phàn)

Hỏi rằng mói gặp đào nguyên

Yên hà mới gặp cảnh tiên nơi phàm trần (Xáng u xáng u lưu phàn)

Cỏ cây hoa lá tần ngần

Hoa đào năm ngoái mười phần kém xa (Xáng u xáng u lưu phàn)

Phàm trần phút gặp người tiên

Lạ thay Lưu,Nguyễn cũng duyên tình cờ (Xáng u xáng u lưu phàn)

Cung trăng ai hẹn bao giờ

Vì đường đi hái thuốc tình cờ gặp tiên (Xáng u xáng u lưu phàn)

Lâng lâng rũ sạch ba nghìn

Một ngày đệ tử cũng duyên nợ nhiều (Xáng u xáng u lưu phàn)

Giang tay mở khoá động đào

Rẽ mây cho tỏ lối vào Bảo Hà Sơn (Xáng u xáng u lưu phàn)

Non xanh ai đúc nên bầu

Trần gian ai dễ được hầu mà theo (Xáng u xáng u lưu phàn)

Xanh xanh toà đá phủ rêu

Ai người có phúc được theo Ông Bảy Bảo Hà (Xáng u xáng u lưu phàn)

Văn Thập nhị tiên nàng hầu Quan Hoàng Bảy

Lệnh sai thập nhị tiên nàng

Cô nào việc ấy sửa sang ra hầu

Cô Cả pha nước trà tàu

Sơn lâm vừa ý gật đầu ban khen

Cô Đôi dâng bộ khay đèn

Xe ngà tẩu sứ móc tiêm nạm vàng

Cô Ba dâng hộp thuốc ngang

Thế là vừa ý ông Hoàng sơn lâm

Cô Tư đốt đỉnh nhang trầm

Ngọn đèn khêu tỏ tay cầm móc tiêm

Cô Năm dâng hộp bánh nguyên

Kẹo lạc thuốc cống, cảnh tiên ai bì

Cô Sáu tính nết nhu mì

Dâng con tuấn mã, Hoàng đi chấm đồng

Cô Bảy nảy khúc đàn thông

Miệng ca tay múa năm cung nõn nà

Cô Tám dâng chiếc lược ngà

Hai tay chải chuốt thật là khéo thay

Cô Chín yểu điệu ai tày

Ngày ngày dâng một đôi giày hầu ông

Cô Mười thắt đáy lưng ong

Canh ba giờ tí lồng đèn bước ra

Cô Mười Một quạt nước pha trà

Ấm tiên bình ngọc,tay ngà dâng lên

Cô Mười Hai múa lượn sênh tiền

Mười hai tố nữ đôi bên rõ ràng về trắc giáng bản đền

Khuông phù đệ tử thiên niên thọ trường

Tiệc Quan Hoàng Bảy

Ngày tiệc chính của Quan Hoàng Bảy là ngày 17/7 âm lịch. Vào ngày này và nhất là dịp tháng 7 âm lịch, ở đền Bảo Hà luôn tập nập du khách thập phương đến dâng hương để lễ Quan Hoàng Bảy Bảo Hà cầu tài cầu lộc.

Hầu giá Quan Hoàng Bảy

Quan Hoàng Bảy là vị thánh hoàng thường hay ngự về đồng nhất trong Thập vị Quan Hoàng, cũng bởi vì trong hàng Tứ Phủ Quan Hoàng Bảy được Mẫu giao chấm lính nhận đồng.

Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo lam hoặc tím chàm (thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, cưỡi ngựa đi chấm đồng.

Hầu giá Quan Hoàng Bảy

Đến giá Quan Bảy về ngự, nếu ông ném cây hèo vào người nào thì coi như ông đã chấm đồng người đó. Lúc ông giá ngự, thường dâng ông ba tuần trà tàu rồi mời thuốc lá nghe văn, ban tài phát lộc cho thanh đồng đệ tử rồi xe giá hồi cung.

Sự thật về tiếng oan Quan Hoàng Bảy ăn chơi

Ngay nay có nhiều người xin lô đề trong giá ông Hoàng Bảy, thậm chí đến đền Bảo Hà cúng lễ để xin số đề, hay dâng cả thuốc phiện đèn bàn trong lễ ông. Điều này là hoàn toàn sai trái, thế nhân hãy thanh tỉnh nhớ lấy lời dặn của Ông:

Chữ cương thường treo cao giá ngọc
Chữ công dung tứ đức khuyên di

Hay:

Ai mất chữ Tâm thời tội phải mang
Lưới trời ở khắp bốn phương
Hại nhân nhân hại khôn đường thoát thân

Mời bạn đọc xem thêm bài viết: Hãy trả lại sự linh thiêng cho Quan Hoàng Bảy Bảo Hà để hiểu rõ về vấn đề này.

 

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...