Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Đền Kỳ Cùng - Lạng Sơn

 Đền Kỳ Cùng Lạng Sơn

Đền Kỳ Cùng thờ ai : ông Cộc - ông Dài, hai vị thần sông gắn với truyền thuyết quan lớn Tuần Tranh. Đền có tiếng linh thiêng, nhiều lần được các triều vua Lê - Nguyễn ban sắc phong.


Lịch sử đền Kỳ Cùng Lạng Sơn

Theo tư liệu địa phương, ngôi đền này đã có từ rất lâu nhưng sử sách không ghi rõ năm xây dựng, chỉ biết ban đầu là một ngôi đền nhỏ dựng bằng đất lợp ngói, thờ thần Giao Long (vị thần sông nước) cai quản toàn vùng, phù hộ cho mưa thuận gió hòa.

- Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn chép về đền Kỳ Cùng như sau : ở bên tả sông Kỳ Cùng thuộc xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, có con giao long thành thần đào hang ở đây, đền rất thiêng, nhiều lần được phong tặng. Khi sứ bộ qua đây, trước sửa lễ cáo yết, sau mới sang đò.

Về sau, việc thờ thần Giao Long được thay bằng thờ quan Tuần Tranh, bởi trong tâm thức người dân xứ Lạng, sự tích đền Kỳ Cùng gắn với truyền thuyết rằng: quan Tuần Tranh là con vua Bát Hải Động đình, giáng trần dưới thời Hùng Định Vương. Ông được nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn, chỉ huy đánh giặc nhưng bị thua, quân lính thiệt mạng nhiều, ông lại bị vu cáo về tội dâm ô nên đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn để chứng minh trong sạch.

- Cảm thấu nỗi oan và tấm lòng của quan Tuần Tranh, thần linh đã hóa phép linh hồn ông thành hai vị thần là ông Cộc - ông Dài ngự tại Đền để cai quản sông nước. Nỗi oan của quan Tuần Tranh về sau cũng đã được tả đô đốc Thân Công Tài (vị tướng nhà Lê) hóa giải trong sạch.

- Tướng Thân Công Tài là một nhân vật lịch sử có công lao lớn với nhân dân Lạng Sơn nói riêng, và là một danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc ở thời nửa sau thế kỷ 17. Sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã lập Đền Tả Phủ để thờ tự, tưởng nhớ công ơn.

Đến năm 1993, di tích đền Kỳ Cùng ở Lạng Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.


Kiến trúc đền Kỳ Cùng Lạng Sơn

Trải qua các giai đoạn lịch sử, kiến trúc đền ngày nay là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, gồm 3 cửa vòm cuốn với 2 trụ gạch vuông, bên trên được đắp nổi các hoa văn, trên cùng là bộ tam khí gồm đỉnh và lọ hoa thờ hai bên.

- Mặt ngoài đền có kiến trúc gạch tháp chồng diêm mang tính chất gác chuông. Bên trong đền vẫn còn lưu giữ được các hoành phi, đại tự có niên đại từ thời Lê - Nguyễn cùng nhiều đồ thờ tự như: chuông, ngai, tán, lọng, đỉnh đồng và các pho tượng cổ có giá trị niên đại và mỹ thuật cao.

- Hiện nay, phía bên trái ban thờ quan lớn Tuần Tranh có thêm gian thờ Mẫu Phật Quan âm; phía trước là ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Ngoài ra, sân đền còn có bến đá, là 1 trong 8 cảnh đẹp của Lạng Sơn ghi trong “Trấn doanh bát cảnh”, được danh nhân Ngô Thì Sĩ gọi là Kỳ Cùng thạch độ.


Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

Đây là lễ hội lớn nhất Lạng Sơn, được tổ chức long trọng hằng năm để tri ân công đức với các bậc tiền nhân, vào tạo không khí tươi vui phấn khởi đầu xuân. Lễ hội diễn ra vào giờ Ngọ ngày 22 tháng Giêng, bắt đầu với lễ rước kiệu ông Tuần Tranh lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài ở Đền Tả Phủ. Đến giờ Ngọ ngày 27 tháng Giêng, nhân dân địa phương lại làm lễ tiễn biệt, rước kiệu ông Tuần Tranh trở lại đền Kỳ Cùng.

- Lễ rước kiệu diễn ra sôi động với cả đoàn người trang phục lộng lẫy cùng đủ loại cờ quạt, võng lọng... Phần hội còn có nhiều trò vui dân gian như: đốt đầu pháo, cờ người, kéo co, múa rồng, múa sư tử, hát sli, hát lượn... thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự.


* Địa chỉ đền Kỳ Cùng ở đâu : nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng và ở ngay đầu cầu Kỳ Lừa, thuộc phường Vĩnh Trại, gần ngay trung tâm thành phố Lạng Sơn.
Đền Kỳ Cùng - khuôn viên rợp bóng cây
Đền Kỳ Cùng - khuôn viên rợp bóng cây
Đền Kỳ Cùng - bến đá bên sông
Đền Kỳ Cùng - bến đá bên sông
Đền Kỳ Cùng - lễ hội thu hút đông người
Đền Kỳ Cùng - lễ hội thu hút đông người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôi đền, chùa tại Kiên Giang

  1- Thành phố Rạch Giá  Đình Thần Nguyễn Trung Trực 07 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Rạch Giá, Kiên Giang, Việt Nam Vân Long Tự Nguyễn Bỉnh...